Sản lượng măng thương phẩm bình quân đạt hơn 30.000 tấn/vụ và với giá bán như hiện tại, năm nay nguồn thu từ măng Bát Độ của Yên Bái dự kiến đạt khoảng 200 tỷ đồng.
Cây măng tre Bát Độ nhiều năm nay đã trở thành 1 trong trong những cây trồng chủ lực ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho thu nhập cao. Toàn huyện hiện có gần 4.000 ha, mỗi vụ cho sản lượng bình quân hơn 30.000 tấn. Năm nay, măng Bát độ được mùa, được giá nên người trồng măng rất phấn khởi.
Ông Hà Văn Liên, thôn Đồng Cát là một trong những hộ trồng cây tre măng Bát độ đầu tiên ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Hiện gia đình đã có 15 ha đang cho thu hoạch và 5 ha vừa trồng mới. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Liên thu hoạch được trên 100 tấn măng tươi. Với giá măng từ 5.500 - 6.500 đồng/kg, vụ măng năm nay dự kiến gia đình ông Liên sẽ có thu nhập khoảng 600 triệu đồng. “Hiện nay cây măng là cây chủ lực nhất, bởi vì nếu so với cây quế, măng sẽ cho thu hoạch sớm hơn. Cây quế có thời gian chăm sóc quá lâu nên gia đình tập trung chủ yếu là trồng măng”, ông Liên phấn khởi nói.
Chính quyền các địa phương và nhiều người trồng măng Bát Độ cho biết, nhờ bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu chăm sóc măng; cộng với điều kiện thời tiết vào mùa măng năm nay thuận lợi khi độ ẩm đất cao, nên măng năm nay được mùa. Giá măng cũng cao và khá ổn định, nên càng giúp người dân có thêm động lực gắn bó với cây trồng này.
Ông Hoàng Văn Quý - hộ trồng măng ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên cho biết, giá măng bán đổ xô hiện tại từ 6.000 – 6.500 đồng/kg nên người trồng măng có lãi, thu nhập bà con ổn định.
Huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái hiện có gần 4.000 ha măng tre Bát Độ, trong đó có hơn 3.300 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Kiên Thành, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh, Hưng Thịnh… Sản lượng măng thương phẩm bình quân hơn 30.000 tấn/vụ. Với giá bán như hiện tại, năm nay, nguồn thu dự kiến đạt khoảng 200 tỷ đồng.
“Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các HTX với chu kỳ từ 20 - 30 năm có sự bảo trợ của các cấp chính quyền; các HTX lại ký hợp đồng đầu tư phân bó, vật tư, giống và các chi phí khác với người dân và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá sàn tối thiểu. Thông thường vào vụ măng, giá thu mua thực tế vẫn cao hơn giá sàn tương tối nhiều. Qua hình thức hợp tác này, người dân luôn yên tâm khi có sản phẩm là có thị trường tiêu thụ với giá ổn định”, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc công ty cho hay.
Được biết, trước và sau mỗi vụ khai thác, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đều có hướng dẫn, tư vấn để nông dân thu hoạch sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến vụ sau. Cùng với đó, chính quyền yêu cầu các DN, HTX trên địa bàn bố trí lịch thu mua phù hợp, để măng không bị quá lứa và không xảy ra tình trạng đầu cơ tăng giá, ép giá… để tạo thị trường ổn định.
Một trong những sản phẩm OCOP được chế biến từ măng tre
Ông Hoàng Ngọc Chấn, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, được sự quan tâm của các cấp từ tỉnh đến huyện, chính quyền địa phương tiếp tục phối kết hợp tìm cách kết nối với công ty để liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm măng. “Những năm gần đây, trên địa bàn xã Kiên Thành đang thực hiện Nghị quyết 69 về việc liên kết chuỗi đối với sản phẩm măng tre Bát độ. Xã đã và đang cùng với các HTX, DN tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm măng tre Bát độ”, ông Chấn thông tin.
Cùng với quế và dâu tằm, cây măng tre Bát Độ nhiều năm nay đã trở thành cây trồng chủ lực ở Trấn Yên. Nỗ lực của người dân, cùng sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất theo chuỗi như hiện nay, chắc chắn sẽ giúp cho ngành sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành sản xuất tre măng Bát Độ nói riêng ở Trấn Yên và Yên Bái ngày càng phát triển, giúp đời sống của người dân ngày càng thêm khởi sắc.
Theo VOV.VN
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.