Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 1 năm 2022 | 3:19

Cần quyết liệt chấn chỉnh sai sót trong quản lý đất nông nghiệp

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã có những thông tin phản ánh về việc tình trạng doanh nghiệp tự ý xây dựng dự án trên đất lúa khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuyển đổi… cần xử lý nghiêm khắc người đứng đầu.

Xây dựng “ngổn ngang” trên đất nông nghiệp khi chưa hoàn thiện thủ tục…
 
Một dự án tiền thân là nhà máy gỗ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh có địa chỉ tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa được thay đổi, gia hạn nhiều lần, dù chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đã xây dựng trên đất lúa.
 
Được biết, trước đó, ngày 14/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ban hành quyết định số 4869/QĐ-UBND, về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp và chế biến gỗ Lộc Phát tại xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh (địa chỉ tại số 142 khu phố 1, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá).
0051_image001.jpg
Công ty Minh Dũng xây dựng dự án khi chưa hoàn thiện thủ tục.
Mục tiêu ban đầu của dự án là "đầu tư xây dựng dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thương mại và tổng hợp bao gồm cung ứng các sản phẩm đồ gỗ cao cấp, hàng tiêu dùng, dịch vụ ẩm thực cho người dân trên địa bàn huyện Quảng Xương và các khu vực lân cận… góp phần phát triển kinh tế địa phương".
 
Quy mô của dự án gồm xây dựng nhà trụ sở làm việc và nhà nghỉ ca cho cán bộ nhân viên cao 3 tầng, nhà dịch vụ thương mại tổng hợp và nhà dịch vụ văn phòng cho thuê cao 7 tầng và nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác…
 
Còn diện tích đất thực hiện dự án khoảng 30.000m2, phạm vi của khu đất được xác định tại các thửa 315 đến 319, 379 đến 384, 349 đến 543, 503 đến 510 và một phần thửa số 152 của tờ bản đồ số 18, bản đồ địa chính xã Quảng Phong, tỷ lệ 1/2.000, đo vẽ năm 2014 với tổng số vốn đầu tư cho dự án dưới tên gọi Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp và chế biến gỗ Lộc Phát vào khoảng 75 tỷ đồng.
 
Ngày 3/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lại ra quyết định số 5189/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh đổi dự án Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp và chế biến gỗ Lộc Phát thành Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nhà máy may Lộc Phát.Cụ thể, quyết định số 5189 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho Dũng Minh đổi tên dự án thành Khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp và nhà máy may Lộc Phát và mục tiêu đầu tư thành: "Đầu tư xây dựng dự án nhằm đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thương mại tổng hợp, bao gồm cung ứng các sản phẩm hàng tiêu dùng, dịch vụ ẩm thực, tổ chức sự kiện cho người dân địa phương và sản xuất các sản phẩm may mặc, phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và xuất khẩu góp phần phát triển kinh tế địa phương".
 
Từ một dự án nhà máy gỗ, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh đã được thay đổi thành dự án kinh doanh dịch vụ tổng hợp gắn với nhà máy may, không liên quan gì tới ngành nghề kinh doanh ban đầu là gỗ.
 
Dù được tạo "điều kiện" như vậy nhưng Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh vẫn chưa thể hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án khu kinh doanh dịch vụ này theo đúng các quy định của pháp luật.
một-công-trình-trong-dự-án-ảnh.jpg
Một công trình trong dự án. Ảnh: Hoài Thu
Tới ngày 21/10/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký quyết định số 16568/UBND-THKH gửi một loạt Sở, ngành, Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương cũng như Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh đồng ý gia hạn cho Công ty này hoàn thành hồ sơ, thủ tục dự án Khu kinh doanh dịch vụ và nhà máy may Lộc Phát thêm 120 ngày kể từ ngày ký văn bản (tức từ ngày 21/10/2021).
 
Thế nhưng, điều "tréo ngoe" là trên văn bản ký thể hiện chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và gia hạn cho hoàn thành nhưng trên hiện trường Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh đã tiến hành san ủi, xây dựng các hạng mục kiên cố ngay trên đất lúa.
 
Cụ thể, tại thời điểm phóng viên ghi nhận thực tế tại dự án, nhiều diện tích dự án đã được san ủi, xây dựng tường bao kiên cố xung quanh cao hơn 2m, cổng đồ sộ và hàng loạt công trình quy mô bên trong.
 
Bên trong khu vực được bao kín là tổ hợp công trình nhà dạng nhiều tầng với diện tích hàng trăm m² đã đổ bê tông qua tầng 1.
 
