Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 3 năm 2023 | 14:5

Những “bông hồng” làm kinh tế giỏi

Những năm qua, trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, xuất hiện nhiều phụ nữ mạnh dạn, năng động khởi nghiệp để vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đó thực sự là những “bông hồng” tỏa ngát hương trong “vườn hoa” sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Khẳng định thương hiệu Huế Việt Organic

Là đơn vị chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế và các tỉnh lân cận, Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt đang dần khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Ngoài góp phần đem lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, công ty thường xuyên tổ chức các buổi tham quan cho các cháu thiếu nhi và đối tác đến xem mô hình sản xuất và trải nghiệm công việc nhà nông tại những điểm sản xuất của mình.

Huế Việt Organic là đơn vị chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch là, cửa hàng uy tín và an toàn về thực phẩm sạch tại Thừa Thiên- Huế.

Sau thành công với mô hình nông trại hữu cơ đầu tiên tại xã Hương Vân (Hương Trà), công ty mở thêm showroom Huế Việt tại 19 Trường Chinh, TP. Huế. Tại đây, ngoài cung cấp nông sản do công ty sản xuất như gạo, ngũ cốc, các loại rau củ quả, thịt lợn, gà..., còn trưng bày một số đặc sản hữu cơ như cam Quỳ Hợp (Nghệ An), cam Canh, bưởi Diễn (Hòa Bình), bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ (Quảng Trị)… do doanh nghiệp hợp đồng sản xuất.

Nhân rộng những tấm gương tiêu biểu “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”

Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết, thực hiện Quyết định 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020, và Quyết định 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế đã tổ chức triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... giới thiệu với thị trường, qua đó thúc đẩy quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị, gia tăng chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, góp phần cải thiện đời sống của người dân và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Theo chị Hoàng Phương Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Thừa Thiên- Huế, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của chị em, Hội thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hàng năm, Hội LHPN xây dựng và triển khai kế hoạch đến các cơ sở Hội trực thuộc. Nhiều hội viên, phụ nữ tích cực tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Thừa Thiên- Huế tổ chức và đạt nhiều giải cao là một điểm nhấn đáng ghi nhận.

Qua 4 năm thực hiện đề án, được sự quan tâm đồng hành, hỗ trợ từ phía các cấp hội, các ngành liên quan thường xuyên tạo điều kiện, kết nối để các chị được tham gia các lớp tập huấn, các hoạt động trải nghiệm, trưng bày giới thiệu sản phẩm. Qua đó, cung cấp, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; phát hiện, giới thiệu các phụ nữ có ý tưởng, dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia các cuộc thi do Hội LHPN, UBND tỉnh tổ chức; hướng dẫn tìm kiếm nhà đầu tư; nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp... Từ đó, nhân rộng mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ trên địa bàn.

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã khởi động chuỗi hoạt động Dự án 8 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tổ chức Hội nghị triển khai Hướng dẫn thực hiện Dự án; tổ chức 30 lớp tập huấn, truyền thông xây dựng nội dung thông điệp và tổ chức truyền thông tại cộng đồng, truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, chỉ đạo thành lập và ra mắt 08 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức 02 chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến giới và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Để tiếp tục khơi nguồn sáng tạo cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động của các cấp Hội, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp các ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về cơ chế, chính sách, tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ được tham gia các diễn đàn học tập, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo động lực, truyền cảm hứng cho phụ nữ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh  doanh vươn lên làm giàu chính đáng. Bản thân mỗi chị em phụ nữ cũng cần làm chủ bản thân, vươn lên để tự khẳng định mình, trở thành tấm gương tiêu biểu “Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”.

Cũng theo chị Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Hữu cơ Huế Việt, để kiểm soát chất lượng, có nhiều sản phẩm nông sản phong phú và ổn định, công ty làm việc với HTX và các hộ dân tại Hương Vân (TX. Hương Trà) và Phong Hiền (huyện Phong Điền), thuê 3ha đất lâu năm để trồng các loại rau màu, nuôi gia súc, gia cầm và 8ha đất trồng lúa hữu cơ. Ngoài việc cung ứng các loại nông sản hữu cơ, đơn vị đã sản xuất thành công sữa gạo lứt hữu cơ và một số loại mứt trái cây từ nguyên liệu sẵn có.

Hiện, Huế Việt Organic là doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch tại các cửa hàng uy tín và an toàn thực phẩm sạch tại Thừa Thiên- Huế. Huế Việt Organic cung cấp các sản phẩm hữu cơ tự nhiên, thực phẩm tươi sống với danh mục đa dạng, đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe người tiêu dùng: gạo hữu cơ, rau sạch, rau hữu cơ, thịt hữu cơ, trái cây, bún khô, sợi mì, các loại đậu, các sản phẩm về sen như hạt sen khô, trà hoa sen, trà ướp hương sen, trà sen thảo mộc, bánh sen gạo mầm, gạo lứt nảy mầm...

