Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 7 năm 2016 | 2:32

Bản lĩnh của một cựu chiến binh

Người lính ấy trở về từ chiến tranh, tâm trí còn chưa nguôi  nỗi đau lửa đạn, nhưng vẫn vượt lên chính mình, gắn bó với thời cuộc để phát triển kinh tế gia đình. Đó là cựu chiến binh Trần Hữu Hiệp (SN 1950, ngụ tại ấp Bến Lớn, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, Bình Dương).

Không “ăn mày dĩ vãng”

“Những năm qua, tôi không nói nhiều về chiến tranh với những người quanh mình. Vì nếu nói thì người ta sẽ nghĩ rằng tôi nói quá. Và hơn ai hết, mỗi lần nhắc lại là mỗi lần tôi đau đớn khôn nguôi”, ông Hiệp nói trong trầm tư. 

Ông Hiệp bên vườn chôm chôm.

Năm 1968, ông nhập ngũ, sau đó được điều sang đại đội 1, tiểu đoàn 31, đặc công Quân khu 4. Đầu năm 1969, ông chuyển sang đại đội 1, tiểu đoàn 33, đặc công đường 9B5.

Những trận đánh ở Quán Ngang (Quảng Trị) vẫn còn hằn sâu trong tâm trí của ông về một thời hào hùng chống giặc ngoại xâm. Khi còn làm phân đội trưởng phân đội 1 (phân đội chủ lực) tham gia trận đánh ở cao điểm 544, sau những chiến công này, ông được vinh dự thay mặt anh em ra Bắc báo cáo về trận Tây Đầu Mầu thuộc mặt trận đường 9B5 trong lễ mừng công của Binh chủng Đặc công. Sau báo cáo mừng công, chàng trai trẻ Trần Hữu Hiệp nhận nhiệm vụ đặc biệt được điều động sang chiến trường Thái Lan và ông bị bắt vào năm 1972 tại đây.

Sau một hồi nói chuyện, ông Hiệp mới đồng ý kể lại hồi ức khủng khiếp trong đời mình. Thời điểm đó, tại chiến trường Thái Lan, trải qua nhiều năm bị giam cầm biệt lập trong xà lim tối om không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ngày nào, ông Hiệp cũng chứng kiến cái chết của những tù nhân quanh mình. Mặc dù bị địch bắt, tra tấn dã man, lấy xà phòng dội vào miệng, tra điện, đóng đinh vào tay, vào gân, nhưng ông vẫn giữ khí tiết, cùng với anh em trong tù đoàn kết đấu tranh, chờ ngày được trở về với đồng chí, đồng đội.

Bị biệt giam trong tù, nhưng ông vẫn không giảm nhuệ khí. Ông nhờ người gửi bức điện tới Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan với nhiều nội dung khác nhau, trong đó khẳng định: “Tôi là bộ đội cụ Hồ, hiện đang bị giam giữ tại đây”. Ý chí đấu tranh không mệt mỏi của ông được đền đáp bằng việc đích thân Thủ tướng Chính phủ Việt Nam lúc đó là Phạm Văn Đồng trao đổi để đưa ông về tại sân bay của Thái Lan. Khí thế hiên ngang của một cựu tù từng bị đối xử tàn nhẫn, trước khi lên máy bay, ông vẫn thừa dũng khí để quay lại vẫy tay nói “xin chào”.

Những ngày đầu được trao trả về nước, sức khỏe của ông rất kém, viên đạn bên đùi trái khiến ông bị tổn thương dây thần kinh, tê nửa mặt ngoài chân trái làm chân  ông bị thọt. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ thị cho Chính ủy, Bộ Tư lệnh Đặc công phải cử người chăm sóc ông. Sức khỏe phục hồi cũng là lúc ông đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau, tiếp tục cống hiến và đóng góp cho đất nước. Với hàm trung úy, ông làm trợ lý tham mưu đoàn Bộ Tư lệnh Đặc công. Năm 1980, ông chuyển ngành làm Quản trị trưởng trong ngành Hàng hải cho tới khi nghỉ hưu.

Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Khi chúng tôi về tới xã Lai Uyên, hỏi về ông Hiệp, nhiều người dân nơi đây phải thốt lên: “Với người lính trở về sau chiến tranh, thân thể tiều tụy như ông Hiệp mà sau nhiều nỗ lực đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm là điều khiến ai cũng kính nể”.

Cơ ngơi hoành tráng của ông Hiệp tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương)

Nghỉ việc trong lĩnh vực hàng hải những năm 1990, ông cùng vợ mình là bà Phạm Thị Lan tìm kế sinh nhai nơi vùng đất mới Lai Uyên. Với khoảng 5ha đất vườn, từ số tiền dành dụm trước đó, cộng với lương hưu hàng tháng, ông trồng sắn, sầu riêng, điều, cao su, măng cụt và nhiều loại cây ăn trái khác. Học tập và tự tìm tòi mô hình sản xuất ở nhiều nơi, ông tiến hành trồng những cây ngắn ngày như chuối, khoai, sắn,... Mô hình vườn cây ngày càng hoàn thiện, giúp ông kiếm được hàng trăm triệu đồng/ năm trong suốt nhiều năm qua. Do đó, ông liên tục được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nhiều người trong huyện, trong tỉnh đã tìm tới tham quan học tập mô hình của ông.

Vào vườn nhà ông, chúng tôi dễ dàng nhận thấy căn nhà khang trang ẩn sau vườn cây rợp bóng mát. Cây trái được ông quy hoạch khá đẹp, hệ thống nước tưới tiêu tự ông mày mò thiết kế, quan điểm của ông là không để một tấc đất nào bỏ không. Ông Hiệp chia sẻ: “Ngoài hiệu quả kinh tế, vườn cây còn giúp tôi tạo cảnh quan cho gia đình mình, từ đó tạo không gian an dưỡng, thư thái để vui vầy tuổi già”.

Khi vườn măng cụt không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông chuyển hướng sang trồng cao su kết hợp nhiều cây ăn trái khác. Ông  liên hệ với những người họ hàng, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam để nhờ tư vấn kỹ thuật, chuyển giống về. Những cây cao su mới trồng ngày nào, giờ đây chuẩn bị cho khai thác lứa mủ trắng đầu tiên. “Tôi làm việc như vậy là để quên đi quá khứ đau thương đã hằn lên tâm trí về một thời chiến tranh ác liệt. Hơn nữa, làm việc còn giúp tôi khỏe khoắn hơn, xua đi nỗi đau mà vết thương trong chiến tranh để lại cho mình”, ông Hiệp chia sẻ. 

Khi con cái lớn khôn, điều kiện gia đình đã dư giả, ông Hiệp tiếp tục quan tâm tới những thế hệ tương lai của đất nước. Hàng năm, ông luôn dành hàng chục suất học bổng cho Quỹ khuyến học tại nơi ông cư trú. ”Giờ đây, tôi chỉ mong ước những anh em cựu tù như chúng tôi được ghi nhận công lao và đối xử xứng đáng. Ước mơ được gặp lại anh em, đồng đội cũ vẫn đau đáu không nguôi trong trái tim tôi”, ông nói.

Ông để lại địa chỉ liên hệ của mình để  bạn bè, đồng đội biết được và “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”: Ấp Bến Lớn, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. ĐT:0909361216

Lại Hùng

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top