Trên chặng đường 35 năm dựng xây và phát triển, Tạp chí Kinh tế nông thôn luôn là người bạn, là nhịp cầu kết nối, là diễn đàn của doanh nghiệp, doanh nhân, hội viên, nông dân trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn văn minh, hiện đại.
Nhân kỷ niệm 35 năm ngày xuất bản ấn phẩm đầu tiên (15/3/1988-15/3/2023), Kinh tế nông thôn xin ghi lại những ý kiến nhận xét của hội viên ở một số địa phương.
Tạp chí Kinh tế nông thôn - nhịp cầu nhà nông
Ông Ngô Đình Tưu (Hội Làm vườn huyện Diễn Châu, Nghệ An) bày tỏ: Không chỉ trong năm 2022, mà là trước đó nhiều năm, từ khi còn là Báo Kinh tế nông thôn và hiện giờ là Tạp chí Kinh tế nông thôn, phóng viên của Văn phòng Đại diện Nghệ An luôn bám sát địa bàn, đưa các mô hình cây ăn quả, chăn nuôi, các khu vườn mẫu, vườn chuẩn.. đến gần hơn với bà con.
Mô hình vườn mẫu tại huyện Diễn Châu.
Không chỉ vậy, là độc giả của Tạp chí, lúc nào tôi cũng thấy các mô hình hay, cách làm sáng tạo được phóng viên “khắc họa” rõ nét, đầy đủ và thật sự có tính lan tỏa, tuyên truyền cao. Đặc biệt là việc đưa tin về các khu vườn mẫu, vườn đẹp trong năm qua đã tạo đà cho các địa phương học tập và làm theo.
Trang trại của gia đình anh Bùi Đình Hội (xã Nghi Hưng, Nghi Lộc).
Anh Bùi Đình Hội (xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc), chủ trang trại gần 1ha với đủ các loại rau, củ, quả sạch, tâm tư: Từ bài “Giống dưa chuột kì lạ dưới chân núi Thần Vũ” mà Tạp chí Kinh tế nông thôn đăng vào tháng 12/2021, nhiều người trong và ngoài tỉnh Nghệ An biết đến mô hình của mình. Không chỉ cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm mình làm ra, qua bài viết, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm..., giúp gia đình tiếp cận nhiều nguồn khách hàng hơn. Ngoài ra, còn giúp cho nhà vườn truyền đạt được những nguyện vọng, khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giúp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cũng nhờ những bài viết quảng bá hình ảnh của nhà vườn đến khách hàng, hàng ngày đều có đơn vị liên hệ về tham quan và mua sản phẩm tại vườn. Để nói về sự ảnh hưởng của Tạp chí Kinh tế nông thôn trong sự phát triển kinh tế VAC thì phải kể đến sự may mắn và ưu ái. Bởi, trong nhiều mô hình “sinh ra từ làng” của huyện Nghi Lộc, Tạp chí đã chọn mô hình của mình để lan tỏa, thúc giục, và là gương để người dân trong khu vực học hỏi, làm theo..., để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình.
Với anh Hội, Tạp chí Kinh tế nông thôn là kênh thông tin cung cấp tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, thị trường nông sản...; là nhịp cầu nối của nhà nông, nhà vườn với doanh nghiệp, khách hàng, thị trường.
Người bạn đồng hành của nhà vườn
Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc (Can Lộc - Hà Tĩnh), chia sẻ: Người nông dân như chúng tôi muốn phát triển kinh tế trang trại hay gia trại đều mong muốn chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ nhà nông trong sản xuất kinh doanh, nhất là tiêu thụ nông sản, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn; hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho những hộ nông dân gặp khó khăn…
Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc.
Cùng với đó là sự hỗ trợ tích cực về vốn sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, tìm ra cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương của các ngành liên quan.
