Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 3 tháng 2 năm 2024 | 13:31

Một buổi với chủ trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh Lào Cai

Trong một ngày giáp Xuân Giáp Thìn - 2024, sau nhiều lần hẹn, tôi có được một buổi gặp chủ trang trại chăn nuôi lớn nhất tỉnh Lào Cai.

Sở hữu trong tay những trang trại lợn lớn nhất tỉnh Lào Cai với quy mô khoảng 1 vạn con lợn, ông Lê Mạnh Quý ở xã Sơn Hà (Bảo Thắng) không ngại ngần chia sẻ bí quyết giúp cơ sở chăn nuôi không ngừng lớn mạnh và luôn vững vàng ngay cả khi đại dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi cả nước lao đao.

Đối đầu với dịch bệnh

Trước khi nuôi lợn, ông Lê Mạnh Quý đã thành công phát triển trang trại gà quy mô lớn. Những ngày đầu làm trại nuôi gà siêu trứng gần 2.000 con trong khu chuồng hở, dần dần thay đổi sang nuôi chuồng kín, rồi đầu tư liên kết với các hộ dân. Ông Quý bỏ tiền làm chuồng, cung cấp giống, cám cho hơn 50 hộ dân trong xã (2-4 chuồng/hộ). Sau đó ông thu mua lại gà thịt, quy mô lên đến mấy trăm nghìn con.

Cũng từ đó, HTX Quý Hiền được thành lập, đến nay, nhiều hộ gia đình từ tay trắng đã gây dựng được cơ nghiệp, phát triển kinh tế, trở thành những trang trại nuôi gà lớn, góp phần hình thành vùng chăn nuôi gia cầm của địa phương.

Tuy nhiên, có được thành công ấy cũng trải qua không ít khó khăn như dịch cúm gia cầm năm 2003, cơ sở của ông Quý phải tiêu huỷ mấy nghìn con gà/ngày, thiệt hại hàng tỷ đồng. Dù vậy, các cơ sở chăn nuôi gà vẫn không ngừng lớn mạnh, thành công nhất là những năm 2008 - 2010, mỗi tháng xuất ra thị trường hơn 100 tấn gà thịt, doanh thu khoảng 80-100 tỷ đồng/năm.

Ông Quý cho biết, dù chăn nuôi gà vẫn có lợi nhuận, thị trường tiêu thụ ổn định nhưng quy mô đã phát triển đủ tầm. Nếu phát triển tiếp, thị trường sẽ bão hoà, giá có thể tụt xuống, ví dụ như gà hiện đang bán 38.000 - 40.000 đồng/kg xuống còn 33.000 - 35.000 đồng/kg hoặc thấp hơn. Vì thế, ông quyết định dừng chăn nuôi gà, chuyển sang nuôi lợn.

Cơ ngơi của ông chủ có trang trại lớn nhất tỉnh Lào Cai.

Năm 2017, trang trại nhà ông Quý bắt đầu có lợn con và nâng đàn dần từ 300 lợn nái lên đến 800 lợn nái, nuôi theo chuỗi khép kín: Tự làm giống bố mẹ, nhân giống lợn con, tự cung tự cấp cám theo nhu cầu sử dụng, đầu tư cơ sở giết mổ ở các địa phương khác...

Ông khẳng định: “Chăn nuôi phải đối diện với dịch bệnh, càng chăn nuôi lớn áp lực dịch càng nhiều. Nhà tôi cũng đã xảy ra dịch vài lần nhưng cố gắng quan tâm tốt nhất từng ô lợn, phát hiện càng sớm càng tốt, khống chế để nó không lây lan. Gần đây, nhất là năm 2022, trang trại nhà tôi bị dịch tả lợn châu Phi. Nhưng vừa chạm dịch, tôi đã khoanh vùng xử lý luôn khu vực đó: Dần thanh lý lợn nái, bỏ trống chuồng trại trong 3 tháng, từ tháng 4 - 8, để vệ sinh, khử khuẩn chuồng trại. Đến đầu năm 2023, tôi bắt đầu nuôi lại nái để nhân giống”.

