Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều loại nông sản là đặc sản địa phương của Việt Nam như: Nhãn, vải, chôm chôm, xoài, sầu riêng... đã tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Nhãn chín muộn, một trong những đặc sản của Hà Nội đã được xuất khẩu sang Australia.
Hà Nội: Đưa nông sản địa phương ra thế giới
Một số nông sản của Hà Nội có chất lượng cao đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm) sang thị trường Hàn Quốc, gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) sang thị trường Mỹ, nhãn chín muộn xuất khẩu sang Australia... Theo Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Đức, để đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và vươn ra thế giới, hợp tác xã đã tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, rau an toàn của hợp tác xã đã được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, với sản lượng 300-500 tấn/năm, giá cao hơn 20% so với thị trường trong nước. Đây là hướng đi đúng với tình hình sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế, giúp người nông dân có "đầu ra" ổn định và yên tâm sản xuất.
Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài thông tin: Hiện tại, toàn tỉnh có 123 sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xếp hạng 3-4 sao; hình thành được hơn 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Năm 2022, Hòa Bình đã xuất khẩu 1.029 tấn sản phẩm, gồm: Chuối, nhãn, bưởi, mía sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến là măng, gừng... và 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc…
Theo Bộ NN&PTNT, nhiều loại nông sản của các địa phương như: Chuối, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn… đã được cấp phép xuất khẩu sang một số thị trường có giá trị cao trên thế giới như: New Zealand, Mỹ, Nhật Bản… Điều này mở ra một tương lai sáng và bền vững cho xuất khẩu nông sản Việt Nam. Năm 2022, có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả và hạt điều. Ngay trong tháng 1-2023, nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đạt 3,73 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều loại nông sản là đặc sản của các địa phương đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, nhưng có một thực tế là chất lượng một số nông sản chưa ổn định, mặt khác, dù có nhiều mặt hàng xuất khẩu ở vị trí hàng đầu thế giới nhưng có đến hơn 80% sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam. Trước thực tế trên, Bộ NN&PTNT nhận định: Với bất cứ thị trường nào, nông sản Việt Nam phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả và thương hiệu; đồng thời nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Haiyang (tỉnh Bình Thuận) Bùi Thị Hải, công ty đã xây dựng nhà máy chế biến nông sản và phối hợp với nông dân hình thành vườn sầu riêng mẫu theo các yêu cầu kỹ thuật để đưa ra thị trường những sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Để nông sản Thủ đô tiếp tục vươn ra thị trường thế giới, ngành Nông nghiệp rà soát các cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm phát triển lĩnh vực chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản. “Ngành Nông nghiệp thực hiện kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp, hợp tác xã… nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng nhóm nông sản chủ lực trong các công đoạn; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng, lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu...”, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết thêm.
Để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 là 55 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới cần tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá cho những sản phẩm đã được cấp phép tiếp cận thị trường Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, chuối), New Zealand (chanh, bưởi), Nhật Bản (nhãn), Hoa Kỳ (bưởi)… Cùng với đó, tiếp tục đàm phán để thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm trồng trọt như: Trung Quốc (ký nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài; mở cửa chính ngạch cho bơ, na, bưởi); Hàn Quốc (thanh long ruột đỏ)...
Trong bối cảnh thế giới hiện tại, để mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc và chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường.
Hưng Yên: Nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ
Những năm gần đây, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi hình thức từ chăn nuôi công nghiệp sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Điều này không chỉ góp phần cung ứng ra thị trường những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp hạn chế dịch bệnh, giảm rủi ro trong sản xuất.
Ông Bùi Văn Tỉnh, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) sản xuất cám phục vụ chăn nuôi.
