Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 2 năm 2024 | 10:35

Qua mùa hoa Tết, Kim Thành có hàng trăm triệu phú

Đào phai xã Kim Thành (Yên Thành - Nghệ An) được ví như kì hoa bởi thế dáng, sắc hoa đẹp một cách tự nhiên mang nét độc đáo riêng. Không những thế, nhờ kì hoa này mà hàng trăm hộ dân trở thành triệu phú chỉ sau một mùa hoa.

Từ truyền thống đến làng nghề

Chúng tôi về làng hoa đào Kim Thành vào ngày đầu Xuân Giáp Thìn - 2024 đầy nắng. Hoa đào không còn bạt ngàn như những ngày trước Tết nhưng dư hoa vẫn kiều diễm, hồng thắm trên nền xanh của núi rừng hùng vĩ. Nơi đây, không khí trong lành, đường làng được lát bê tông sạch sẽ, những nhà cao tầng mọc lên san sát. Chứng tỏ, cuộc sống của người dân được nâng cao. Anh Thái Doãn Hợp, xóm trưởng Đồng Bản, phấn khởi cho biết: “Dân xã chúng tôi ấm no là nhờ cây hoa đào phai đó. Cứ qua một mùa hoa là xã có thêm nhiều triệu phú”.

Nhà anh Liên “thay áo” cho vườn đào từ đầu tháng Chạp.

Được biết, hoa đào Kim Thành nổi tiếng bậc nhất xứ Nghệ bao đời nay bởi thế dáng, sắc hoa đẹp một cách tự nhiên mang nét độc đáo riêng. Trước đây, chỉ có làng Đồng Bản, người dân trồng manh mún, nhỏ lẻ, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, cả xã chuyển sang trồng đào. Bà con đã biết quy hoạch thành cây hàng hóa. Ngoài những cây đào phai bình thường, nhiều hộ dân nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật nên chuyển từ trồng đào truyền thống sang trồng đào thế bán hoặc cho thuê trong dịp Tết, mang lại thu nhập khá cao.

Xóm Đồng Bản có 140 hộ dân thì 100% số hộ trồng đào. Nhà nào trồng ít cũng vài trăm gốc, nhà nhiều lên tới vài ngàn gốc (hơn 2ha). Cây đào dễ trồng, chẳng cần phải chăm sóc là mấy. Nếu như ươm hạt thì sau 2 năm, cây sẽ ra hoa và thu hoạch được... “Điều đáng mừng là, hoa đào Kim Thành  năm nay khách các nơi đổ về mua đông như trẩy hội, nhiều thương lái ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu; thành phố Vinh đánh cả xe ô tô về mua”, anh Hợp nói.

Anh Trường Hà, thương lái  ở TP. Vinh tâm sự: “Nói về hoa đào, mỗi vùng miền có nét đẹp độc đáo riêng, chẳng dám nói đào ở đâu đẹp hơn, nhưng mấy năm rồi tôi đều về Kim Thành để gom đào, vì thế dáng đẹp một cách tự nhiên, hoa ra rất nhiều đợt, nụ nối nụ, hoa nối hoa, kéo dài từ giữa tháng Chạp cho đến hết tháng Giêng năm sau, có cây còn ra hoa đến tận tháng Ba. Màu hoa thắm, tươi lâu, rất dễ bán cho mọi tầng lớp dân chúng, chẳng bao giờ sợ ế”.

Từ đầu tháng Chạp thương lái đã đến xem và cọc tiền mua đào.

