Hiện, nhiều công ty trên thế giới đang tham gia cuộc đua nghiên cứu phát triển các sản phẩm thịt, cá được nuôi trong phòng thí nghiệm với hy vọng thương mại hóa.
Thịt nhân tạo cũng đang được nhiều nước nghiên cứu để có thể là phương án thay thế nếu nguồn cung thực phẩm bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, xung quanh sản phẩm thịt nhân tạo vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều.
Italia thông qua lệnh cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo
Italia mới đây trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo nhằm mục đích bảo vệ truyền thống ẩm thực và thị trường việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thịt được nuôi từ các tế bào trong lồng ấp sinh học, thường gọi là thịt nhân tạo.
Tuy nhiên, lệnh cấm này vẫn còn gây ra rất nhiều tranh cãi không chỉ trong nội bộ Italia mà còn ở nhiều nước.
Hôm 25/11, Quốc hội Italia đã thông qua lệnh cấm sản xuất, bán và nhập khẩu thịt nhân tạo, sau nhiều tháng tranh luận. Những người vi phạm lệnh cấm này có thể bị phạt lên đến 60.000 euro (gần 66.000 USD).
Trả lời báo Politico (Hoa Kỳ) hôm 16/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Italia Francesco Lollobrigida cảnh báo thịt nhân tạo có nguy cơ làm suy tàn văn hóa, bản sắc và cả nền văn minh của nước Italia.
Theo lập luận của ông Lollobrigida, việc nuôi cấy thịt nhân tạo là mối đe dọa hiện hữu đối với nghề chăn nuôi thịt truyền thống và lối sống nông thôn của người nông dân. Ngoài ra, ông Lollobrigida giải thích chủ quyền lương thực mà chính quyền Italia đang hướng đến không phải chỉ để bảo vệ người nông dân mà còn bảo vệ “quyền được tự do quyết định mình sản xuất cái gì và ăn gì”.
Bộ trưởng Lollobrigida cho biết, chủ quyền lương thực là một phong trào dựa trên quyền tiêu thụ thực phẩm phù hợp với văn hóa, quyền tự quyết của địa phương trong hệ thống thực phẩm. Khái niệm này cũng ủng hộ kiến thức truyền thống, thậm chí từ chối các công nghệ như cây trồng biến đổi gene và thuốc trừ sâu tổng hợp.
Ông Lollobrigida còn cho rằng, các cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza đã chứng minh chiến lược về lương thực là rất quan trọng đối với một quốc gia, bởi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lâu dài về năng lượng, phân bón và thực phẩm có thể khiến đất nước rơi vào tình thế bị “tống tiền” bằng chính lương thực.
Trước khi chính quyền Italia thông qua lệnh cấm thịt nhân tạo, Coldiretti, một trong những hiệp hội nông nghiệp lớn nhất ở Italia với khoảng 1,7 triệu thành viên, đã bắt đầu vận động cấm loại thịt này từ năm ngoái.
“Chúng tôi tự hào là quốc gia đầu tiên ngăn chặn được thịt nhân tạo như một biện pháp ngăn chặn việc bán các thực phẩm được tạo ra từ phòng thí nghiệm mà hiện vẫn chưa rõ các thực phẩm này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng”, ông Ettore Prandini, Chủ tịch Coldiretti, tuyên bố.
Báo Financial Times dẫn số liệu thống kê của ISMEA, một cơ quan chính phủ có trụ sở ở thành phố Rome chuyên cho vay tiền và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nông nghiệp Italia, cho biết, ngành chăn nuôi của Italia đã thu về 6,3 tỉ euro đối với những sản phẩm thịt bò và 8,4 tỉ euro từ những sản phẩm thịt heo trong năm 2022.
Ngoài ra, chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Giorgia Meloni cam kết sẽ bảo vệ thực phẩm Italia trước những đổi mới công nghệ mà theo các nhà lập pháp cánh hữu cho là có hại đối với ngành nông nghiệp.
Hiệp hội Coldiretti cũng cho rằng, lệnh cấm thịt nhân tạo là cần thiết để bảo vệ các hoạt động sản xuất trong nước trước “sự tấn công của những công ty đa quốc gia”.
Nhiều nước ủng hộ thịt nhân tạo
Trái ngược Italia, nhiều quốc gia phát triển khác như Đức, Tây Ban Nha, Singapore đang đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu để cải thiện quy trình sản xuất thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.
Theo Tạp chí Time, nông nghiệp chăn nuôi là một trong những “tội phạm” khiến khí hậu toàn cầu tồi tệ hơn khi chiếm 14% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu. Một báo cáo gần đây nhất của Liên Hiệp quốc khẳng định, việc cắt giảm khí thải từ sản xuất thịt là rất quan trọng.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cũng cho rằng, chỉ riêng lĩnh vực thực phẩm đã có thể khiến nhiệt độ toàn cầu nóng lên thêm gần 1 độ C vào năm 2100.