Hơn 5 năm nay, trang trại chăn nuôi của gia đình ông Bùi Văn Tỉnh, phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) sử dụng thức ăn tự phối trộn kết hợp với thức ăn công nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn vật nuôi. Thành phần thức ăn tự phối trộn gồm: Khô đậu, cám gạo, ngô, bột cá... để tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn. Nguồn nguyên liệu đầu vào được kiểm soát kỹ, bảo đảm chất lượng trước khi phối trộn. Ông Tỉnh cho biết: Trước 2 tháng xuất bán, gia đình tôi sử dụng thức ăn tự phối trộn để chất lượng thịt mỡ giòn, nạc mềm và ngọt hơn. Cùng với đó, gia đình tôi cũng chú ý khâu vệ sinh môi trường chăn nuôi. Chuồng trại được phun khử trùng ít nhất 3 lần/tuần. Mặc dù giá bán chỉ cao hơn khoảng 10% so với lợn nuôi công nghiệp nhưng trang trại lợn của gia đình tôi luôn được thương lái đặt mua vì chất lượng thịt thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao.
Năm 2022, bà Nguyễn Thị Dự, thôn Ân Thi 1, xã Hồng Quang (Ân Thi) nuôi 800 con gà Đông Tảo lai theo hướng hữu cơ. Theo đó, gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học, sử dụng thức ăn phối trộn từ cám gạo, ngô nghiền, bột đậu tương, bột cá. Gà được tiêm đầy đủ các loại vắc – xin phòng bệnh theo độ tuổi. Bà Dự cho biết: Chăn nuôi theo hướng hữu cơ giúp gà phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh, tỷ lệ sống sau hơn 4 tháng nuôi đạt gần 94%, trọng lượng đạt trên 2 kg/con, thu lãi từ 30 đến 50 nghìn đồng/con, cao hơn từ 10 đến 20 nghìn đồng/con so với nuôi theo hình thức công nghiệp. Ngoài ra, gà nuôi theo hướng hữu cơ được khách hàng đón nhận và đặt hàng từ sớm. Năm nay, gia đình tôi có kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hữu cơ lên trên 1 nghìn con gà Đông Tảo lai để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, quy trình chăn nuôi hữu cơ phức tạp, thời gian nuôi kéo dài, chi phí cao nên trên địa bàn tỉnh hiện chưa có trang trại đạt tiêu chuẩn chăn nuôi hữu cơ. Tuy nhiên, một số trang trại đang dần hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng này. Mục tiêu cuối cùng của các trang trại, hộ chăn nuôi là tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đây cũng là xu hướng chăn nuôi mới an toàn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng, đặc biệt khi dịch bệnh luôn có nguy cơ xâm nhập đàn gia súc, gia cầm và lây lan trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, việc nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn do người tiêu dùng chưa tin tưởng, khó phân biệt giữa sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Vì vậy, nhu cầu thị trường cao nhưng sản phẩm chăn nuôi theo hướng hữu cơ vẫn chưa được đón nhận tương xứng với giá trị; chưa xây dựng được chuỗi tiêu thụ sản phẩm hữu cơ…
Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chăn nuôi theo hướng hữu cơ là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay. Hình thức chăn nuôi khép kín, tự chủ từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát được chất lượng con giống, dịch bệnh, không phụ thuộc vào biến động giá cả thị trường mà còn thuận lợi trong việc tiêu thụ. Hiện nay, Ban quản lý các dự án phát triển chăn nuôi tỉnh đang triển khai các đề án, dự án chăn nuôi với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng và đánh giá chứng nhận từ 50 đến 70 trang trại, cơ sở chăn nuôi/năm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, Vietgaph. Đây sẽ là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy chăn nuôi theo hướng hữu cơ của tỉnh phát triển.
Thanh Hóa: Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho cây ăn quả
Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cây ăn quả để gia tăng giá trị sản phẩm, tạo tính bền vững lâu dài cho sản phẩm gắn với thế mạnh của từng vùng.
Sản phẩm Cam Vân Du (Thạch Thành) được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm.
