Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 11 năm 2023 | 16:12

Trái ngọt cuộc đời

Cánh cửa cuộc đời của Nguyễn Ngọc Quang tưởng như khép lại, khi vừa tốt nghiệp Đại học ngành công nghệ thông tin thì biết mình mang trọng bệnh. Không chấp nhận số phận, Quang vừa điều trị, vừa lấy nghề làm vườn để quên đi bệnh tật.

Chặt hàng trăm gốc bưởi đang trong độ tuổi thu hoạch để trồng nho sữa Hàn Quốc. Sau 2 năm, vườn nho sữa đã cho anh những “trái ngọt của cuộc đời”.

Cuộc đời đã đón Quang trở lại

Khi nghe câu chuyện về Quang được một người bạn thân kể lại, tôi nghĩ mình không thể chần chừ và phải đi ngay, đến tận nơi để “mục sở thị” vườn nho của chàng trai mang trong mình trọng bệnh, phải từ bỏ một công việc với thu nhập khá cao để về nhà chữa bệnh và làm vườn.

Những ngày cuối thu, đầu đông, tôi đến Thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất (Hà Nội), tìm vào vườn nho Quang Nam. Đi qua những con đường ngoằn ngoèo rồi tôi cũng đến được địa chỉ cần tìm, ngồi dưới những chậu hoa lan đang khoe sắc, tôi không nghĩ rằng trong ngôi nhà này trước đây có lúc vô cùng buồn.

Trang cho biết, không dám nghĩ sẽ có những ngày hạnh phúc như thế này.

Ngồi trước mặt tôi là một chàng thanh niên khỏe mạnh, gương mặt khôi ngô tuấn tú, cách nói chuyện dí dỏm và luôn luôn nở nụ cười, không ai có thể nghĩ rằng trước đây anh đã từng có những ý nghĩ tiêu cực.

Nguyễn Ngọc Quang đã kể cho tôi nghe câu chuyện của cuộc đời mình cách đây hơn 8 năm về trước, trong đôi mắt trong veo ấy thỉnh thoảng lại ầng ậc nước khi nói về gia đình mình, về người vợ mới cưới khi đó đã đồng cam cộng khổ trong những lúc khó khăn nhất, gian nan nhất của cuộc đời anh.

Quang kể, tốt nghiệp ra trường đi làm với mức lương tương đối cao, sau  khi xây dựng gia đình, đúng lúc vợ mang thai đứa con đầu lòng thì Quang phát hiện mình mang trọng bệnh trong người. Bệnh tật đã làm sức khỏe của Quang suy sụp nghiêm trọng, có những lúc không đứng vững, phải nhờ trợ giúp của xe lăn và nạng gỗ. Cuộc sống và tương lai phía trước dường như sụp đổ hoàn toàn, đã có lúc Quang nghĩ đến điều tuyệt vọng và chấp nhận buông xuôi. Nhất là khi truyền thuốc chữa bệnh trực tiếp vào máu mà cơ thể vẫn đau nhức, thuốc không hề có tác dụng.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Cấn Thị Trang, vợ của Quang, không thể quên được những tháng ngày đau buồn đó, chị kể lại: “Anh có thể tưởng tượng được không, năm đầu tiên về làm dâu, đúng chiều 30 Tết, trong khi tất cả mọi gia đình đang đoàn tụ quây quần bên mâm cơm Tất niên, thì gia đình nhà em vắng lặng, nhìn chồng đang đau ốm nằm một chỗ, nghĩ đến bản thân mình mà em không thể cầm được nước mắt, tự hỏi mình sao số phận lại khổ thế này. Nhưng em tự nhủ, phải cố gắng làm chỗ dựa cho chồng để chữa lành bệnh tật. Lên các trang mạng để tìm hiểu bệnh tật của chồng, tìm hiểu từ các bác sỹ chuyên ngành có chuyên môn cao và biết được bệnh của chồng em là bệnh nan y, nhưng không phải là không chữa được. Vì thế, em đã quyết định bỏ nghề giáo viên để ở nhà chăm sóc và chữa bệnh cho chồng”.

Niềm vui, niềm hạnh phúc của vợ chồng Quang và cả gia đình đã đến khi đứa con đầu lòng chào đời, lạ thay, đó cũng là lúc bệnh tật của Quang bắt đầu thuyên giảm, tất cả các chỉ số đều nằm trong ngưỡng an toàn cho phép.

Quang nói: “Em như được sống lại lần thứ hai, không có niềm vui nào hơn khi em được ôm đứa con thơ bé bỏng vào lòng, được ngắm nhìn con trong những lúc con say giấc nồng. Kể từ lúc con em sinh ra đến ngày hôm nay đã được 8 năm và 8 năm ấy em được sống trong hạnh phúc, một hạnh phúc viên mãn. Em thầm cảm ơn ông Trời, cảm ơn số phận, cuộc sống đã đón em trở lại với vợ, con, bố mẹ và gia đình trên cõi nhân gian này”.

