Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ẩn chứa nhiều cơ tai nạn đường thủy.
Để có thể qua lại giữa hai bên bờ của phá Tam Giang đoạn giáp ranh từ xã Quảng Lợi đến xã Quảng Ngạn (huyện quảng điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhiều người dân đã lựa chọn hình thức đi đò từ Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc.
Ghi nhận của PV, những ngày đò chạy có đến hàng trăm người và phương tiện lưu thông qua đây. Điều đáng nói là việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện đi lại qua những chuyến đò nói trên chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Quy trình hoạt động sơ sài như bến đò tự phát
Lần đầu tiên đi đò từ Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc từ xã Quảng Lợi đến xã Quảng Ngạn, PV khá lóng ngóng vì không được bất kỳ ai hướng dẫn các thủ tục để đi đò. Nhìn thấy một người có vẻ như khách qua đò, PV đến gần và hỏi: “Anh ơi, mình muốn qua đò thì mua vé ở đâu thế ạ?”, người khách trả lời bằng giọng địa phương: “Tí lên đò sang bên kia rồi người ta mới thu”. Chúng tôi lựa chọn cho mình một bóng mát rồi đứng chờ đò.
Khoảng chừng 15 phút, thấy khách đã tương đối, một người đàn ông luống tuổi có làn da ngăm đen, rắn rỏi của vùng đầm phá rảo bước đi nhanh và nói đậm giọng Huế: “Bà con ai đi đò thì ra lên đò hỡi”. Nhiều khách hàng lứa tuổi thanh niên nhanh chóng cất điện thoại vào túi quần rồi cầm đồ đạc, dắt xe đến gần đưa lên đò.
Chiếc đò ở dưới nước nên khá chồng chềnh và phải nhờ đến sự phụ giúp của người đi đò, những chiếc xe máy, xe đạp mới được đưa lên lên khoang giữa của đò. Đồ đạc mang theo được khách đi đò tự đưa lên. Chẳng ai nói ai, khách tự trèo lên đò và lựa chọn chỗ thuận lợi (đầu hoặc cuối) để ngồi.
Chuyến đò này chở 11 người lớn (bao gồm cả người lái đò), 04 em nhỏ, 04 chiếc xe máy và 01 chiếc xe đạp. Điều lạ là dù có áo phao trên thuyền nhưng người lái đò chẳng hề nhắc nhở hay phát cho người đi đò mặc vào. Thấy vậy, PV yêu cầu được mặc áo phao và kết quả nhận được ánh mắt dò xét, chẳng mấy hài lòng của người lái đò.
Hiểm họa luôn rình rập
Quả thực, lần đầu được ngồi trên chuyến đò qua phá Tam Giang, cảm giác mênh mông, sảng khoái là có thực, nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan đi khi đò xuất phát được khoảng vài phút.
Lúc này, sóng bắt đầu lớn hơn và chúng lần lượt đập thẳng vào mạn đò bắn bọt trắng xóa tung tóe lên cả chiếc đò. Trước sức mạnh của những làn sóng, chiếc đò gỗ đã bạc màu vì nắng, gió và nước lợ của đầm phá Tam Giang cứ lắc lư, chồng chềnh, nhấp nhô như một gã say rượu. Tiếng bì bạch từ động cơ của chiếc đò vì thế cũng có phần lạc nhịp.
Nỗi sợ hãi xuất hiện và biểu lộ rõ trên khuôn mặt của nhiều người, họ bắt đầu ngồi thu mình lại, vịn tay vào những thanh gỗ của con đò. Trên chuyến đò này có người mẹ đang bồng con nhỏ phải lắc lư tứ phía, thi thoảng người này phải buông một tay níu giữ lấy thân tàu giữ thăng bằng.
Người lái đò dường như đã quá quen với cảnh tượng trên. Ánh mắt của ông vẫn dõi về phía trước, giữ chắc tay lái để con đò được đi đúng hướng.
Từ hướng ngược chiều, thi thoảng lại có một chuyến đò chở khách và phương tiện từ phía xã Quảng Ngạn qua xã Quảng Lợi. Theo ghi nhận của PV, khách đi trên những chuyến đò ấy cũng không mặc áo phao và phương tiện cũng không được ràng buộc. Có khách đi đò còn ngồi vất vưởng bên thành đò nhìn rất nguy hiểm.
Đáng nói hơn nữa, quy trình sắp xếp khách, phương tiện một cách sơ sài và những nguy hiểm như trên được lặp đi lặp lại trong nhiều chuyến đò tại Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc.
Cơ quan quản lý nói gì?
Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc được giao cho Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền quản lý. Qua liên hệ và trao đổi với Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền Nguyễn Đình Công được biết, Bến đò ngang Cồn Tộc - Vĩnh Tu có 8 đò đủ tiêu chuẩn đang hoạt động, lái đò đã có các bằng cấp, tín chỉ liên quan. Mỗi ngày vận chuyển trên 60 hành khách qua hai bờ phá Tam Giang. Đoạn đường thủy nói trên có chiều dài 5,4km và mỗi chuyến đò khoảng 15 – 20 phút để đi qua.
Ông Công cho biết thêm, hiện nay Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc đã được một hợp tác xã tại xã Quảng Ngạn đấu giá theo năm. Hiện tại, hồ sơ về các đò và lái đò tham gia vận chuyển tại Bến đò ngang Vĩnh Tu – Cồn Tộc được hợp tác xã quản lý. Giá vé đi đò đơn vị cũng đã tham khảo ý kiến từ Phòng Tài chính Kế hoạch. Vấn đề an toàn giao thông là do Công an huyện Quảng Điền theo dõi, xử lý và Phòng Kinh tế Hạ tầng tham gia phối hợp.
"Việc không mặc áo phao khi đi đò nguyên nhân một phần từ khách đi đò không muốn mặc vì rườm rà, Phòng Kinh tế Hạ tầng cũng đã nhiều lần tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở về việc này nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế Hạ tầng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng để kiểm tra lại thực trạng trên", ông Nguyễn Đình Công nói.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.