Khi cho anh Phạm Ngọc Thưởng mượn bìa đỏ vay tiền mua đồi hoang lập nghiệp, bố vợ run run nói "vợ chồng để nợ lại cho bố thì liệu hồn".
20 năm sau, khi đã sở hữu trang trại rộng hơn 10 ha, được phủ xanh bởi cây cam, bưởi, keo, xung quanh có ao cá, chuồng trại, anh Thưởng, 42 tuổi, trú xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, vẫn không quên lời bố vợ.
Anh Thưởng mồ côi mẹ lúc 11 tuổi, gia đình đông anh em, cuộc sống thiếu thốn khi bố đi bước nữa. Năm 2002, anh lập gia đình với chị Phạm Thị Giang, được chính quyền cấp cho hai sào đất ở xã Kim Hoa dựng túp lều ở. Khi ấy, khu vực này là đồi hoang, đất đai cằn cỗi, cây dại mọc cao gần lút đầu người.
Chị Giang xinh đẹp, nhiều người theo đuổi, song vì mến đức tính cần cù, chịu khó của anh Thưởng nên chấp nhận đồng cam cộng khổ với mong muốn một ngày sẽ cùng anh làm cho "đất đá nở hoa".
Anh Thưởng và chị Giang kể về quá trình cải tạo đồi hoang hàng chục năm trước. Ảnh: Đức Hùng
Tài sản lúc ra riêng của vợ chồng trẻ là vài triệu đồng tiền mừng cưới của họ hàng, bạn bè. "Dựng xong lều còn dư hơn 100.000 đồng, vợ chồng gom lại đi mua con lợn về nuôi làm vốn. Tuy nhiên đi dọc đường rớt mất tiền, cả hai về khóc thút thít", anh Thưởng kể về ngày mới lấy vợ. Hai vợ chồng ban ngày đi làm thợ xây, cắt cây keo tràm, tối về lại chăm đàn gia súc, gia cầm.
Nhiều đêm trằn trọc, anh Thưởng suy nghĩ nếu làm thuê như hiện tại thì "nghèo mãi hoàn nghèo", phải tìm ra cách gì đó để làm chủ. Từ trong nhà nhìn ra khu đồi rộng mênh mông, tối mịt, chỉ có tiếng ếch nhái kêu, anh Thưởng nói với vợ: "Hay là mình vay thêm tiền mua vài ha đồi hoang về cải tạo, tương lai đất sẽ là vàng đấy". Chị Giang gật đầu nói: "Anh làm gì em theo".
Năm 2005, sau nhiều lần thuyết phục, anh Thưởng được bố vợ cho mượn bìa đỏ để vay vốn. Ngày đưa bìa đỏ cho hai con, ông bố tay run run nói: "Bọn mày liều vậy không biết có nên cơm cháo gì không". Lúc đưa hồ sơ đi xác nhận thủ tục vay 70 triệu đồng, chủ tịch xã lưỡng lự hồi lâu mới ký, còn nói "sợ vợ chồng không biết lấy gì mà trả".
Có tiền, anh Thưởng mua thêm 3 ha đất có sẵn cây keo bên cạnh vườn, ý định cải tạo trồng cây ăn quả. Tiền lãi vay thời điểm đó mỗi tháng một triệu đồng, ban ngày vợ chồng đi làm thuê kiếm tiền trả, buổi tối ăn xong thì khai hoang đến 23h mới nghỉ. Những hôm trăng sáng, họ làm đến rạng sáng.
Máy móc chưa có, vợ chồng dùng cuốc, thuốc đào đất, dùng liềm cắt cỏ, ròng rã suốt 4 năm, mỗi năm phát triển một ít.
Anh Thưởng đang chăm sóc cây cam trong trang trại. Ảnh: Đức Hùng
Ban đầu, anh Thưởng trồng 60 gốc cam, sau đó mỗi năm trồng thêm vài chục đến trăm gốc. Những năm 2005-2009, hàng tuần anh Thưởng đạp xe hàng chục km lên huyện Hương Khê mua cam giống về trồng. Chị Giang những lúc đi làm thuê cũng tranh thủ nhặt phân trâu bò ngoài đồng về bón cho cây, ngoài ra còn bắt từng tổ ong về nuôi lấy mật bán để có thêm kinh phí trả tiền lãi.
Khi có con, các cháu được gửi cho ông bà, cứ 8-9h sáng chị Giang tranh thủ chạy về vài chục phút cho con ăn rồi tiếp tục đi làm. "Mình muốn đầu tư phát triển nhưng vốn không có, nên nhiều lúc kiệt sức cũng cảm thấy nản chí. Tuy nhiên, khi vợ nản thì chồng động viên, và ngược lại. Đó là động lực để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn", chị Giang cho hay.
Nhờ mua đất có sẵn cây keo, mỗi năm vợ chồng anh Thưởng bán một ít để có thêm tiền trang trải. Từ năm 2010, cây cam, bưởi bắt đầu cho thu hoạch. Có tiền tích lũy, anh chị tiếp tục tái đầu tư, mua thêm những khoảnh đồi bên cạnh vườn, đến nay đã sở hữu hơn 10 ha, đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong đó, đất trồng keo khoảng 5 ha, diện tích còn lại trồng hơn 3.000 gốc cam, bưởi. Để có kinh nghiệm trồng trọt, hàng quý anh Thưởng tham gia các chuyến tập huấn của Hội Nông dân huyện, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới.
Hiện nay, hàng năm tiền thu về từ bán keo và các loại quả như cam, bưởi trong trang trại khoảng hai tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí như nhân công, phân bón, cây giống... vợ chồng lãi khoảng một nửa. Nợ nần ngày xưa đã trả hết, túp lều tranh đã được thay mới bằng căn nhà xây kiên cố, anh Thưởng đã sắm được ôtô bán tải để tiện bề đi lại. Vợ chồng sinh được 4 người con, kinh tế khá.
Hệ thống trang trại trồng keo và cây ăn quả của gia đình anh Thưởng ở thôn Kim Lĩnh, xã Kim Hoa. Ảnh: Đức Hùng
Theo ông Phan Trọng Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoa, trước đây gia đình anh Thưởng là hộ vay vốn nhiều nhất xã, song luôn giữ uy tín, trả gốc và lãi đúng hạn. Anh Thưởng được đánh giá là một trong những nông dân nghèo vượt khó tiêu biểu của huyện, từng được tặng Huân chương Lao động hạng ba.
Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn, ông Phan Văn Khanh, nhận xét: "Vợ chồng anh Thưởng quá bản lĩnh. Nhiều người sở hữu diện tích đất cực lớn nhưng chưa chắc đã làm ăn thành công. Sự cần mẫn, chịu khó, không đầu hàng trước hoàn cảnh của anh Thưởng và chị Giang chính là điều mà những nông dân khác nên hướng đến khi thực hiện một dự án nông nghiệp".
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.