Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 22 tháng 2 năm 2021 | 22:6

Cần xử lý mạnh tay những hoạt động khai thác tài nguyên trái phép

Cơ quan chức năng sẽ mạnh tay xử lý những hoạt động ngang nhiên phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép…đồng thời xử nghiêm người đại diện quản lý địa bàn để xảy ra sai phạm.

Liên quan đến vụ việc, xuất hiện một đoàn lâm tặc đưa phương tiện vào rừng cộng đồng ở huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai để phá rừng, mới đây, ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mang Yang,  cho biết đã chỉ đạo cơ quan Công an huyện cùng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang xử lý vụ phá rừng cộng đồng tại làng Klah, xã Kon Chiêng.
 
Trước đó, sáng sớm 10/2, một đoàn lâm tặc đi trên hàng chục xe công nông độ chế, mỗi xe chở 4-5 người, mang theo cưa máy rầm rộ đi từ huyện Phú Thiện tiến tới cánh rừng làng Klah.
5-anh-3-1613744682368519703999.jpg
12 xe công nông độ chế được đưa về trụ sở UBND xã Kon Chiêng tạm giữ
Tại đây, đoàn lâm tặc chia nhau ra các ngả tìm những cây rừng to, thẳng rồi dùng cưa máy triệt hạ. Lúc này, một người dân đi đặt bẫy chim phát hiện đã gọi điện báo cơ quan chức năng tới xử lý.
 
Đây là khu rừng khộp, không có nhiều cây gỗ lớn. Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận rất nhiều cây gỗ có đường kính từ 15-25 cm là cà chít, căm xe, gáo... bị chặt hạ. Các gốc cây bị cưa hạ vẫn còn rỉ nhựa tươi, lá xanh nguyên. Lâm tặc chỉ cưa lấy phần thân giá trị; còn gốc, ngọn thì vứt bỏ lại hiện trường.
 
Rất nhiều cây gỗ sau khi bị cưa hạ, cắt khúc vẫn chưa kịp chuyển đi, nằm la liệt. Ngoài ra, còn số lượng lớn gỗ đã được tập kết tại khu vực giáp ranh giữa làng Pi Dông, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa và làng Klah để chuẩn bị chuyển đi.
 
Theo một người dân tại làng Klah, khi vào hiện trường, ông thấy hàng chục xe công nông độ chế (có cả tời kéo) đang nối đuôi nhau như đoàn tàu dài hàng chục mét. Có xe đã đưa gỗ lên thùng nhưng thấy lực lượng chức năng thì lâm tặc lại bỏ khỏi thùng xe. Ngoài ra, khoảng 40 lâm tặc đang tham gia phá rừng. Ông Võ Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, cho biết khi tới nơi, thấy đoàn lâm tặc quá đông, sợ xảy ra điểm nóng nên lực lượng của xã đã phải gọi điện xin "chi viện" từ UBND huyện.
 
Cũng theo ông Huy, vị trí rừng bị khai thác thuộc khoảnh 7, tiểu khu 585, thuộc rừng cộng đồng làng Klah.
 
Khi lực lượng chức năng có mặt, 12 xe công nông độ chế có dấu hiệu của việc khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Hiện toàn bộ xe và 6 cưa máy, hơn 1 m3 gỗ tang vật đã được đưa về trụ sở UBND xã Kon Chiêng tạm giữ, chờ xử lý.
5-anh-2-16137446823661287753917.jpg
Những cây rừng bị đốn hạ nằm ngổn ngang tại hiện trường.
"Qua nắm thông tin thì việc khai thác mới diễn ra khoảng 2 ngày. Lâm tặc lợi dụng dịp Tết để vào rừng cưa gỗ. Rất may người dân phát hiện và báo kịp thời. Sau khi bắt gỗ, người dân làng Klah cũng lo lắng việc bị ganh ghét do thường xuyên qua lại huyện Phú Thiện. Chúng tôi đã họp dân trấn an để người dân an tâm" - ông Huy nói.
 
