Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 10 năm 2020 | 21:21

Bài 2: Bộ mặt đô thị bị “băm nát”, đất đai bị “xẻ thịt” và lời hứa suông của Bí thư, Chủ tịch quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu

Ắt hẳn nhiều người không thể nào quên câu trả lời dõng dạc, đầy bản lĩnh của Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu tại Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV.

Dẫu biết từ đó đến nay, một số lãnh đạo đứng đầu Thành phố khi ấy đã không còn tại vị, nhưng cao hơn cả là các đại biểu HĐND Thành phố, công luận và hàng triệu người dân Thủ đô qua sóng truyền hình vẫn luôn dõi theo, giám sát việc thực hiện lời nói của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quận Thanh Xuân về công tác quản lý trật tự xây dựng.
 

Sai phạm “nổi cộm tại” tại công trình địa chỉ số 174, 176 phố Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình vẫn chưa được UBND quận Thanh Xuân xử lý dứt điểm.

 

Lên chức Bí thư nhưng lời hứa trước cử tri và Nhân dân vẫn chưa trọn vẹn 


Tại Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng diễn ra ngày 25/3/2019, một số sai phạm trật tự nổi cộm, tồn tại lâu trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được nêu ra, bao gồm: sai phạm tại công trình địa chỉ số 174, 176 phố Nguyễn Xiển; công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại số 225 Nguyễn Xiển... Các sai phạm này đã được các cơ quan báo chí, truyền thông phản ánh rất nhiều.

Theo đó, hai trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại phường Hạ Đình, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, quận sẽ quyết liệt xử lý.

Đối với công trình tại số 174 - 176 Nguyễn Xiển, đã được cấp phép, nhưng xây dựng sai so với giấy phép tầng tum; Chủ đầu tư cũng đã nộp phạt hành chính. Tuy nhiên, đang trong quá trình xử lý thì Chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả.

“Công trình đang bị xử lý vi phạm không được phép chuyển nhượng. Quận sẽ kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bộ phận liên quan đến việc chuyển nhượng này” - ông Lưu khẳng định. Đồng thời, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng đề nghị Sở TN&MT và các đơn vị liên quan không cho phép chuyển nhượng đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang xử lý.

Đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại số 225 Nguyễn Xiển, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết đã tồn tại từ năm 2014. Người đứng đầu UBND quận Thanh Xuân cho biết, trường hợp này trách nhiệm chủ yếu là do chính quyền phường phát hiện chậm, không báo cáo lên quận.

Quận Thanh Xuân đang tiến hành thanh tra công vụ với cán bộ, cá nhân để xảy ra vi phạm và chậm báo cáo. “Phường đề nghị lấy công chuộc tội, dự kiến đến tháng 5 sẽ xử lý xong. Nếu không xong sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ cũ - mới, cưỡng chế xử lý dứt điểm” - ông Lưu thông tin.

6 tháng sau khi ông Nguyễn Xuân Lưu đưa ra những lời “gan ruột”, tới tháng 9/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chuẩn y ông Nguyễn Xuân Lưu, sinh năm 1969, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân giữ chức vụ Bí thư Quận ủy Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015-2020.

Như vậy sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Xuân Lưu tiến thêm một nấc mới, tuy nhiên tại các công trình mà ông Lưu “cam kết” sẽ xử lý quyết liệt lại không có “nhiều thay đổi”.

Ở thời điểm hiện tại, công trình 174 - 176 Nguyễn Xiển vẫn tồn tại số tầng vượt phép, đồng thời công trình cao đến này đang được sử dụng làm trụ sở một chi nhánh của bảo hiểm Bảo Việt Nhân Thọ.

Sai phạm trên đất nông nghiệp tại địa chỉ 225 Nguyễn Xiển như những nét “chắp vá”, “bôi bác” vào bộ mặt đô thị của quận Thanh Xuân.