Quả vậy, nói đến đào Kim Thành thì cả vùng Nghệ An đều biết đến như một thương hiệu. Theo nhiều thương lái hoa đào cho biết, Tết Nguyên đán 2024, hoa đào Kim Thành đã chính thức “phủ sóng” hầu khắp thị trường Nghệ An, tràn sang cả Hà Tĩnh, Quảng Bình…

 Từ sự nỗ lực, cố gắng, đoàn kết trong sản xuất, năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định công nhận danh hiệu làng nghề trồng cây hoa đào phai xã Kim Thành, đưa loại cây cảnh này trở thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Trở thành triệu phú sau một mùa hoa

Đến xông đất hộ trồng đào Phan Văn Thành (xóm Đồng Bản, xã Kim Thành), anh tâm sự, vợ chồng anh trước đây chỉ canh tác mấy sào ruộng lúa, quanh năm thiếu nước nên cây lúa xác xơ như cỏ may, cho thu nhập chẳng đáng là bao. Nghĩ đất nhà mình rộng mênh mông, lại có cây đào truyền thống nên vợ chồng anh bàn bạc thầu  thêm 1ha đất đồi trồng gần 2 ngàn gốc đào. Vụ đầu, vợ chồng  anh thu lãi hơn 100 triệu đồng làm ai cũng trầm trồ thán phục. Sau đó, nhiều nhà học theo anh đua nhau trồng đào. Riêng vụ đào năm nay, vợ chồng anh thu nhập gần 200 triệu đồng.

Đào Kim Thành lên xe chuẩn bị xuống chợ (Ảnh CTV).

“Nhờ trồng đào mà nhà tui xây được nhà khang trang, sắm được những vật dụng sinh hoạt đắt tiền, con cái được học hành đến nơi đến chốn”, anh Thành chia sẻ. 

Kế bên nhà anh Thành là nhà anh Phan Hồng trồng hơn 800 gốc đào, Tết năm nay cũng lãi hơn 100 triệu đồng. Anh Hồng phấn khởi: “Nhà tui năm nay thương lái đến mua tận vườn nên không phải chặt đi bán như mọi năm. Trồng đào không phải đầu tư nhiều nhưng lãi lớn. Trồng đào có cái đặc biệt là không sợ ế. Nếu năm nay có ế cây nào thì sang năm cây đó sẽ có giá cao gấp đôi, gấp ba vì đào có độ tuổi càng cao thì càng có giá. Năm nay, tôi sẽ đầu tư trồng nhiều hơn”.

Không chỉ gia đình anh Thành, anh Hồng mà hàng trăm hộ dân xã Kim Thành cũng thu lãi lớn, trở thành triệu phú chỉ sau một mùa hoa nên bà con rất phấn khởi.

Theo báo cáo của Ban Nông nghiệp xã, toàn xã Kim Thành hiện có trên 380 hộ trồng đào, phân bổ trên 5/5 xóm với tổng diện tích trên 29ha, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 40-50 triệu đồng/sào/năm. Trong những năm tới, xã tiếp tục chuyển đổi đất lúa sang trồng đào. Đây là tiền đề quan trọng giúp cải thiện tiêu chí thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Livestream quảng bá hoa đào

Ông Cao Xuân Toản, Chủ tịch UBND xã Kim Thành, cho biết: “Nhờ trồng đào mà Kim Thành từ xã miền núi nghèo đã thay da đổi thịt thành xã khá - giàu. Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ đào Tết, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kĩ thuật vào trồng đào, tạo thế dáng đẹp và xây dựng thương hiệu đào Kim Thành mang nét độc đáo riêng”.

Ông Toản cho biết thêm, sắp tới, Kim Thành sẽ tổ chức livestream quảng bá hoa đào, dự kiến diễn ra vào giáp Tết Nguyên đán 2025. Hiện nay, công việc này đang triển khai, chuẩn bị. Đây là một trong những sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tiêu biểu, nổi bật gắn với hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân. Sự kiện hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia.

“Tin tưởng rằng, sự kiện sẽ góp phần tôn vinh những giá trị đặc sắc, hình ảnh đẹp về cuộc sống, con người và các giá trị văn hóa truyền thống,  khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, phát huy hiệu quả giá trị di sản danh thắng cũng như tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện lúa Yên Thành đến với du khách”, ông Toản nói.

 

Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top