Mô hình trồng dừa lùn Bến Tre trên đất nhiễm mặn ở Cà Mau của ông Lê Quang Dễ đang giúp gia đình có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Câu chuyện trồng dừa làm kinh tế của ông Lê Quang Dễ, ở xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đang chứng tỏ thành công mô hình thử nghiệm trồng giống dừa trên đất phèn mặn Cà Mau. Từ mong muốn cải tạo vườn tạp để tăng thêm nguồn nhập, đến nay, mỗi năm mô hình trồng dừa giúp gia đình ông Dễ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
Vườn dừa của gia đình ông Lê Quang Dễ (ông Năm Dễ, ở ấp Ông Tự, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời) đang là của hiếm ở địa phương. Vùng đất chuyên nuôi tôm này không phải không trồng được dừa, nhưng do đất nhiễm mặn, năng suất không cao nên người dân thường chỉ trồng vài cây dừa bản địa cao nhòng để lấy nước uống. Cũng chính vì vậy mà vườn dừa hơn 500 gốc thấp lè tè nhưng trĩu trái của gia đình ông Năm Dễ là sự khác biệt.
Ông Lê Quang Dễ 5 năm trước mang giống dừa ta lùn từ Bến Tre về trồng
Kết quả hiện tại đến từ việc dám nghĩ dám làm của ông Dễ vào 5 năm trước. Khi đó, ông Dễ đã gần 70 tuổi nhưng vẫn muốn tìm 1 mô hình để phát triển kinh tế gia đình. Ông tìm hiểu và biết đến giống dừa ta lùn Bến Tre dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nên đã đến tỉnh bạn để tìm hiểu mô hình. Sau đó, về thuê cơ giới cải tạo vườn tạp quanh nhà và một phần vuông tôm của gia đình chuyển qua trồng dừa.
“Để tiến hành trồng dừa tôi biết trước những khó khăn, khi khu vực này trước đây do chuyển dịch nuôi tôm nên đất nhiễm mặn nặng. Tôi phải thuê sáng vào kê liếp cao, khắc phục bờ vùng để giữ nước ngọt. Dừa giống tôi chọn từ Bến Tre nguyên từ trái dừa khô từ trên đó về ươm lấy giống, không mua dừa trôi nổi”, ông Năm Dễ chia sẻ.
Nếu như các giống dừa truyền thống ở địa phương trồng khoảng 5 năm mới cho trái, giống dừa lùn của ông Năm Dễ mang về trồng chỉ khoảng 2,5 năm đã cho thu hoạch. Đặc biệt, giống dừa này phát triển rất tốt ở vùng đất nhiễm mặn phèn ở địa phương. Năm 2022 là năm thứ 2 thu hoạch, ông Năm ước thu được hơn 200 triệu đồng. Còn hiện nay, mỗi tháng gia đình ông có nguồn thu trên dưới 20 triệu đồng từ bán dừa tươi.
Với bản tính ham lao động, ông Năm Dễ còn gây giống dừa mang ra bờ vuông tôm của gia đình trồng để lấy cổ hũ bán, tăng thu nhập. Nhất là khi chính quyền địa phương phát động bà con cải tạo vườn tạp, bờ vuông trồng cây ăn trái.
“Trồng dừa trên bờ vuông năng suất trái không cao nhưng tôi trồng dừa ở đó để bán cổ hũ. Mỗi cổ hũ dừa có giá từ 120.000 – 250.000 đồng. Mỗi năm gia đình đều trồng xen thêm, ban đầu trồng 2 mét 1 cây, nhưng sau đó xen thêm cây dừa giống ở giữa. Đến khi dừa cho lấy cổ hũ, dừa giống cũng đã phát triển nên có cổ hũ thu thường xuyên”, ông Năm Dễ cho biết kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Minh Dững, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lợi An cho biết, ngày trước khi chưa chuyển đổi nuôi tôm, dừa là một trong những cây trồng phổ biến ở địa phương. Đến nay, một phần do đất nhiễm mặn, một phần các giống dừa truyền thống bị thoái hóa cho năng suất kém nên ít người trồng. Tuy nhiên, mô hình trồng dừa của chú Lê Quang Dễ đã chứng minh được hiệu quả. Qua đánh giá, đây là mô hình phù hợp và dễ nhân rộng ở địa phương.
“Chú Năm đã tận dụng được đất vườn tạp của gia đình để phát triển trồng dừa. Mấy năm qua, mô hình trồng dừa của gia đình chú Năm phát triển khá bền vững. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền mô hình này cho bà con, cải tạo vườn tạp của gia đình, phát triển trồng dừa để tăng thu nhập”, ông Dững nêu định hướng.
Mô hình trồng dừa ta lùn Bến Tre của ông Lê Quang Dễ đang giúp gia đình có nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ngoài nguồn thu từ bán dừa tươi, ông Năm Dễ còn cung cấp dừa giống cho người dân có nhu cầu. Trồng dừa vừa dễ thực hiện lại ít công chăm sóc nên đã có những hộ gia đình ở địa phương học hỏi phát triển mô hình.
Theo VOV.VN
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.