Đối với sai phạm trên đất nông nghiệp tại địa chỉ 225 Nguyễn Xiển, công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại như chưa hề có chuyện gì xảy ra và được Rèm Hà Thành sử dụng để kinh doanh.

Đáng nói đây là công trình tạm, việc cưỡng chế dỡ bỏ có thể tiến hành chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thế nhưng đã hơn một năm trôi qua, UBND quận Thanh Xuân vẫn chưa có một động thái nào để xử lý sai phạm tại công trình này khiến bộ mặt của tuyến đường bị bôi xấu, trở nên nhếch nhác vì những lớp tôn vá chằng, vá đụp tại công trình sai phạm.

Là một người đứng đầu cấp ủy đảng của quận trung tâm của Hà Nội thì việc chắc hẳn ông Nguyễn Xuân Lưu cũng phải thấm nhuần một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng là “Nói không đi đôi với làm”, “Nói một đằng, làm một nẻo”.

Dẫu sao, tại Đại hội Đảng bộ quận Thanh Xuân lần thứ VI diễn ra cuối tháng 7/2020, ông Nguyễn Xuân Lưu vẫn được tín nhiệm, tái đắc cử Bí thư quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ngày 25/10/2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trong đó, mục 8, Điều 2 của Quy định nêu rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.”

Tại mục 4, Điều 3 cũng nêu: Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

Đối chiếu với quy định trên, khi tiến hành đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên, Quận ủy quận Thanh Xuân có nhìn thẳng vào sự thật hay không? Có dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm hay không? Có đấu tranh đến cùng để làm rõ bản chất không, hay nể nang, né tránh, ngại va chạm để rồi bình bầu, bình xét thi đua cán bộ, đảng viên nào cũng hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ, có hay không việc cán bộ, đảng viên “đứng sau” các công trình có dấu hiệu sai phạm này? Tiếp tay hoặc trực tiếp can thiệp, tác động để cho công trình sai phạm không bị xử lý?

Cuối cùng, tại các công trình sai phạm như đã nêu ở trên, có bao nhiêu công trình là của các cán bộ, đảng viên “đứng đằng sau”? Tại sao những người này lại có thể “trơ trẽn” đứng trên pháp luật, phớt lờ dư luận được như vậy hay chỉ cần có quyền, có tiền thì họ muốn làm gì thì làm?

Ai đang “băm nát” khu đô thị kiểu mẫu Trung Hòa - Nhân Chính?

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Vinaconex làm chủ đầu tư, hoạt động từ năm 2006. Thời gian đầu, khu đô thị này từng được coi là kiểu mẫu của Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tại dự án này xuất hiện hàng loạt các công trình được xây dựng có kiến trúc hoàn toàn “khác lạ” so với quy hoạch.

 

Công trình đang được xây dựng tại Lô NV-B14 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Nhân Chính mà đại diện UBND quận Thanh Xuân cho rằng cơ bản đúng phép, đúng quy hoạch.

Điển hình nhất “dị biệt, khác thường” này là công trình đang được xây dựng tại Lô NV-B14 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Theo Giấy phép xây dựng số 773-2019/GPXD ngày 09/12/2019 do Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái ký ban hành.

Công trình tại Lô NV-B14 là công trình ở riêng lẻ, theo thiết kế của Công ty Cổ phần MOREHOME lập, được Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân xác nhận kèm theo giấy phép bao gồm: mật độ xây dựng 57,1%; hệ số sử dụng đất 2 lần. Màu sắc mặt ngoài công trình khuyến khích tầng 1 sơn màu sẫm hoặc ghi, từ tầng 2 trở lên quét sơn màu trắng.

Công trình có diện tích xây dựng tầng 1 là 124m2; tổng diện tích sàn 489,7m2; chiều cao công trình 14,54m (không kể chiều cao tum thang 3m); số tầng 4 tầng + tum thang.

