Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 9 năm 2023 | 16:5

Tạo chỗ đứng vững chắc, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Ngành Nông nghiệp đã và đang quan tâm đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đặc sản của địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới.

Sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Ánh Ngọc)

Hà Nội: Khẳng định vị thế từ thương hiệu

Để tạo chỗ đứng vững chắc, tăng hiệu quả bảo vệ thương hiệu nông sản Thủ đô, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng sản phẩm.

Huyện Ba Vì là một trong những địa phương chăn nuôi gà đồi quy mô lớn với hơn 3 triệu con, trung bình 100-200 con gà thịt/hộ, tập trung chủ yếu tại các xã vùng đồi gò: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…

Những năm qua, các ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm “Gà đồi Ba Vì”. Ông Ngô Xuân Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, với quy mô nuôi 10.000 con gà đẻ, cung cấp 100 vạn trứng/năm; 60.000 gà thịt/năm, nhờ có nhãn hiệu, tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ mà giá bán của sản phẩm “Gà đồi Ba Vì” luôn ở mức cao hơn 15% so với trước đây khi chưa có nhãn hiệu. Hiện, nông dân tập trung sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm chất lượng cung cấp cho thị trường.

Tương tự, cũng nhờ xây dựng được thương hiệu, “Gạo hữu cơ Đồng Phú” (huyện Chương Mỹ) không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới các thị trường: Mỹ, châu Âu... Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, ngoài sản xuất lúa gạo, đơn vị còn phối hợp với doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, như: Chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo hỗ trợ người ăn kiêng… Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm lúa gạo. Để giám sát chất lượng, hợp tác xã còn dán tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin trên thị trường.

Ở quy mô toàn thành phố, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ)… Các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, giá bán cao hơn 15-20% so với sản phẩm không có thương hiệu. Không những thế, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Hà Nội có nhiều nông sản, đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, mẫu mã đơn điệu; doanh nghiệp thu mua nông sản tại các địa phương chưa mặn mà trong xây dựng và phát triển thương hiệu...

Để thương hiệu nông sản tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên kiến nghị các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, từ sản xuất an toàn tới sơ chế, chế biến sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân trong việc bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản.

Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến quản lý thương hiệu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định rõ vị thế trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.

Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nêu rõ, để bảo vệ, quản lý hiệu quả thương hiệu nông sản, đặc sản của Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước...

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc sản...

Thanh Hóa: Mở đường cho nông sản vươn tầm quốc tế

Nông sản Thanh Hóa ngày càng được mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, để đem lại giá trị lớn hơn, nông sản Thanh Hóa phải từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn để “xuất ngoại”.

Tin vui đến với cây vải trên đất Thanh Hóa là tháng 6-2023 tấn vải không hạt đầu tiên đã được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Quả vải xuất khẩu được trồng thử nghiệm tại huyện Ngọc Lặc theo quy trình GlobalGAP. Với việc đưa quả vải trồng ở xứ Thanh sang hai thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới hiện nay, dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng đã tạo dấu mốc mới cho ngành nông nghiệp Thanh Hóa.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) đang được hoàn thiện phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Lê Đồng)

Cũng thời gian này, một số lô hàng nước mắm và mắm tôm Lê Gia cũng lên đường “xuất ngoại” đến những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Trước đó, sản phẩm này đã có mặt ở một số thị trường như Nga, Hàn Quốc, Đài Loan. Mắm Lê Gia là sản phẩm OCOP 5 sao duy nhất của Thanh Hóa tính đến thời điểm hiện tại, được sản xuất bởi Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia ở huyện Hoằng Hóa. Để nhập khẩu vào các thị trường “khó tính” trên, chủ thể phải đáp ứng những quy định hết sức khắt khe.

Thời gian gần đây tư duy nâng tầm sản phẩm để đưa nông sản Thanh Hóa “ra biển lớn” đã hình thành ở nhiều chủ thể sản xuất, trong đó một số sản phẩm OCOP đóng vai trò lĩnh xướng. Theo rà soát từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến giữa tháng 8-2023 đã có 22 sản phẩm OCOP của tỉnh tìm được thị trường xuất khẩu. Trong đó có những sản phẩm chủ thể sản xuất đã ký được các hợp đồng liên kết tiêu thụ với đối tác nước ngoài như sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói của Công ty CP Sản xuất, chế biến cói xuất khẩu Việt Anh (Nga Sơn) xuất khẩu trực tiếp và có chuỗi bán hàng tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre luồng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Bamboo Vina (Hà Trung) xuất sang EU và Bắc Mỹ; sản phẩm dứa và ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) xuất đi Ba Lan, Nga, Hàn Quốc, Úc.

Để có được “trái ngọt” đó các chủ thể đã ứng dụng công nghệ mới để làm ra sản phẩm chất lượng; đồng thời hoàn thiện bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc để sản phẩm “định vị” trong lòng người tiêu dùng. Đây là bước đột phá về tư duy, tầm nhìn, nhằm đưa sản phẩm đến gần hơn khách hàng, nhất là phục vụ xuất khẩu.

