Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 15:50

Làng nghề nông thôn trong xu thế toàn cầu (Bài 2): Điểm nghẽn và giải pháp

Làng nghề là bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, là nơi hiện hữu tinh hoa nghề thủ công của người dân, mang giá trị văn hóa cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là có thể phát triển du lịch làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển làng nghề tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, cần được kịp thời gỡ khó.

Khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ

Cả nước hiện có 2.790 làng nghề với 53 nhóm nghề. Việt Nam có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau, trong đó có nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, thậm chí cả nghìn năm.

Bài 1: Những cách làm mới

Những làng nghề tại nhiều địa phương không chỉ là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật mà còn tạo việc làm, thu nhập cho hàng vạn lao động ở khu vực nông thôn. Đây cũng là tiềm năng để khai thác, phát triển du lịch, nhất là du lịch làng nghề.

Làng nghề mây tre giang đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực để bảo tồn và phát triển làng nghề, song số làng nghề trong nước vẫn giảm và đối mặt với nhiều khó khăn, không ít nghề truyền thống đứng trước nguy bị cơ mai một.

Đơn cử, nghề mây tre đan ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ - Hà Nội) vốn có truyền thống từ hàng trăm năm nay và từng mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ dân địa phương, sản phẩm xuất sang nhiều nước.

Tuy vậy, làng nghề cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn nguyên liệu sản xuất. Trước đây, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, như: Mây, song dễ dàng mua từ các tỉnh miền núi phía Bắc, thì nay phải nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Indonesia… nên chi phí sản xuất bị đẩy lên cao và không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Còn tại Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) trước tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh, kinh tế - xã hội phát triển mạnh nên không ít người bỏ nghề dệt lụa chuyển sang các nghề khác với lợi nhuận cao hơn. Nếu như năm 2001, cả làng có 500 máy dệt thì đến nay chỉ còn 300 máy hoạt động, đã thế, những người giữ nghề chủ yếu thuộc lớp cao tuổi. Nếu tình trạng này kéo dài, thế hệ các nghệ nhân cao tuổi mai một, thì nghề truyền thống của quê hương sẽ khó bảo tồn...

Nằm bên hữu ngạn sông Chu, với những bãi bồi màu mỡ,  là điều kiện thuận lợi để người dân làng Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa - Thanh Hóa) phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu. Sản phẩm nhiễu Hồng Đô phát triển và trở thành thương hiệu nổi tiếng trong, ngoài tỉnh. Vào thời điểm phát triển nhất, làng nghề Hồng Đô có tới 300 khung dệt, 400 - 500 thợ dệt có tay nghề, sản phẩm xuất sang Lào, Trung Quốc và nhiều nước khác. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm không còn phát triển như xưa, số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo các chuyên gia, việc phát triển nghề và làng nghề còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững. Đi cùng với đó là quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, việc đầu tư và cải tiến, áp dụng công nghệ tiên tiến còn khó khăn. Chất lượng sản phẩm và trình độ thẩm mỹ chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp.

Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, trong đó, giao thông xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, hệ thống cấp thoát nước chưa đồng bộ. Mặt bằng sản xuất chật hẹp, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề có nhu cầu về mặt bằng để xây dựng nhà xưởng mở rộng sản xuất nhưng gặp khó. Đặc biệt là tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí và tiếng ồn.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, một mặt do các sản phẩm thủ công còn đơn điệu về mẫu mã, sản phẩm chưa có thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nên sức cạnh tranh kém, thiếu các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm. Phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm.

Môi trường ô nhiễm

Tại Hà Nội, địa phương có nhiều làng nghề nhất nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, có đến gần nửa số đó gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phần còn lại cũng không thoát khỏi ô nhiễm; đặc biệt, chỉ có số ít làng nghề không ô nhiễm.

Theo đó, nước thải, chất thải do các làng nghề tại các vùng quê gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai, ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi và sức khỏe người dân khá phổ biến.

Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như: thủ công mỹ nghệ; chế biến nông sản, thực phẩm; dệt, nhuộm; tái chế, gia công cơ kim khí…

Sản xuất cơ khí ở làng nghề Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức) là một trong những làng nghề làm miến, bánh kẹo lâu đời ở Hà Nội. Thế nhưng, dù những nghề này mang lại thu nhập cao nhưng người dân xã Dương Liễu và khu vực xung quanh đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề.

