Xây dựng một nền nông nghiệp xanh là yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập và phát triển, đồng thời cần đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn.
Công nhân Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm Bắc Ninh thu hoạch lá tía tô xanh.
Bắc Ninh: Nông nghiệp xanh bắt kịp xu thế hội nhập
“Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn” là mục tiêu cứng trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050. Trước bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp; rủi ro về lượng tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông nghiệp gây nguy hại đối với sức khỏe con người và môi trường sống thì việc xây dựng một nền nông nghiệp xanh là yêu cầu cấp thiết trong xu thế hội nhập và phát triển.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh theo hướng cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, gắn tăng trưởng xanh phù hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bảo đảm tính hài hòa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Bám sát mục tiêu của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bắc Ninh xác định việc thực hiện Kế hoạch hành động phải dựa trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ mọi sự hỗ trợ để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo xu thế thân thiện với môi trường, giảm độc hại trong sản xuất xuống mức thấp nhất, hình thành các vùng chuyên canh năng suất, giá trị kinh tế hàng hóa, hướng đến xuất khẩu.
Mục tiêu cụ thể trong chương trình hành động của tỉnh vì một nền nông nghiệp xanh được đặt ra với tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt từ 1,0 - 1,2%; tốc độ tăng năng suất lao động đạt ít nhất 8,5%/năm. Đến năm 2030, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm còn dưới 1%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%. Tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hình thành nền nông nghiệp phát triển với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các sản phẩm nông nghiệp mới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Người dân nông thôn có mức sống cao, có điều kiện sống xanh, sạch, đẹp ngang với các đô thị văn minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Ngành Nông nghiệp chú trọng cơ cấu lại mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với xây dựng Nông thôn mới. Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chuỗi sản xuất khép kín được nhân rộng, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, chuyển mạnh từ xây dựng “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”.
Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực quốc gia; hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của địa phương. Giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị. Xây dựng các vùng chuyên canh bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, có cơ sở hạ tầng và các cụm ngành chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất. Hỗ trợ kết nối hạ tầng với các thị trường lớn, khu trung chuyển, dịch vụ hậu cần lớn, tiến tới kết nối với thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội nông thôn, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh, hội tụ đầy đủ các yếu tố để hội nhập.
Vĩnh Phúc: Những mô hình chăn nuôi không chất thải ô nhiễm
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ mới, gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường. Từ đó, những mô hình chăn nuôi không chất thải đã được ứng dụng và đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn.
Mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình anh Trương Trọng Nhạc, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Trà Hương
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tổng đàn trâu, bò là hơn 114 nghìn con; đàn lợn hơn 473 nghìn con; đàn gia cầm gần 12 triệu con. Với số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn, lượng chất thải hằng ngày ở các trang trại, hộ chăn nuôi nếu không được xử lý kịp thời sẽ tồn đọng ảnh hưởng đến môi trường.
Bởi vậy, bên cạnh việc sử dụng biện pháp xử lý chất thải truyền thống, một số trang trại lớn đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, xây dựng mô hình chăn nuôi không chất thải.
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Ngọc Anh, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc chăn nuôi lợn với số lượng lớn, trung bình khoảng 4.000 - 5.000 con lợn thương phẩm mỗi lứa.
Anh Ngọc Anh cho biết: “Gia đình tôi bắt đầu xây dựng trang trại chăn nuôi lợn từ năm 2015, khi đó, chúng tôi xử lý chất thải bằng cách xây dựng bể biogas, nhưng chăn nuôi số lượng lớn khiến cách làm này gặp nhiều bất cập.
Trước đây, để có thể xử lý được một lượng chất thải khổng lồ khoảng 3-4 tấn/ngày thì gia đình tôi thường phải lắp đặt đến 6 - 7 bể biogas với công suất cực lớn. Tuy nhiên, sau một thời gian trầm tích sẽ nhiều hơn khiến các bể biogas khó có thể xử lý kịp thời. Những lần bể sắp tràn, trang trại sẽ phải bỏ chi phí lớn để thuê các dịch vụ hút, xử lý chất thải, nếu không sẽ gây ô nhiễm nặng.
Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu những công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, từ năm 2020, gia đình tôi đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng để mua máy thu, ép chất thải gia súc, xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường”.
Từ khi sử dụng máy ép, 100% chất thải gia súc của trang trại được thu vào bể sau mỗi lần rửa chuồng, đưa lên máy ép. Phân ép khô được đóng vào bao, bán cho các hộ dân sử dụng trong trồng trọt.
Cùng với đó, trang trại của gia đình anh Ngọc Anh còn ứng dụng công nghệ vi sinh để xử lý, khử mùi trong nước thải chăn nuôi và ức chế các loại vi khuẩn gây bệnh, giúp giảm ô nhiễm môi trường nhanh chóng.
Nhờ áp dụng hệ thống xử lý chất thải một cách khoa học, trang trại chăn nuôi hàng nghìn con lợn của gia đình anh Ngọc Anh không có chất thải dư thừa ra môi trường. Hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Không chỉ vậy, mỗi lần bán phân ép khô, trang trại lại có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất.
Gia đình anh Đinh Văn Tuyên, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương chăn nuôi gà đã hơn 12 năm, nhưng đến khi thực hiện xây chuồng khép kín và áp dụng đệm lót sinh học trên nền chuồng, mô hình kinh tế này mới thực sự bền vững.
Được biết, đệm lót sinh học là hỗn hợp giữa chất trộn là trấu, mùn cưa, lõi bắp, vỏ bào kết hợp men vi sinh vật có lợi dùng để lót nền chuồng trong chăn nuôi và đang được các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm sử dụng rộng rãi.
