Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 20:59

Nhân lên vùng nông nghiệp xanh và “kích hoạt” chuyển đổi số trong HTX

Hiệu quả của nông nghiệp "xanh", an toàn đã rõ nét và chuyển đổi số là quá trình tất yếu đối với các lĩnh vực. Các địa phương đang tập trung nhân lên những vùng nông nghiệp xanh, phát triển HTX phi nông nghiệp và kích hoạt chuyển đổi số trong hợp tác xã.

Sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao tại Công ty cổ phần KMS Đầu tư sản xuất và thương mại (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Đỗ Tâm

Hà Nội: Nhân lên những vùng nông nghiệp “xanh”

Nhằm thay đổi phương thức sản xuất của nông dân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp, tạo ra nhiều nông sản an toàn, các hộ nông dân Thủ đô đang tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, nhân lên những vùng nông nghiệp xanh cho Hà Nội.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt, hiện nay diện tích đất trồng lúa hữu cơ của xã là 55ha/vụ. Để lúa cho năng suất lúa cao, chất lượng gạo thơm ngon, hợp tác xã yêu cầu nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy định về sản xuất an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, sản phẩm gạo hữu cơ Đồng Phú không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, giá bán cao hơn lúa thông thường khoảng 30%.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha, trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so các năm trước, nông dân sử dụng chủ yếu là phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin, hiện nay, các mô hình nông nghiệp "xanh", hữu cơ của Hà Nội phát triển tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất, Chương Mỹ... Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp "xanh" bảo đảm yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà một số sản phẩm còn xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp "xanh" còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững.

Hiệu quả của nông nghiệp "xanh", an toàn đã rõ nét, song việc sản xuất vẫn có một số khó khăn, như: Trong quá trình canh tác theo hướng hữu cơ, chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh... bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng...

Hướng tới nền nông nghiệp "xanh", thân thiện với môi trường, thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu. Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu có diện tích canh tác hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất trồng trọt; sản xuất nông nghiệp "xanh" sẽ trở thành mũi nhọn trong ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Nhằm đạt mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực của nông dân rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son, để giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, thời gian tới, Hội Nông dân huyện phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức các buổi tập huấn trồng rau, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP để tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn. Cùng với đó, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng của địa phương nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Để mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp "xanh", góp phần bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ phối hợp với các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học độc hại, không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục cho phép. Hà Nội cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp "xanh", xây dựng thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Về lâu dài, nông dân cần mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước...

Thanh Hóa: Phát triển HTX phi nông nghiệp

Hoạt động của các HTX phi nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh của thành viên và hộ thành viên, nhất là hộ nghèo. Nhiều HTX đã quan tâm đến phát triển thêm thành viên, huy động thêm vốn góp, đầu tư phát triển kinh doanh, làm tốt các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả hoạt động của HTX từng bước được nâng lên.

Lao động làm việc tại HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống).

Một trong những HTX phi nông nghiệp của tỉnh được xướng tên trong nhiều đợt khen thưởng của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa và Liên minh HTX Việt Nam là HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn. Được thành lập từ năm 2006, với 32 thành viên, vốn điều lệ chỉ 800 triệu đồng, thời điểm mới thành lập HTX chỉ bó hẹp trên địa bàn TP Thanh Hóa. Khoảng 5 năm trở lại đây, nắm bắt được nhu cầu về dịch vụ vệ sinh môi trường của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp mở rộng địa bàn làm dịch vụ tại các huyện: Đông Sơn, Quảng Xương, Triệu Sơn. Ngoài ra, HTX còn đa dạng hóa thêm một số dịch vụ khác như: chế tạo thùng đựng rác, bảo dưỡng, sửa chữa xe chở rác...

Việc mở rộng địa bàn làm dịch vụ môi trường và đa dạng hóa ngành nghề đã và đang giúp HTX ngày càng lớn mạnh, thu nhập của người lao động ngày càng được nâng cao. Hiện vốn điều lệ của HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn đã đạt 6,5 tỷ đồng, số lao động đã tăng lên 220 người. Giám đốc HTX dịch vụ vệ sinh môi trường Tân Sơn Đặng Thị Thủy chia sẻ: Là lĩnh vực có tính độc hại cao, nên việc giữ được chân lao động giữa bối cảnh nhiều cơ hội việc làm được mở ra là thách thức lớn đối với đơn vị. Vì vậy, để lao động gắn bó dài lâu, HTX đã chú trọng tạo sân chơi, môi trường làm việc mang tính gắn kết giữa các thành viên trong HTX. Theo đó, HTX đã phát triển các tổ chức đoàn thể, như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Vào những ngày lễ, tết, HTX đều tổ chức các phong trào, hội thi văn hóa, văn nghệ giữa các tổ chức hội hoặc thi với các đơn vị khác trên địa bàn TP Thanh Hóa.