Trước đây, bưởi thanh đường Yên Ninh, xã Yên Ninh (Yên Định) chỉ đơn thuần là loại cây ăn quả trồng phân tán, nhỏ lẻ, xen canh trong các khu dân cư, không được quy hoạch vùng, thu hoạch theo mùa vụ và bán cho thương lái nên giá cả không ổn định. Để nâng cao giá trị sản xuất cho bưởi thanh đường trên địa bàn, xã đã khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành vùng sản xuất tập trung; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm. Đồng thời, vạch ra chiến lược, lộ trình cụ thể, như đăng ký tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, nhãn hiệu tập thể...
Đến nay, xã Yên Ninh đã phát triển được gần 80ha bưởi thanh đường, sản lượng đạt khoảng 1.250 tấn mỗi năm. Trong đó, có gần 20 ha đã được cấp giấy chứng nhận và đang được chuyển giao kỹ thuật trồng theo hướng VietGAP và được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP cùng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, bưởi thanh đường Yên Ninh đã có logo, được dán tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, được khách hàng ưa chuộng. Theo người dân trồng bưởi ở xã Yên Ninh, giá trị sản phẩm bưởi thanh đường được nâng lên 25-30% nhờ gắn sao OCOP, trung bình mỗi ha bưởi cho lợi nhuận từ 400-600 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Đăng Ngọc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định, cho biết: Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn có diện tích cây ăn quả lớn, tuyên truyền giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, huyện hướng dẫn các tổ chức, HTX xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả và các cây trồng chủ lực của huyện gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích các HTX tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ để giới thiệu về các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.
Hiện nay, diện tích trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh khoảng 23.240 ha, tập trung ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành... với sản lượng đạt 304.828 tấn/năm. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có 243 ha được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt khoảng 3% so với diện tích cây ăn quả tập trung và đạt hơn 1% so với tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Phần lớn diện tích cây ăn quả được chứng nhận VietGAP chủ yếu là cam, bưởi của các trang trại, HTX và doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Ngoài ra, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh chưa được cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm gây khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Vì vậy, sản phẩm cây ăn quả ở các địa phương chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh thông qua trao đổi, mua bán tại các chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại... Những năm gần đây, một số trang trại, doanh nghiệp sản xuất cây ăn quả quy mô lớn ở các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân, Yên Định... đã từng bước thâm nhập được vào thị trường các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thông qua hệ thống siêu thị và chợ đầu mối, nhưng sản lượng tiêu thụ còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh xác định việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu là một trong những giải pháp để phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững. Với sự tích cực của các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương đã xây dựng sản phẩm bưởi Luận Văn (Thọ Xuân) được cấp chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm dưa hấu Mai An Tiêm (Nga Sơn), cam Xuân Thành (Thọ Xuân), cam Như Xuân, ổi Như Xuân được cấp nhãn hiệu tập thể và cam Vân Du (Thạch Thành) được cấp chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. Hiện huyện Thọ Xuân đang tích cực phối hợp với các ngành có liên quan của tỉnh xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi Bắc Lương. Cùng với đó, các HTX, doanh nghiệp ở các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, Nông Cống, Thạch Thành và Yên Định đã xây dựng được 12 sản phẩm cây ăn quả được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Nhằm giữ vững nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cây ăn quả đã được cấp, ngành nông nghiệp của tỉnh và các địa phương đang tích cực thu hút đầu tư vào chế biến sâu sản phẩm cây ăn quả để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như hiệu quả sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm đã được cấp. Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm cây ăn quả đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử cho sản phẩm cây ăn quả để phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ. Các địa phương cũng quy hoạch vùng trồng, xây dựng vùng chuyên canh theo hướng VietGAP, GlobalGAP, Organic... Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp và người dân trong vùng sản xuất các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu, nhãn hiệu cây ăn quả để từng bước nhân rộng. Đối với những sản phẩm cây ăn quả được cấp nhãn hiệu, người dân tuân thủ sản xuất theo quy trình kỹ thuật đã được quy định để đảm bảo chất lượng, mẫu mã, nâng cao hiệu quả sản xuất./.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.