Không chấp nhận số phận

Nhấp ngụm nước vối được trồng trong vườn, tôi hỏi Quang về cuộc sống sau khi bệnh tật thuyên giảm và đứa con đầu lòng chào đời. Như chạm vào đúng mạnh cảm xúc, Quang đã chia sẻ. “Sau khi bệnh tật ổn định em lấy việc trồng cây ăn trái và trồng hoa lan để quên đi bệnh tật, đồng thời cũng để thỏa nỗi niềm yêu thích từ nhỏ. Thời gian đầu, nhờ vào hoa lan lên “cơn sốt” nên em cũng có một chút thu nhập, cộng vào với việc gia đình có trên 100 gốc bưởi 8 năm tuổi cho thu hoạch nên cũng đủ chi phí cho em chữa bệnh và cuộc sống”.

Chặt bỏ hàng trăm gốc bưởi đang trong thời kỳ thu hoạch để trồng nho.

“Đang có thu nhập từ trồng lan cảnh, từ vườn bưởi đang trong thời kỳ cho trái, sao lại chặt hết cả vườn bưởi đi?", tôi hỏi Quang. Nhấp một ngụm trè mạn thơm phức mùi sen, Quang cười và nói: “Đây là một câu chuyện dài, em nghĩ cũng là do nhân duyên và cũng bởi em là người yêu nông nghiệp, thích trồng hoa và cây ăn trái”.

Quang cho biết, trong thời gian kinh doanh hoa lan, rất tình cờ có người bạn kể chuyện trồng nho trên tầng thượng và cho quả, thấy đây là một cách làm vườn hay, nên Quang đã đi tìm hiểu đến thăm hai vườn nho ở Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Nhận thấy giống nho này có nhiều ưu điểm, hơn nữa trên vùng đất của quê hương mình chưa có vườn nho nào được trồng. Quang đã quyết định đầu tư mua trên trăm gốc nho sữa Hàn Quốc, với giá mỗi gốc nho trên 300 nghìn đồng để về trồng.

Dùng máy xúc xới tung đất.

“Việc đầu tiên là em chặt bỏ trên 100 gốc bưởi đang trong giai đoạn cho thu hoạch, mặc dù, hàng năm thương lái đến đặt mua cả vườn với giá cao hơn so với các vườn bưởi xung quanh. Thuê máy xúc đào đất, loại bỏ hết gốc bưởi, bón phân và cải tạo lại vườn, việc này đã làm cho cả nhà em phải bất ngờ và sửng sốt", Quang nói.

Tiếp lời của chồng mình, chị Cấn Thị Trang ngồi bên cạnh nói: “Cả gia đình em đều hết sức ngạc nhiên và tiếc nuối, khi cả một vườn bưởi đang trong giai đoạn cho thu hoạch, mỗi vụ gia đình em có thể thu về khoảng vài chục triệu đồng sau khi đã trừ đi mọi chi phí. Bỗng nhiên, anh Quang thuê máy xúc về đào đất, chặt bỏ hơn 100 gốc bưởi đang cho trái này đi. Người tiếc vườn bưởi nhất phải nói đến đó là bố chồng em, có những lúc ông cầm dao đứng trước những gốc bưởi ngần ngừ rất lâu mà không dám chặt, thế rồi vì yêu thương con đang mang trọng trong mình, cả nhà đều đồng ý để thỏa mãn cho anh ấy, miễn sao anh ấy thấy vui".

Và với nỗ lực của bản thân, tình yêu của cả gia đình và vợ con đã dành cho chàng trai này, nên những thành quả ngọt ngào đã đến với Quang, đến với gia đình nhỏ bé từ nay đã tràn ngập tiếng cười của con trẻ, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của cha, mẹ và vợ con Quang.

Trái ngọt cuộc đời

Quang cho biết, nho sữa của Hàn Quốc đã được trồng ở nhiều nơi, nhưng trên vùng đất bán sơn địa của xứ Đoài này chưa nơi nào trồng cả. Chính vì điều này đã thu hút Quang đi đến quyết định đầu tư hàng trăm gốc nho sữa Hàn Quốc để mang về đây trồng. Việc trồng nho sữa Hàn Quốc đối với Quang cũng thật lắm công phu và vất vả.

“Đầu tiên em cho máy xúc vào đào toàn bộ các gốc bưởi còn sót lại, làm sạch đất bằng cách nhặt sạch các rễ bưởi, sau đó lại múc đất để làm cho đất tơi, xốp, rồi bón phân hữu cơ cho toàn bộ diện tích trên 1.500m2 đất trồng nho”, Quang nói.

