Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:54

Cả tỉnh chung sức đưa Hương Khê đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Đến nay, Hương Khê là huyện duy nhất ở Hà Tĩnh còn nhiều xã chưa đạt chuẩn Nông thôn mới.

Bên cạnh phát huy lợi thế, tranh thủ sự hỗ trợ, đỡ đầu từ bên ngoài, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đang vào cuộc tích cực, quyết tâm cao để sớm về đích huyện nông thôn mới.

Quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Với đặc thù địa hình rộng lớn, nhiều đơn vị cấp thôn ở Hương Khê có diện tích bằng 1 xã, còn 1 xã rộng bằng 1 huyện ở khu vực đồng bằng. Đến nay, Hương Khê là huyện duy nhất ở Hà Tĩnh còn nhiều xã chưa đạt chuẩn NTM. Trong đó, 4 xã đặc biệt khó khăn là Hương Lâm, Hương Liên, Hà Linh và Điền Mỹ mới chỉ đạt từ 10-12 tiêu chí.

 

z3564025183291_cb607ad7c7f9f41b92dc438d154996c7.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra tiến độ XDNTM tại khu vực thôn 4, xã Hương Lâm. 

 

Ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Để thực hiện xây dựng NTM, chúng tôi luôn xác định phải phát huy nội lực trong Nhân dân. Tuy nhiên, với điều kiện của một huyện nghèo miền núi, địa hình chia cắt, phức tạp, dân cư phân bố không đều; thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại; xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng còn yếu kém; đời sống của Nhân dân còn khó khăn, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; sản xuất manh mún, tiếp cận KHKT, liên kết trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn... thì việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch là điều thật sự khó khăn”.

Cùng với tỉnh, huyện Hương Khê cũng đã tiến hành phân công lực lượng là cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tham gia hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM. Từ đó, các đơn vị lên kế hoạch và phân công trách nhiệm cho từng cán bộ, người lao động để hỗ trợ, sát cánh cùng bà con.

Trong các ngày thứ 7, chủ nhật nhiều tháng nay, hàng nghìn CBCCVC huyện Hương Khê đã về tận hộ gia đình, hội quán thôn của những xã tốp cuối để thực hiện các phần việc như: xây dựng sân vườn và chỉnh trang khuôn viên hội quán; xóa bỏ vườn tạp, chỉnh trang vườn hộ, xây mới công trình vệ sinh, công trình chăn nuôi; làm rãnh thoát nước, phát quang hành lang, xây dựng hàng rào thép gai, trồng hàng rào xanh… Bên cạnh trực tiếp tham gia hỗ trợ ngày công, mỗi CBCCVC, đoàn viên, lực lượng vũ trang còn tuyên truyền chủ trương, chính sách về xây dựng NTM; hướng dẫn người dân phương pháp, cách làm; kêu gọi nguồn lực giúp các thôn, hộ dân xây dựng cơ sở vật chất…

Cả tỉnh đồng hành

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, tất cả các xã còn lại phải về đích NTM nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh NTM theo Đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 2114/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020). Cuối tháng 4/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao và chấp thuận cho hơn 60 tổ chức, đơn vị đỡ đầu, tài trợ các xã chưa đạt chuẩn NTM ở Hương Khê và 50 thôn chưa đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu tại các xã này.

 

z3564025202224_d5a42bdb8c83bdea0f3b1592c8dc3546.jpg
Hương Khê là huyện miền núi, thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn của lũ lụt nên việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM theo kế hoạch rất khó khăn.

 

Thôn 6, xã Hương Lâm, Hương Khê là địa phương rất khó khăn, mới chỉ đạt 4/10 tiêu chí. Sở Công Thương Hà Tĩnh được giao trực tiếp đỡ đầu, hỗ trợ địa phương này thực hiện các tiêu chí NTM. Đầu tháng 5/2022, sở đã trực tiếp về khảo sát tình hình thực tế tại địa phương và ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện trong thời gian tới.

Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh, cho biết: Để chung sức xây dựng thôn 6 đạt chuẩn khu dân cư kiểu mẫu, thời gian qua, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã kêu gọi các doanh nghiệp lĩnh vực ngành Công Thương quan tâm, cùng chung sức với tỉnh và Sở Công Thương trong xây dựng NTM và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp lĩnh vực Công thương. Đến nay, đã có 13 doanh nghiệp đăng ký tài trợ với tổng số tiền 150 triệu đồng, 04 hạng mục tài trợ bằng hiện vật và công trình trị giá ước tính hơn 170 triệu đồng.

Đây là tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết của các doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, của Sở Công Thương trong việc đồng hành cùng xã Hương Lâm và Nhân dân thôn 6 trong xây dựng NTM, quyết tâm về đích trong năm 2022 theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Thông qua công tác đỡ đầu tài trợ đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc và gắn được trách nhiệm của các ngành, tổ chức trong xây dựng NTM. Đặc biệt, cán bộ và nhân dân ở các xã được đỡ đầu tài trợ cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng. Đây thực sự là nguồn động viên tinh thần đáng kể, tạo thêm động lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc thêm vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung tay xây dựng NTM.

Cũng theo ông Sơn, Những đơn vị được lựa chọn đỡ đầu có nhiều năng lực và kinh nghiệm. Đơn vị đỡ đầu không làm thay mà chỉ hỗ trợ những phần việc khó, ngoài khả năng của địa phương. Người dân phải phát huy tính sáng tạo, tự lực, tự cường, thể hiện vai trò, trách nhiệm; đề cao sự chủ động hợp tác của thôn trong quá trình thực hiện, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đến nay, hầu hết đơn vị đỡ đầu đã triển khai làm việc với các địa phương, phân công nhiệm vụ, lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu trong năm 2022, đưa các xã đạt chuẩn theo đúng lộ trình.

Khác với trước đây, Hà Tĩnh phân công 1 đơn vị đỡ đầu 1 xã xây dựng NTM thì nay, tại Hương Khê, ngoài việc phân công nhiều đơn vị đỡ đầu các xã, tỉnh còn phân công các sở, ngành đỡ đầu đến tận cấp thôn; tại các xã sẽ có những đơn vị chủ trì khâu nối, để các sở, ngành phối hợp cùng thực hiện việc hỗ trợ, đỡ đầu nhịp nhàng, hiệu quả. Đến nay, tổng nguồn đăng ký hỗ trợ đối với 8 xã là gần 8,2 tỷ đồng, trong đó đã trao hiện vật và tiền mặt 2,3 tỷ đồng.

Ngoài việc đỡ đầu, trước đó, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù để hỗ trợ Hương Khê xây dựng huyện NTM (Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND ngày 16/12/ 2021). Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí làm mới đường giao thông, rãnh thoát nước và kênh mương nội đồng: mức hỗ trợ 220 triệu đồng/km đối với đường trục xã, liên xã; 140 triệu đồng/km đối với đường trục thôn, liên thôn; 105 triệu đồng/km đối với đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; 110 triệu đồng/km đối với rãnh thoát nước hai bên đường giao thông, kênh mương nội đồng (ngoài chính sách hỗ trợ xi măng); hỗ trợ thêm kinh phí phấn đấu các tiêu chí đạt chuẩn NTM với mức 15 tỷ đồng/năm…

Hà Tĩnh luôn là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, bài bản, việc đỡ đầu, hỗ trợ Hương Khê trong xây dựng NTM là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn với người dân và các địa phương. Tin rằng, với những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, Hương Khê sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện NTM.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top