Với 22 sản phẩm OCOP tiếp cận được thị trường nước ngoài có thể xem là con số vui. Nhưng so với số lượng và sản lượng nông sản mà Thanh Hóa đang có, nhất là với sự quan tâm của tỉnh thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách và thực hiện hỗ trợ, thì con số này còn quá khiêm tốn.

Chúng ta còn nhiều “rào cản” khiến nông sản từ xứ Thanh dù phong phú, giàu hương sắc, nhưng lại chưa thể vươn xa được. Trong đó tư tưởng “ăn xổi” với lợi ích và tầm nhìn ngắn hạn của một số chủ thể đang làm cho nông sản giảm tính cạnh tranh. Hiện chưa có nhiều diện tích nông sản áp dụng các biện pháp nuôi, trồng theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong nuôi trồng còn nhiều, làm giảm chất lượng sản phẩm.

Vấn đề nữa là tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn dù tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách. Đến tháng 8-2023 trên địa bàn Thanh Hóa mới có khoảng 1.290 doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, trong đó doanh nghiệp đủ khả năng, tiềm lực đứng ra liên kếtsản xuất, bao tiêu sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều. Sở dĩ như vậy vì nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, Thanh Hóa lại là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, trong khi bảo hiểm nông nghiệp còn những bất cập, khiến doanh nghiệp e dè.

Nếu cứ để nông dân loay hoay trong “cánh đồng chật hẹp” nguồn vốn ít, tiếp cận công nghệ thấp, thì rất khó để xây dựng được chất lượng nông sản đáp ứng tiêu chí xuất khẩu. Chưa kể là tính kết nối để luân chuyển hàng hóa gần như là bằng không.

Muốn mở đường cho nông sản trong tỉnh vươn tầm quốc tế đòi hỏi phải dựa trên các giá trị đặc thù, khác biệt và độ an toàn của sản phẩm. Làm được điều đó mới giúp cho sản phẩm được tin tưởng. Chưa kể, để vào được các thị trường “khó tính” và xác lập được chỗ đứng tại đây, thì việc xây dựng nhãn hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý là hết sức quan trọng. Thanh Hóa là một trong những tỉnh có nhiều chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhất, cần phải nhân lên lợi thế này để thế giới biết đến nhiều hơn sản phẩm có xuất xứ từ xứ Thanh. Muốn làm tốt điều đó, bên cạnh nỗ lực của chính quyền và ngành chức năng, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp nông nghiệp. Các chủ thể sản xuất cũng phải chủ động hơn sau khi sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.

Hãy nhìn vào kinh nghiệm của một chủ thể sản phẩm đã có chỗ đứng ở nhiều thị trường quốc tế đó là mắm tôm Lê Gia để thấy tư duy xây dựng, phát triển sản phẩm như thế nào. Theo Giám đốc Công ty Lê Ngọc Anh: Chúng ta có nhiều không gian văn hóa, lễ hội, ẩm thực, bằng cách nào đó hãy để sản phẩm của mình tiếp cận các hoạt động này. Quan trọng nữa là, phải đứng ở góc nhìn của thị trường, mang tư duy của thị trường để thiết kế sản phẩm, đầu tư cho công tác nghiên cứu phát triển dựa trên thế mạnh tài nguyên bản địa, nguồn lực của mỗi chủ thể. Tư duy thị trường phải thể hiện trong từng khâu của chuỗi giá trị doanh nghiệp, từ những việc nhỏ nhất như bao bì, tem nhãn, đến phân khúc và thiết kế sản phẩm, tiếp thị, quảng bá và bán hàng. Nếu cố gắng làm tốt thì sản phẩm OCOP xứ Thanh hoàn toàn có nhiều cơ hội bay cao, vươn xa.

Thanh Hóa hiện có 354 sản phẩm OCOP, là lợi thế lớn, chưa kể nhiều nông sản khác đang trong quá trình xây dựng. Xóa bỏ tư duy “ăn xổi” với sự cầu thị, nâng niu sản phẩm, chúng ta hoàn toàn mở được lối đi cho nhiều nông sản xứ Thanh ra quốc tế, nhất là những thị trường “khó tính”. Hiện nay nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, châu thổ sông Hồng và một số tỉnh miền núi phía Bắc thực hiện rất tốt việc đưa nông sản ra thế giới. Xét về tiềm năng, Thanh Hóa không hề kém cạnh, vấn đề chỉ là tư duy nhập cuộc và tâm thế hòa mình vào dòng chảy mà thôi.