Chỉ 2 ngày sau vụ phá rừng rầm rộ này, đúng 3 giờ ngày 12-2 (mùng 1 Tết), lực lượng chức năng xã Kon Chiêng cũng phối hợp bắt một xe công nông độ chế chở 2 m3 gỗ lưu thông qua địa bàn.
 
Còn ông Trần Đức Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, cho biết đã xác định được 12 người là chủ xe, đều trú tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
 
"Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận mục đích tập trung xe công nông độ chế tại khu vực rừng cộng đồng làng Klah khai thác gỗ, sau đó vận chuyển về huyện Phú Thiện để làm nhà ở" - ông Đại cho biết.
 
Theo ông Võ Đình Huy, rừng cộng đồng giao cho làng Klah quản lý rộng khoảng 400 ha. Hằng năm, khu rừng này được nhận tiền từ Quỹ Dịch vụ môi trường rừng và từ dự án "Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai" (gọi tắt dự án KfW10) sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Đức.
 
Nhiệm vụ trọng tâm của dự án KfW10 là thực hiện các hoạt động bảo vệ và quản lý bền vững rừng tự nhiên là rừng sản xuất dựa vào cộng đồng; phát triển sinh kế và xây dựng cơ chế phân phối lợi ích cấp cơ sở; chia sẻ các bài học kinh nghiệm về quản lý rừng cộng đồng. Tại cánh rừng làng Klah, lực lượng chức năng giao cho 120 hộ gia đình, chia làm 5 nhóm thường xuyên đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Phạt doanh nghiệp dùng “đất lậu” để san lấp công trình nhà nước

Ngày 18/2, UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho biết vừa có quyết định xử phạt 90 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng tổng hợp Đức Việt (Công ty Đức Việt; trụ sở CCN Mỹ Thạnh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) về hành vi khai thác đất trái phép.

Ngoài ra, Công ty Đức Việt còn bị phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác (đất san lấp) với tổng khối lượng là 510 m3, quy giá trị hơn 7 triệu đồng; đồng thời buộc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn trong thời gian 10 ngày.

 

viet-khai-thac-dat-trai-phep-tai-xa-my-hiep-huyen-phu-my-voi-muc-dich-thi-cong-xay-dung-ha-tang-ky-thuat-khu-dan-cu-xa-my-hiep-giai-doan-2-1613617308258955453447.jpg
Hiện trường Công ty Đức Việt khai thác đất trái phép vừa bị xử phạt hành chính.

Trước đó, đầu tháng 1 vừa qua, Công ty Đức Việt đã tổ chức khai thác đất trái phép tại khoảnh 3, tiểu khu 208, thuộc thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp để san lấp mặt bằng cho một công trình nhà nước.

Ngoài Công ty Đức Việt, còn có hai doanh nghiệp khác cũng có hành vi tương tự trên địa bàn huyện Phù Mỹ đang được các ngành chức năng tính toán khối lượng vi phạm để xử phạt. Các doanh nghiệp này khai thác đất trái phép để phục vụ cho công trình xây dựng Khu dân cư xã Mỹ Hiệp, do UBND huyện Phù Mỹ làm chủ đầu tư.

Đánh sập các hầm khai thác vàng trái phép

Theo báo cáo của UBND huyện Hòa Vang, hiện có tổng cộng 21 hầm vàng trái phép trên các tiểu khu 27, 29 và 39. Ngoài các hầm cũ khai thác từ lâu thì phát hiện 4 hầm có dấu hiệu khai thác mới.

Cụ thể, tại tiểu khu 27 có 6 hầm, tiểu khu 29 có 13 hầm và tiểu khu 39 có 2 hầm. Các hầm nằm rải rác trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và đất khác. Trong số này, khu vực thuộc quản lý của UBND xã Hòa Bắc là 10 hầm, thuộc quản lý của Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa là 2 hầm và thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Bông Sen Vàng là 9 hầm.