Là nơi các doanh nghiệp lựa chọn sản xuất bánh kẹo, nên tại đây, các hộ cũng tự sản xuất, sơ chế các nguyên liệu như bột sắn (một trong những nguyên liệu quan trọng để làm nên bánh, kẹo…) để cung cấp cho các nhà máy. Bột sắn làm bánh kẹo khác với bột sắn làm miến dong, bột là loại bột sắn được ngâm, lọc nhiều lần.

Tuy nhiên, trong quá trình sơ chế bột sắn, chất thải từ việc ngâm, lọc, nghiền bột đều chưa qua xử lý, được các hộ làm nghề xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung trong khu dân cư. Thậm chí, do quá tải, chất thải ứ đọng lâu ngày đã phân hủy, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân trong vùng.

Làng nghề chế tác đá mỹ nghệ huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) nằm tập trung tại 2 xã Vĩnh Thịnh và Minh Tân, với khoảng 130 cơ sở, hoạt động ngay sát Quốc lộ 217. Đây là làng nghề truyền thống về chế tác đá lớn nhất Thanh Hóa, được hình thành từ lâu.

Khi tới làng nghề, điều dễ dàng nhận thấy ở đây là nhà cửa, cây cối đều phủ một màu trắng nhờn nhợt từ bụi đá. Cả một đoạn đường dài khoảng 1km sát Quốc lộ 217, các xưởng chế tác đá tràn ngập hai bên đường. Những sản phẩm từ đá như các pho tượng, bảng biển, phù điêu… được bày tràn lan sát đường; những âm thanh chát chúa, hỗn tạp được phát ra từ máy xẻ đá, máy mài, cưa, xẻ, tiếng đục đẽo… huyên náo cả một vùng.

GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cho rằng,  đặc thù của làng nghề là phát triển tự phát, có cầu thì có cung và giá trị sản xuất của làng nghề đa số xuất phát từ thủ công và cho đến nay có thể kết hợp với một số hoạt động cơ khí nhỏ. Do đó, thiết bị và công nghệ của làng nghề phần lớn là cũ và lạc hậu. Trình độ của người dân làm việc tại các cơ sở sản xuất làng nghề không được đào tạo bài bản mà mang tính truyền miệng, truyền thống.

Điều này cũng dẫn đến hệ lụy là, các làng nghề trong thời gian gần đây phát triển không có quy hoạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ kỹ thuật không được đào tạo bài bản. Do đó, tác động xấu đến môi trường. Ô nhiễm môi trường không khí do các loại khí không được xử lý. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải sinh ra không được xử lý mà xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Ô nhiễm chất thải rắn chất đầy hai bên đường các làng nghề, tạo nên các nguồn chất ô nhiễm rất lớn. Việc này không chỉ ô nhiễm trong khu vực làng nghề mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận và dẫn đến những xung đột môi trường giữa các nơi.

Cần có quy hoạch phù hợp

Xu thế đô thị hóa đã làm biến mất nhiều làng nghề truyền thống, một số làng nghề bị mai một. Do vậy, việc ưu tiên cần làm hiện nay của các cơ quan chức năng là, rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển ngành nghề; bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, phát triển nghề mới; đào tạo nguồn nhân lực làng nghề.

Theo GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, sự phát triển của làng nghề nếu không được quy hoạch, không được quan tâm một cách đầy đủ để có thể phát triển bền vững thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường. Do đó, cần thiết chúng ta phải có  quy hoạch, phải có biện pháp bảo vệ môi trường nhằm phát triển làng nghề một cách bền vững; đồng thời phải lựa chọn loại hình nào phù hợp với quy mô làng nghề để đưa vào quy hoạch phát triển.

Dưới cái nhìn của người dân sản xuất, anh Bùi Văn Thông - Chủ cơ sở gỗ mỹ nghệ Văn Lang ở xã Tam An (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), cho rằng, Nhà nước cần có chính sách thu hút thế hệ trẻ gắn với nghề truyền thống, đặc biệt có giải pháp giải quyết nguồn nguyên liệu cho người sản xuất gỗ mỹ nghệ, bởi hiện nay, nguồn gỗ trên địa bàn tỉnh rất khan hiếm. Cùng với đó, có giải pháp giải quyết đầu ra cho các cơ sở sản xuất, có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, cơ sở được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển làng nghề…

Đồng quan điểm, anh Dương Ngọc Truyền, Trưởng làng nghề đúc đồng truyền thống Phước Kiều, ở xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), đề nghị, chính quyền địa phương cần quan tâm đầu tư xây dựng nhà trưng bày cho làng để giới thiệu sản phẩm của làng nghề; nâng cấp hệ thống đường giao thông để tạo điều kiện cho người dân làng nghề vận chuyển nguyên liệu về sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ thuận lợi; có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân làng nghề hoàn cảnh khó khăn có điều kiện sản xuất để bảo tồn và phát triển làng nghề; thu hút con em làng nghề tiếp tục gắn bó với nghề, bởi hiện nay thu nhập từ làng nghề khá thấp nên lao động làng nghề sau khi học xong văn hóa đều có xu hướng đi làm tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh...