Ngoài ra, theo Hãng tin Reuters, có ý kiến nói luật cấm của Italia chẳng khác nào một cuộc “thập tự chinh phản khoa học, mang ý thức hệ chống lại sự tiến bộ của khoa học”. Một số nhà nghiên cứu cho biết thịt nhân tạo được sản xuất từ tế bào gốc của động vật sống và sẽ là giải pháp khá tốt thay thế cho việc chăn nuôi và giết mổ thâm canh.
Không chỉ tác động về môi trường, không ít nhà nghiên cứu cũng cho biết Chính phủ Italia đang tự giới hạn nguồn thực phẩm của người dân nước này khi cấm thịt nhân tạo.
Những thùng thép dùng để nuôi thịt gà của công ty Upside Foods.
Bà Alice Ravenscroft, người đứng đầu chính sách châu Âu của Viện Nghiên cứu thực phẩm lành mạnh, cho biết việc cấm thịt nhân tạo và các sản phẩm protein thay thế làm hạn chế các nghiên cứu quan trọng về nguồn thực phẩm bền vững, trước nguy cơ ngành chăn nuôi có thể gặp rủi ro trong tương lai.
“Việc thông qua luật cấm như vậy sẽ đóng cửa tiềm năng kinh tế của lĩnh vực non trẻ này ở Italia, kìm hãm sự tiến bộ của khoa học và những nỗ lực giảm thiểu khí thải môi trường cũng như hạn chế sự lựa chọn nguồn thực phẩm của người tiêu dùng”, bà Ravenscroft nhấn mạnh.
Đơn cử, một công ty khởi nghiệp tại Cộng hòa Czech vừa trở thành đơn vị đầu tiên được Liên minh châu Âu phê chuẩn thịt nhân tạo.
Loại thịt “giả” này được tạo ra từ tế bào động vật sống, nuôi cấy trong lò phản ứng sinh học với đầy đủ chất dinh dưỡng cho vật nuôi. Bene Meat Technologies cho biết, hiện công ty đang có kế hoạch cho động vật thử nghiệm sản phẩm.
Ông Roman Kriz, Giám đốc điều hành Bene Meat, chia sẻ: “Chúng tôi hiện đang trong giai đoạn cho động vật thử nghiệm hương vị, mùi vị của sản phẩm. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành việc thử nghiệm này trong vài tháng nữa”.
Theo Bene Meat Technologies, với việc nhận được sự ủng hộ của EU, họ có thể mở rộng quy mô sản xuất tại nhiều phòng thí nghiệm ở thủ đô Praha.
“Chúng tôi đang sản xuất vài kilôgam mỗi ngày, hy vọng trong năm tới, sẽ sản xuất được hàng trăm kilôgam đến 1 tấn/ngày”, ông Roman Kriz nói.
Việc sản xuất thịt từ phòng thí nghiệm cũng sẽ giúp hạn chế quy mô chăn nuôi gia súc - một trong những lĩnh vực nông nghiệp sản sinh khí thải nhà kính hàng đầu trên thế giới hiện nay.
Singapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán loại thịt được “nuôi” từ các tế bào trong lồng ấp sinh học, thường gọi là thịt nhân tạo. Tại Singapore, nhiều công ty đã đi theo hướng này, chẳng hạn thịt gà của Good Meat, thịt và tôm nhân tạo (cả tôm hùm) của Shiok Meats...
Thế nhưng, dù có sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cũng như hàng loạt công nghệ mới, Singapore vẫn nhận ra tiến trình chuyển đổi nông nghiệp không hề dễ dàng. Đầu tiên là do tâm lý bảo thủ của khách hàng. Tiếp đến, các loại sản phẩm mới chưa được bày bán ưu tiên trên các kệ siêu thị, cửa hàng... Cuối cùng, nhiều công ty than rằng, khó mà thu được lợi nhuận vì nuôi trồng trong các môi trường phi tự nhiên ngốn chi phí rất cao, nhất là chi phí năng lượng.
Thịt nhân tạo lợi hay hại?
Bên cạnh vấn đề môi trường và sự đa dạng thực phẩm, những người ủng hộ lệnh cấm thịt nhân tạo ở Italia cũng bày tỏ lo ngại của loại thịt này đối với sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trước những ngờ vực về độ an toàn của thịt nhân tạo, một báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WTO), khẳng định, hiện không có bằng chứng nào chứng minh thịt nhân tạo gây nguy hiểm cho người tiêu dùng so với các loại thịt thông thường.
Theo lập luận của những người ủng hộ thịt nhân tạo, loại thịt này thậm chí có thể tốt hơn đối với sức khỏe người tiêu dùng do thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm không cần sử dụng hormone tăng trưởng và các loại thuốc kháng sinh, đồng thời có thể có giá thấp hơn so với thịt có nguồn gốc truyền thống.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…