Trái ngọt của vợ chồng Quang - Trang.

Với hơn 110 gốc nho sữa  được nhập từ Hàn Quốc về với giá 390 nghìn/gốc và hơn 30 gốc nho giống ngón tay đen (nho đen dài) giá trị khoảng 50 triệu đồng, nhiều người trong gia đình Quang khi nhìn thấy vườn nho sữa được Quang trồng, đều nghi ngờ không nghĩ sẽ có ngày thành công. Bởi lẽ cả một vườn nho giống, cây nào cây nấy như những cành cây khô khẳng khiu.

Chỉ tay về phía vườn nho sữa đang vào vụ thu hoạch, những chùm nho sữa căng mọng treo lủng lẳng dưới những cành khẳng khiu, Quang nói: “Trồng giống nho này quả thật là khó khăn và vất vả, không phải nhìn thấy vườn nho như thế này là thành công đâu. Những ngày đầu ngoài việc tham khảo kiến thức trồng nho trên mạng, thông qua những người đã trồng nho, để có thêm kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhiều lúc ngỡ ngàng với những kỹ thuật chăm sóc cây nho mà từ trước đến bây giờ chưa được biết. Còn có những lúc đêm đã khuya nhưng vẫn ở ngoài vườn nho để bắt từng con sâu và xem từng chiếc lá nho phát triển, nhiều khi thấy cây phát triển không đều em lại lao vào tìm hiểu để chăm sóc cho nho phát triển tốt hơn".

Nhiều du khách về vườn nho Quang Nam để check in.

Quang còn cho biết, nho sữa Hàn Quốc rất thích hợp với miền Bắc, bởi khí hậu miền Bắc rất giống với khí hậu của Hàn Quốc, nên không cần tác động nhiều mà nho sữa vẫn cho ra nhiều trái, chất lượng ngon, mẫu mã đẹp. So với Ninh Thuận thì nho sữa ở đây phát triển tốt hơn và có chất lượng hơn.

Quang yêu nho còn thêm lý do nữa, đó là nho cho thu hoạch làm nhiều vụ trong năm, nhưng với một cây nho tối thiểu chỉ cho thu hoạch được hai vụ mà thôi. Nói như vậy không phải là Quang không muốn mình thu hoạch được nhiều, mà còn phải bảo đảm cho cây có quá trình sinh trưởng tốt nhất. Để có trái cho thu hoạch làm nhiều vụ, Quang đã biết điều chỉnh cho cây nho cho trái ở từng khu vực trong vườn. Muốn nho cho trái theo đúng ý của mình, ngoài việc bón phân hữu cơ cho cây, có những lúc phải bón thêm phân hóa học để kích thích cho cây ra hoa, kết trái đúng thời điểm.

Với 110 gốc nho cho thu hoạch, sản lượng khoảng 2 tấn, giá bán tại vườn từ 300 - 350 nghìn/kg, Quang đã có khoảng 500 triệu thu được từ việc bán nho sau khi trừ đi mọi chi phí.

Phá bỏ hàng trăm gốc bưởi, để trồng hàng trăm gốc nho sữa Hàn Quốc.

Tôi rất thích cách bán nho của Quang tại đây. Vườn nho là một điểm check in khá thú vị cho mọi người. Đồng thời, khách sẽ được mời thưởng thức vị ngọt, thơm của nho sữa, để rồi hương vị đó sẽ thấm vào từng con người và rồi khách sẽ lựa chọn cho mình những chùm nho đẹp nhất, căng mọng nhất mua để mang về làm quà, hay thưởng thức.

Quang còn chia sẻ, đối với những người yêu nghề làm vườn, làm bất cứ việc gì, trồng bất cứ cây gì hay nuôi bất kỳ một con vật gì để phát triển kinh tế, đều phải học. Học để cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, học để củng cố kỹ năng phục vụ cho công việc trồng trọt và chăn nuôi. Có nghĩa là làm nghề làm vườn phải học cả đời, để cho ra những sản phẩm năm nào cũng như năm nào đều có mẫu mã đẹp, chất lượng quả ngon. Rồi từ đó đúc kết cho chính bản thân mình những kinh nghiệm để trồng loại cây đó.

Nhấm nháp trái nho được vợ chồng Quang Trang mời, ngoài vị ngọt, thơm man mác của nho sữa, tôi còn cảm nhận được một vị ngọt ngào của niềm vui, hạnh phúc mà những trái nho này đã đem lại cho đôi bạn trẻ. Bởi mồ hôi, nước mắt và cả những đam mê làm vườn của đôi vợ chồng này tạo ra. Nhìn lên bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng có một vài đám mây trắng bồng bềnh trôi qua và nhìn đến vườn nho sai trĩu quả, tôi chợt nghĩ đây chính là những trái ngọt cuộc đời đã dành cho Quang.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top