Bưởi trụ Đại Bình là loại bưởi quý của người dân tổ dân phố Đại Bình (hay còn gọi là làng trái cây Đại Bình, thị trấn Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam).
Bưởi trụ thuộc dòng bưởi vỏ dày, bên ngoài có một lớp lông mịn chỉ khi sờ tay mới cảm nhận được, bên trong có nhiều múi nhỏ, ăn có vị ngọt thanh, người địa phương thường gọi tắt là trái “trụ”.
Giai thoại về trái bưởi trụ độc đáo
Với địa hình một mặt tựa núi, một mặt hướng ra sông Thu Bồn, làng trái cây Đại Bình như bán đảo nhỏ nằm giữa lòng sông. Từ lâu, làng Đại Bình đã được ví như “Nam Bộ thu nhỏ”, “vựa trái cây Nam Bộ” ở miền Trung trong lòng xứ Quảng. Đại Bình được bồi đắp phù sa từ sông Thu Bồn nên đất đai màu mỡ, trồng được nhiều giống cây ăn quả, tạo thành vùng cây xanh trù phú, trong đó bưởi trụ được coi là cây trồng chủ lực ở đây.
Chia sẻ từ các vị cao niên về tên gọi bưởi trụ thì chữ “trụ” nói về hình dáng của quả bưởi, khi quả chưa chín có một lớp lông mịn, có thể nhìn thấy và khi sờ vào thì cảm nhận rất rõ. Lớp lông rất dày, mịn ở những quả bưởi còn non. Khi trái bưởi chín, múi bưởi có vị ngọt thanh lạ lùng, khác với một số loại bưởi của những vùng trái cây khác. Chính những điều này đã tạo nên sự khác biệt của bưởi trụ Đại Bình.
Theo chia sẻ của người dân, trước năm 1945, làng Đại Bình có ba người rất giàu, người làng hay gọi là ông Huỳnh Châu, ông Kha và ông Thủ Bảy. Một lần, ba người này rủ nhau vào miền Nam thăm thú cảnh lạ theo đường thủy. Mỗi ông mang vài loại cây trái là sầu riêng, khóm, măng cụt, măng Sài Gòn và bưởi về trồng trong vườn nhà mình. Nguồn gốc các loại cây trái Nam Bộ ở Đại Bình có từ đây.
Vì khí hậu ở Đại Bình khá tương đồng với miền Nam, cộng thêm một số khu vực có đất đai màu mỡ nên các loại cây trái mà ba vị kia mang về đều sinh trưởng, phát triển tốt. Trong đó, cây bưởi trụ là đặc biệt, muốn nhân giống, phải chiết cành từ cây gốc chứ không thể dùng hạt. Cây được ươm từ hạt, người làng Đại Bình gọi là trụ hạt, trái trụ hạt rất đắng, không ăn được. Chính vì vậy, nên khi xưa bưởi trụ là loại trái cây khá xa xỉ. Nhiều người dân trong làng sau đó cũng xin chiết cành trụ về trồng, nhưng trồng cũng không ra trái ngay, vì đất làng ngày đó còn nhiều chỗ kém phù sa. Sau trận lũ lụt năm Giáp Thìn 1964, một lượng phù sa lớn đọng lại ở làng. Từ đó, các loại cây trái ở Đại Bình phát triển tốt hơn và bưởi trụ cũng vậy.
Trước đây, người làng Đại Bình trồng bưởi trụ như các loại cây khác, với mục đích để gia đình dùng, có bán cũng không được giá. Từ năm 2013 trở đi, nhiều loại trái cây có giá hơn, nhất là bưởi trụ. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, người dân Đại Bình cải tạo vườn trồng thêm bưởi trụ.
Gia đình bà Trần Thị Kim Thủy có 5.000m2 đất vườn. Trước đây, khu vườn nhà bà trồng đủ các loại cây trái. Nhưng sau cơn bão Chanchu năm 2006, nhiều loại cây bị đổ chết, chỉ còn lại bưởi trụ. Bà quyết định trồng thêm bưởi trụ vào vị trí của những cây đã chết. Đến nay, khu vườn có hơn 50 gốc trụ. Trong đó, có khoảng 30 cây cho trái ổn định, cho thu hoạch khoảng 100kg/cây/năm. Với giá bán như hiện nay, bà thu được hơn 100 triệu đồng/năm.
Thế nhưng, thời gian gần đây, vì nguồn lợi từ việc trồng bưởi trụ cao nên một số người bất chấp quy luật thụ phấn chéo của các loài cây cùng dòng mà tận dụng nguồn đất hạn hẹp để trồng xen canh bưởi trụ vào chung với các loại bưởi da xanh, cam, quýt,… Đây là lý do bưởi trụ Đại Bình có trái không đạt chất lượng.
Trước thực trạng này, Hợp tác xã Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân trồng chuyên canh giống bưởi trụ.
Hướng tới sản phẩm trái cây đặc thù
Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Tổ trưởng tổ dân phố Đại Bình, cho biết, làng trái cây Đại Bình hiện có hơn 280 hộ trồng cây ăn quả với tổng diện tích hơn 40ha, trong đó có khoảng 20ha bưởi trụ. Đặc biệt, nông dân Đại Bình trồng cây ăn quả không sử dụng các loại hóa chất, cộng với phù sa sông Thu Bồn bồi đắp nên hương vị trái cây ở đây thơm, ngon, ngọt, không nơi nào có được. Nhờ đó mà bưởi trụ trở thành “đặc sản” làm quà không thể thiếu của du khách thập phương khi đến tham quan, du lịch.
Làng trái cây Đại Bình hiện có khoảng 20ha bưởi trụ.
Năm 2018, cây bưởi trụ Đại Bình được UBND tỉnh Quảng Nam đưa vào phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, từ đó phát triển chuỗi giá trị gắn với liên doanh liên kết, phát triển sản phẩm tập trung, quy mô lớn theo hướng hàng hóa, tạo đầu ra cho sản phẩm.
Theo kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2018, cùng với tổng cộng 35 sản phẩm của 33 chủ thể tham gia thí điểm phát triển sản phẩm, bưởi trụ Đại Bình được công nhận sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đây là tin vui cho người dân trồng bưởi trụ ở Đại Bình.
Bưởi trụ Đại Bình là sản vật của đất Quảng Nam, sản phẩm hoàn toàn sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chính vì vậy, bưởi trụ Đại Bình là lựa chọn của nhiều du khách. Hiện nay, thị trường TP.Đà Nẵng, TP.Hội An, TP.Tam Kỳ và các vùng lân cận rất ưa chuộng bưởi trụ Đại Bình. Việc trồng bưởi trụ qua đó cũng giúp nhiều hộ dân làng Đại Bình có thu nhập cao hơn, cũng như tạo tiềm lực phát triển kinh tế của địa phương, hướng tới thương hiệu trái cây có thể thâm nhập vào thị trường xuất khẩu trong thời gian không xa.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.