Hiện nay, bệnh khảm lá gây hại trên cây mì (sắn) vẫn diễn biến phức tạp do chưa có thuốc đặc trị. Song, giá mì tươi ở mức cao nên nông dân lấy đó làm “động lực” tiếp tục trồng, bất chấp dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Nhiều năm qua, cây khoai mì là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân Tây Ninh. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, bệnh khảm lá bùng phát và lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng tinh bột mì.
“Khát” giống mì sạch bệnh
Gắn bó với cây mì hơn 10 năm nay, ông Đinh Văn Thanh (ấp Sa Nghe, xã An Cơ, huyện Châu Thành) cho biết, gia đình ông có khoảng 5ha đất tại xã An Cơ, mỗi năm thường trồng một vụ mì xen canh một vụ hoa màu (khổ qua).
Thời gian qua, do trồng những giống mì truyền thống bị bệnh khảm lá khiến nhiều nông dân gặp khó khăn, thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất và sản lượng giảm khoảng 30%. Về sau, nhờ tích cực chăm sóc nên cây mì phát triển tốt hơn nhưng chi phí đầu tư tăng cao, nếu không nhờ giá củ mì tươi những năm qua luôn duy trì ở mức cao, có lẽ ông đã chuyển sang cây trồng khác.
Để chuẩn bị cho đợt xuống giống mì niên vụ 2023-2024, ông Thanh dò tìm khắp nơi về những giống mì được cơ quan chức năng công nhận kháng được bệnh khảm là đang được trồng nhân giống. Tuy nhiên, việc tìm kiếm thông tin là quá khó đối với ông vì không nhiều người biết về những giống này.
Giống mì HN5 kháng bệnh khảm lá và cho năng suất cao hơn các giống mì truyền thống.
Theo ông Thanh, vừa qua, ông có nghe thông tin một người tại xã Trí Bình đăng bán giống mì kháng bệnh khảm lá trên mạng xã hội, liên lạc qua điện thoại, người này cho biết, giống mì đang bán là giống HN1, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống kháng được bệnh khảm lá, năng suất lên đến trên 40 tấn/ha, chữ bột trên 30 điểm.
Rõ ràng, đây là thông tin rất đáng mừng đối với ông. Tuy nhiên, sau khi hỏi giá, ông Thanh hết sức bất ngờ khi người bán đưa ra mức 320.000 đồng/bó/20 cây, cao hơn gấp 10 lần so với các giống mì cũ như HL11, KM140 và KM419…
“Nếu giống mì mới có thể kháng được bệnh khảm và cho năng suất cao như quảng cáo thì tôi không tiếc tiền đầu tư, vì sau một vụ trồng, tôi có thể vừa bán giống vừa bán củ, sẽ nhanh lấy lại vốn thôi, cái tôi lo là chất lượng cây giống có đúng không vì chưa có đơn vị chức năng nào kiểm chứng”, ông Thanh chia sẻ thêm.
Ông Dự (ấp Trà Sim, xã Ninh Điền) cho biết, ông có nghe thông tin về việc ngành nông nghiệp tỉnh đang triển khai nhân và chuyển giao các giống mì kháng bệnh khảm lá cho nông dân nên ông cũng muốn tìm mua về trồng nhằm thay thế các giống mì truyền thống đang nhiễm bệnh khảm lá nặng. Theo ông Dự, ông chỉ cần mua đủ trồng khoảng 0,5ha đổ lại, rồi từ từ nhân giống thêm, nên dù giá mì giống cao, ông cũng chấp nhận.
Còn theo một lão nông tại xã Trà Vong (huyện Tân Biên), nguồn giống mì cũ hầu như đều bị nhiễm bệnh khảm lá, từ lúc mới mọc mầm, lá non đã bị quăn, nếu ruộng mì thiếu độ ẩm, cây mì sẽ không thể phát triển được. Ngoài ra, nguồn bệnh có thể đã sẵn có do còn sót lại trong đất từ vụ mì trước bị nhiễm bệnh. Nhất là khi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chưa có nguồn giống sạch bệnh, kháng bệnh hoàn toàn, dẫn đến bệnh ngày càng lây lan trên diện rộng.
Mì kháng bệnh khảm lá, nguồn cung không đủ cầu
Vụ mì đông xuân 2022-2023, ông Lê Trường An (ấp Tân Trung B, xã Tân Hưng) được Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu chuyển giao nguồn giống HN1 để trồng nhân giống, với diện tích gần 0,3 ha. Sau gần một năm, cuối tháng 4/2023, ruộng mì của ông được thu hoạch, theo ước tính ban đầu, sản lượng củ mì đạt trên 400kg/công (1.000m2).
