Được cấp phép đáp ứng nhu cầu san lấp mặt bằng phục vụ một số dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nhưng Công ty TNHH Minh Hà lại tổ chức khai thác, vận chuyển sang tỉnh Bắc Ninh tiêu thụ, gây bức xúc dư luận.
Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của một số người dân và nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Bắc Giang về việc, ngày 21-1-2019, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định 43/QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Minh Hà cải tạo, phục hồi môi trường dự án “khai thác đất đắp nền công trình xây dựng” tại thôn Hàm Long, xã Tiền Phong (Yên Dũng). Khối lượng đất dư thừa được phép vận chuyển, san lấp mặt bằng một số dự án trên địa bàn tỉnh.
Tuy vậy, Công ty TNHH Minh Hà lại tổ chức khai thác, vận chuyển đất theo Quốc lộ 17, qua cầu Yên Dũng với đích đến là Khu Công nghiệp Quế Võ III (Bắc Ninh). Được biết, khu công nghiệp này đang có nhu cầu tiêu thụ hàng triệu mét khối đất để san lấp mặt bằng.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày gần đây, trên tuyến đường này luôn có hàng chục phương tiện di chuyển khiến bụi bay mù mịt, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hà, xác nhận, đúng là trong giấy phép khai thác, UBND tỉnh Bắc Giang chỉ cho phép công ty vận chuyển, phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do đơn vị không đủ năng lực khai thác, vận chuyển khối lượng lớn khoáng sản quy định trong giấy phép nên đã cho một số đơn vị vào thực hiện nên xảy ra tình trạng trên. Công ty sẽ chấn chỉnh, yêu cầu dừng ngay việc làm trên.
Theo một số nhà đầu tư, hiện nay, các dự án xây dựng đường vành đai IV (Hà Nội) qua địa bàn tỉnh Bắc Giang, Trung tâm Logictis TP. Bắc Giang; mở rộng các khu, cụm công nghiệp Quang Châu, Vân Trung, Song Khê – Nội Hoàng, Nham Sơn Yên Lư trên địa bàn các huyện Việt Yên và Yên Dũng (Bắc Giang) đang trong tình trạng thiếu vật liệu san lấp, khó bố trí nguồn cung dẫn đến chậm tiến độ hoàn thành. Việc tự ý vận chuyển ra ngoài phạm vi cấp phép của Công ty TNHH Minh Hà đã phá vỡ thị trường, khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá tăng cao…
Việc làm trên cũng đã đi ngược lại mục tiêu bảo vệ, giữ vững cảnh quan dãy núi Nham Biền mà các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang luôn cân nhắc, hài hòa lợi ích bảo vệ cảnh quan, môi trường và phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khi cấp phép khai thác khoáng sản.
Ông Ngô Trí Dũng, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang), khẳng định: “Quan điểm của tỉnh là không cho phép vận chuyển đất san lấp mặt bằng ra khỏi địa bàn. Đây không phải là “ngăn sông cấm chợ”, vì UBND tỉnh không tổ chức đấu giá cấp phép điểm mỏ mà chỉ vận dụng, cho phép doanh nghiệp khai thác, vận chuyển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Chúng tôi sẽ kiểm tra, làm rõ, nếu có tình trạng trên sẽ kiên quyết đình chỉ khai thác, vận chuyển của các đơn vị”.
Bên cạnh việc vận chuyển đất trái phép ra khỏi địa bàn tỉnh Bắc Giang, các phương tiện ở đây đều có đặc điểm chung là tự ý cơi nới thùng, có dấu hiệu chở quá khổ, quá tải; không che kín bạt khiến vật liệu rơi vãi gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Được biết, mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Minh Hà 220 triệu đồng về hành vi khai thác sai cốt độ cho phép, chưa thực hiện xong việc hạ thấp độ cao theo phương án được phê duyệt.
Ngày 14/3/2019, trong buổi làm việc với Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Giang rà soát quy định, quản lý khai thác, vận chuyển đất đắt nền công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 265/QĐ-UBND ngày 19-5-2014 của UBND tỉnh. Theo đó, khi doanh nghiệp được khảo sát, cấp phép thăm dò, đánh giá trữ lượng đất làm vật liệu san lấp mặt bằng không nhất thiết phải có dự án san lấp cụ thể mà yêu cầu trong giấy phép phải ghi rõ mục đích phục vụ các dự án trong tỉnh; việc vận tải phải thể hiện bằng hợp đồng trong phạm vi tỉnh Bắc Giang.
Đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm an toàn giao thông, hài hòa lợi ích của các dự án, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.