Giấy tờ về quyền sử dụng đất: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất Quyền sở hữu nhà ở và Tài sản gắn liền với đất số CQ 268726, thửa đất 106 do Sở TN&MT cấp ngày 09/01/2019 cho ông Kim Văn Hùng với diện tích sử dụng riêng là 240m2, tại Lô NV-B14 Trung Hòa - Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân cho biết, công trình này xây dựng có giấy phép, giấy phép xây dựng đảm bảo chỉ tiêu quy hoạch, quy mô, mật độ, chiều cao… không hề phá vỡ cảnh quan, kiến trúc của cả khu đô thị…

Vậy sự dị biệt, một mình một phong cách kiến trúc, thiết kế tại Lô NV-B14 Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính từ đâu ra? Bằng mắt thường ai ai cũng có thể nhận thấy sự bất thường từ các công trình nêu trên, vậy tại sao chính quyền quận Thanh Xuân vẫn khẳng định không hề phá vỡ cảnh quan, kiến trúc? Liệu có hay không việc “bảo kê”, “chống lưng” của chính quyền quận Thanh Xuân trong việc cấp phép, đầu tư xây dựng đối với công trình này?

Ngoài ra, còn hàng loạt công trình biệt thự, nhà liền kề trong Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đang một số chủ sở hữu biến tướng, tự ý cơi nới mở rộng diện tích phần sân của căn hộ, đáng chú ý, nhiều chủ sở hữu còn cấy thêm dầm, dựng cột bê tông, ghép cốt pha, xây tường, xây dựng vượt tầng, không đúng với hồ sơ cấp phép và thiết kế đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Suốt thời gian dài, công trình này thi công nhưng không bị chính quyền phường, quận “sờ gáy” và đến nay đã nhiều công trình đã thi công xong, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý những kiến nghị sau:

Một là, quản lý việc xây dựng theo quy hoạch. Tất cả các hành vi vi phạm quy hoạch xây dựng phải bị đình chỉ ngay và được xử lý kịp thời theo các quy định của pháp luật.

Người có thẩm quyền quản lý quy hoạch xây dựng theo phân cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những công việc quản lý được giao và phải bồi thường thiệt hại do các quyết định không đúng, không kịp thời, trái thẩm quyền gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.

Kiên quyết đình chỉ xây dựng, cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng trái phép, xây dựng sai giấy phép, xây dựng không tuân thủ theo quy hoạch xây dựng.

Hai là, công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng. UBND các cấp có trách nhiệm phải tổ chức công bố công khai quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng phải được gửi đến tổ trưởng tổ dân phố nơi có công trình thi công, được dán công khai tại các công trình. Qua đó, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư và nhân dân có thể theo dõi, giám sát các hoạt động xây dựng, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về quy hoạch của tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đây là vấn đề mà thời gian vừa qua, tại một số địa phương, các cơ quan có thẩm quyền đã không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nhiệm vụ, chức trách của mình.

Ba là, HĐND, MTTQ các cấp đưa nội dung công tác giám sát việc thực hiện quản lý và xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn vào chương trình công tác hằng năm. Khuyến khích MTTQ xây dựng cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia giám sát công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn.

Bốn là, thực hiện luân chuyển, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với các cán bộ để xảy ra sai phạm về trật tự xây dựng. Trong trường hợp cần thiết, cần công khai hình thức xử lý, kỷ luật cán bộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kiên quyết cưỡng chế, phá dỡ các công trình xây dựng sai phép, không để chủ đầu tư “lách luật” bằng hình thức “phạt cho tồn tại”.

Năm là, trước những bất thường trong việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thanh Xuân đề nghị Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy, C03 Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, xử lý dứt điểm vi phạm ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tạp chí Mặt trận sẽ tiếp tục thông tin về tình trạng sai phạm xây dựng, quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích tràn lan trên địa bàn quận Thanh Xuân mà bạn đọc đang rất quan tâm.

 

 

Phan Anh Tuấn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top