Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2023 | 10:5

Hiệu quả của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”

Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi là một trong những phong trào thiết thực, ý nghĩa được các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) thực hiện thời gian qua. Từ phong trào này, nhiều CCB đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Lan tỏa toàn xã hội

Từ năm 2016 đến nay, trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là từ thiên tai, dịch bệnh, Thường trực Trung ương Hội CCB và Hội CCB các cấp đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, tuân thủ pháp luật; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “Cựu nhưng không cũ”, tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” vào nền nếp, phát triển hiệu quả, có sức lan tỏa sâu rộng toàn xã hội.

CCB huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) trao đổi về mô hình nuôi ong lấy mật.

Đến nay, toàn Hội có hơn 8.400 doanh nghiệp, hơn 1.680 HTX; hơn 3.700 tổ hợp tác; 184.400 trang trại-gia trại và hộ kinh doanh dịch vụ do CCB làm chủ, thu hút hơn 772.500 lao động. Toàn Hội xóa được hơn 6.500 hộ CCB nghèo; xóa được hơn 1.700 nhà dột nát. Các hoạt động tình nghĩa, nhân đạo xã hội được các cấp hội duy trì và thực hiện tốt; năm 2022 đã vận động và trao 143.000 suất quà (trị giá gần 48 tỷ đồng) tới hội viên CCB và gia đình chính sách; đã quyên góp, ủng hộ Quỹ Phòng, chống thiên tai bão lụt, Quỹ Vì người nghèo, chất độc da cam/dioxin, khuyến học... hơn 83 tỷ đồng...

63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Hội Doanh nhân CCB hay Câu lạc bộ Doanh nhân CCB. Mỗi năm, hàng chục nghìn hội viên đạt danh hiệu “Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.

Giúp nhau phát triển kinh tế

Hội CCB các cấp ở Lạng Sơn đã phối hợp với Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, Hội Nông dân các cấp, các cơ quan chuyên môn tổ chức gần 300 lớp tập huấn cho trên 7.500 lượt hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, kinh nghiệm canh tác các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Tiêu biểu là CCB Ma Văn Thó ở xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình. Ông Thó chia sẻ: Từ năm 2012 đến nay, nhờ trồng thông và chăn nuôi ngựa bạch, gia đình dần ổn định về kinh tế với mức thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Nhờ đó, tôi có điều kiện giúp 7 gia đình CCB vay vốn không tính lãi 5 - 10 triệu đồng/hộ để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn các hội viên khác về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cách phòng, chống dịch bệnh cho rừng thông, đàn ngựa…

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đạo (người bên trái) đầu tư 12 máy ấp nở trứng gia cầm.

Các mô hình kinh tế đã giúp tạo việc làm thường xuyên cho gần 22.000 lao động địa phương với mức thu nhập  5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Một số mô hình do CCB làm chủ có thu nhập cao như: HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong của hội viên Dương Hữu Chức (huyện Bắc Sơn) với doanh thu 10 tỷ đồng/năm; Công ty TNHH Tôn sắt Thi Yên của CCB Lê Văn Thi (huyện Hữu Lũng) với  doanh thu 18 tỷ đồng/năm… Trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ CCB nghèo bình quân giảm 2,37%/năm; có 103/200 cơ sở Hội (xã, phường, thị trấn) không còn hộ CCB nghèo.

CCB Nguyễn Tiến Dũng ở xã Xuân Áng (Hạ Hòa - Phú Thọ) đã đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, cải tạo vườn trồng cây ăn quả, đào ao thả cá và nuôi cá giống…, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Đến nay, ông Dũng nuôi nhiều loại cá trên diện tích 7 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), không chỉ rô phi đơn tính mà cả  trắm, chép, hằng năm cho thu hoạch trên 1 tấn cá thương phẩm. Ngoài ra, ông nuôi thêm ốc nhồi trên diện tích ao hiện có; trên vườn cây ăn quả rộng trên 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600 m2), ông tận dụng nuôi thêm 20 đàn ong lấy mật và hàng chục chuồng nuôi chim bồ câu pháp.

Trừ chi phí, gia đình ông Dũng thu lãi trên 100 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ông ngày càng được nâng lên. Hằng năm, ông được các cấp Hội CCB biểu dương khen thưởng. Mô hình vườn - ao kết hợp thâm canh của gia đình ông được nhiều hội viên CCB tới tham quan, học hỏi và nhân rộng… Ông sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp các gia đình CCB vượt qua khó khăn vươn lên thoát nghèo, từng bước có cuộc sống ổn định.

Còn với CCB Nguyễn Văn Đạo ở thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình), để có được doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất.

Ông Đạo cho biết: Sau khi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh tôi quyết định về quê tích tụ ruộng đất xây dựng gia trại với diện tích hơn 5.000m2, nuôi 8.000 con gà đẻ/năm, đồng thời đầu tư 12 máy ấp trứng gia cầm, xây dựng ao nuôi cá, nhà lưới để trồng các loại cây ăn quả theo hướng VietGAP; liên kết với nhiều bạn bè ở Tiền Hải, Kiến Xương để nuôi gia công cho gia đình. Để tỷ lệ gà đẻ đạt hơn 70%, tôi  đầu tư hệ thống chuồng nuôi khép kín, điều chỉnh nhiệt độ nuôi cho thích hợp từng mùa, sử dụng thêm chế phẩm vi sinh để tạo độ tơi xốp cho đệm lót sinh học, hạn chế mùi hôi ở chuồng nuôi, tạo môi trường phát triển tốt nhất cho đàn gà. 

Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể

Qua công tác tuyên truyền, tập huấn, đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của  hội viên CCB tỉnh Trà Vinh, tạo chuyển biến trong nhận thức về HTX kiểu mới đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ đó, phong trào phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong hội viên CCB ngày càng tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là trong cán bộ, hội viên CCB. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh đi vào hợp tác, HTX do hội viên CCB làm chủ. Đến nay, toàn tỉnh có 4.356 hội viên CCB tham gia vào 143 tổ hợp tác, HTX.

Vườn bưởi da xanh kết hợp cam xoàn, ổi của CCB Võ Văn Hồng.

Điển hình là CCB Võ Văn Hồng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất ở khóm 8 (phường 7, thành phố Trà Vinh) thành công từ mô hình trồng cây ăn trái; đồng thời vận động hội viên CCB, nông dân thành lập tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái.

Theo ông Hồng, ban đầu vận động hội viên CCB vào tổ hợp tác sản xuất, ông gặp không ít khó khăn. Để hội viên tin tưởng và hiểu mục đích, ý nghĩa việc tham gia tổ hợp tác, ông tiên phong làm trước bằng cách trồng thử 0,45ha bưởi da xanh vào năm 2016, bước đầu đem lại kết quả khả quan.

Từ thành công bước đầu, ông tiếp tục mua thêm đất để nhân rộng diện tích trồng bưởi. Đến nay, ông có 1,1ha bưởi da xanh kết hợp với cam xoàn, ổi Đài Loan đang cho thu hoạch, bưởi có giá 30.000 - 35.000 đồng/kg, cam xoàn 25.000 đồng/kg, tổng lợi nhuận từ đầu năm 2020 đến nay đạt 200 triệu đồng.

Điều đáng mừng là, hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh của ông Hồng được công nhận sản phẩm sạch đạt chuẩn an toàn, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhận thấy mô hình trồng cây ăn trái của ông Hồng hiệu quả, nhiều hội viên CCB và nông dân trong khóm tự nguyện tham gia thành lập tổ hợp tác sản xuất vào năm 2019 với 14 thành viên trồng bưởi xen cam, dừa, ổi với diện tích 12ha.

Đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu

Dù mới chỉ đi vào hoạt động hơn 3 năm, nhưng nhờ tổ chức kỹ càng, khoa học cũng như sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của hội viên, Câu lạc bộ (CCB) làm kinh tế huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã trở thành “mái nhà chung” để  CCB liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế. Đời sống của CCB trên địa bàn huyện cũng nhờ đó mà ngày một nâng cao, nhiều hội viên vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Đỗ Xuân Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp sạch Lâm Đồng cho biết, việc tham gia CLB giúp HTX có thêm nhiều đối tác liên kết sản xuất, kinh doanh. Tham gia CLB cũng giúp bản thân ông học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm từ hội viên khác; qua đó, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.

Tham gia CLB, nhiều hội viên CCB huyện không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.

Trong suốt thời gian tham gia CLB, ông Hưng luôn nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ hội viên CCB khó khăn về vật tư phân bón, cây giống cũng như tận tình hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, mô hình phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hàng hóa nông sản bị ngưng trệ, ông hỗ trợ thu mua hơn 120 tấn rau, củ, quả cho người dân và CCB có hoàn cảnh khó khăn.

Số nông sản này được ông gửi hỗ trợ người dân ở những vùng tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương… Sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, ông Hưng cùng các hội viên hỗ trợ nhau khôi phục sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra. “Tham gia CLB, tôi may mắn được học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các hội viên khác”, ông Hưng chia sẻ.

Với hơn 50 thành viên, tập trung ở thị trấn Liên Nghĩa và các xã Ninh Gia, N’Thol Hạ, Hiệp An, Hiệp Thạnh và Tà Năng, từ ngày đầu thành lập, CLB làm kinh tế huyện Đức Trọng trở thành cầu nối giúp các thành viên liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ nhiệm CLB, các thành viên của CLB làm kinh tế huyện đang làm chủ và quản lý 16 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2 HTX, 63 trang trại, gia trại và 70 hộ kinh doanh khác... với tổng doanh thu hơn 800 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 17 tỷ đồng. Ngoài ra, các thành viên của CLB cũng tích cực hỗ trợ việc làm cho CCB và con em CCB.

Trong năm 2022, ngoài nguồn lao động của gia đình, các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh còn giúp tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động là CCB và con em CCB với mức thu nhập  6 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Mặt khác, các thành viên CCB đã có những thành công nhất định trong sản xuất, kinh doanh, còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn, phân bón, vật tư, cây, con giống cho các hội viên khác. Nhờ đó, đời sống kinh tế của các thành viên CLB ngày một nâng cao, nhiều hội viên không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đơn cử như CCB Trần Hoàng Cung ở thị trấn Liên Nghĩa, ông Phạm Ngọc Tổng ở xã Hiệp An, bà Thân Thị Cửu ở xã Hiệp Thạnh...

