Chi phí thức ăn tăng cao, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, con giống khan hiếm, dịch bệnh vào mùa… là những khó khăn mà người chăn nuôi đang gặp phải khi vào giống cho vụ Tết năm nay.
Gia súc, gia cầm đều mất giá
Nhiều tháng qua, giá gà thịt tại trại rơi xuống 60.000 đồng/kg, chỉ sau một thời gian ngắn ở mức 70.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi gà chưa đủ thu hồi vốn.
Bà Trần Thị Ngọc ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa, Phú Yên) cho biết: 5 năm trước, giá gà thịt bán ra tại trại 60.000 đồng/kg, cám lúc đó chỉ 250.000 đồng/bao. Còn nay, gà bán ra cũng 60.000 đồng/kg nhưng cám đã tăng lên 370.000 đồng/bao, trong khi chi phí thức ăn chiếm gần 80% chi phí đầu vào. Với giá cám như hiện nay, gà thịt bán ra phải trên 65.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Theo bà Ngọc, nhiều năm nay, gia đình bà chọn phương án giảm đàn, đồng thời chuyển từ bán sỉ sang bán lẻ. Gà nuôi ít, chia thành nhiều lứa để tiêu thụ từ từ. Việc bán lẻ với giá 70.000 đồng/kg giúp gia đình kiếm được ngày công.
Người nuôi heo gặp khó khi mua giống sản xuất vụ Tết.
Tương tự, mấy tháng qua, người nuôi bò trên địa bàn tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn khi giá bò hạ thấp. Ông Nguyễn Văn Phụng ở xã An Phú (TP. Tuy Hòa) cho hay: Sau hơn 12 tháng nuôi, gia đình tôi bán 2 con bò thịt giống BBB và chỉ thu về được 79 triệu đồng, tính ra mỗi tháng lãi được 500.000 đồng/con, đó là chưa tính công chăm sóc. Trong khi lúc trước, 2 con bò này có thể bán được khoảng 90 triệu đồng; còn nay do bò nhập về nhiều, cung vượt cầu nên bò mất giá.
Còn theo bà Nguyễn Thị Loan ở thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa), chỉ khoảng 1 tuần nay, heo hơi lên được 60.000 đồng/kg chứ suốt mấy tháng qua, thương lái chỉ mua 55.000-57.000 đồng/kg hơi. Với giá này, mỗi con heo xuất chuồng, người nuôi lãi gần 1 triệu đồng, kiếm được ngày công lao động.
Vào vụ với nhiều khó khăn
Trại gà của gia đình bà Huỳnh Thị Lan ở xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) là trại chuyên nuôi gà thịt có quy mô khá lớn ở địa phương này. Dù gà đang mất giá nhưng bà vẫn vào giống sản xuất vụ Tết. Đến nay, gia đình bà đã vào 2 lứa gà giống để chuẩn bị cung cấp cho thị trường.
Bà Lan phân tích: Thông thường, vào thời điểm giáp Tết, hàng quán buôn bán đông đúc, đám tiệc cũng nhiều nên nhu cầu tiêu thụ thịt gà tăng cao, khả năng giá gà lúc này sẽ tăng, nên gia đình tôi đầu tư thả 2.000 con giống. Đợt này tôi không nuôi đại trà như mọi khi mà sẽ chọn giống cho từng lứa. Lứa đầu chủ yếu nuôi gà mái vì lứa này xuất chuồng vào tháng 11 âm lịch, cung cấp cho hàng quán, cơ sở sản xuất để phục vụ đám tiệc. Còn lứa sau nuôi chủ yếu gà trống, xuất vào tháng Chạp, đáp ứng việc cúng giỗ của người dân. Mặc dù giá gà hơi đang giảm nhưng giá gà giống lúc này vẫn cao, hiện mỗi con giống có giá 16.000 đồng, để vào 2.000 con giống, gia đình tôi phải đầu tư 32 triệu đồng.
Hiện, thời điểm vào heo giống để bán Tết đã cận kề nhưng nhiều hộ nuôi heo chưa mua được con giống. Theo ông Trần Văn Bình ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), các khâu vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại, máng ăn uống… đều đã xong, chỉ chờ có con giống là thả nuôi. Nhưng đã hơn nửa tháng nay, gia đình ông tìm mua heo giống ở các trại chuyên nuôi nái giống trên địa bàn mà chưa mua được. Ông đang nhờ thương lái mua heo giống ở Đắk Lắk về nuôi.
Đây cũng là tình cảnh chung của hầu hết hộ nuôi heo nhỏ lẻ lúc này, trừ những hộ có nuôi heo nái chủ động được con giống. Ông Hồ Văn Quốc ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cho hay: Toàn bộ heo giống được sinh ra đợt vừa rồi gia đình tôi đều giữ lại nuôi thịt. Hai lứa heo này đã có trọng lượng 20-30kg/con, dự kiến từ rằm tháng 11 sẽ bắt đầu có heo thịt bán. Tuy nhiên, hiện thời tiết diễn biến thất thường, sáng nắng, chiều tối lại mưa lạnh, sức khỏe heo suy giảm, rất dễ nhiễm bệnh. Gia đình tôi đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tai xanh…, bây giờ lo nhất là dịch tả heo châu Phi. Để phòng ngừa dịch bệnh, tôi vệ sinh chuồng trại mỗi ngày, định kỳ mỗi tuần phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường một lần để tiêu diệt bớt mầm bệnh.
Tương tự, thời gian này, các hộ chuyên vỗ béo bò cũng đã vào đàn để chuẩn bị cho mùa Tết. Mặc dù giá bò thịt đang hạ thấp nhưng người nuôi vẫn không ngại. Theo ông Bốn Chính ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), bò đang giảm giá nên chi phí đầu tư ban đầu cũng giảm. Sau 3 tháng vỗ béo, bò có thể tăng trọng thêm vài chục đến cả trăm ký. Đồng thời, mùa Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt bò tăng cao nên khả năng đến lúc đó, giá bò tăng trở lại, lợi nhuận sẽ rất khá. Vì vậy, lứa này tôi vỗ béo 6 con, gấp đôi so với các lứa khác.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, hiện tổng đàn trâu, bò của tỉnh có hơn 171.900 con; đàn heo tiếp tục phát triển với tổng đàn 120.000 con, tập trung vào mô hình nuôi công nghiệp; đàn gia cầm 4,3 triệu con. Thời điểm cuối năm, người chăn nuôi tập trung sản xuất vụ Tết nên khả năng đàn gia súc, gia cầm sẽ tăng thêm, nhưng chỉ mang tính thời vụ, không ổn định.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, cho biết: Thời gian người chăn nuôi bắt đầu vụ sản xuất Tết cũng là lúc thời tiết vào mùa mưa, vi rút gây bệnh dễ phát sinh. Vì vậy, người chăn nuôi phải cẩn trọng khi chọn mua và thả giống. Không nên vì khan hiếm giống mà mua con giống trôi nổi dễ gây thiệt hại. Ngoài ra, bà con cần tăng cường chăm sóc, phòng ngừa vắc xin, vệ sinh thú y, theo dõi sức khỏe vật nuôi để kịp thời xử lý, điều trị khi vật nuôi vừa phát bệnh, tránh lây lan ra diện rộng.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.