Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 2023 | 14:46

Nắng ấm startup nông nghiệp (Bài 3): Giải pháp nhân rộng

Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực nông nghiệp đa dạng ngành nghề vẫn là mảnh đất màu mỡ để người nông dân làm giàu và những người trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp.

Thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, nông nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng chuyển mình, tạo đột phá theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.

>> Bài 1: Những mô hình đầu tiên

>> Bài 2: Đâu là khó khăn?

Tạo dựng phong trào khởi nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Tạo dựng phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là thu hút giới trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trong đó, cần chú trọng đồng bộ các giải pháp đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp, tạo dựng môi trường khởi nghiệp; hỗ trợ vốn và pháp lý cho những người khởi nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại chương trình Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Ngày hội việc làm VNUA-2022. Ảnh: Trần Hải

Trước hết là xây dựng chương trình khởi nghiệp, thông qua các lớp tập huấn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái… cung cấp kiến thức, kỹ năng, giúp người nông dân quyết định phương thức làm giàu. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, cần đổi mới nội dung, cấu trúc chương trình, chú trọng nghiên cứu khoa học… để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng lực sáng tạo cho sinh viên, qua đó hình thành những lớp khởi nghiệp - startup trong lĩnh vực nông nghiệp có tri thức và khát vọng đổi mới.

Mặt khác, cần tạo dựng môi trường khởi nghiệp qua việc triển khai giải pháp mang tính động lực để những người trẻ có thêm khát vọng sáng tạo; hoàn thiện ý tưởng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới; đồng thời thu hút doanh nghiệp, doanh nhân đồng hành, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này. Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng mô hình “nông dân tỷ phú”, “nhà khoa học của nhà nông”, “người nông dân chuyên nghiệp”… để lan tỏa và xây dựng môi trường khởi nghiệp…

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ); đồng thời thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới liên kết, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ…, qua đó tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Cần kế hoạch rõ ràng từ khi khởi động

Chuyên gia Hồ Ngọc Trâm, người sáng lập và điều hành Đà Lạt Ecofarm, cho biết, khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp hay bất kỳ ngành gì, đầu tiên cần phải có một kế hoạch rõ ràng. Tùy thuộc vào mô hình mà định làm, như mô hình hộ kinh doanh hoặc mô hình công ty. Hộ kinh doanh đơn giản về mặt quy trình, thủ tục, còn công ty thì quy mô lớn hơn và cần nhiều yếu tố phức tạp hơn.

Nhưng trước hết, phải xây dựng chi tiết hoạch định về mặt tài chính, xác định được nguồn vốn là bao nhiêu và cần sử dụng trong bao lâu. Tiếp đến, xác định sẽ kinh doanh sản phẩm gì, có bao nhiêu cổ đông, cần bao nhiêu nhân sự, phân bổ, bố trí nhân sự, chi phí cho nhân sự. Phải có kế hoạch dài hơi cho việc hoàn vốn và kế hoạch marketing sản phẩm. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, cần người có chuyên môn đồng hành, như kỹ sư nông nghiệp chẳng hạn.

Theo chuyên gia Hồ Ngọc Trâm, có rất nhiều việc phải làm khi khởi nghiệp và  cần lưu ý 3 điểm ưu tiên trong kế hoạch hành động: Kế hoạch, ngân sách, con người.  Cùng với đó là 3 bài học trong khởi nghiệp phải trang bị trước: Chuẩn bị cho thất bại; Đào tạo nhân sự; Góp vốn.

“Trước đây, tôi từng tham gia mảng xuất - nhập khẩu trái cây nhưng do không có sự chuẩn bị, không có kế hoạch tổng hợp, không tìm hiểu thị trường nên tôi từng thất bại và mất một số tiền lớn. Đó là bài học tôi rút ra nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng. Cùng với đó, tôi cũng từng cho rằng, bản thân chỉ kinh doanh nhỏ nên không chú trọng đào tạo nhân sự cũng như hướng dẫn nhân sự làm cho tốt nhiệm vụ, vị trí của mình, điều này cũng khiến tôi phải trả giá rất nhiều”, chuyên gia Trâm tâm sự.

Kinh doanh theo cảm tính, đó là vấn đề mà nhiều người mắc phải. Phải xác định rằng, mọi vấn đề đều có rủi ro, ít có kinh doanh lãi ngay từ đầu.

“Nhiều bạn trẻ hăm hở góp vốn vào làm nông nghiệp, nghĩ đơn giản vui thì cùng làm, nhưng khi lỗ vốn nhiều, sai định hướng kinh doanh thì bắt đầu dẫn đến xung đột nội bộ, mất tình cảm, mất tiền bạc. Bởi vậy, cần có định hướng và hoạch định để có thể chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn cùng nhau trong quá trình khởi nghiệp và vận hành doanh nghiệp.

Tóm lại, cần “nằm lòng” 3 điểm mấu chốt: Cần chuẩn bị kế hoạch rõ ràng; quản trị nhân sự phải xuyên suốt và phải luôn luôn có đào tạo nhân sự; thận trọng trong quá trình kết hợp giữa các cổ đông trong kinh doanh”, chuyên gia Trâm cho hay.

