Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 11 năm 2022 | 15:10

Nuôi cá chép trong ruộng bậc thang nơi địa đầu Tổ quốc

Hà Giang có địa hình dốc cao, khí hậu khắc nghiệt; trong canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước trên những thửa ruộng bậc thang, khó để phát triển ngư nghiệp.

Để thích ứng được với môi trường khắc nghiệt, người dân nơi đây đã áp dụng mô hình nuôi cá chép trên các thửa ruộng bậc thang để phục vụ nhu cầu cuộc sống và bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc các dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Thích ứng với môi trường khắc nghiệt

Ông Phượng Chàn Nu, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì cho biết, là người dân tộc Dao, ông sinh ra và lớn lên tại đây, việc nuôi cá chép trên những thửa ruộng bậc thang đã có truyền thống từ lâu đời, nhất là ở những xã có nguồn nước tự nhiên dồi dào, đất đai màu mỡ như Hồ Thầu, Bản Luốc, Nậm Ty, Nậm Khòa, Thông Nguyên, Nam Sơn… Ở đây, món cá chép ruộng đã trở thành món ăn truyền thống của người dân Hoàng Su Phì. Không những vậy, cá chép ruộng còn là nét văn hóa, khi các nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng nông nghiệp của cộng đồng dân tộc trên địa bàn, như lễ cúng cơm mới của dân tộc Nùng, Dao, La Chí… thì không thể thiếu món lễ cá chép.

Cánh đồng lúa chín vàng trên thửa ruộng bậc thang ở xã Tả Sử Choóng (huyện Hoàng Su Phì).

Do đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng cũng như trải qua quá trình thuần hóa, chọn lọc tự nhiên nên chỉ có giống cá chép địa phương có thể nuôi được trên các thửa ruộng bậc thang, bởi chúng vừa chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt, vừa không theo nước trôi đi khi mưa lũ.

Bà Hoàng Thị Thủy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích ruộng vụ mùa của toàn huyện đạt 3.626 ha, hầu hết đều được nuôi thả cá chép ruộng, trong đó có 597,55 ha được nuôi với mật độ cao, sản lượng bình quân hàng năm đạt 70 - 90 tấn. Giá bán hiện dao động 100 - 120.000 đồng/kg thì thu nhập từ nuôi cá xen canh trên ruộng lúa bình quân mỗi năm khoảng 7,5 - 10 tỷ đồng. Cá biệt có xã như Bản Luốc, Nậm Ty, mỗi năm có thu nhập 1,5 - 2 tỷ đồng.

Khách du lịch trải nghiệm bắt cá ruộng xã Bản Luốc, xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) 

Để có nguồn cá giống, ngay từ tháng ba âm lịch hàng năm, các gia đình tiến hành chuyển cá giống được nuôi từ vụ trước đến các thửa ruộng ở đầu nguồn nước và thả vào đó những bó cỏ khô hoặc trồng cây thủy sinh để tạo môi trường cho cá chép sinh sôi. Sau những cơn mưa đầu tới thì cá chép bắt đầu sinh sản, họ lấy những bó cỏ khô có trứng cá chuyển ra ao để ương cá. Ngay khi cấy xong cũng là lúc con cá giống đã đủ cứng cáp, người dân bắt đầu thả cá vào ruộng với mật độ bình quân từ 2,5 - 3m2 một con. Sau khi thả cá, các gia đình không phải nuôi mà chỉ cần tháo nước vào ruộng đảm bảo duy trì ở mức 5 - 10 cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng.

Cá nuôi trên ruộng bậc thang có thời gian sinh trưởng khoảng 3 tháng. Trước khi thu hoạch lúa khoảng 15 ngày, các hộ tháo cạn nước bắt cá, vừa giúp cây lúa tập trung dưỡng chất và chín đều, đồng thời cho nền ruộng được khô ráo để việc thu hoạch được thuận lợi. Cá chép sau khi thu hoạch được gom chung lại một thửa ruộng để nuôi dự trữ làm thực phẩm. Những con to, phát triển hơn được lựa chọn để làm giống cho những vụ sau.

Việc nuôi cá chép ruộng không chỉ đem lại thu nhập cho người nông dân huyện Hoàng Su Phì mà còn góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thóc gạo sạch của huyện, bởi để cho cá có thể sinh trưởng và phát triển thì phải hạn chế tối đa việc dùng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Mặt khác, cá chép sau khi được nuôi thả sẽ giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng, sâu bọ có hại và thải phân làm tốt lúa. Trong khi đó, các loại phân hữu cơ bón cho lúa cũng là nguồn thức ăn cho cá. Từ đó giúp cho cây lúa phát triển theo hướng cộng sinh.

Do chất lượng thịt thơm ngon, mềm cùng với nét độc đáo của mô hình canh tác cá, lúa, những năm gần đây, các hộ gia đình trong vùng trọng điểm du lịch của huyện đã tổ chức các tour du lịch trải nghiệm tham quan chụp ảnh danh thắng ruộng bậc thang, kết hợp trải nghiệm các hoạt động văn hóa, lao động sản xuất như gặt lúa, bắt cá chép ruộng và chế biến thành các món ăn như cá nướng, nấu lá chua thảo quả, rán giòn, cá hun khói… đưa cá chép ruộng của Hoàng Su Phì trở thành những sản phẩm ẩm thực độc đáo được đông đảo du khách biết đến và đón nhận.

Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình nuôi cá chép ruộng theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn để tăng thu nhập và giảm nghèo cho nông dân.

Hỗ trợ người dân phát triển mô hình

Không chỉ người Dao ở Hoàng Su Phì mới nuôi cá chép ruộng. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh, người Tày, Giấy, Xuồng các địa phương khác trên địa bàn huyện trồng nhiều lúa nước như: Na Khê, Đông Minh, Mậu Long, Ngọc Long, Du Già, Du Tiến, Lao Và Chải, thị trấn Yên Minh… đều nuôi cá chép ruộng.

Được biết, để khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá chép ruộng, năm 2019, huyện Yên Minh đã sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua cá giống để thực hiện mô hình nuôi cá chép ruộng với hình thức đầu tư có thu hồi 20% sau 1 năm.

Người dân thôn Cốc Cai bắt cá chép nuôi trong ruộng lúa, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh cho biết: Huyện đã hỗ trợ 316 hộ, với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng. Diện tích ruộng lúa các hộ thả nuôi cá chép trên 51ha. Qua đó giúp các hộ có nguồn giống để nhân rộng diện tích nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Hiện nay, diện tích nuôi cá chép ruộng ở các xã không chỉ được duy trì mà còn nâng lên gần 54 ha, với giá bán bình quân  120.000 – 150.000 đồng/kg cá chép ruộng, mang lại thu nhập thêm cho các hộ trên 10 triệu đồng/ha/năm. Với tập quán canh tác, sản xuất lâu đời của người Tày ở Mậu Duệ và những giá trị văn hóa trong Tết Cá, năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Cá người Tày Mậu Duệ. Cùng với diện tích trồng lúa gần 2.700ha/năm, tiềm năng và giá trị phương thức nuôi cá chép ruộng lúa ở Yên Minh là rất lớn.

Qua đó có thể thấy, mô hình nuôi cá chép ruộng lúa phù hợp với những định hướng phát triển nông nghiệp đặc trưng gắn với chủ trương của tỉnh Hà Giang bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc các dân tộc phục vụ phát triển du lịch.

Hy vọng mô hình nuôi cá chép trong ruộng lúa này tiếp tục được nhân rộng và phát triển, không chỉ mang lại thu nhập, thực phẩm cho các gia đình, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương mà còn trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách trên hành trình khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top