Hệ men vi sinh vật có lợi giúp phân giải nước tiểu, phân thải, hạn chế khí hôi thối; ức chế và tiêu diệt sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Còn phân gà sau khi thu dọn đệm lót có thể dùng làm phân bón cho cây trồng.
Anh Tuyên chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi gà Ai Cập lấy trứng với số lượng khá lớn, trung bình khoảng 2 vạn gà/lứa. 100% chuồng nuôi gà đều được sử dụng đệm lót sinh học. Áp dụng phương pháp này, đàn gà luôn khỏe mạnh, trang trại nhiều năm liền không có dịch bệnh xảy ra, gia đình tôi cũng không phải lo về mùi, chất thải và bỏ thêm kinh phí để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, chi phí cho đệm lót sinh học sẽ được hoàn lại khi đệm lót trở thành phân hữu cơ, mỗi lần thu gom, gia đình tôi sẽ bán cho các hộ trồng trọt với giá 15 - 30 nghìn đồng/bao”.
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Hoa Phùng Văn Mạnh: “ Hoàng Hoa là địa bàn tập trung nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, do đó, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đều được chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng.
Qua kiểm tra, đánh giá có thể thấy việc ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm đã đem lại lợi ích kép, giúp người dân giảm nỗi lo về ô nhiễm môi trường, đồng thời, có thể tận dụng chất thải chăn nuôi sử dụng trong sản xuất, trồng trọt, được chính quyền khuyến khích, nhân rộng”.
Từ những mô hình chăn nuôi khép kín, không chất thải ô nhiễm đã cho thấy hiệu quả tích cực bởi chu trình khép kín, tuần hoàn giúp chất thải được xử lý và dùng làm nguyên liệu cho trồng trọt, nuôi thủy sản; tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát trong sản xuất và lượng chất thải ra môi trường.
Đây là hướng đi mà các địa phương, nông hộ và cộng đồng đều mong muốn được các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm, hỗ trợ để nông dân sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn hơn.
Hà Nội: Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ trái cây, nông sản
Để ổn định thị trường, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Việc này có vai trò vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của thị trường Thủ đô đối với trái cây, nông sản của địa phương khác là rất lớn.
Một gian hàng tại Lễ hội trái cây thành phố Hà Nội năm 2022 tại Công viên Thống Nhất.
Thành phố Hà Nội có dân số trên 10,7 triệu người sinh sống, học tập, làm việc nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn là rất lớn, trong đó sản phẩm trái cây là một trong những sản phẩm thiết yếu được người dân mua sắm và tiêu dùng hằng ngày. Qua khảo sát, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng trái cây trên địa bàn Hà Nội khoảng 52.000 tấn/tháng, trong đó nguồn cung trên địa bàn đáp ứng khoảng 35% nhu cầu. Hệ thống phân phối mặt hàng trái cây trên địa bàn đa dạng với 29 trung tâm thương mại, 112 siêu thị kinh doanh tổng hợp, 453 chợ với khoảng 4.050 hộ có kinh doanh trái cây, 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây trên các tuyến phố, khu dân cư.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, với mục tiêu quản lý và phát triển hoạt động của các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn theo hướng văn minh, hiện đại, bảo đảm an toàn thực phẩm, Hà Nội đã tổ chức triển khai Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành trực thuộc thành phố Hà Nội” (giai đoạn 2017-2019) và Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” nhân rộng trên toàn địa bàn thành phố.
Đến nay, theo đề án thí điểm, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan cấp biển nhận diện cho 100% cửa hàng kinh doanh trái cây tại 12 quận nội thành đáp ứng yêu cầu của Đề án. Triển khai đề án, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, đôn đốc các cửa hàng duy trì, hoàn thiện điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện, trên toàn địa bàn thành phố có 58% cửa hàng đã được cấp đăng ký kinh doanh; 89% người lao động đã được khám sức khỏe định kỳ; 90% người lao động được xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 84% cửa hàng đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm; 53,2% cơ sở có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ... Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng 65 tuyến phố văn minh không kinh doanh trái cây tại lòng đường, vỉa hè…
Bên cạnh đó, để ổn định thị trường, đẩy mạnh khai thác nguồn hàng trái cây, nông sản bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng về tiêu thụ tại hệ thống phân phối trên địa bàn, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh, thành phố. Qua các giải pháp thực tế, hiệu quả, đã kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp phân phối, siêu thị với các vùng sản xuất nông sản Hà Nội có sản phẩm mùa vụ sản lượng lớn kịp thời tiêu thụ. Sở Công Thương Hà Nội cũng chủ trì, phối hợp cung cấp thông tin yêu cầu, tiêu chuẩn của các kênh phân phối đối với chất lượng, quy cách sản phẩm, hàng hóa để các cơ sở sản xuất chuẩn bị phương án sản xuất phù hợp.
Trong 9 tháng năm 2022, thành phố đã tổ chức, tham gia và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trên 100 sự kiện, hoạt động giao thương, xúc tiến thương mại tại Hà Nội và các tỉnh, các kênh phân phối trên địa bàn thành phố hỗ trợ các tỉnh, thành phố kết nối tiêu thụ trên 250.000 tấn hàng hóa.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan cho rằng, các sở, ngành, hiệp hội cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về các vùng sản xuất, sản phẩm an toàn, sản phẩm có thế mạnh của các địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tuân thủ các quy trình sản xuất... để ký kết được các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất chân chính và người tiêu dùng./.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.