Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 5 năm 2020 | 9:46

Bình Dương: Công trình "khủng" xây dựng trái phép, vi phạm an toàn hành lang sông Sài Gòn

Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh của người dân về một công trình "khủng" xây dựng trái phép, xâm phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn thuộc xã Phú An (TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Theo đơn thư của người dân, từ 8/2016 đến nay, sau khi mua khu đất nông nghiệp trồng cây lâu năm ven sông Sài Gòn (thuộc ấp Phú Thuận, xã Phú An, Thị Xã Bến Cát), bà Phạm Mai Hoa (sinh năm 1966, hộ khẩu thường trú tại 134/4 đường 30/4, khu 2, phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một) đã tự ý cho đổ đất đá san lấp, lấn ra tận mép bờ sông Sài Gòn với diện tích lên đến hàng nghìn mét vuông.
bd3.jpg

 

bd2.jpg

 bd1.jpgHệ thống tường rào xây dựng ra tận mép sông Sài Gòn.

Đồng thời cho kè và xây dựng hệ tường rào kiên cố, đóng cọc bê tông nổi để xây dựng nhiều hạng mục như: cầu tàu và các công trình kiên cố khác (theo kiểu khu nghỉ dưỡng)…
 
Người dân cho biết, bà Phạm Mai Hoa là vợ lãnh đạo tỉnh Bình Dương nên mới lấn sông, xây dựng được công trình "khủng" như thế (?!).
 
bd4.jpg
Đóng cọc bê tông để làm nhà thủy tạ và các công trình kiên cố khác.
Chính vì không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý công trình vi phạm của bà Phạm Mai Hoa, nên tại khu vực giáp ranh giữa sông Thị Tính, sông Sài Sòn, người  dân đua nhau xây dựng công trình khủng như: phim trường Limli ở ấp Phú Thứ, xã Phú An; nhà hàng hạng sang Rạch Mít ở xã An Tây thuộc TX Bến Cát… Mặc dù nhiều trường hợp bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính, nhưng chưa cưỡng chế, tháo dỡ nên tình trạng dân xây dựng lấn ra hành lang an toàn đường sông ngày càng nhiều, khiến cho dư luận bức xúc.
bd.jpg
Bản đồ Khu đất nhà bà Hoa nằm ngay ven sông Sài Gòn.
Theo tài liệu mà phóng viên thu thập được, khu đất 9.000m2 tại xã Phú An được gia đình bà Phạm Mai Hoa mua lại từ một người dân sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, với giá 100.000.000 (Một trăm triệu đồng), thuộc bản đồ địa chính số 29, thửa đất số 638. Trong đó có 2250m2 thuộc đất hành lang an toàn bảo vệ công trình đường sông; 441m2 là đất bảo vệ hành lang công trình đê. Đất do nhà nước giao, không thu phí sử dụng đất và theo quy hoạch là đất trồng cây lâu năm. Đất này không được phép xây dựng. Ngày 19/9/2016, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người đứng tên sở hữu là bà Phạm Mai Hoa.
 
Để có thông tin đa chiều, phóng viên liên hệ với lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương, nhưng tất cả đều né một cách “rất tế nhị”. 
 
Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phú An thông tin là do mình mới nhận chức nên chưa được bàn giao đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, thế nên chưa nắm rõ được công trình vi phạm nói trên. Đồng thời sẽ cho cán bộ phòng ban liên quan thu thập tài liệu và trả lời cho báo chí sau.
 
Còn ông Nguyễn Trọng Ân, Chủ tịch UBND TX. Bến Cát đề nghị báo chí làm văn bản (nội dung làm việc) để UBND thị xã trả lời cụ thể.
 
Có hay không một công trình xây dựng không phép, gây bức xúc dư luận, vi phạm hành lang an toàn sông Sài Gòn mà người dân phản ánh liên quan đến gia đình bà Phạm Mai Hoa, Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
 
 

Theo Điều 7, Luật Đê điều, các hành vi bị nghiêm cấm:

Phá hoại đê điều.


Nổ, phá gây nguy hại đến thân đê, trừ trường hợp khẩn cấp được người có thẩm quyền quy định tại Điều 34 của Luật này quyết định nổ, phá nhằm phân lũ, làm chậm lũ để hộ đê.


Vận hành trái quy chuẩn kỹ thuật đối với công trình phân lũ, làm chậm lũ, cống qua đê, công trình tràn sự cố, cửa khẩu qua đê, trạm bơm, âu thuyền trong phạm vi bảo vệ đê điều.


Vận hành hồ chứa nước thượng lưu trái quy chuẩn kỹ thuật gây ảnh hưởng đến đê điều.


Xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt.


Sử dụng xe cơ giới vượt quá tải trọng cho phép đi trên đê; sử dụng xe cơ giới đi trên đê khi có biển cấm trong trường hợp đê có sự cố hoặc có lũ, lụt, bão, trừ xe kiểm tra đê, xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cứu thương, cứu hỏa.


Đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông; để vật liệu trên đê, trừ vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.


Chiếm dụng, sử dụng hoặc di chuyển trái phép vật tư dự trữ phòng, chống lũ, lụt, bão.


Phá hoại cây chắn sóng bảo vệ đê, trừ trường hợp khai thác cây chắn sóng quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.


Khai thác đất, đá, cát, sỏi, khoáng sản khác; đào ao, giếng trong phạm vi bảo vệ đê điều và các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ.
Sử dụng sai mục đích ngân sách đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp, kiên cố hóa và bảo vệ đê điều.

 
 
 

Đính chính

Do tác nghiệp trên sông bằng ca nô và phải cảnh giác với sự ngăn cản, phóng viên đã nhầm công trình nhà thủy tạ, nằm cách công trình nhà bà Hoa khoảng 50m, thuộc khu đất của gia đình bà Phạm Mai Hoa.

Kinh tế nông thôn đã yêu cầu phóng viên nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ có hình thức xử lý thỏa đáng. Đồng thời gỡ bỏ từ "nhà thủy tạ" trong đoạn phản ánh về các công trình xây dựng trên đất của bà Hoa.

Thành thật xin lỗi bà Hoa và bạn đọc về sơ suất trên.

KTNT

 
 
 
Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top