Là độc giả thường xuyên và cũng là nhân vật trong bài viết về mô hình nông nghiệp sạch đăng trên Kinh tế nông thôn, tôi rất ấn tượng các bài viết của Tạp chí đăng tải, nhất là các bài viết liên quan đến kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, làm kinh tế VAC, thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Cảm ơn Tạp chí Kinh tế nông thôn thời gian qua đã là người bạn đồng hành của những người làm vườn, kịp thời gợi mở, cung cấp nhiều thông tin bổ ích giúp người làm kinh tế trang trại như chúng tôi đổi mới tư duy trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Việc nâng cao năng suất trong sản xuất và tạo ra được thị trường ổn định cho sản phẩm làm ra là yếu tố then chốt để cho mình yên tâm sản xuất. Và để làm được điều đó thì người nông dân rất mong Tạp chí Kinh tế nông thôn tiếp tục làm cầu nối đến chính quyền, các doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp,…
Tuyên truyền cách làm sáng tạo trong làm vườn mẫu
Bà Nguyễn Thị Mại ở thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng (Thạch Hà – Hà Tĩnh) chia sẻ: Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu là cách làm hay, sáng tạo của Hà Tĩnh. Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu là điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện được vai trò chủ thể của mình, từ đó người dân luôn chủ động và phát huy cao tính sáng tạo của chính mình.
Bà Nguyễn Thị Mại.
Đồng hành cùng người dân, Tạp chí Kinh tế nông thôn đã phản ánh không khí sản xuất, cung cấp cho người dân nhiều kinh nghiệm quý trong làm vườn, làm VAC. Nhiều bài viết có chiều sâu, không chỉ phản ánh mà còn chỉ ra được nguyên nhân của thành công, nêu gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương, đơn vị bạn, góp phần tạo nên những chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, cỗ vũ người dân, các cấp, ngành, đoàn thể ở địa phương
Điều đáng ghi nhận là, chất lượng thông tin nhiều chuyên mục của Tạp chí Kinh tế nông thôn ngày càng được nâng lên, nội dung phong phú, toàn diện, phóng viên địa bàn năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết...
Nhân kỷ niệm 35 năm Kinh tế nông thôn xuất bản ấn phẩm đầu tiên, chúc cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí luôn tâm sáng, bản lĩnh và ngày càng có thêm nhiều thông tin bổ ích cho nhà nông, nhà vườn.
Phát triển nghề vườn gắn với du lịch cộng đồng
Chủ tịch Hội Làm vườn quận Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) Nguyễn Thị Loan chia sẻ: Những năm qua, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng với những bước tiến vượt bậc trên lĩnh vực du lịch, quận Đồ Sơn đã có những bước phát triển quan trọng trong khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ - hải sản và nhiều sản phẩm nông nghiệp khác tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội Làm vườn quận Đồ Sơn giới thiệu với đoàn công tác của Hội Làm vườn Việt Nam về việc phát triển mô hình trồng táo, kết hợp nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương.
Các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như táo Bàng La, cà chua, chè xanh… đang được thị trường đón nhận, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Các sản phẩm này cũng được cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có Tạp chí Kinh tế nông thôn, tìm hiểu, thông tin tuyên truyền về vùng trồng táo muối Bàng La, đồi chè Đồ Sơn.
Với mong muốn phát triển cây trồng gắn với phát triển du lịch sinh thái, ông Bùi Duy Dũng, Bí thư Đảng uỷ phường Bàng La, đã áp dụng mô hình bắc giàn trồng táo. Qua 3 năm thu hoạch, với cách làm này, năng suất và chất lượng quả táo cao hơn so với phương pháp trồng truyền thống.
Cách làm mới này của anh Dũng được nhiều phóng viên Kinh tế nông thôn tìm đến viết bài tuyên truyền, nhờ đó, sản phẩm táo Bàng La được thị trường và người tiêu dùng đón nhận. Mô hình trồng táo giàn của anh Dũng được Hội Làm vườn Việt Nam và nhiều cơ quan, đơn vị đến tham quan, từ đó tuyên truyền nhân rộng cho hội viên.
Với cách làm sáng tạo và hướng đi mới của anh Dũng, hy vọng táo Bàng La trong những năm tới sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, đồng hành hơn nữa từ các cơ quan báo chí, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp này bay xa, hướng đến làm du lịch cộng đồng.