“Chúng tôi luôn tự hào là công ty cung cấp sản phẩm tươi, sạch… đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của mỗi gia đình và các đơn vị. Thời gian qua, công ty đã mở rộng thị trường phân phối ra các tỉnh, thành khu vực miền Trung”, chị Huệ chia sẻ.

Đưa sản phẩm dệt zèng ra thế giới

Dệt zèng là nghề truyền thống đặc trưng của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới. Tâm huyết với nghề, nghệ nhân Mai Thị Hợp ở xã Lâm Đớt là tấm gương điển hình trong việc duy trì, quảng bá, đưa sản phẩm dệt zèng truyền thống ra thế giới.

Bà Hợp cho biết, từ xa xưa, nghề dệt zèng đã thấm vào máu thịt của người Tà Ôi nơi đây. Sau nhiều năm mày mò luyện tập, đến năm 15 tuổi, lần đầu bà đã tự dệt được một tấm zèng hoàn chỉnh. Sản phẩm làm ra, bà Hợp mang bán cho bà con Cơ Tu, Pa Cô quanh vùng. Tuy nhiên, cái khó nằm ở “đầu ra” và người thợ. Đứng trước sự mai một của nghề dệt truyền thống, bà  trăn trở, quyết tâm khôi phục nghề. Năm 2004, bà Hợp đứng ra thành lập tổ dệt cho chị em tại xã A Đớt.

Sau khi gia đình bà Hợp chuyển ra thị trấn A Lưới, tổ dệt được nâng cấp lên thành HTX dệt zèng-thổ cẩm (nay là HTX Thổ cẩm xanh Aza Kooh). Không chỉ tạo việc làm, nâng cao tay nghề cho chị em, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã sáng tạo nhiều mẫu mã và họa tiết mới rồi hướng dẫn cho chị em cùng làm.

“Nghề dệt zèng tồn tại trong nếp sống của người Tà Ôi và nó chỉ mang tính tự cung tự cấp. Hiện nay với sự phổ biến của các sản phẩm may mặc truyền thống, nghề dệt zèng sẽ rất dễ bị mai một. Do đó tôi muốn các chị em cùng hợp tác để cùng hỗ trợ, cùng nhau làm. Hơn nữa, nếu không làm HTX thì không thể nào quảng bá cho sản phẩm mình làm ra được, vì vậy, chúng tôi nghĩ đến việc thành lập HTX để sản phẩm làm ra có tên gọi, có sự quản lý. Đặc biệt là, thông qua HTX, có thể hỗ trợ bà con kinh phí sản xuất, nâng cao kỹ thuật cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ”,  bà Hợp bày tỏ.

Với vai trò là Giám đốc HTX Thổ cẩm xanh Aza Kooh, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã chủ động, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, Festival nghề truyền thống trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt zèng của HTX đến đông đảo người dân. Đặc biệt, năm 2015, thổ cẩm của đồng bào Tà Ôi có cơ hội được trình diễn ở Nhật Bản và nghệ nhân Hợp chính là người đại diện cho phụ nữ Tà Ôi tham gia thao diễn nghề tại Trung tâm hội nghị quốc tế Fukuoka. Tiếp đến là những chuyến đi “khoe” nghề zèng ở châu Âu, Thái Lan, Canada …  Đến nay, sản phẩm zèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, yêu thích.

Sản phẩm dệt zèng của HTX Thổ cẩm xanh Aza Kooh với nhiều mẫu mã đẹp được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.

Năm 2016, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Với việc nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị của nghề dệt zèng truyền thống, nghệ nhân Mai Thị Hợp đã nhiều lần được trao tặng những danh hiệu, bằng khen. Trong đó, bà được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích tiêu biểu, xuất sắc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (năm 2017);  Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về gương phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc giai đoạn 2010-2015; danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở năm 2019 do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng… Nghệ nhân Mai Thị Hợp là một trong 100 nhà nông tiêu biểu được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022”.

Linh hoạt chủ động chuyển đổi cây trồng

Là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế vườn trại, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp với mức thu nhập 250 - 300 triệu đồng/năm, chị Lưu Thị Hợi (hội viên Hội Phụ nữ thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) được biết đến là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong mọi hoạt động của Hội.

Chị Lưu Thị Hợi chăm sóc vườn cây ăn quả.

