Với mục đích đa dạng hóa đối tượng và hình thức nuôi để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định môi trường, giảm thiểu dịch bệnh, vừa giúp nhà nông tăng thu nhập và ổn định kinh tế - xã hội vùng đầm, ven biển, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai thực hiện mô hình “Nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn” trên ao nuôi 10.000m2 của ông Nguyễn Thế Lập tại thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Hộ tham gia được hỗ trợ 50% con giống, vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình. Bên cạnh đó, còn được hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi từ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm. Ban đầu, anh Lập thả 100 nghìn con giống tôm sú (cỡ 3 - 5 cm), 1.000 con cá chua (cỡ 6 cm) và 2.000 con cua xanh giống (cỡ 1,5 cm). Sau 5 tháng nuôi, tôm, cua, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (cua xanh 43%, tôm sú 62%, cá chua 85%), kích cỡ, trọng lượng đều đạt yêu cầu (cua xanh 250 g/con, tôm sú 22 g/con, cá chua 400 g/con); đặc biệt, ao nuôi của mô hình không xuất hiện bệnh dịch. Thu hoạch được 1.919 kg (tôm sú 1.364 kg, cua xanh 215 kg, cá chua 340 kg), ước lãi khoảng 180 triệu đồng.
Đo kích cỡ cá chua thu hoạch từ mô hình thực hiện ở ao nuôi của gia đình ông Nguyễn Thế Lập.
Anh Lập chia sẻ, trong quá trình triển khai, anh luôn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn từ khâu cải tạo ao, xử lý nước, thả giống, đến các bước chăm sóc quản lý, phòng bệnh... Hơn nữa, do ao nuôi là ao sinh thái có cây ngập mặn nên việc kết hợp nuôi ghép còn tạo điều kiện cho cây ngập mặn phát triển và khi phát triển tốt, rừng cây này tạo môi trường sống tích cực cho vật nuôi trong ao.
Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai 2 mô hình trình diễn tại Phù Cát và Tuy Phước. Đây là mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá theo hướng an toàn sinh học, chỉ cho ăn với đối tượng nuôi chính là tôm sú, tận dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao, không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, hóa chất gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ông Trương Xuân Đưa, Trưởng trạm Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Bình Định) cho biết, việc kết hợp nhiều đối tượng nuôi trên cùng một diện tích, trong cùng một vụ sẽ tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, thức ăn thừa của các đối tượng nuôi chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao và đã thuyết phục được nhiều người làm theo thay vì chỉ chuyên nuôi tôm như lâu nay. Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, việc nuôi kết hợp còn giúp ổn định môi trường, phát triển bền vững, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.