Sau hơn 37 năm hoạt động (Đại hội thành lập 13/1/1986), Hội Làm vườn Việt Nam đã trải qua 7 kỳ đại hội. Mỗi kỳ đại hội của Hội đều gắn với những định hướng phát triển của đất nước và ngành Nông nghiệp trước đây (nay là ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn).
Trong hành trình đó, hoạt động Hội luôn có cách tiếp cận phù hợp để hỗ trợ hội viên, hỗ trợ phong trào tốt nhất có thể.
VAC, hệ sinh thái tái sinh
Mô hình VAC do Hội Làm vườn Việt Nam khởi xướng, đề xuất và vận động triển khai trong thời kỳ đất nước bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) với hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ đã nhanh chóng trở thành phong trào quần chúng rộng rãi ở tất cả các vùng miền, kể cả ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như trong các lực lượng xã hội (cán bộ, công nhân, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, nhà chùa, nhà thờ, trường học, trạm y tế,...). Kết quả của phong trào phát triển VAC được ghi nhận lợi ích về cả kinh tế, xã hội, môi trường với tính nhân văn cao.
Mô hình VAC không phải là mô hình mới. Đây là mô hình truyền thống ở Đồng bằng Bắc Bộ xưa. Hình ảnh vườn cây, ao cá... vốn là nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa. Vườn sau ao trước, hàng rào cây bao quanh nhà, trên sân, trên lối đi trồng những giàn cây leo như mướp, bầu, bí, gấc, thiên lý,… vừa chắn nắng nóng, vừa lấy lá, quả, hoa làm thực phẩm, tạo nên mô hình sinh thái khép kín vườn - ao - chuồng (VAC). Để có vườn, có ao, người xưa đào ao phía trước khu đất làm nhà, lấy đất đào ao đắp nền nhà, tôn vườn phía sau nhà,… VAC xưa hoàn toàn mang tính tự cấp tự túc và tạo cảnh quan xanh cho nhà, cho làng.
Mô hình VAC của gia đình ông Đèo Văn Hải thương binh hạng 3/4 ở bản Nang Phai, xã Mường Bú (Mường La - Sơn La) thu lãi hơn hơn 350 triệu đồng/năm. Ảnh: Quang Quyết.
Mô hình VAC mà Hội Làm vườn Việt Nam đưa vào cuộc sống là mô hình kinh tế tổng hợp, dựa trên cơ sở khoa học của “chiến lược tái sinh”, được nâng tầm trên cơ sở hệ sinh thái tuần hoàn, đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình khác (tái sinh năng lượng mặt trời thông qua quang hợp của cây xanh, tái sinh chất thải của cây trồng, vật nuôi,… trong một hệ sinh thái khép kín. VAC tận dụng mọi vật thải, tạo ra một nền nông nghiệp không chất thải, sạch, bền vững. Trong hệ sinh thái này, V - A - C có mối quan hệ qua lại rất chặt chẽ: Vườn đáp ứng rau quả cho con người, lá xanh cho gia súc, gia cầm trong chuồng và cá dưới ao, tạo màu xanh cho môi trường sống. Ao không chỉ để nuôi cá, thả rau bèo, mà còn là nguồn nước tưới cho cây trên vườn, giữ ẩm cho đất, vệ sinh chuồng trại phục vụ chăn nuôi. Chuồng chăn nuôi ngoài cung cấp trứng, thịt cho con người, giải quyết phân bón cho ao cá, cây trồng,... còn phát huy và nâng cao hiệu quả của các sản phẩm thu từ vườn và ao. Các loài gia súc, gia cầm tham gia tích cực vào chu trình chuyển hóa các chất... làm cho đất đai ngày càng trở nên màu mỡ, các chất thải từ trồng trọt và ao cá được sử dụng tốt hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường sống).
