Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 1 năm 2020 | 22:18

Cần xử lý nghiêm vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp tại một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường, doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 170/2004/NĐ-CP, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP và Quyết định số 66/2007/QĐ-TTg ngày 15/5/2007, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 113.346ha đất, rừng của các nông, lâm trường giao cho các Ban quản lý rừng (BQLR), Khu Bảo tồn thiên nhiên, Vườn Quốc gia, các địa phương và một số đơn vị, tổ chức, hộ gia đình cá nhân quản lý.
 
Trong đó, UBND tỉnh đã giao 44.520,8ha đất cho 52 công ty, doanh nghiệp tư nhân thuê để thực hiện 54 dự án nông, lâm nghiệp theo hình thức công ty, doanh nghiệp thỏa thuận địa điểm với các nông, lâm trường để lấy đất, sau đó, UBND tỉnh đồng thời ra quyết định thu hồi đất của nông lâm trường với các lý do nông lâm trường tự nguyện trả lại đất hoặc lý do để cho doanh nghiệp tư nhân thuê đất thực hiện dự án không đúng quy định...
các-hành-vi-xâm-hại-rừng-dừa-sẽ-bị-xử-lý.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn: Bảo Anh - Báo Thanh Tra)
Việc quản lý, sử dụng đất, rừng sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP tại các công ty nông, lâm nghiệp, BQLR để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều diện tích rừng bị hủy hoại, đất rừng bị lấn chiếm; công tác quản lý bảo vệ rừng chưa được kịp thời, để rừng tự nhiên bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm, một số đơn vị để mất rừng với diện tích lớn. Cụ thể tại 7/14 Công ty TNHH MTV lâm nghiệp từ năm 2004 đến tháng 1/2018 diện tích rừng bị giảm 8.520,8ha, trong đó: Diện tích rừng tự nhiên sản xuất giảm 7.921,44ha, diện tích rừng trồng sản xuất giảm 179,3ha, diện tích rừng phòng hộ giảm 420,1ha; diện tích đất đang bị người dân lấn, chiếm 2.306,5ha.
 
Theo tổng hợp báo cáo, tính đến tháng 5/2018, một số công ty nông lâm nghiệp, BQLR đang quản lý, sử dụng đã buông lỏng quản lý để diện tích đất, rừng bị xâm chiếm lớn, như: Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng 4.805,6ha/8.261,69ha (tỷ lệ 58,16%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hỏa 5.383,67ha/10.338,15ha (tỷ lệ 52,07%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Măng (nay là BQLR phòng hộ Đắk Măng) 2.346,52ha/6.567,31ha (tỷ lệ  35,7%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Ntao 3.335,17ha/11.190,15ha (tỷ lệ 29,8%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn 3.690,63ha/13.018,76ha (tỷ lệ 28,34%); Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) 1.820ha/4.471,58ha (tỷ lệ 40,7%).
 
"Việc quản lý, sử dụng đất, rừng sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý từng để xảy ra nhiều sai phạm, nhiều diện tích rừng bị hủy hoại, đất rừng bị lấn chiếm; công tác bảo vệ rừng chưa được kịp thời, để rừng tự nhiên bị chặt phá, đất rừng bị lấn chiếm, một số đơn vị để mất đất rừng với diện tích lớn...", kết luận nêu rõ.
 
Mặt khác, UBND tỉnh cho 43 công ty, doanh nghiệp thuê đất để thực hiện 44 dự án đầu tư quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và sản xuất nông lâm kết hợp, với tổng diện tích 33.937,5ha, trong đó 448ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là không đúng với quy định.
 
Điều đáng nói, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án chưa được thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất và cho 2 doanh nghiệp thuê đất (Công ty TNHH Phú Gia Phát, Hợp tác xã Nông nghiệp TMDV Hợp Tiến), nhưng chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án là không đúng với quy định.
 