Ngoài ra, còn có một ngôi nhà quy mô nhỏ hơn đã hoàn thành và được xây dựng theo hình dáng nhà thờ ngay trong khu dự án cùng nhiều dạng cây cổ thụ trồng bên trong.
 
Thông tin trước báo giới, lãnh đạo UBND Thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) khẳng định "Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh xây dự án trên đất trồng lúa là hoàn toàn sai".

 

Liên quan tới nội dung nêu trên, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Văn bản gửi UBND huyện Quảng Xương về việc khẩn trương kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin phản ánh của cơ quan báo chí.

Theo đó, thời gian qua cơ quan báo chí phản ánh về việc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Dũng Minh (Công ty Dũng Minh), xây dựng dự án trên đất lúa tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xường khi chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xác minh, làm rõ các thông tin phản ánh nêu trên, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định; báo cáo kết quả thực hiện và những nội dung vượt thẩm quyền với Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/01/2022.

 

Nhiều hạng mục công trình trái phép trên đất nông nghiệp

Là Dự án Phục dựng Làng cổ Kẻ Giai tại thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng được chủ đầu tư là Công ty CP Kẻ Giai nhận chuyển nhượng 3ha ở khu vực Đồng Mới từ năm 2010. Nhưng từ đó đến nay, qua nhiều năm dự án này vẫn bị bỏ hoang, một số căn nhà phục dựng có dấu hiệu xuống cấp...

Được biết, dự án nói trên được Công ty CP Kẻ Giai (người đại diện là ông Hoàng Minh Phúc) thực hiện trên vùng đất chiêm trũng từ năm 2010. Đến năm 2015, chủ dự án kiến nghị UBND huyện, xã để phục dựng làng cổ. Ngày 18/1/2021, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Phòng có văn bản gửi các sở ban ngành liên quan tham vấn ý kiến về thực hiện dự án. Nhưng trong quá trình chờ đợi thì chủ dự án đã xây dựng một số hạng mục công trình trái phép trên đất nông nghiệp.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết, sau khi nhận được phản ánh về việc chủ dự án xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại khu Đồng Mới, thôn Cẩm Hoàn, UBND xã đã tiến hành kiểm tra.

 

e42e37a286e06fbe36f1.jpg
Cây cầu có trụ đá, dù bị chính quyền xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn giữ nguyên không dỡ bỏ. Ảnh Hải Yến

Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra (tháng 7/2020) ông Phúc đang tổ chức thi công xây dựng một công trình dạng cầu, dài 10m, rộng 3m trên đất do UBND huyện cho thuê sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại tổng hợp.

Công trình thi công gồm 12 trụ đá cao 1,6m, rộng 0,28m x 0,28m, dưới chân trụ có đổ bê tông, trên trụ đá ghép xà và cột gỗ. Vị trí công trình xây dựng nằm trên phạm vi đất ngõ đi vào trang trại tổng hợp do UBND huyện Kiến Thụy cho thuê và trên kênh ngăn giữa lối đi từ đường vào thôn vào trang trại.

Thời điểm đó, ông Phúc xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có diện tích đất thuê đứng tên ông Ngô Hồng Tân, và xác nhận đang trong quá làm hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND xã đã yêu cầu ông Hoàng Minh Phúc dừng hoạt động xây dựng công trình trên đất thuê để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tháo dỡ công trình đang xây dựng dạng cầu để trả lại mặt bằng. Bên cạnh đó, ngày 31/7/2020, UBND xã cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi chuyển đổi đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với mức phạt là 4 triệu đồng. Ông Hoàng Minh Phúc đã ký biên bản và cam kết thực hiện theo đúng quy định.

Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, khi dự án đang trong quá trình chờ đợi về mặt thủ tục thì chủ công trình tiếp tục vi phạm, khi tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước cho phép.

Đến ngày 1/9/2021, UBND huyện Kiến Thụy ra quyết định số 3524/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.

Với vi phạm trên ông Phúc phải nộp phạt số tiền là 6,5 triệu đồng và buộc phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

 

nhiều-công-trình-bị-xuống-cấp-nghiêm-trọng-và-bỏ-hoang-cỏ-dại-mọc-um.jpg
Nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng và bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm. Ảnh Hải Yến.