Theo chỉ đạo của chính quyền huyện, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, truy quét, ngăn chặn khai thác vàng trái phép tại Tiểu khu 39, khu vực Cà Nhông, xã Hòa Bắc.

Tổ công tác liên ngành do Hạt Kiểm lâm Hòa Vang làm tổ trường phối hợp với các đơn vị chức năng gồm Công an, BCH Quân sự, Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và UBND xã Hòa Bắc tiến hành kiểm tra hiện trường Tiểu khu 39.

 

vang2_kdwy.jpg
Lực lượng chức năng địa phương kiểm tra một điểm khai thác vàng trái phép ở Khe Đương. (Nguồn tin/ảnh: Tiền Phong) 

Qua kiểm tra dọc theo tuyến đường công vụ từ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông vào khu vực lán chốt chặn tại khoảnh 4, Tiểu khu 39, lực lượng chức năng phát hiện hoạt động khai thác vàng trái phép trở lại trong khu vực các hầm khai thác vàng cũ trước đây.

Theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, các đối tượng đã chặt cây rừng để làm lán trại và gia cố bãi chứa thải trước đây để thực hiện đào đãi, khai thác vàng. Không ồ ạt máy móc như khu vực bãi vàng Khe Đương, tại đây phu vàng chủ yếu khai thác thủ công. Mặc dù vậy, rất nhiều hầm vàng cũ tiếp tục được khoét sâu, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách tạo nên hiện trường hiểm trở, có thể đổ sập bất cứ lúc nào nếu gặp mưa lớn.

Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, từ trước tết Nguyên đán đến đầu năm mới, huyện đã tổ chức 3 đợt truy quét tại các tiểu khu 27, 29 thuộc bãi vàng Khe Đương và tiểu khu 39 rừng Cà Nhông.

Trước mắt lực lượng chức năng huyện thực hiện phá hủy cơ sở vật chất của hoạt động khai thác vàng trái phép như máy móc, lán trại đồng thời liên tục tuần tra, đẩy đuổi các đối tượng ra khỏi địa bàn.

Nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý, UBND huyện yêu cầu Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, nắm bắt thông tin hiện trường. Khi phát hiện các hành bi khai thác vàng trái phép mới, kịp thời báo cáo UBND huyện xử lý. 

Ông Nam cũng cho hay, theo phương án đã được phê duyệt, lực lượng quân đội đã triển khai thông tin liên lạc đến tận hiện trường các hầm vàng để sớm thực hiện việc đánh sập các mỏ bằng thuốc nổ. Hiện tại hệ thống thông tin liên lạc đã được quân đội thực hiện để kết nối hiện trường với trung tâm chỉ huy, các phương án cũng được lên tỉ mỉ. Toàn bộ các hầm, bao gồm cả cũ và mới nằm tại Khe Đương và Cà Nhông sẽ được đánh sập. Từ nay đến khi đó, lực lượng chức năng sẽ liên tục truy quét và xử lý theo nhiệm vụ của mình.

 

vang_tbgv.jpg
Lực lượng chức năng truy quét, phá huỷ máy móc phục vụ khai thác vàng tại Khe Đương và Cà Nhông (Nguồn: Tiền Phong) 

Về tương lai của bãi vàng Khe Đương, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đang làm việc với nhà đầu tư là Cty Bông Sen Vàng để thực hiện các thủ tục dừng hoạt động. Tới thời điểm này báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã hết hạn. Công ty này đã nhận giấy phép khai thác từ hơn 3 năm nay nhưng chưa làm thủ tục thuê đất do vướng nguồn gốc đất nên hiện chưa thực hiện khai thác. Trong phạm vi khai trường 530ha được cấp phép cho công ty thì có 250ha đất rừng tự nhiên chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

 

 

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top