Hà Nam: Hướng đi giúp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

Sản xuất rau, củ quả sạch (an toàn, VietGAP, hữu cơ…) đang được các địa phương quan tâm thực hiện trong phát triển nông nghiệp. Đã có nhiều mô hình sản xuất tập trung được xây dựng và phát huy hiệu quả. Hiện, tỉnh đang tiếp tục khuyến khích hình thành thêm những vùng sản xuất nông sản sạch, nhất là rau, củ, quả đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Khởi động sản xuất vụ đông tại HTX nông sản an toàn Liên Hiệp (xã Thi Sơn, Kim Bảng). Ảnh: Thành Nam

Dự án Nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm của HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Thanh Hà tại xã Đồng Du (Bình Lục) có diện tích 19,5 ha đang được triển khai thực hiện. Đơn vị đang tiến hành cải tạo, xây dựng hệ thống kênh mương tưới tiêu, bể chứa nước tưới, nhà kho và 3.000m2 nhà màn chọn lọc giống. Trên một số diện tích của khu sản xuất đã bắt đầu được trồng các loại rau, củ, quả, rau gia vị... Anh Mai Hữu Đoan, Phó Giám đốc HTX cho biết: Dự án đang được triển khai xây dựng đồng bộ hạ tầng, cải tạo đất phù hợp với trồng rau, củ, quả và bắt đầu đi vào sản xuất. Trong vụ đông 2023, sẽ có một số sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn được đưa ra thị trường...

Dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm tại Đồng Du được triển khai xây dựng từ tháng 12/2022. Trên tổng diện tích 19,5 ha, có 4 ha xây dựng cơ sở hạ tầng. Diện tích còn lại được bố trí trên 80% diện tích trồng một số chủng loại sản phẩm: Rau mầm, rau baby, rau gia vị; phần diện tích còn lại phục vụ du lịch trải nghiệm. Đơn vị sẽ đầu tư 7 ha nhà màn phục vụ trồng rau các loại giúp bảo đảm yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, chủ động ứng phó với thời tiết, ngăn ngừa dịch hại… Quá trình sản xuất được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi đi vào sản xuất ổn định (khoảng 3 năm tới), dự kiến, mỗi ngày HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Thanh Hà xuất bán ra thị trường 3.000 kg rau, củ, quả các loại. Đây là dự án sản xuất có quy mô lớn, hứa hẹn tạo chuyển biến mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Tại HTX rau an toàn Liên Hiệp, xã Thi Sơn (Kim Bảng), 5 ha đất sản xuất đang được khai thác và phát huy tốt. Trong vụ đông năm nay, HTX triển khai gieo trồng ngay từ đầu tháng 9. Các loại rau, củ, quả được trồng đa dạng, như: bắp cải, su hào, cải canh, cải ngồng, dưa chuột, cà chua… Phần lớn sản lượng rau sản xuất ra đều bán cho các bếp ăn tập thể, cửa hàng nông sản sạch đã ký hợp đồng với HTX.

Còn tại HTX Nông nghiệp Hạ Vỹ, xã Nhân Chính (Lý Nhân) nhiều năm nay duy trì hiệu quả mô hình sản xuất rau, củ, quả đạt tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5ha và vùng sản xuất an toàn phụ cận. Trên diện tích này, người dân đã ký hợp đồng tiêu thụ với HTX nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ) cung cấp vào hệ thống siêu thị VinMart. Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hạ Vỹ, sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng phát triển chính của người dân vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn. Cách làm này giúp mở rộng hơn thị trường và ổn định giá tiêu thụ sản phẩm. Thu nhập từ vùng rau VietGAP và rau an toàn tại HTX cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần so với bên ngoài mô hình.

Sản xuất rau, củ, quả sạch đang được duy trì và mở rộng diện tích tại các địa phương trong tỉnh. Đây là những mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Cả tỉnh hiện có 8 mô hình nhà kính, 13 mô hình nhà màn, 3 hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt tiết kiệm nước với tổng diện tích hơn 3,6ha. Đồng thời có hơn 264ha sản xuất cây trồng được cấp chứng nhận VietGAP, 17,1 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 605ha đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong đó có diện tích đáng kể trồng rau, củ, quả.

Các mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch đã đem lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Nổi bật, sản xuất ít sử dụng phân hóa học, thuốc phòng trừ sâu, bệnh bằng hóa chất góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng. Sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng. Phần lớn những diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ đều có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch, bếp ăn tập thể (doanh nghiệp, trường học…). Giá bán sản phẩm đều ổn định ở mức cao hơn thị trường tự do; những diện tích rau, củ, quả trồng trong nhà kính, nhà màn cho giá trị cao gấp 2 - 3 lần bên ngoài do không bị tác động nhiều của thời tiết, có thể trồng trái vụ, ngăn ngừa được nhiều đối tượng sâu hại…

Theo bà Trần Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản xuất rau, củ, quả sạch đã chứng minh được hiệu quả trên đồng ruộng. Ngành Nông nghiệp hiện đang phối hợp cùng các địa phương xây dựng thêm những mô hình mới. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất cho người dân.

Mục tiêu đặt ra của ngành Nông nghiệp là tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất nói chung và rau, củ, quả sạch nói riêng. Cách làm này không những tạo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân mà còn là hướng đi giúp phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top