Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 2 tháng 1 năm 2024 | 12:1

Mạo danh, bán giống cây trồng giả qua mạng: Nhiều nông dân thành nạn nhân

Xu hướng kinh doanh trực tuyến giống cây là tất yếu song cũng có nhiều hệ lụy từ tình trạng tổ chức, cá nhân quảng cáo sai lệch trên mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok…

Bán giống cây trồng online, nhiều hệ lụy

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sau khi Luật Trồng trọt ra đời, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, nhưng điều này cũng làm phát sinh nhiều vấn đề.

Còn theo ông Trần Xuân Định (Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam), thực tế cho thấy, những năm qua, số lượng giống mới được công nhận và lưu hành còn quá ít. Bên cạnh đó, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng có nhiều hệ lụy. Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội: Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới.

Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. (Ảnh: N.D).

Các giống lúa bán chạy, được nông dân ưa chuộng như: ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới... trở thành nạn nhân.

Những hạn chế của ngành giống cây trồng nông nghiệp Việt Nam trên là do hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống là giống rau, hoa.

“Hiện, chúng ta phải nhập khoảng 90% hạt giống loại này với giá trị vài chục triệu USD, mặc dù, chúng ta có những vùng khí hậu (vùng núi cao phía Bắc, Đà Lạt) có thể sản xuất được hạt giống các loại rau cận ôn đới. Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà; các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn…

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít. Tình trạng giống kém chất lượng vẫn được sản xuất, lưu thông và sử dụng gây thiệt hại cho nông dân, đồng thời có nguy cơ bóp méo thị trường, cạnh tranh không lành mạnh, nhất là với giống cây ăn quả và cây công nghiệp...”, ông Trần Xuân Định thông tin thêm.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Ông Trần Xuân Định, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam đề nghị sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với hàng loạt tên giống rau, hoa... của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất. Cùng với đó, cần bổ sung quy định và quản lý bán giống cây trồng, hạt giống cây trồng qua mạng, có chế tài xử lý mạnh để răn đe, tránh thiệt hại cho nông dân...

Để ngành giống cây trồng Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, ông Dương Quang Sáu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) cho rằng: Cần giảm tiêu chí năng suất, nâng cao tiêu chí về chất lượng, kháng sâu bệnh; đồng thời, nâng cao điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; nên định lượng, đưa những tiêu chí chất lượng hơn để làm sao đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có đủ nhân lực, điều kiện, bảo đảm trách nhiệm với xã hội, cạnh tranh công bằng đối với những đơn vị khác.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đánh giá, Luật Trồng trọt có nhiều điểm sáng nhưng cũng có nhiều điểm cần điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, các đơn vị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về khảo kiểm nghiệm giống; nghiên cứu rút gọn thủ tục việc tự công bố, các đơn vị chỉ cần công bố lên cổng thông tin điện tử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình. Cục Trồng trọt làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp nào không theo những gì công bố thì phải chịu xử phạt.

Chống hàng giả hàng nhái trên mạng cần kết hợp nhiều giải pháp công nghệ

Cho biết về thực trạng những hoạt động vi phạm trên loại hình TMĐT, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ ra, TMĐT hiện là môi trường hoạt động chủ yếu không chỉ của người bán, người mua mà cả với lực lượng chức năng. Với xu thế này, hàng giả hàng nhái kinh doanh qua TMĐT đang dần trở nên phổ biến và đây sẽ là mặt trận đấu tranh chủ yếu của lực lượng QLTT trong thời gian tới. Tuy nhiên, để công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm hiệu quả, các lực lượng chức năng cần có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp, không thể “tay không bắt giặc”.

“Nếu không có những chế tài phù hợp, TMĐT sẽ trở thành nơi tàng trữ, phân phối, buôn bán hàng giả, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của DN, giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng như cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Nhìn nhận những bất cập của TMĐT thời gian qua, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, TMĐT đang phát triển mạnh mẽ, song rất nhiều người tiêu dùng gặp trở ngại khi mua sắm online. Đó là việc chất lượng hàng hóa kém hơn so với quảng cáo; giá cả thường cao hơn so với việc mua bán trực tiếp; chi phí vận chuyển cao; đặt hàng rắc rối; lo ngại thông tin cá nhân bị tiết lộ; dịch vụ chăm sóc khách hàng kém...

"Trở ngại lớn nhất của người tiêu dùng trong mua sắm online đó là chất lượng hàng hóa. Nhiều khi đặt hàng xong, hàng nhận về khác xa so với hình ảnh quảng cáo", ông Lê Đức Anh chỉ rõ và cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong TMĐT để phòng chống hàng giả.

Trong những năm qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và Chính sách phát triển TMĐT và kinh tế số. Trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và DN.

"Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong TMĐT, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử...", ông Lê Đức Anh thông tin và kỳ vọng, Hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng.

Truy vết hàng hóa - định danh người bán hàng

Đề cập đến các giải pháp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên TMĐT, bà Đỗ Thị Xuân Hương, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều giải pháp chống hàng giả, như dán tem chống hàng giả; công nghệ nhận diện bằng hình ảnh; truy vết hàng hóa; định danh người bán hàng. Trong đó dán tem chống hàng giả là giải pháp truyền thống phổ biến.

Tuy nhiên, TMĐT là kênh phân phối hàng hóa ngày càng phát triển, là môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh hàng giả hàng nhái. Vì vậy cần có giải pháp truy vết hàng hóa, định danh người bán hiệu quả, tuy nhiên cần đảm bảo tính chính xác, “chống làm giả các công nghệ làm giả”; tính tiện lợi; tính hiệu quả về chi phí.

“Chính phủ cần ban hành các quy định tiêu chuẩn về truy vết hàng hóa, định danh người bán trên TMĐT; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai giải pháp. Người tiêu dùng cần điều chỉnh thói quen mua sắm, nâng cao ý thức cảnh giác, thận trọng, kiểm tra kỹ thông tin về sản phẩm và người bán. Đối với bên kinh doanh vận chuyển, đảm bảo hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm sau khi đóng gói phải sử dụng tem chống giả và phải định danh được người bán. Hàng hóa khi tham gia lưu thông phải đính kèm hóa đơn điện tử nhằm chống gian lận và thất thu thuế”, bà Đỗ Thị Xuân Hương đề xuất.

Theo các chuyên gia, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả sẽ rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VOV, hanoimoi...)
Ý kiến bạn đọc
Top