Theo ông An, đây là lần đầu tiên ông được trồng giống mì mới, từ lúc xuống giống đến lúc thu hoạch, cây mì hoàn toàn không có biểu hiện nhiễm bệnh khảm lá, phát triển nhanh, tán lá khép kín nhanh, nên ông chỉ phải tốn công diệt cỏ 1 lần đầu. Theo ông An, hiện nay, rất nhiều người tìm đến ông để trao đổi việc mua lại cây giống, không chỉ nông dân trong tỉnh mà còn có nhiều người từ các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bình Dương tìm mua.
Ông Huỳnh Phú Quốc (ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên) cho biết, thông qua các kênh thông tin từ báo, đài và mạng xã hội, được biết các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp tỉnh đã tìm ra được một số giống mì kháng bệnh khảm lá và hiện được triển khai trồng nhân giống tại huyện Tân Châu, ông đã không quản ngại khó khăn, đường sá xa xôi tìm đến ruộng mì của ông Lê Trường An để mua cây mì giống về trồng.
Theo ông Quốc, việc sử dụng những giống mì cũ, bị nhiễm bệnh khiến chi phí đầu tư tăng cao, do phải tăng lượng phân bón, thuốc trừ bọ cánh trắng, công chăm sóc và nước tưới. Vì vậy, ông cố gắng tìm kiếm giống kháng bệnh khảm lá về trồng để thay thế các giống cũ.
Ông Quốc chia sẻ: “So với những giống mì cũ tôi trồng, bộ củ của giống HN1 có phần to, đều hơn, tán lá rộng, gần như không có cây bị nhiễm bệnh khảm, điều này làm tôi cảm thấy yên tâm hơn khi mua giống tại đây”.
Cẩn trọng lựa chọn giống mì
Trước tình trạng hầu hết các giống mì địa phương bị bệnh khảm lá xâm nhiễm và chưa có thuốc đặc trị, từ năm 2018 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tích cực phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (CIAT) nghiên cứu, thử nghiệm các giống mì sạch bệnh, có tính kháng bệnh khảm lá.
Kết quả, đến cuối năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa một số giống mì có khả năng kháng bệnh khảm lá là HN3, HN5 và HN1 để hỗ trợ nông dân nhân giống trực tiếp trên đồng ruộng. Hiện các giống mì này phát triển khá tốt, là nguồn giống chất lượng để cung cấp cho địa phương.
Tuy nhiên, do số lượng giống ban đầu còn ít, nhất là giống HN1, nên xảy ra tình trạng giá giống bị đẩy lên cao bất thường, nhiều trường hợp kẻ gian lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân, để bán các loại giống giả mạo với đặc điểm nhận dạng gần giống với các giống kháng bệnh khảm lá.
Một nông dân trồng mì tại xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) cho biết, vì lo không xuống giống kịp thời vụ nên qua lời giới thiệu của một số người, ông tìm mua giống mì của thương lái (giống mì HN5), không bị nhiễm bệnh khảm lá với giá 40.000 đồng/bó.
Thế nhưng, xuống giống chưa bao lâu, những cây mì mới mọc đã xuất hiện tình trạng quăn lá (biểu hiện của bệnh khảm lá) khiến ông hụt hẫng. Theo một số nông dân mua phải giống mì giả mạo, hiện nay có nhiều thương lái giới thiệu cây giống là HN5 với đặc điểm là cuống lá màu đỏ, nhưng thực chất là giống mì Thái, giống này không kháng được bệnh khảm lá như quảng cáo nhưng được bán với giá khá cao.
Ông Dương Thanh Phương, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Châu, cho biết, hiện nay, các giống mì kháng bệnh khảm lá HN3, HN5 đang được chuyển giao cho nông dân trồng để nhân giống nhanh. Riêng với giống HN1, nguồn giống còn ít, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30 ha. Trong khi nhu cầu về nguồn giống sạch bệnh là rất lớn, do đó, đã có nhiều trường hợp lợi dụng tình hình để bán giống mì giả mạo, gây thiệt hại cho người trồng.
Theo ông Phương, nông dân có nhu cầu tìm nguồn giống mì sạch bệnh có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh để được giới thiệu những điểm sản xuất giống uy tín, tránh mua nhầm giống mì nhiễm bệnh khảm lá.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.