Công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án của các công ty, doanh nghiệp được thuê đất không thực hiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 113/2009/NĐ-CP và Điều 66 Nghị định số 84/2015/NĐ của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư.
 
Một số doanh nghiệp sau khi được UBND tỉnh cho thuê đất đã xảy ra vi phạm, để bị lấn chiếm đất, rừng, rừng bị phá với tỷ lệ lớn, nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 8/2018), các vi phạm này chưa được xử lý theo quy định của pháp luật, như: Công ty TNHH Duy Hòa, diện tích rừng bị phá 42,9ha/47,9ha (chiếm 89,56%), có dấu hiệu chuyển nhượng đất trái phép; Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc, diện tích đất bị lấn, chiếm 303,7 ha/318,7 ha (chiếm 95,29%), diện tích rừng tự nhiên bị phá 234,3 ha (chiếm 100%); Công ty CP Mắc Ca Nữ Hoàng, diện tích rừng tự nhiên bị phá 8,267ha (chiếm 36,77%), diện tích đất bị lấn, chiếm 7,137ha.
 
Một số công ty, doanh nghiệp được giao, thuê đất để thực hiện dự án không chấp hành nghĩa vụ tài chính, còn nợ tiền, nhưng chưa có biện pháp kiên quyết thu hồi, chưa xử lý phạt chậm nộp theo quy định, điển hình như: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa 37,552 tỷ đồng, Công ty TNHH khai thác khoáng sản Đắk Nông Sài Gòn 1,359 tỷ đồng, Công ty CP Đông Bắc 2,652 tỷ đồng, Công ty TNHH Hào Quang 1,408 tỷ đồng, Công ty CP chế biến Nông lâm sản dược liệu sạch 3,225 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có sai phạm, sử dụng đất không hiệu quả, UBND tỉnh đã thu hồi, nhưng việc xử lý nghĩa vụ tài chính chưa dứt điểm (Công ty CP Đầu tư Xây dựng 59 nợ 1,130 tỷ đồng, Công ty TNHH Bảo Lâm 2,792 tỷ đồng, Công ty TNHH Greenieed 1,028 tỷ đồng).
 
Đặc biệt, trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, kết luận tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Đắk Nông còn 13.517,5ha rừng chưa thực hiện các thủ tục và ký hợp đồng thuê rừng; UBND tỉnh chưa xác định giá trị tiền thuê rừng đối với diện tích này để thu ngân sách nhà nước.
 
 UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 502.316,4m2 đất, phê duyệt phương án bồi thường, xác định giá trị và chỉ đạo ứng ngân sách bồi thường tài sản trên đất (vườn cây cao su) cho Công ty CP Daknoruco 4,6 tỷ đồng, do công ty không có nhu cầu sử dụng, có đơn xin trả lại địa phương để thực hiện quy hoạch mở rộng thị trấn Đắk Buk So, huyện Tuy Đức không đúng quy định.
 
Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện nghiêm các nội dung kết luận của UBKT Trung ương tại Thông báo số 555/TB-UBKTTW ngày 14/12/2018; các Quyết định xử lý của Thủ tướng Chính phủ .
 
Chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những vi phạm, khuyết điểm;
 
Đồng thời, chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức thực hiện kết luận thanh tra; chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những vi phạm, khuyết điểm nêu tại kết luận thanh tra. Trong đó, chỉ đạo công an tỉnh xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật đối với Công ty TNHH Duy Hòa, Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc và một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn đã có những vi phạm nghiêm trọng;
Chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; thủ trưởng các đơn vị được nêu trong kết luận.

Hà Nội: Hàng chục công trình xây dựng lấn sông, lấp hồ

Xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai, Hà Nội) có tới 70 công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Nhiều công trình có được từ việc lấp sông Nhuệ, lấp hồ thủy lợi trái phép.

Xã Thanh Thùy từ lâu nổi tiếng với nghề cơ khí sản xuất, gia công. Hầu như 100% các hộ dân cùng mở xưởng cơ khí, gia công cho các mối từ khắp cả nước đổ về đặt hàng.