Khơi dậy tinh thần, nhiệt huyết phát triển kinh tế VAC
Anh Lê Văn Huy, hội viên Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, Chủ tịch Câu lạc bộ (CLB) Hoa lan Thuỷ Nguyên chia sẻ về việc phát triển nhà vườn “Mắt Rừng Lan Viên” và CLB Hoa lan Thuỷ Nguyên: Tôi biết đến hoa lan từ năm 2003, trong một lần đi chợ Hàng (Hải Phòng). Thu hút tôi bởi sắc đẹp và hương thơm của hoa lan. Tuy nhiên, thời điểm đó, tôi đi làm ăn xa nên cũng không có điều kiện trồng và chăm sóc hoa. Đến năm 2013, tôi gác công việc về bắt tay trồng lan; năm 2016 thì xây dựng nhà vườn “Mắt Rừng Lan Viên”. Nhà vườn chủ yếu trồng các dòng lan Kiếm, lan Hài, lan Phi Điệp… Trung bình mỗi năm gia đình xuất bán ra thị trường khoảng 1.000 cây giống, 500 - 600 giò lan thương phẩm các loại, trừ chi phí, thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Lê Văn Huy biết và yêu dòng hoa lan từ năm 2003, đến nay anh đã xây dựng được nhà vườn “Mắt Rừng Lan Viên” cho bản thân.
Cùng với tôi có hơn 100 thành viên CLB Hoa lan Thuỷ Nguyên đang tập trung phát triển dòng lan Hài; tại vườn của tôi có khoảng 10.000 giò lan Hài. Qua kinh nghiệm từ thực tế, tôi nhận thấy, thời gian tới, dòng lan Hài được nhiều người yêu thích, tìm mua. Tuy dòng lan này khó chăm sóc hơn nhiều dòng lan khác, nhưng nhận thấy thị trường hiện nay khá ít nên anh em trong CLB tập trung phát triển.
Trong quá trình hoạt động của CLB, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm và đồng hành của Hội Làm vườn TP. Hải Phòng và phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn. Phóng viên đã có những bài viết bám sát với hoạt động của CLB, động viên những người làm nông nghiệp như anh em chúng tôi. Thông qua những bài viết trên Kinh tế nông thôn, tôi cũng học hỏi được nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sự chuyển dịch của kinh tế nông thôn…, qua đó khơi dậy tinh thần, nhiệt huyết phát triển sản xuất nông nghiệp trong tôi.
Thời gian tới, CLB Hoa lan Thuỷ Nguyên rất mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ về mặt khoa học – kỹ thuật từ Hội Làm vườn thành phố; công tác tuyên truyền những tấm gương điển hình, làm vườn tốt từ Tạp chí Kinh tế nông thôn để các sản phẩm nông nghiệp do chúng tôi làm ra được thị trường đón nhận.
Cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế
Xác định khoa học - kỹ thuật là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, Hội Làm vườn và Trang trại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã tích cực chuyển giao, hướng dẫn hội viên ứng dụng vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, làm thay đổi tư duy sản xuất của hội viên. Qua Tạp chí Kinh tế nông thôn, trước đây là Báo Kinh tế nông thôn, các mô hình sản xuất nông nghiệp ở đây được nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nhà vườn.
Chủ tịch UBND xã Bắc Lương - ông Lê Văn Hoàn (bên phải) thăm hỏi, động viên và chia sẻ với hội viên Hội Làm vườn giỏi trên địa bàn.
Cây bưởi Diễn không còn xa lạ với người nông dân Thọ Xuân. Tuy nhiên, chọn lựa phát triển theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch, chất lượng cung ứng cho người tiêu dùng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các anh Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Văn Tiến ở thôn Mỹ Thượng 3 (xã Bắc Lương), là những hội viên tiên phong chuyển đổi đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn.
Ban đầu, khi mới chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả sang vườn cây ăn quả, anh Tình rất đắn đo chọn lựa cây trồng. Đầu tiên anh tìm tòi, học hỏi, tham quan nhiều mô hình vườn cây của hội viên trên địa bàn tỉnh, người có nhiều kinh nghiệm sản xuất cây có múi, rồi tìm hiểu thông tin trên sách, báo, mạng internet, hướng dẫn chăm sóc, xử lý cây ra hoa. Đến khi chọn được cây bưởi Diễn, anh mạnh dạn trồng 350 gốc trên diện tích 0,5ha.
