Táo xuân 21 có vị ngọt, giòn, mát, mùi thơm đặc trưng, da căng bóng rất đẹp mắt, được nhiều nhà vườn ở xã Đồng Liên (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chọn trồng. Nhờ trồng táo xuân 21, nhiều hộ giàu lên trông thấy.
Đi lên từ cây táo
Về Đồng Liên những ngày này, bắt gặp nhiều nông dân trên địa bàn xã Đồng Liên đang tất bật thu hoạch táo để phục vụ thị trường dịp Tết. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, táo xuân năm nay được mùa, được giá.
Chúng tôi có mặt tại vườn táo của bà Đặng Thị Hiên (xóm Toàn Thắng 1), khi gia đình đang tất bật trong vườn trẩy những quả táo to tròn, da căng bóng, đang vào độ chín.
Bà Đặng Thị Hiên, xóm Toàn Thắng (áo xanh bên phải) đang thu hoạch táo xuân để phục vụ thị trường dịp Tết.
Thấy phóng viên đến, bà Hiên hồ hởi khoe: “Táo quả sai trĩu cành mà lại được giá lắm cô chú ạ”.
Khi được hỏi về quy trình chăm sóc có gì khác biệt so với mọi năm, bà bộc bạch: “Toàn bộ quy trình bón phân của gia đình đều được thay đổi. Những năm trước, chủ yếu sử dụng phân vô cơ, cộng với việc bón không đúng liều lượng và thời gian nên sản lượng, chất lượng táo không đạt yêu cầu. Vừa rồi, gia đình chuyển hoàn toàn sang bón phân hữu cơ loại chất lượng nên cây sai quả hẳn mà ăn quả táo lại ngon ngọt hơn nhiều”.
Táo Đồng Liên (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) vào vụ thu hoạch.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hiên cho biết: Gia đình trồng táo được khoảng 20 năm nay. Ban đầu trồng 100 – 200 cây, sau nhận thấy cây táo mang lại giá trị kinh tế cao nên mở rộng quy mô. Đến nay, gia đình có khoảng 1 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) táo với số lượng 400 cây (gồm táo Đài Loan, táo Thái và táo xuân 21). Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch hơn 10 tấn quả.
Như năm nay, bà ước vườn táo có thể đạt khoảng 15 tấn quả, với giá bán sỉ trung bình 20.000 – 25.000 đồng/kg, thu lãi trên 100 triệu đồng. Đặc biệt ,vào những ngày giáp Tết, táo có thể bán lẻ với giá lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà thu hoạch được khoảng 1,5 tấn táo.
Gia đình bà Hiên là thành viên của Tổ hợp tác Trồng cây ăn quả xã Đồng Liên với trên 20 thành viên, chủ yếu là trồng táo với diện tích khoảng 10ha.
Liên kết đưa táo xuân 21 thành sản phẩm OCOP
Theo chia sẻ của nhà vườn xã Đồng Liên, chăm sóc táo không tốn quá nhiều công mà lợi nhuận lại gấp vài chục lần so với trồng ngô, lúa. Chỉ có điều, trong quá trình chăm sóc, cần sát sao, tỉ mỉ, lựa chọn thời điểm bón phân, tỉa cành, phun thuốc cho phù hợp để sản lượng và chất lượng quả táo đạt yêu cầu.
Chị Vũ Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Toàn Thắng 1, cho biết: Gia đình tôi cũng như nhiều bà con trong xóm trồng táo từ nhiều năm nay với diện tích khá lớn. Lúc đầu gia đình trồng khoảng 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), sau khoảng 5 năm thì phát triển quy mô lớn.
Toàn bộ diện tích trồng táo xuân 21 tại xã Đồng Liên đều được chứng nhận VietGAP.
Táo là loại cây trồng nhanh cho thu hoạch quả, chỉ trồng đầu năm là cuối năm có sản phẩm. Đây là loại cây trồng có tuổi thọ tương đối dài. Theo chị Hương, cây táo dễ bị sâu bệnh gây hại, chủ yếu là sâu đục quả. Bởi vậy, cần hết sức chú ý trong từng công đoạn chăm sóc. Khi cây bắt đầu ra quả, nếu lơ là, quả táo sẽ rất dễ bị ruồi vàng và sâu đỏ tấn công khiến quả bị hỏng. Do đó, nhiều bà con sau khi trồng với diện tích lớn đã phải phá bỏ.
Để chất lượng quả táo ngon, ngoài việc chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật thì thời tiết thuận lợi và chất đất phù hợp cũng đóng vai trò quan trọng. Cây táo phù hợp với thời tiết lạnh. Nếu mưa nhiều kéo dài, quả rất dễ bị táp; còn nắng nhiều thì sản lượng cũng không đảm bảo, chị Hương cho biết thêm.
Táo thường được thu hoạch từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 âm lịch năm sau. Trung bình mỗi cây táo sẽ cho sản lượng 50 – 60kg/vụ.
Trong quá trình chăm sóc, cần chú ý, sau khi thu hoạch thì tiến hành cắt cành, cắt cây, sau đó bón phân lần đầu. Đến khi cây ra mầm (khoảng tháng 5 âm lịch), tiếp tục bón phân lần hai. Đến tầm tháng 7 âm lịch, tiếp tục bón phân lần ba. Và khi cây táo ra hoa, tiến hành bón phân liên tục để đảm bảo chất lượng quả. Lưu ý, khi táo ra quả bằng hạt đỗ thì phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây (chủ yếu là thuốc sinh học). Đồng thời, tiến hành tỉa bỏ những quả không đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng.
Hiện, táo ở đây được bà con trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP nên chất lượng đảm bảo và an toàn. Đặc biệt, nhờ sử dụng phân hữu cơ, cây chắc khoẻ và phát triển bền vững. Chị Hương cũng là thành viên của Tổ hợp tác Trồng cây ăn quả VietGAP xã Đồng Liên. Theo chị, các thành viên trong tổ thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, được tập huấn tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ về công cụ sản xuất như máy bơm nước...
Người trồng táo xã Đồng Liên chủ yếu bán sản phẩm tại các chợ đầu mối trên địa bàn TP.Thái Nguyên và đưa vào một số siêu thị như Minh Cầu, Minh Vân, Aloha… với sản lượng tương đối ổn định. Do táo trồng ở vùng đất này có chất lượng thơm ngon nên vào dịp Tết, sản lượng không đủ tiêu thụ trên thị trường, bởi vậy, bà con nơi đây chưa phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Với hiệu quả mang lại tương đối cao, nhiều bà con trong vùng dự tính mở rộng diện tích trồng táo trong thời gian tới, đưa táo trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, xây dựng quả táo xuân 21 thành sản phẩm OCOP, từ đó giúp nâng cao giá trị và thu nhập.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.