Trước hiện trạng, cây cầu trụ đá vẫn được chủ đầu tư để nguyên đang trong quá trình xây dựng dang dở, chứ không bị dỡ bỏ và trả lại hiện trạng ban đầu như ông Phúc đã cam kết. Nhiều hạng mục công trình xây dựng dở dang, một số căn nhà lợp ngói trải qua thời gian đã bị xuống cấp trầm trọng…

Được biết, Dự án Làng cổ Kẻ Giai xuất phát từ ý tưởng của ông Hoàng Minh Phúc, và được xây dựng trên diện tích ruộng, ao đầm rộng hơn 3ha ở thôn Cẩm Hoàn, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy. Ý nghĩa của công trình là Làng cổ Kẻ Giai sau khi hoàn thiện sẽ tái hiện mọi hoạt động thời xa xưa, các hoạt động du lịch, trải nghiệm, ẩm thực, phim trường, các buổi hội thảo, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ sẽ được mở ra. Dự án sẽ phục dựng các công trình kiến trúc của một ngôi làng cổ Bắc bộ điển hình, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian và tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm làng nghề…

Kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn

Theo kết quả thanh tra, trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố: Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, việc thực hiện hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) lúa cho người dân ở mỗi địa phương mỗi khác, không đồng bộ trên địa bàn tỉnh.

Chẳng hạn, việc thẩm tra quy hoạch SDĐ, kế hoạch SDĐ, quy hoạch chi tiết xây dựng tại Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm do Phòng TN-MT căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng do Phòng Quản lý đô thị cung cấp. Do đó, khi thẩm tra hồ sơ chuyển mục đích SDĐ không tránh khỏi chồng chéo, không phù hợp giữa quy hoạch SDĐ, kế hoạch SDĐ hàng năm và quy hoạch chi tiết xây dựng đối với những địa phương có thay đổi, cập nhật quy hoạch chi tiết xây dựng, dẫn đến người dân không thể xin giấy phép xây dựng sau khi chuyển mục đích SDĐ.

Trong quá trình kiểm tra hồ sơ chuyển mục đích SDĐ lúa trên địa bàn TP. Nha Trang giai đoạn 2018 - 2020, một người SDĐ trồng lúa tự ý chuyển đổi mục đích SDĐ, đổ đất, san nền, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

 

một-diện-tích-đất-trồng-lúa-bị-san-lấp-trái-phép-ở-xã-suối-tân.jpg
Một diện tích đất trồng lúa bị san lấp trái phép ở xã Suối Tân (huyện Cam Lâm).

Tuy nhiên, sau khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất đối với các trường hợp vi phạm nêu trên, UBND TP. Nha Trang lại ra quyết định cho phép chuyển mục đích SDĐ lúa khi người vi phạm chưa thực hiện biện pháp khôi phục lại hiện trạng thửa đất. Điều này vi phạm Nghị định 102 ngày 10-11-2014 và Nghị định 91 ngày 19-11-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cũng theo kết luận thanh tra của Sở TN-MT, giai đoạn 2018 - 2020, áp dụng quy định Luật Đất đai thì căn cứ để cho phép chuyển mục đích SDĐ là nhu cầu của người SDĐ được thể hiện trong đơn đề nghị và kế hoạch SDĐ hàng năm đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc không xác định nhu cầu SDĐ của người SDĐ diện tích bao nhiêu là phù hợp, vì ngoài nhu cầu chuyển mục đích để xây dựng nhà ở, còn có trường hợp để tặng cho con cái hoặc chuyển nhượng quyền SDĐ… Từ đó, việc thẩm định nhu cầu SDĐ của người xin chuyển mục đích SDĐ với diện tích lớn vẫn chưa được chặt chẽ, không áp dụng hạn chế người dân chuyển mục đích SDĐ với diện tích lớn hơn hạn mức.

Ngày 5/1, UBND tỉnh đã có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân về nội dung thanh tra nêu trên của Sở TN-MT. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN-MT khẩn trương tổng hợp, dự thảo nội dung theo yêu cầu của Bộ TN-MT tại văn bản số 3064 ngày 9-6-2020, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT.

Trong đó, cần tổng hợp các vướng mắc, khó khăn thực hiện thủ tục về thẩm định nhu cầu xin chuyển mục đích SDĐ lúa để kiến nghị Bộ TN-MT xem xét hướng dẫn. Đồng thời, Sở TN-MT chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát trình tự, thủ tục giải quyết việc chuyển mục đích SDĐ lúa sang mục đích khác.

Trên cơ sở đó, thống nhất các địa phương để giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật; tăng cường phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát việc thực hiện chuyển mục đích SDĐ lúa sang mục đích khác, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Ranh, Nha Trang chấn chỉnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện nghiêm công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý; tổ chức rút kinh nghiệm theo kết luận thanh tra của Sở TN-MT, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 31/1.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top