Thay vì canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, anh Tình mạnh dạn áp dụng phương pháp hữu cơ để chăm sóc vườn bưởi của mình. “Tôi nghĩ, trồng loại cây nào cũng vậy, muốn cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế thì việc tạo được nền đất màu mỡ, nhiều dinh dưỡng, lựa chọn cây giống chất lượng sẽ là điều kiện tiên quyết để thành công. Bởi vậy, khi mới bắt đầu thử nghiệm, tôi đã sử dụng các loại phân chuồng để cải tạo, giúp đất tơi xốp, cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Những điều đó có được là do nhiều năm qua tôi chịu khó nghiên cứu các kinh nghiệm lấy trên báo điện tử và Tạp chí Kinh tế nông thôn”, anh Tình chia sẻ.
Nhờ được chăm sóc tốt, dinh dưỡng đầy đủ, cây bưởi Diễn lớn nhanh, cành nhiều, tán rộng, vườn bưởi của anh có cây tuổi đời 18 - 20 năm. Điều đáng mừng là, vườn bưởi cho nhiều quả, quả tròn đều, bình quân cho thu hoạch 140 - 150 quả/cây, trọng lượng 0,9 - 1,2kg/quả. Bưởi được nhiều người tiêu dùng đánh giá rất cao về chất lượng, từ quả to, da bóng, vỏ mỏng, múi mọng nước đến vị ngọt thanh, không bị the hay đắng.
“Tết Nguyên đán vừa rồi, gia đình thu hoạch trên 25 tấn bưởi, bán giá 12.000 - 15.000 đồng /kg, chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Tôi chọn lựa trồng bưởi hữu cơ, sử dụng các loại phân chuồng, phân rơm, kèm với phân từ tro trấu… giúp đất có dinh dưỡng, tạo thêm độ ngọt cho quả. Bởi vậy, khi nghe mọi người khen ngon, tôi vui lắm, xem như mình phát triển đúng hướng”, anh Tình phấn khởi.
Năm 2022, vườn bưởi của gia đình anh được cấp tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao về chất lượng.
Cũng như gia đình anh Tình, anh Nguyễn Văn Tiến cũng mạnh dạn đưa 200 gốc bưởi đường đào, 120 gốc bưởi Diễn và 80 gốc bưởi da xanh trồng trên gần 1ha đất chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.
Giống bưởi Diễn được anh Tiến đưa về trồng khá phù hợp với thổ nhưỡng ở đây, cho quả ngọt thanh. Để cải thiện năng suất, anh siêng chăm cây, tưới nước, bón phân vi sinh, luôn cải tạo đất, giúp cây bưởi sinh trưởng và phát triền tốt hơn. Do vậy mà chất lượng quả bưởi không thua gì so với những khu vực trồng bưởi có tiếng trên cả nước.
Với mỗi gốc bưởi, nếu chăm sóc tốt, gặp thời tiết thuận lợi, có thể cho hơn 100 quả. Bưởi da xanh cho năng suất và giá trị còn cao hơn.
Anh Tiến đã cải tạo, biến khu ruộng cấy lúa kém hiệu quả thành vườn bưởi trĩu mọng, với 200 gốc bưởi đường đào, bưởi Diễn và bưởi da xanh. Số tiền đầu tư giống, tường rào, nhân công, phân bón, hệ thống tưới tự động, đường ống tưới đến hàng trăm triệu đồng.
Ngoài ra, anh còn khoan giếng lấy nước tưới cho vườn cây. Mỗi cây bưởi cho thu hoạch 120 - 130 quả, giá bán 13.000 -15.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Ông Lê Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Bắc Lương, cho biết, từ sự định hướng của huyện, phong trào cải tạo đất kém hiệu quả từ trồng lúa chuyển đổi sang cây trồng có múi, trồng cây ăn quả mà chủ lực là cây bưởi đã phát triển mạnh trên địa bàn xã. Các mô hình hình thành sau, có điều kiện thổ nhưỡng tốt, có diện tích rộng lớn, người dân nắm bắt được kỹ thuật trồng thâm canh theo hướng an toàn, sạch bệnh nên chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Vườn bưởi của hộ gia đình anh Tình và anh Tiến là những mô hình vườn đẹp, trồng đúng kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng hữu cơ. Mô hình đã trở thành địa điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ, hội viên Hội Làm vườn, các đoàn thể trong và ngoài địa phương.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.