Các địa phương cần ưu tiên cho các vùng sản xuất an toàn được chuyển giao kỹ thuật, đầu tư mạnh theo hướng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường.
Làm đất, chăm sóc rau tại thôn Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). (Ảnh: Lâm Nguyễn)
Hà Nội: Mở rộng các vùng trồng rau an toàn
Trong những năm qua, nhiều hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn Hà Nội đã tập trung sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ. Hướng đi này vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa phát huy được thế mạnh của nông nghiệp. Tuy nhiên, để mở rộng các vùng trồng rau an toàn, thành phố vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bà Nguyễn Thị Ngư, nhóm trưởng sản xuất của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cho biết, hợp tác xã có 200ha sản xuất rau, trong đó có 117ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Để tăng cường kiểm soát chất lượng, từ năm 2016, được sự hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gia Lâm, hợp tác xã đã phân các nhóm, tổ sản xuất rau an toàn tự quản. Hiện nay, mỗi ngày hợp tác xã cung ứng ra thị trường từ 30 đến 35 tấn rau các loại, chưa kể một phần sản lượng không nhỏ được cung ứng cho thị trường bán lẻ trong và ngoài huyện.
Còn Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (quận Hà Đông) Trịnh Văn Vĩnh thông tin, trong 22ha rau vụ xuân của hợp tác xã, có 11,7ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hợp tác xã giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn, phun thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm thời gian cách ly, có ghi chép đầy đủ của nông dân. Nhờ hướng canh tác an toàn, hợp tác xã đã có 6 sản phẩm (rau mồng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua) đạt chuẩn 3 sao của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cung cấp cho thị trường khoảng 640 tấn rau quả/năm, doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Về hiệu quả của các mô hình trồng rau an toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng đánh giá, toàn thành phố hiện có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ và nhiều mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Những sản phẩm rau an toàn trồng trên địa bàn thành phố đều bảo đảm vệ sinh thực phẩm, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm do sản xuất rau trong nhà màng, nhà lưới, trồng rau trái vụ…, cao hơn từ 10% đến 20% so với sản xuất rau theo hướng truyền thống.
Góp phần kiểm soát chất lượng, ngành Nông nghiệp cũng tập huấn kiến thức về sản xuất rau an toàn cả ở các vùng chuyên canh và các vùng sản xuất quy mô nhỏ. Thông qua những đợt tập huấn kỹ thuật và tuyên truyền, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học trong sản xuất rau an toàn đạt hơn 60%. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau an toàn giảm 50% và nông dân đã tuân thủ đúng thời gian cách ly sau khi thu hoạch.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 3.000-4.000ha rau an toàn; đồng thời, tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các vùng trồng rau an toàn của Hà Nội vẫn gặp khó về đầu ra và trong khâu sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau, củ. Một số hộ nông dân chưa quen với việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, chưa tuân thủ thời gian cách ly trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua chia sẻ, hợp tác xã luôn chú trọng sản xuất an toàn, ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, để mở rộng vùng trồng rau an toàn, hợp tác xã mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ trong liên kết, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp phân phối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để hợp tác xã đầu tư xây dựng khu chế biến, sơ chế rau khi vào vụ thu hoạch...
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản khẳng định, huyện đang tiếp tục đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng ở hạ tầng các vùng sản xuất rau an toàn; đồng thời, hỗ trợ kinh phí cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các vùng chuyên canh. Bên cạnh đó, huyện còn phối hợp với ngành Nông nghiệp thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất rau an toàn cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Tân Lộc, Viện Nghiên cứu rau quả cho rằng, để mở rộng các vùng trồng rau an toàn, Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân, như chi phí chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm nghiệm, đăng ký mã số, mã vạch, cung cấp dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm rau an toàn. Mặt khác, các địa phương cũng cần định hướng cho người dân trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường…
“Các địa phương cần ưu tiên cho các vùng rau an toàn được chuyển giao kỹ thuật, đầu tư mạnh theo hướng công nghệ cao, nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, nâng cao giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường”, bà Nguyễn Thị Tân Lộc nhấn mạnh.
Thanh Hóa: Xây dựng chuỗi cung ứng TPAT hướng đến nền nông nghiệp "sạch"
Xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (TPAT) là một trong những nội dung quan trọng trong lộ trình hướng đến nền nông nghiệp "sạch", an toàn. Đồng thời, đây cũng là vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội, có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, liên quan tới phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường đồng thời ảnh hưởng lớn đến tiến trình hội nhập. Bởi vậy, các sở, ngành cấp tỉnh đã và đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực thực hiện các giải pháp phát triển chuỗi cung ứng TPAT.
