Với mong muốn giúp người dân cập nhật kiến thức khoa học, công nghệ và chính sách trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm vừa tổ chức thành công Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông.
Đây là cầu nối và cơ hội nâng cao kiến thức, đẩy mạnh sản xuất cho nông dân trên địa bàn huyện.
Nông dân cần phát huy vai trò chủ thể
Sản xuất nông nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường.
Theo bà Hoàng Thị Thuý Nga, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm: Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông là một trong những hoạt động trọng tâm của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu trên thì người nông dân cần phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cần tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới và các cơ chế, chính sách.
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2023 và kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2024, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất kinh tế đạt cao.
Sau 2 năm triển khai Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, cùng với tập trung đầu tư phát triển kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực, UBND huyện Gia Lâm đã quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển nông nghiệp. Đến nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến, từng bước phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại hiệu quả cao, tích cực.
Các mô hình sản xuất, sơ chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho hiệu quả cao trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân 2 năm đạt 2,09% (Đề án 2,0 - 2,5%). Tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản giảm dần theo hướng tích cực so với các ngành kinh tế chủ yếu của huyện như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ nhưng giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, thủy sản năm sau tăng hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản của huyện là 8,29%, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 1.051,7 tỷ đồng; đến năm 2023, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản là 6,8%, nhưng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 1.090, tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 đạt 75,8 triệu đồng (Đề án phấn đấu đạt 80 triệu đồng/người/năm).
Huyện đã thực hiện quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung. Đến nay, tại 10 xã có diện tích sản xuất nông nghiệp ổn định ngoài đô thị, gồm: Phù Đổng, Văn Đức, Trung Mầu, Dương Quang, Kim Sơn, Lệ Chi, Cổ Bi, Phú Thị, Kim Lan, Đặng Xá. Trong lĩnh vực trồng trọt, theo Đề án, diện tích lúa cần chuyển đổi đến năm 2025 còn 649,84ha. Đến hết năm 2023, tổng diện tích lúa, màu hiệu quả kinh tế thấp đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh là 304,13ha (đạt 53,59% kế hoạch của Đề án), tập trung ở một số xã như: Phù Đổng 70ha, Trung Mầu 25ha, Dương Xá 65ha, Dương Quang 15ha, Lệ Chi 15,1ha, Yên Thường 10ha, Văn Đức 18,28ha, Đặng Xá 5ha…
Sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch vùng, đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung.
Cơ hội mở mang kiến thức
Ông Trương Văn Học, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, chia sẻ: Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông với mục tiêu liên kết một cách có hiệu quả nhất giữa hộ nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm trao đổi thông tin, giao lưu, học tập các kiến thức khoa học bổ ích về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản…; phổ biến chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp và giải đáp khó khăn, vướng mắc mà nông dân đang gặp phải. Đồng thời trang bị cho bà con thêm kiến thức, khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất, từ đó giảm chi phí, tăng lợi nhuận, chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tổ chức lại sản xuất khoa học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, phát triển nông nghiệp bền vững.
Các hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất, đại diện Hội đồng quản trị HTX dự diễn đàn này chính là hạt nhân để tuyên truyền, truyền tải nội dung bổ ích của Diễn đàn đến toàn thể thành viên HTX, đến các hộ sản xuất. Gia Lâm xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên tiềm năng lợi thế gắn kết chặt chẽ phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững
Thông tin về định hướng phát triển nông nghiệp, ông Trương Văn Học cho biết: Mặc dù mục tiêu phấn đấu phát triển thành quận vào cuối năm 2024, song Gia Lâm luôn xác định lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên quan tâm đầu tư. Hàng năm huyện đã dành hàng chục tỷ đồng khuyến khích sản xuất và hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình thử nghiệm giống cây trồng mới, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Quá trình đô thị hoá mạnh khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp của huyện cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức về thị trường giá cả, đầu ra không ổn định, biến đổi khí hậu khó lường, thời tiết cực đoan. Tuy vậy, cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn chuyển dịch tích cực, nhiều tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi đều tăng.
Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 606 tỷ đồng, đạt 54,6% kế hoạch năm và tăng 1,92% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn 3.400 hộ (khoảng 85% số hộ là chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, trong khu dân cư). Thực hiện Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội, đến nay thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên không còn chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tại các xã: Văn Đức, Trung Mầu, Phù Đổng, Lệ Chi, Đặng Xá với tổng diện tích quy hoạch 20,3ha cũng đang thực hiện các phương án chuyển chăn nuôi ra ngoài khu dân cư.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc hợp tác xã rau an toàn Văn Đức, xã Văn Đức có hơn 200ha rau. Từ nhiều năm nay, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, địa phương đã thực hiện việc ứng dụng công nghệ trong đăng ký QRcode tích hợp với thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, như: Quy trình sản xuất, thu hoạch, đóng gói... Thông qua đó đã tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Không chỉ cung cấp rau củ quả cho người dân Thủ đô, mà xã Văn Đức đã có nhiều sản phẩm nông sản xuất sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước châu Á khác. Đây là một minh chứng cho thấy hiệu quả của việc nâng cao kiến thức, cập nhật khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp ngày càng hiện đại và bền vững.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.