Nhiều năm phát triển chăn nuôi với những bài học “xương máu”, ông Quý cho rằng, để gia súc, gia cầm phát triển tốt, người chăn nuôi cần nghiêm túc áp dụng các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh. Ông cũng thiết lập một hàng rào sinh học  trong và ngoài khu chuồng trại chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ từ thức ăn, nguồn nước, thuốc thú y, con giống. Khi vào trang trại, người và phương tiện phải đi qua hệ thống khử trùng dày đặc. Khu vực chuồng trại cũng được định kỳ phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột.

Ông Quý cho biết: “Nguồn nước dùng trong trang trại đảm bảo sạch sẽ. Nguồn thức ăn chăn nuôi được gia đình thu mua nguyên liệu và thuê các cơ sở có máy móc để sản xuất cám, vận chuyển trực tiếp từ nhà máy bằng xe bồn về đổ vào bể dự trữ. Ngay cả nhân viên chăm sóc lợn hàng ngày, mỗi người cũng chỉ được vào 1 chuồng với bộ đồ bảo hộ và ủng riêng, làm sao để giảm độ tiếp cận với bên ngoài ít nhất, kể cả về con người. Bên trong mỗi khu chuồng, tôi đều bố trí hệ thống đèn điện và quạt điều hòa không khí để duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng, nhiệt độ ổn định suốt 4 mùa.

Trang trại lợn được ông Quý theo dõi qua hệ thống camera.

Đối với các hộ có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chống dịch càng dễ, tuyệt đối không đưa vỏ bao thức ăn chăn nuôi vào chuồng lợn vì vỏ bao là vật dễ đưa nguồn bệnh. Chỉ đổ cám vào các vật dụng xô, chậu... đã được khử trùng  của gia đình rồi đưa vào khu chăn nuôi bằng các dụng cụ đã được sát khuẩn, giảm tối đa các khâu tiếp cận từ con người. Khi xảy ra dịch, cần cách ly, khoanh vùng xử lý ngay, không để lây sang ô bên cạnh”.

Chăn nuôi không bao giờ “lỗ”

Hiện, trang trại nhà ông Quý đang nuôi 1 vạn con lợn, tương đương mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 2 vạn con. Trung bình 1 tháng xuất gần 200 tấn lợn thịt, doanh thu khoảng 7 tỷ đồng. Ông tiếp tục liên kết với các hộ dân bằng cách đầu tư vốn xây chuồng trại, cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi rồi thu mua lại theo giá thị trường.

Ông chia sẻ: “Hiện, cơ sở chăn nuôi của tôi đang liên kết với 6-7 hộ dân trong xã, quy mô 2.000-3.000 con lợn. Tuy nhiên, theo cách hợp tác “bậc thang” thì các hộ chăn nuôi này sẽ không bao giờ bị lỗ vì thời điểm cấp giống tôi chưa tính giá, sau 5 tháng, lợn được xuất bán theo giá thị trường, lợn đắt thì giống tính theo đắt, lợn rẻ tính giá giống rẻ. Nên không xảy ra tình trạng giá con giống được chốt ngay từ đầu nhưng khi xuất chuồng lợn bán giá thấp thì người chăn nuôi bị lỗ, hay bị ảnh hưởng bới sự bấp bênh của thị trường”.

Là cơ sở chăn nuôi quy mô lớn nhưng ông Quý chưa bao giờ phải lo tìm kiếm thị trường bởi cách chăn nuôi tâm huyết, chú trọng kỹ từ con giống đến áp dụng nghiêm các quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên chất lượng lợn thịt luôn đảm bảo, đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Một trong những nguyên tắc của ông là giảm khâu trung gian. Không xuất bán lợn hơi tại chuồng mà đưa lợn hơi lên các cơ sở giết mổ được ông đầu tư ở các địa phương tiêu thụ lớn như: TP. Lào Cai, thị xã Sa Pa, Văn Bàn...; trả đơn hàng theo nhu cầu của khách hàng, vừa giảm tối đa chi phí, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Suốt thời gian dài từ khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện và bùng phát tại nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến nay, trang trại chăn nuôi của ông Quý có lúc rơi vào giữa tâm dịch nhưng luôn vững vàng. Bình quân mỗi ngày xuất bán 35-40 con lợn, mang về nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Với phương pháp chăn nuôi bài bản mang lại hiệu quả kinh tế cao, trang trại chăn nuôi của ông Lê Mạnh Quý như một điểm tựa về niềm tin cho nông dân Lào Cai vươn lên phát triển kinh tế.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top