VACVINA và những mô hình thích ứng
Trong gần 40 năm đồng hành với sự phát triển của ngành Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, mô hình VAC luôn thay đổi, thích ứng với yêu cầu mới, từ vườn gia đình, VAC từng bước nâng tầm lên Kinh tế VAC - Kinh tế Vườn. Kinh tế VAC - Kinh tế Vườn vừa góp phần đưa bữa cơm hàng ngày của các gia đình thành bữa ăn, vừa từng bước mở rộng quy mô, giải phóng năng lực sản xuất, chuyển từ tự cung tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, đi từ vườn nhà ra chợ làng, chợ xã, chợ huyện, sản xuất gắn với thị trường trong tỉnh, trong nước và vươn ra thế giới; từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc xuất xứ, cải thiện và bảo vệ môi trường sống xanh. Và đem lại kim ngạch cao trong xuất khẩu.
Một góc vùng trồng vải xuất khẩu ở xã Phúc Hòa (Tân Yên - Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam.
Cuối những năm 80 và thập niên 90 của thế kỷ trước, phong trào làm VAC dinh dưỡng đã góp phần quan trọng kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ mang thai ở nông thôn. Phong trào được Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) ghi nhận, đánh giá cao (trước đó, UNICEF viện trợ lương thực, thực phẩm cho những gia đình có bà mẹ mang thai và có trẻ dưới 5 tuổi nhưng khi Hội Làm vườn phát động phong trào làm VAC dinh dưỡng, tổ chức này chuyển sang viện trợ hạt giống rau, cây ăn quả, giống gà,vịt, cá giống,… để các gia đình tự sản xuất, tạo thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cho bữa ăn). Cách làm này chi phí ít nhưng nhiều người được hưởng lợi, Trưởng đại diện UNICEF khi đó nhận xét.
Tháng 1 năm 1996, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Hội Làm vườn Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi Thư chúc mừng Hội. Trong thư có đoạn: “Trong 10 năm qua, những người làm vườn nước ta đã góp phần đáng kể làm tăng tổng giá trị sản lượng nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng được hàng ngàn “vườn tình nghĩa” cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cho gia đình liệt sĩ, thương binh và những người khó khăn, cô quả, thúc đẩy phân công lao động, bước đầu tạo ra những hình thức hợp tác kiểu mới trong nông nghiệp, nông thôn”.
Từ VAC dinh dưỡng, phong trào VAC hàng hóa từng bước định hình với những mô hình vườn đồi, vườn rừng, vườn trên đất cát, vườn ụ trên vùng trũng, vườn đồng, gia trại vườn, trang trại vườn,… rồi vườn cảnh, VAC mini, vườn chậu, vườn giàn,… ở đô thị. Kinh tế VAC - Kinh tế Vườn trở thành bộ phận quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bởi đây là mô hình nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn, đáp ứng tiêu chí thu nhập của Mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Vườn mẫu, vườn chuẩn đã trở thành khái niệm mới trong xây dựng nông thôn mới.
Để hỗ trợ hội viên, bà con nông dân và những người yêu làm vườn, làm VAC hiệu quả, công tác hướng dẫn kỹ thuật canh tác để đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, các hộ tích cực thực hiện cải tạo vườn tạp, ao hoang; đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Nhiều hộ đạt hiệu quả rất cao, hiệu quả tính trên mét vuông thay vì hecta; thu từ VAC - kinh tế Vườn chiếm tới 65 - 70% thu nhập của hộ gia đình nông dân. Tiếp nối hành trình từ Tạp chí Người Làm vườn, Báo Kinh tế nông thôn, Tạp chí Kinh tế nông thôn là một phần không thể thiếu trong nâng tầm vị trí, vai trò của Hội Làm vườn các cấp và Kinh tế VAC - Kinh tế Vườn.
Từ thực tế thấy, VAC là lĩnh vực hoạt động thiết thực, cụ thể lại có ý nghĩa về nhiều mặt. Thiết thực và cụ thể vì VAC - Kinh tế Vườn gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình, cộng đồng, ở đâu cũng làm được, đã làm là có hiệu quả, có thu nhập, cải thiện cuộc sống; có ý nghĩa nhiều mặt vì giúp xóa đói, giảm nghèo bền vững, làm giỏi thì trở nên giàu có, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong đời sống và sản xuất...
Kỳ 2: Chủ động thay đổi, thích ứng chủ động
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.