Phải dựa vào 3 trụ cột

Tại sự kiện “Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và ngày hội việc làm VNUA - 2022”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định: Đối với một đất nước “lấy canh nông làm gốc”, khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp; Tạo dựng môi trường khởi nghiệp; Hỗ trợ vốn, pháp lý cho thanh niên và những người muốn khởi nghiệp. Đây là khâu đột phá cho phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng khơi gợi, khởi nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu bằng những điều lớn lao, mà nhiều khi từ chính những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Những điều khiến chúng ta trăn trở nhất, thúc đẩy chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ cũng đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần có góc nhìn mới, các bạn trẻ có khát vọng, có ý chí kiên cường, bản lĩnh sẵn sàng đối mặt; các nhà quản lý, doanh nghiệp cần có giải pháp hỗ trợ về vật chất và tinh thần để hỗ trợ sinh viên vượt qua thất bại, vì người ta thường nói, thất bại là mẹ của thành công.

Nông nghiệp được xem là lợi thế của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức hiệu quả và thiết thực để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề, giàu tiềm năng và dư địa để các bạn trẻ dấn thân trên con đường lập nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Khởi nghiệp nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với sản phẩm đặc thù của mỗi địa phương , đa dạng hóa tăng trưởng sản phẩm, chú trọng quy hoạch hóa sản phẩm, chế biến chuyên sâu.

Đào tạo và nghiên cứu khoa học phải sát với nhu cầu của thực tiễn. Muốn vậy, phải chuyển đổi mạnh mẽ phương pháp đào tạo, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong học sinh và sinh viên.

Đồng thời, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, trong đó cần thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề trước mắt cũng như vấn đề mang tầm chiến lược, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc định hướng nền nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.

Cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em “không gian” để thử nghiệm kiến thức đã học trong việc giải quyết những bài toán tình huống thực tế không chỉ trên giảng đường mà quan trọng hơn là từ thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ thực tiễn cuộc sống.

Đối với học sinh, sinh viên, điều quan trọng là cần hình thành hoài bão, lý tưởng; trang bị cho mình thật nhiều kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng sống trong môi trường với thị trường lao động mở, cạnh tranh.

Đối với các doanh nghiệp, có thể nói, chính doanh nghiệp - nhà tuyển dụng mới là nơi đặt ra đề bài cho bài toán giáo dục.

Các doanh nghiệp, doanh nhân cần gắn kết chặt chẽ, đồng hành và hỗ trợ hơn nữa cho giáo dục đại học, tham gia tích cực vào quá trình đào tạo: dự báo nhu cầu lao động, ký hợp đồng đặt hàng đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra, nội dung, cấu trúc của chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, hỗ trợ quỹ ươm mầm sáng tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ phát triển nhân tài, tạo môi trường để các em cọ xát thực tế, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp...

Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần kịp thời nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn về pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần có giải pháp tài chính hỗ trợ, ươm mầm khởi nghiệp; xây dựng hoàn thiện khung pháp lý, các cơ chế, chính sách tài trợ vốn và các ưu đãi về tài chính, tạo cơ chế huy động vốn cho thành lập và hoạt động của các trung tâm, vườn ươm doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đẩy mạnh truyền thông về các chương trình khởi nghiệp cho nông dân, các trò chơi giải trí hiệu quả, phù hợp, cung cấp kiến thức về khởi nghiệp, các mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Quảng bá nông sản trên nền tảng số

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, nhận định: Việc ứng dụng thương mại điện tử, đặc biệt nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch đã mang lại kết quả vô cùng to lớn. Ban đầu các bạn trẻ khởi nghiệp còn nhiều hạn chế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể nói rằng vô cùng khó khăn, rủi ro… Chúng tôi thấy, các bạn khởi nghiệp đã vận dụng khá tốt các nền tảng xã hội, thương mại điện tử.

Từ câu chuyện của mỗi người trẻ khởi nghiệp, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy nhận định: Phải thừa nhận, chuyện khởi nghiệp bán hàng online đang là câu chuyện hot, phù hợp với lớp trẻ. Thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam là có 4 mùa hoa trái, mùa nào cũng có sản phẩm đặc sản dồi dào, việc bán hàng onilne giải quyết được việc làm cho nhiều người, có thu nhập lớn, khai thác tốt lợi thế nông nghiệp vùng miền. Đặc biệt, nếu gắn với du lịch thì sẽ cực kì hiệu quả, giúp người tiêu dùng kết nối được với nông sản ở các vùng miền khác nhau.

Về vấn đề hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, kinh doanh, quảng bá nông sản trên nền tảng số, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bổ sung những lời khuyên dành cho các bạn trẻ bán hàng trên Tik Tok: Thứ nhất, hầu hết các bạn đều đang khó trong kiểm soát vận chuyển, cách chủ động nhất của mình đảm nhiệm khâu đóng gói như thế nào cho chủ động, ví dụ vận chuyển hải sản mà không có thiết bị chuyên dùng thì chất lượng rất dễ xuống cấp.