Diện tích rau được cung ứng theo chuỗi thực phẩm an toàn tại xã Vĩnh Quang (Vĩnh Lộc).
Tại huyện Nga Sơn, để thực hiện mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng TPAT, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, huyện đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện cho đội ngũ cán bộ phụ trách cấp xã, thị trấn về công tác quản lý an toàn thực phẩm; chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về sản xuất TPAT. Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Cùng với đó, huyện, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các chuỗi cung ứng rau, quả, thịt lợn sạch và chuỗi cửa hàng kinh doanh TPAT. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; tổ chức kết nối cung - cầu giữa các HTX với cơ sở tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Đến nay, huyện đã xây dựng được 14 chuỗi cung ứng TPAT. Trong đó, có 4 chuỗi lúa gạo tại các xã Nga Văn, Nga Phượng, Nga Thắng, Nga Vịnh; 5 chuỗi cung ứng rau quả tại Nga An, Nga Thành, Nga Trung, Nga Yên, Nga Thiện; 2 chuỗi thịt gia súc, gia cầm tại Nga Phú, Nga Giáp; 3 chuỗi thủy sản tại Nga Tiến, Nga Bạch, Nga Tân. Tổng khối lượng TPAT được cung ứng ra thị trường mỗi năm của huyện đạt khoảng 25.000 tấn các loại, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn huyện và cung ứng thêm cho thị trường ngoài huyện.
Đối với huyện Vĩnh Lộc, việc phát triển chuỗi cung ứng TPAT được huyện thực hiện thông qua các giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và người dân. Huyện đã rà soát, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để doanh nghiệp và người dân thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa cũng như quyền lợi chính đáng giữa doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, như: tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách, quỹ đất, miễn thuế năm đầu tiên... Chú trọng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm.
Đáng chú ý, để các chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, HTX đã chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng TPAT. Các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Hiện, huyện đã phát triển được 35 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, có 14 chuỗi cung ứng rau, quả an toàn, 13 chuỗi cung ứng lúa gạo an toàn, 5 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm an toàn và 3 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản an toàn.
Theo số liệu từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.050 chuỗi TPAT, tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng TPAT bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Bà Lê Thị Huyền Thu, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, cho biết: Việc xây dựng chuỗi cung ứng TPAT cần thiết lập được chuỗi các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm xuyên suốt từ trang trại đến bàn ăn. Đây là việc thực hiện liên hoàn các mắt xích, trong đó mỗi mắt xích là một cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm. Tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm, các cơ sở đều phải tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Các cơ quan chức năng sẽ tổ chức giám sát, lấy mẫu kiểm tra đảm bảo an toàn cho sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Để thực hiện được điều đó, trước hết phải xây dựng được các mối liên kết ngang và liên kết dọc. Liên kết ngang là tại mỗi mắt xích phải tập hợp được một số cơ sở sản xuất cùng loại sản phẩm, bảo đảm cung cấp cho thị trường một cách liên tục. Liên kết dọc là liên kết giữa các công đoạn trong chuỗi sản phẩm. Để đảm bảo tính ổn định cho các mối liên kết dọc, phải có sự phối hợp giữa các ngành liên quan. Về phía Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh, đơn vị sẽ tập trung cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và thường xuyên giám sát chất lượng.
Bắc Ninh: Giới thiệu 95 sản phẩm OCOP tại Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc
Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thành việc xây dựng và triển khai Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa Bắc Ninh tại địa chỉ https://check.bacninh.gov.vn/. Đồng thời thiết lập tài khoản và hướng dẫn cho 13 cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về quản lý, sử dụng Cổng thông tin này.
Giao diện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, kết nối cung cầu hàng hóa Bắc Ninh.
Đến nay, các đơn vị cập nhật, đăng tải thông tin thực hiện truy xuất nguồn gốc lên Cổng cho 95 sản phẩm OCOP của 75 doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất kinh doanh. Một số sản phẩm tiêu biểu được giới thiệu như trứng gà, vịt Hưng Phát; tảo, đông trùng hạ thảo Bảo Khang; Tỏi đen một nhánh Gia Bình; Mắm tép chưng thịt PTK, Nem 99, Dưa lưới Hải Phong...
Cùng với đó, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục lồng ghép việc áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với 11 các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề thuộc Đề án xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, khuyến khích áp dụng tem truy xuất nguồn gốc trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong quản lý, kiểm soát, minh bạch chất lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất./.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.