Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 10 năm 2022 | 14:35

Tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là kinh tế hộ; các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ở quy mô nhỏ, thị trường không ổn định, vốn thu hút vào nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều, chưa có nông sản hàng hóa thương hiệu mạnh... là những rào cản không nhỏ mà Lào Cai cần phải gỡ bỏ để có những đột phá trong phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Phát huy thế mạnh của kinh tế tập thể

HTX chăn nuôi Xuân Tiến (xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng) được thành lập năm 2017, gồm 13 thành viên; quy mô chăn nuôi 80 nghìn con gà/chu kỳ, cung cấp ra thị trường 400-500 tấn gà thịt/năm, doanh số đạt 30 tỷ đồng, thu lợi nhuận trên 4 tỷ đồng. Thu nhập của hộ xã viên thấp nhất là 200 triệu đồng, hộ cao nhất trên 2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động mức lương 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Mường Khương là một trong những huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh Lào Cai với tổng diện tích 4.055ha, giá trị sản lượng đạt trên 86 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX chăn nuôi Xuân Tiến - ông Phan Nhật Quang cho biết, mục tiêu của HTX là phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết với nhà máy chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó thì cần phải có sản phẩm đủ lớn để phục vụ chế biến và xuất khẩu, chế biến sản phẩm sau thu hoạch. Trong khi, việc mở rộng diện tích và vị trí chăn nuôi còn khó khăn, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu được hình thành nhưng chưa rõ nét. Trình độ sản xuất của xã viên còn hạn chế, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi gà chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là, chưa tiếp cận  chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh như Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND, theo văn bản hướng dẫn phải làm nhiều giấy tờ, quy trình thực hiện nhiều bước, nhiều khâu theo quy định, luật của từng lĩnh vực chuyên ngành...

Ông Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty THNN MTV TM & DVDL Song Nhi Sa Pa (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa), chia sẻ: “Ngành nghề của công ty là chăn nuôi cá nước lạnh; dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch. Công ty thành lập trên cơ sở nhu cầu liên kết, hợp tác phát triển sản xuất của 30 hộ trên địa bàn thị xã Sa Pa và một số huyện, tỉnh bạn”.

Hiện, Công ty Song Nhi Sa Pa cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh. Hội Nông dân hỗ trợ người dân tiếp cận  nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh lãi suất thấp, kết hợp cùng Công ty Song Nhi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, đưa đội ngũ kỹ thuật đến từng xã kiểm tra, đưa ra phương án và phác đồ điều trị khi cá bị bệnh và tập trung chỉ đạo Hội Nông dân, tổ hội nghề cá hoạt động hiệu quả. Người chăn nuôi chịu trách nhiệm về mặt bằng trang trại, chăm sóc cá, đảm bảo sản phẩm khi xuất trại đạt chất lượng cao nhất.

Trong thực tế triển khai, người dân đã sử dụng khá tốt vốn vay để phát triển sản xuất, doanh nghiệp cũng sẵn sàng hơn trong việc đầu tư, đem về nhiều nguồn giống, thức ăn có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ bà con sản xuất. Tuy nhiên, để đầu tư nuôi cá nước lạnh, cần số vốn lớn hơn các ngành nghề khác rất nhiều nên nguồn vay thời gian qua chỉ hỗ trợ được cho bà con một phần, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Về phát triển các cơ sở mới, thực tế tiềm năng còn rất lớn, nhu cầu thị trường còn rất nhiều, năm 2021, nhập khẩu và cá lậu từ Trung Quốc về khoảng 60 nghìn tấn trong khi Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 7 nghìn tấn (khu vực Lào Cai, Sa Pa, Lai Châu ước đạt 3.000 tấn năm 2021).

Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa của Sở Nông nghiệp và PTNT Lào Cai đến năm 2030 sẽ lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm nòng cốt để tổ chức sản xuất tập trung, có sản phẩm đủ lớn để phục vụ chế biến và xuất khẩu, phát triển hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả, tăng cường liên kết giữa các vùng để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu, sản phẩm đặc hữu tại địa phương. Đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức kinh tế, hợp tác xã với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục rà soát, nghiên cứu xây dựng Chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (thay thế Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND) đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh, sử dụng lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG; thu hút tối đa nguồn lực trong cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để tập trung phát triển sản xuất.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư thực hiện dự án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường thu hút xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ quản lý tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp; chú trọng kỹ năng xây dựng phương án sản xuất hiệu quả, tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về thị trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng đất đai phục vụ các tổ chức, nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng mã vùng trồng, truy xuất vùng trồng... Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ.

Nâng “chất” và “lượng” trong NN hàng hoá

Tính đến ngày 10/9/2022, Lào Cai có 123 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP: 24 sản phẩm đạt chứng nhận đạt 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế) và 99 sản phẩm chứng nhận đạt 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao). Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành là thực phẩm 93 sản phẩm, đồ uống 11 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ trang trí 3 sản phẩm, vải may mặc 2 sản phẩm, dược liệu 13 sản phẩm, dịch vụ du lịch và bán hàng 1 sản phẩm. Các nhóm sản phẩm OCOP của địa phương được du khách ưa chuộng tiêu biểu như sản phẩm 4 sao từ Dịch vụ du lịch “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn; Tranh, túi, vỏ gối thổ cẩm, các sản phẩm từ Actiso (Sa Pa); Miến đao, Gạo Séng Cù, Gạo Lứt Séng Cù (Bát Xát), Trà Việt Ô Long, Việt Hồng Trà (Mường Khương), Rượu Bản Phố, chè Shan hữu cơ (Bắc Hà), ….    

Bên cạnh đó, tại Lào Cai, các loại cây trồng chủ lực như: quế, chuối, dứa, dược liệu, chè với quy trình sản xuất nghiêm ngặt theo hướng tập trung đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ đã mang lại nguồn thu ngày càng cao cho nông dân. Song song với việc gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi, Lào Cai đang tiếp tục mở rộng diện tích vùng sản xuất tập trung để thúc đẩy tăng trưởng sản lượng đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.500ha nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi 14.000ha từ sản xuất thông thường sang sản xuất hữu cơ. Trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp lên xuống thất thường, thậm chí đang tăng vọt như hiện nay khiến người nông dân điêu đứng vì sản xuất không có lãi, thì sản xuất hữu cơ được coi là giải pháp tối ưu.

Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 100 triệu đồng/ha canh tác. Mục tiêu này muốn thực hiện được, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn chế biến với tiêu thụ sản phẩm thì tăng quy mô các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ quan trọng, giúp nông nghiệp Lào Cai chuyển từ nông nghiệp an sinh sang nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn và nông dân có thu nhập cao.

 

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top