Thứ hai, yêu cầu cao nhất đối với người tiêu dùng chính là sự chân thật. Hình ảnh sản phẩm khi quảng bá trên các kênh bán hàng phải luôn là những sản phẩm được chụp, quay từ sản phẩm thật sẽ giao cho khách. Ngoài ra, chúng ta nên có cách để cung cấp tới người tiêu dùng nguồn gốc của sản phẩm một cách rõ ràng, minh bạch, nhìn rộng ra, đây chính là cách đối thoại với thị trường, tiệm cận gần hơn với cách bán hàng chuyên nghiệp.

Thứ ba, khi live, các bạn thiếu tự tin là do chúng ta chưa chuẩn bị được tâm lý của mình, đương nhiên, các bạn đã bước vào vòng phát triển phải đối diện với nhiều mâu thuẫn mà khi chưa sẵn sàng về tâm lý sẽ dễ bị sốc, dễ bị ảnh hưởng bởi những lời nói, phản ánh của khách hàng.

Thứ tư, hình như các bạn đang thiếu kịch bản phòng chống rủi ro. Nếu người khác lấy hình ảnh, video của các bạn thì các bạn sẽ mất hết tất cả những gì mình đã xây dựng. Vì vậy, cần phải có những kịch bản cho trường hợp này. Một trong những cách hiệu quả nhất chính là chứng minh được nguồn gốc sản phẩm và có sự liên kết với các đầu mối bán hàng để luôn đảm bảo nguồn hàng chính gốc, có sự đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng cung cấp đủ tới tay khách hàng.

Thị trường online phù hợp với các bạn trẻ bởi tích hợp được nhiều tiện ích: Thanh toán, vận chuyển, so sánh sản phẩm cùng loại trên thị trường. Các bạn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ mới tập trung 3 vấn đề: sử dụng phần mềm; bán được hàng và thu hút nhiều người xem. Tuy nhiên, trong quá trình bán hàng còn hạn chế, nhất là trong khâu tìm nguồn hàng và xác định khách hàng chủ đích, nên hầu hết việc bán hàng trên nền tảng số hiện nay mới là tổng hợp và bán nông sản, còn nông sản nhằm vào mục tiêu có chủ đích chưa được các bạn thực sự quan tâm.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp 

Thị trường ngành nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ; có nhiều tiềm năng trong tương lai, phong trào thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển khá mạnh và ngày càng có nhiều mô hình, dự án của thanh niên ứng dụng công nghệ mới, cách làm mới, cách sản xuất mới để cải tạo, canh tác trên những vùng đất của gia đình hướng tới phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thành công, ngoài niềm đam mê và quyết tâm, các startup cần phải tính đường dài, phải biết sản phẩm mình làm ra bán ở đâu, làm thế nào để có giá cả cạnh tranh và phải làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất, có như vậy mới có thể trụ vững trên thị trường.

Xu hướng khởi nghiệp trong nông nghiệp đang nở rộ.

Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều mặt hàng nông sản được yêu thích tại thị trường quốc tế như: Bưởi Năm Roi, thanh long, sầu riêng, gạo, hồ tiêu, thủy sản,... Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian qua đã mạnh dạn đưa các sản phẩm vùng miền, sản phẩm truyền thống của các dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây là một trong những yếu tố giúp làm gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản khởi nghiệp.

Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như: Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/ QĐ-TTg phê duyệt Ðề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Đây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam. Tiếp đến là Nghị định số 38/2018/NĐ CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; các nội dung được quy định tại nghị định này đã tạo khung pháp lý cơ bản cho hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, ngày 1/1/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới liên kết, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đã chính thức được luật hóa.

Bên cạnh những quyết sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất và Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thống nhất và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.

Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương có nhiều giải pháp để quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, phải kể đến việc tham gia ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với nhiều đối tác. Trong các hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết, các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội rất lớn với thị trường quốc tế khi các nước đối tác đều dành riêng một phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nông nghiệp được xem là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Thành công của doanh nghiệp và các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định chủ trương khuyến khích, tạo dựng tinh thần khởi nghiệp là hướng đi đúng. Bằng sự đam mê và quyết tâm dám nghĩ, dám làm, với những cách làm, xu hướng khởi nghiệp mới mẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, các startup trẻ đang xây dựng những mô hình, góp phần tạo nên nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương, giúp nền nông nghiệp từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp với nhiều gam màu mới.

Đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp ở nông thôn

Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2022/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đề xuất chi hỗ trợ phát triển khởi nghiệp ở nông thôn.

Cụ thể, Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về chi hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn (Điều 22) như sau: Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại hiện trường, nhưng không quá 30 triệu đồng/khóa đào tạo, tối đa 05 khóa/mô hình.

Hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển sản phẩm dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng/hợp đồng và tối đa 05 hợp đồng/mô hình.

Hỗ trợ 75% chi phí thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tối đa 150 triệu đồng/mô hình.

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top