Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 5 năm 2023 | 10:17

Nậm Tha nỗ lực phát triển kinh tế

Nằm ven những cánh rừng phía Nam của huyện Văn Bàn (Lào Cai), xã Nậm Tha là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Tày... Mong muốn có thêm sinh kế cải thiện thu nhập, thay đổi diện mạo bản làng, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con đang nỗ lực giúp nhau phát triển kinh tế.

Phát huy nội lực

Nậm Tha vốn là xã vùng núi khó khăn  của huyện Văn Bàn. Toàn xã có 654 hộ, 3.301 nhân khẩu với 4 dân tộc anh em sinh sống tại 7 thôn bản. Trong đó, dân tộc Dao chiếm 64%; dân tộc Mông 31%, còn lại 5% là dân tộc Tày và Kinh. Năm 2022, tổng số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 là 246 hộ, chiếm 37,6%; 88 hộ cận nghèo, chiếm 13,5%. Kinh tế của địa phương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp kết hợp trồng rừng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022  mới chỉ là 28,8 triệu đồng.

Tư duy làm kinh tế đã được lan toả mạnh mẽ trong các thôn bản ở Nậm Tha.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Nậm Tha được công nhận đạt các tiêu chí : quy hoạch, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng, thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bộ tiêu chí mới, nhiều tiêu chí vẫn còn non nên Nậm Tha vẫn còn nhiều khó khăn phía trước. Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, xã xác định cần cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Cụ thể, nhiều chương trình, dự án cây, con, giống mới được đồng loạt triển khai như: nuôi lợn đen, nuôi cá,  trồng quế... Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm. Đặc biệt, xây dựng các hội nhóm hỗ trợ nhau cùng làm kinh tế như nhóm hộ trồng quế, bước đầu thành công, nâng cao thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Ông Hoàng Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Nậm Tha, cho biết: Với thế mạnh trồng rừng, quế hiện trở hành cây chủ lực để phát triển kinh tế ở địa phương. Toàn xã đã trồng mới 106/90ha quế, nâng diện tích quế trên địa bàn toàn xã đạt 1.886ha. Nhiều nhóm hộ đã có thu nhập cao nhờ trồng quế.

Phát triển kinh tế dưới tán rừng cũng được chú trọng với tổng số lượng đàn gia súc, gia cầm 21.001 con, đạt hơn 100% kế hoạch huyện giao. Trong đó,  đàn trâu 570 con, đàn bò 133 con, đàn lợn 1.839 con, đàn gia cầm 18.459 con.

Về nuôi trồng thủy sản,  tính đến nay, toàn xã thực hiện được 12ha, tập trung ở các thôn Vàng Mầu, Khe Tào và Khe Cóc. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn xã năm 2022 ước đạt 17 tấn.

Tuy chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, chưa có quy mô lớn để làm giàu nhưng tư duy làm kinh tế đã được lan tỏa, từng bước thay đổi nhận thức của số đông đồng bào, góp phần thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ mà xã đề ra như: Năm 2022, thực hiện gieo cấy 356ha  lúa nước, 100ha ngô,  đạt 100%  kế hoạch giao, tương đương năm 2021. Toàn xã trồng 138ha sắn, chủ yếu trồng tập trung ở 2 thôn Vàng Mầu, Khe Nà. Diện tích rau an toàn thực hiện 5,5ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2600 tấn, đạt 102% kế hoạch giao.

Xã cũng thường xuyên phối hợp với các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề trong và ngoài tỉnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, lựa chọn ngành nghề phù hợp. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cải tạo vệ sinh môi trường; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh.Năm 2022, xã xây mới 22 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn, đưa tổng số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh lên 577/654 hộ, chiếm 88,2%.

Nhiều tuyến đường giao thông được mở rộng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tiếp tục vượt khó

Ngay từ đầu năm 2023, Đảng ủy, chính quyền xã Nậm Tha  đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, để toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ chủ trương, chính sách và mọi nguồn lực trong XDNTM của tỉnh, huyện; công khai các công trình dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn xã.

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức XDNTM” được tổ chức phát động tới toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia đóng góp xây dựng.

Trong năm 2022, xã vận động được 20 hộ dân tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tổng diện tích 8894,4m2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã và các đoàn thể cũng đã phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp nguồn lực như tiền, hỗ trợ ngày công, hiến đất làm đường, xóa nhà tạm, nhà dột nát,… nhằm thực hiện hiệu quả công cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”.

Đàn lợn đen bản địa của gia đình ông Triệu Tòn Lậu, thôn Khe Tào đang phát triển tốt.

Xã đã tổ chức thành công ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2022; toàn xã xóa được 02 nhà tạm; mở mới mặt đường từ 4m thành 6m với tổng chiều dài  6,32km, 20 hộ hiến đất, tiêu biểu là các hộ: ông Triệu Kim Thanh (Triệu Kim Vượng) hiến 1.134,5m2, ông Đăng Tài Kim  1.710m2, ông Phùng Thừa Lâm 962m2, ông Triệu Văn Phủ 860m2, ông Triệu Phúc Định  782m2...

Ông Hơn cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch XDNTM năm 2023, xã sẽ tập trung đầu tư cho công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hàng hóa. Giải quyết vấn đề thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý môi trường trong sản xuất (vỏ - bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nước thải chăn nuôi, phân loại rác thải sinh hoạt) và xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa, thể thao thiết thực đối với người dân, tạo điều kiện để phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn xã. Xây dựng khu dân cư đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”, phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí: Giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top