Được thành lập từ năm 2010, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) được đánh giá là một trong những HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 60 triệu đồng, đến nay, nguồn vốn của HTX đã tăng lên 2 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ Nguyễn Thị Thắm cho biết: Kết quả nổi bật của HTX không nằm ở doanh thu mà ở chỗ tạo việc làm cho lao động, nhất là lao động khuyết tật, phụ nữ cao tuổi. Hiện tại, hoạt động sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của HTX đang tạo việc làm cho hơn 500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Số lao động này đa phần là phụ nữ.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm HTX phi nông nghiệp đã và đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có 483 HTX phi nông nghiệp, với tổng nguồn vốn sản xuất, kinh doanh đạt gần 7.000 tỷ đồng, chiếm tới 87,69% tổng nguồn vốn khu vực HTX. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Tuấn đánh giá: Thời gian qua hoạt động của các HTX phi nông nghiệp luôn được củng cố, đổi mới, nhiều HTX đã quan tâm huy động thêm vốn góp, đầu tư phát triển kinh doanh, nên hiệu quả hoạt động từng bước được nâng lên. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, HTX phi nông nghiệp đã phát huy được vai trò về mặt xã hội trong giải quyết việc làm cho hơn 6.609 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 52,5 triệu đồng/người/năm. Những con số trên đủ để thấy vị trí, vai trò của HTX phi nông nghiệp. Để tiếp tục phát triển HTX phi nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tiếp tục củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với HTX phi nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích HTX tham gia sản xuất, kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực.

Bắc Ninh: “Kích hoạt” chuyển đổi số trong hợp tác xã

Chuyển đổi số là quá trình tất yếu đối với các lĩnh vực, không ngoại trừ kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đây là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về phương thức làm việc, sản xuất, phục vụ đắc lực cho các doanh nghiệp nhỏ, HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại.

Chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và giá trị nông sản.

HTX chăn nuôi thủy sản Trường Mạnh (Mão Điền, Thuận Thành) gồm 10 thành viên nuôi các lồng theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2017 với số lượng 85 lồng cá. Các giống cá chủ yếu là các loài đặc sản như cá lăng chấm, chép giòn, diêu hồng… sản lượng 500-600 tấn/năm. Để đáp ứng quy chuẩn VietGAP, các thành viên được thực hiện quy trình nuôi trồng bài bản, mỗi lồng được cắm biển, ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại cám cho ăn… HTX có sổ theo dõi các lồng nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh để giám sát quy trình nuôi, bảo đảm chất lượng và hiệu quả tại từng lồng nuôi cá, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc khi tiêu thụ.

Nhờ quy trình nuôi trồng sạch, quá trình sinh trưởng của cá được bảo đảm, ít xảy ra dịch bệnh, chất lượng sản phẩm tăng, giúp hiệu quả sản xuất của HTX Trường Mạnh được nâng lên. Quy trình sản xuất khoa học cũng giúp thành viên HTX giảm công lao động, bảo đảm sức khỏe. Cùng với việc đầu tư thêm máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình sản xuất, HTX Trường Mạnh cũng xây dựng các kênh quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo để tiếp cận khách hàng tốt hơn, trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2 Liên hiệp HTX, 667 HTX, trong đó có 553 HTX lĩnh vực nông nghiệp (289 dịch vụ nông nghiệp và 264 HTX chuyên ngành); 114 HTX phi nông nghiệp và 223 Tổ hợp tác. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng chuyển đổi số của các HTX còn hạn chế, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các HTX nông nghiệp. Hiện có khoảng 17% HTX ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh), tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, đán tem truy xuất nguồn gốc… Việc ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa cao khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan trong hệ sinh thái.

Quá trình chuyển đổi số còn diễn ra chậm bởi quy mô đầu tư nhỏ, trình độ công nghệ không cao. Số HTX sẵn sàng tiếp nhận chuyền giao công nghệ và ứng dụng, đổi mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ rất thấp, số còn lại chưa sẵn sàng do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai nhà xưởng và năng lực vận hành. Khoảng 30% HTX sử dụng máy tính; 8% HTX ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 30% HTX có máy tính kết nối internet. Tỷ lệ hộ thành viên sử dụng điện thoại thông minh cho mục đích sản xuất là tương đối thấp, đa số mới chỉ tập trung sử dụng điện thoại để quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Một rào cản nữa là đội ngũ cán bộ, quản lý HTX còn thiếu và yếu…

Ông Phạm Minh Hiền, Phó chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Để tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp nâng cao năng lực chuyên đổi số để có cơ hội ứng dụng công nghệ vào các khâu trong quá trình quản lý, sản xuất, kinh doanh cũng như tham gia liên kết chuỗi giá trị, các cơ quan hữu quan cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, bồi dưỡng kỹ năng cho bộ máy quản lý, điều hành HTX, người nông dân trong khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận, ứng dụng công nghệ số để nâng cao năng lực điều hành, hoạt động cho các HTX; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, nền tảng, dữ liệu, phần mềm quản lý sản xuất. Tư vấn, hỗ trợ vận hành, duy trì và nâng cấp trang tin điện tử (Website) về kinh tế tập thể; ưu tiên nguồn lực xây dựng mô hình cho HTX dùng chung dịch vụ. Cung cấp các dịch vụ công và thông tin (đào tạo từ xa), các phần mềm phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh được kết nối; hỗ trợ HTX tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn kinh tế hợp tác…

Đồng thời, xây dựng và vận hành trang tin điện tử có kết nối với các trang thông tin của các sở, ngành liên quan, sàn giao dịch điện tử giúp thông tin, quảng cáo, quảng bá và bán sản phẩm. Các HTX phát huy nguồn lực nội tại tham gia phát triển công nghệ số để nâng cao chất lượng sản phẩm của HTX; nâng cao tính minh bạch trong vấn đề quản lý thực phẩm bằng cách ứng dụng mã vạch và truy xuất nguồn gốc… góp phần nâng cao hiệu quả, xây dựng được thương hiệu và giá trị nông sản./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top