Chị Hợi cùng chồng bám trụ quê hương bằng diện tích lớn đất nông nghiệp của ông bà để lại với hy vọng một ngày nào đó đất sẽ không phụ lòng người. Từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình chị chủ động chuyển sang trồng keo lá tràm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau đó, là người phụ nữ không ngại học hỏi, chị tìm thông tin liên quan đến phát triển kinh tế nông hộ và thử nghiệm ngay tại vườn nhà.

Sự đồng hành của các cấp chính quyền

Chị Hồ Thị Ý Nhi, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quế Lộc, nhận xét: “Chị Lưu Thị Hợi là một trong những tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị còn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương; vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là diện tích đất canh tác kém hiệu quả để phát triển kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo… Từ đó, tạo cơ hội việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.

Thông qua kênh Hội Phụ nữ xã Quế Lộc, chị Hợi cùng nhiều phụ nữ khác tiếp xúc dễ dàng và tiện lợi hơn trong thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Từ những nguồn vốn vay quý giá ấy, chị Hợi cùng nhiều phụ nữ địa phương đã biến vùng đất hoang hoá trở thành các vườn, trại, mang lại thu nhập cao.

Bên cạnh yếu tố về vốn, việc khan hiếm nước tưới cho vườn, trại của địa phương Nông Sơn cũng là vấn đề nan giải, khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Bùi Văn Chiến, Phó chủ tịch UBND xã Quế Lộc, cho biết: “Bây giờ nhiều hộ như gia đình chị Hợi đã tính đến làm vườn quy mô lớn nhưng bài toán nước tưới mùa khô vẫn khá nan giải. Vì vậy, được hỗ trợ khoan giếng, hệ thống tưới… chính là trợ lực kịp thời cho người làm vườn. Thời gian tới, địa phương sẽ hết sức hỗ trợ người dân về vấn đề này”.

“Bước đầu thực hiện gặp nhiều trở ngại nên có lúc gia đình tôi nản chí. May mắn được những người đi trước chỉ bảo thêm kinh nghiệm trong cải tạo vườn, quy hoạch khu đất cho từng loại cây, tiếp thêm động lực để tôi theo đuổi mô hình này”, chị Hợi chia sẻ.

Nhận thấy chăn nuôi, trồng cây ăn quả phù hợp với địa hình, khí hậu địa phương, năm 2005, với số vốn tích góp được và vay mượn thêm, vợ chồng chị cải tạo diện tích đất sản xuất để trồng chuối, rau, củ, quả. Lúc bấy giờ ở địa phương chưa có mô hình trồng chuối lùn hương nên sản phẩm bán được giá, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Để “lấy ngắn nuôi dài”, chị còn trồng xen sả trong vườn bưởi. Từ năm 2019 đến nay, nhu cầu tiêu thụ sả cao nên tiêu thụ thuận lợi và được giá, mỗi năm thu về hơn 20 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả, 6ha cây keo, chăn nuôi gà kiến và trồng thêm các loại rau, củ, quả như bí đỏ, đậu…

Ở những khu đất tơi xốp và xung quanh vườn nhà, chị trồng xen canh các loại rau màu khác như đậu đỏ, cải xanh, rau ngót, mồng tơi, rau dền, tía tô...

“Thời gian tới, gia đình sẽ được hỗ trợ  theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại nên chúng tôi sẽ trồng thêm sầu riêng, măng cụt, mít Thái ruột đỏ, mãng cầu... Tôi sẽ đầu tư để đa dạng sản phẩm cũng như tìm tòi hướng đi mới hiệu quả hơn”, chị Hợi chia sẻ.

Theo chị Hợi, bình quân mỗi năm riêng về mảng trồng trọt đã cho thu hơn 120 triệu đồng, giúp gia đình có điều kiện trang trải cuộc sống, nuôi 4 người con ăn học, có công ăn, việc làm ổn định.

Để cải thiện tối đa và triệt để công năng của mô hình nông nghiệp này, thời gian tới, gia đình chị  phấn đấu đạt chuẩn mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng VietGAP, tận dụng tốt nhất diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp.

Với sự cần cù, chịu khó, nhanh nhạy, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, cuộc sống của vợ chồng chị Hợi sau hơn 20 năm nhìn lại đã có nhiều thay đổi. Đến nay, chị đã mua sắm được nhiều vật dụng giá trị cho gia đình. Không chỉ năng động, sáng tạo nắm bắt thời cơ trong phát triển kinh tế, chị Hợi còn đảm đang, chăm lo cho gia đình luôn  hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, nuôi dạy và đầu tư cho các con ăn học đầy đủ.

 

 

T. Thành - Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top