Tận dụng lợi thế của địa phương, Hà Tĩnh đã thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng khai thác rươi, cáy tự nhiên, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Lợi ích “kép”
Tháng 9/2022, xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân) chỉ đạo triển khai cải tạo đồng ruộng để thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi tại thôn 2 và thôn 3 với quy mô 10ha, giao Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thống Nhất thực hiện. Đến nay, HTX đã tiến hành sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được 3 vụ.
Gia đình ông Lê Anh Sơn (thôn 2, xã Xuân Lam) là một trong những hộ dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi do HTX Nông nghiệp Thống Nhất triển khai.
Áp dụng quy trình hữu cơ, mật độ rươi, cáy đã tăng lên, đạt 35- 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2.
Ông Sơn cho biết: “Tôi rất phấn khởi vì trung bình năng suất lúa đạt 2,7 tạ/sào (500m2)/vụ (cao hơn trước 50kg/sào/vụ). Đặc biệt, nếu ruộng rươi tự nhiên trước đây chỉ đạt mật độ 10 - 15 con/m2, cho thu hoạch từ tháng 9 - 10 (âm lịch) thì bây giờ mật độ đã tăng lên đạt 35 - 40 con/m2, có nơi trên 100 con/m2 và thu hoạch được vào cả tháng 5 - 6 (âm lịch). Mỗi vụ, gia đình có thể thu hơn 100 triệu đồng từ bán lúa và rươi trên diện tích 4 sào”.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất, vùng đất này vốn có môi trường lý tưởng để phát triển nuôi rươi, tuy nhiên, trong quá trình canh tác trước đây, người dân lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học làm cho đất bị nhiễm độc tố nên nguồn lợi rươi tự nhiên dần mất đi. Việc triển khai mô hình làm cơ sở để địa phương xây dựng thương hiệu gạo rươi đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Từ diện tích ban đầu 10ha, thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục xây dựng vùng chuyên canh lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi rươi, cáy với quy mô tập trung 80ha.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thống Nhất (ngoài cùng bên phải) cùng bà con kiểm tra nguồn rươi trên ruộng lúa.
Việc canh tác lúa hữu cơ trên vùng đất khai thác rươi góp phần cải tạo đất, giữ gìn môi trường sinh thái, khôi phục nguồn lợi rươi tự nhiên, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn với giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là một trong những hướng đi mới, mang lại hiệu quả “kép” cho người dân vì họ không chỉ hưởng lợi giá trị kinh tế cao từ trồng lúa hữu cơ mà còn khai thác nguồn lợi từ rươi do môi trường được cải thiện.
Kỳ vọng về vùng lúa - rươi - cáy hữu cơ
Mô hình lúa - rươi - cáy triển khai ở một số địa phương ở Hà Tĩnh đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể kỳ vọng về vùng lúa - rươi - cáy hữu cơ, vốn là xu thế phát triển nông nghiệp hiện nay.
Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác tránh hoặc bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu hóa học, các chất điều tiết tăng trưởng hoặc các phụ gia trong thức ăn. Mô hình lúa - rươi - cáy là quy trình sản xuất điển hình theo hướng này. Ba sản phẩm lúa, rươi, cáy đang có nhiều tiêu chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Trước khi thu hoạch rươi, người dân mở cống để thuỷ triều trên sông tràn vào ruộng nhà, rồi chặn cống lại và sau vài giờ rươi sẽ ngoi lên.
Thực hiện chủ trương sản xuất lúa hàng hóa theo hướng hữu cơ, từ vụ xuân 2022, huyện Kỳ Anh bắt đầu triển khai thí điểm mô hình “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên” tại thôn Đậu Giang, xã Kỳ Khang với diện tích 5ha.
Là người gắn bó với cánh đồng này từ hàng chục năm trước, ông Nguyễn Văn Huấn phấn khởi và tích cực tham gia mô hình. “Trải qua gần 2 năm kiên trì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, người dân không còn bón phân vô cơ, thuốc BVTV hóa học trên đồng ruộng, hệ sinh thái dần được phục hồi, môi trường đồng ruộng được cải tạo. Ngoài con rươi thì các loại như cáy, ốc, tôm, cá cũng xuất hiện nhiều hơn”, ông Huấn vui mừng cho biết.
Chị Hoàng Thị Vinh, Tổ trưởng THT sản xuất lúa - rươi thôn Đậu Giang (xã Kỳ Khang), chia sẻ: “Khi mới triển khai, nhiều hộ dân e ngại nhưng sau khi tham gia thử nghiệm đã thấy được nhiều lợi ích. Không chỉ tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng, giá bán cao mà mỗi vụ, bà con còn có thu nhập 300.000 - 500.000 đồng/sào từ việc bán rươi, cáy, tôm... Giờ đây, nông dân mong muốn mở rộng diện tích sản xuất lúa để nâng cao sản lượng rươi khai thác”.
Được biết, hiện nay, mô hình “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ kết hợp tái tạo, phục hồi nguồn lợi rươi tự nhiên” tiếp tục được quy hoạch lên 17ha và tiến tới sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên ruộng rươi lên 25ha.
Đến nay, Hà Tĩnh có hơn 133ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên vùng khai thác rươi, cáy đang mang lại lợi ích “kép” cho nông dân. Trước vụ hè thu 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 , mở rộng thêm 57ha sản xuất lúa kết hợp rươi, cáy tại các địa phương thuộc các huyện: Kỳ Anh, Đức Thọ, Nghi Xuân, TP Hà Tĩnh và TX Hồng Lĩnh.
Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để tái tạo và phát triển rươi, cáy tự nhiên. Điều này kỳ vọng mở ra hướng đi mới, giúp nông dân thay đổi nhận thức trong áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một đơn vị diện tích, tạo động lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng phòng Kinh tế UBND thị xã Hồng Lĩnh, khẳng định: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng khai thác rươi tự nhiên bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, hướng dẫn bà con mở rộng diện tích trồng lúa trên ruộng rươi theo hướng hữu cơ”. |
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.