Bên cạnh đó, với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, một số chuyên gia cho rằng, cần tìm nguyên liệu thay thế để không làm gián đoạn quá trình sản xuất.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung, Hội trưởng Hội Doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cho rằng, cần phải tìm các nguyên liệu khác để thay thế, trong đó có một số nguyên liệu mới được khai thác, chế biến như: thân cây đu đủ già, sơ mướp loại to, già quả, sơ cây chuối… Các nghệ nhân giỏi làng nghề đang nghiên cứu, sáng tạo các mẫu mã sản phẩm đa dạng từ những nguyên liệu có sẵn trên, đây là giải pháp hữu hiệu để xử lý bài toán thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất. 

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu cải tạo giống tre và áp dụng các phương pháp trồng, chế biến theo công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, quy hoạch hiệu quả các vùng trồng, liên kết vùng nguyên liệu với các làng nghề và thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Không thể phủ nhận những lợi ích kinh tế mà các làng nghề đã và đang đem lại, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập, đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, để phát triển làng nghề một cách bền vừng, thì cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bên, từ người dân đến chính quyền. 

Đối với người dân, cần tránh sản xuất theo xu hướng thương mại hóa, việc chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống bị suy giảm, thương hiệu của làng nghề bị phai mờ. Có như vậy, sản phẩm tạo ra mới có sức cạnh tranh trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Nhà nước cần có chủ trương, khuyến khích, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại các làng nghề.

Điển hình như làng nghề Vạn Phúc có 200 hộ làm nghề dệt lụa. Trước đây, các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay, hầu hết đã cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, cho biết, một số hộ ở Vạn Phúc đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. Nhờ thế, đến nay, làng Vạn Phúc có khoảng 245 máy dệt, sản xuất được tất cả sản phẩm lụa.

Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã giải quyết bài toán về môi trường tại các địa phương. Đơn cử, như làng nghề tăm Quảng Nguyên (Ứng Hòa – Hà Nội) sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu, đó là “Lò sấy nguyên liệu công nghệ cao bằng hơi nước”. Ước tính, công nghệ lò sấy hơi nước giúp tăng hiệu quả kinh tế khoảng 4 triệu đồng/mẻ so với lò sấy thủ công. Bên cạnh đó, tăm hương được sấy trong lò hơi nước có hình thức đẹp hơn, chất lượng tốt hơn những sản phẩm tăm hương sấy trong lò đốt. Công nghệ này được đưa vào áp dụng giúp giảm tiêu thụ nguyên liệu đốt lò, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cần cơ chế vay vốn

Từ thực tế trên có thể thấy, việc ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ vào gần trọn quy trình, hoặc một số công đoạn sản xuất mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay của các làng nghề là nguồn vốn đầu tư?

Chẳng hạn như, để chuyển từ lò nung truyền thống sang lò ga, các hộ sản xuất gốm ở Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội) cần đầu tư khoảng 800 triệu đồng/lò. Ðây là chi phí mà không phải hộ nào cũng đáp ứng được, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ.

Theo bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi, các làng nghề Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời kỳ nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Theo đó, sản phẩm ngày càng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các nước trong khu vực, chi phí sản xuất đầu vào ngày càng cao. Việc thay đổi liên tục về thiết kế mẫu mã hàng hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế rất khó khăn về mở rộng mặt bằng sản xuất để có cơ hội ứng dụng khoa học - công nghệ và thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất...

Do đó, bà Vinh kiến nghị, cần xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ cho cơ sở sản xuất nông thôn, làng nghề khắc phục các khó khăn như: Vốn, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thiết kế... Đặc biệt, nhanh chóng quy hoạch nhiều cụm công nghiệp làng nghề; cho phép được thuê mặt bằng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ sản xuất để các cơ sở sản xuất có cơ hội thuận lợi mở rộng quy mô sản xuất.

Để các làng nghề có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, có cơ chế giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn cho làng nghề phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, có cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung. Có như vậy, làng nghề mới phát triển bền vững và nhanh chóng hội nhập.

Phấn đấu 100% cơ sở sản xuất của làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022) phấn đấu 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.

Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 6 tỷ USD. 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện: Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát huy làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top