Ông Đô cho biết thêm, CLB làm kinh tế huyện đã chủ động phối hợp với các cấp Hội CCB hỗ trợ hội viên CCB giảm nghèo, xóa nhà tạm và thường xuyên quan tâm, thăm hỏi lẫn nhau. Năm 2022, CLB  dành ra hơn 90 triệu đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cũng như thăm hỏi ốm đau, lễ, Tết. Nghĩa tình đồng đội qua đó mà ngày thêm gắn kết. Nhờ đó, CLB cũng ngày càng hoạt động hiệu quả và phát huy vai trò, ý nghĩa thiết thực của mình.

Liên kết phát triển kinh tế

HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú xã Hiệp An (Đức Trọng - Lâm Đồng) được thành lập với 17 thành viên là hội viên CCB, trong đó, hội viên CCB xã Hiệp An đông nhất. CCB Phạm Ngọc Tổng, Giám đốc HTX cho biết: “Phương thức hoạt động của HTX là dịch vụ trồng trọt, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch và các hoạt động có liên quan.

Dưa leo baby trồng trong nhà kính của một thành viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú.

Đặc biệt, về trồng trọt, các thành viên của HTX hoạt động theo chuỗi sản xuất, trong đó, người chuyên trồng su hào, người trồng dưa leo, người chuyên khoai lang..., tất cả đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chủ yếu là xuất bán cho các siêu thị... Trước khi quyết định thành lập HTX, chúng tôi đã đi tham quan một số mô hình HTX và thấy hoạt động có hiệu quả. Sau khi quyết định thành lập, chúng tôi vận động hội viên CCB có đất, chịu khó học hỏi và làm ăn cùng tham gia”.

HTX đi vào hoạt động đã giúp hội viên yên tâm về đầu ra của sản phẩm, từ đó mạnh dạn hơn trong việc đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng. CCB Nguyễn Đình Tuấn (phường 6, T.P Đà Lạt) cho biết: “Khi được vận động tham gia HTX, thấy ý tưởng của các thành viên sáng lập đưa ra hay nhưng nói thật, lúc đó, tôi vẫn còn khá băn khoăn. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định tham gia. Nhưng giờ tôi không hối hận khi tham gia HTX. Sản phẩm sau khi thu hoạch có đầu ra ổn định và giá bán cao hơn thị trường. Các hội viên không ngừng học hỏi để sản xuất được rau sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu”.

Còn CCB Bùi Thanh Hải, Phó giám đốc HTX, cho biết: Với tâm niệm “cởi áo lính phải biết làm kinh tế”, hầu hết chúng tôi đều hăng hái tham gia HTX. Tôi được giao phụ trách chung các hoạt động như ký hợp đồng, khảo sát thuê đất, tìm hiểu thị trường... Vào HTX, mỗi người được giao một mảng và ai cũng cố gắng làm hết sức mình vì lợi ích chung của HTX.

Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam Đỗ Công Mùi cho biết, phát huy truyền thống “bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế thời kỳ hội nhập, toàn Hội đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của CCB, đưa phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đạt được kết quả to lớn và thiết thực.

Hội định hướng cho hội viên phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình, gia trại, trang trại, làng nghề, nghề rừng, kinh tế biển, nuôi trồng thủy, hải sản, trồng cây phòng hộ ven biển kết hợp cung cấp nguyên liệu.

Hội CCB các địa phương đã thành lập các hợp tác xã, tổ, đội tàu thuyền do cựu chiến binh làm chủ đánh bắt xa bờ kết hợp bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo, bảo vệ môi trường, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Đối với các tỉnh miền núi, CCB ưu tiên đầu tư các dự án phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, chăm sóc bảo vệ rừng, trồng cây cao su, cà phê, hồ tiêu…

Nói về hiệu quả của HTX, CCB Phạm Ngọc Tổng cho biết: “Trung bình một năm HTX thu hoạch hơn 300 tấn cà chua; 700 tấn rau, củ, quả và các sản phẩm này đều nhập cho siêu thị. Ngoài ra, HTX còn sản xuất giống các loại cung cấp cho các hộ gia đình và hoa lay ơn phục vụ thị trường trong các dịp lễ, Tết. HTX tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 người, chủ yếu là con em CCB, với thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/người/tháng”.

Đánh giá về hoạt động của HTX, ông Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Hội CCB xã Hiệp An, nói: “Sau một thời gian đi vào hoạt động, HTX kiểu mới đã trở thành nền tảng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp, nông dân, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương. Mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh liên doanh, liên kết “4 nhà”, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, đặc biệt là con em của hội viên CCB và người vừa hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Có những HTX hoạt động như HTX Dịch vụ Nông nghiệp công nghệ cao Thương Phú sẽ giúp địa phương dần tiến tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, theo hướng hiện đại”.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top