Nhu cầu phát triển nhà xưởng trong khi quỹ đất hạn chế khiến tình trạng lấn sông, lấp hồ, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp nở rộ trong vài năm gần đây tại xã.

Theo người dân địa phương, khu đầm Vực diện tích gần 3ha ngay đầu thôn Rùa Hạ, liền kề với trụ sở ủy ban xã, trước kia là đầm bãi, thùng đấu cho thuê thời hạn 5-7 năm. Thế nhưng, hai năm trở lại đây nó được san lấp, phân lô bán nền.

Với vị trí thuận tiện ở ngay đầu làng, gần đường quốc lộ, nhất là khi tuyến đường Hà Đông - Thanh Oai nối với quốc lộ 1A lên Pháp Vân - Cầu Giẽ hoàn thành, giá trị khu đất này được đẩy lên hàng chục triệu đồng/m2.

 

hàng-chục-công-trình-kiên-cố-lấn-chiếm-sông-nhuệ-tại-khu-vực-cổng-làng-từ-am2.jpg
Hàng chục công trình kiên cố lấn chiếm sông Nhuệ tại khu vực cổng làng Từ Am (Nguồn - Ảnh: vietnamnet.vn)

Tại khu đất rộng vài ha này, nhiều công trình kiên cố đã được xây dựng. Việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện qua tay nhiều người. Một số hộ dân đã được cấp bìa đỏ xác nhận quyền sử dụng đất đối với khu vực lấn chiếm, lấp đầm Vực trái phép.

Một khu đất khác có diện tích lên tới nhiều ha đã hoàn thiện mặt bằng, nằm vuông vắn giữa chiếc đầm rộng mênh mông. Bốn xung quanh của khu đất này được xây móng bê-tông, vẫn còn để chừa những râu sắt bên trên.

Một người dân cho biết, khu vực này trước kia là một cái đầm, xã cho hộ dân đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Không ai biết đầm bị lấp một phần để làm gì, bởi nếu là dự án đã có thông báo tới người dân.

Tại đường nhánh vào thôn Từ Am, hai công trình nhà xưởng kiên cố rộng cả ngàn m2 có cùng một kiểu kiến trúc: tường quây bao bốn xung quanh có chiều cao trên 2m, sau đó là khung sắt, quây tôn kín mít trùm lên tận nóc.

Thống kê sơ bộ, Thanh Thùy có hàng chục công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đầm bãi. Điều bức xúc hơn, đó là tình trạng lấn sông Nhuệ để làm nhà ở và nhà xưởng.

 

hàng-chục-công-trình-kiên-cố-lấn-chiếm-sông-nhuệ-tại-khu-vực-cổng-làng-từ-am1.jpg

 

hàng-chục-công-trình-kiên-cố-lấn-chiếm-sông-nhuệ-tại-khu-vực-cổng-làng-từ-am.jpg

Ngay tại vị trí đặt tấm biển “Làng văn hóa thôn Từ Am”, hàng chục công trình kiên cố nằm án ngữ 2 bên bờ sông Nhuệ.

 

Một cụ ông thôn Từ Am cho hay, trước đây khu vực này không có nhà cửa. Người ta cứ bảo nhau đổ trộm vật liệu xây dựng, mỗi lúc một ít rồi lấn chiếm cả khu đất rộng hàng ngàn mét vuông.

Một khu nhà xưởng rộng vài trăm m2 tại Rùa Hạ, Từ Am có giá lên tới chục tỷ đồng. Chạy theo lợi nhuận, nhiều người sẵn sàng thuê đất đổ vật liệu san ủi đất ruộng, lấn chiếm lấp hồ, đầm, lấp sông Nhuệ làm nhà xưởng, dù bị lập biên bản xử lý hành chính, nhưng rồi đâu lại vào đấy.

 

 
Hữu Thắng (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top