Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022 | 9:52

Cất cánh cùng nông sản Sơn La

Trong chuyến công tác mới đây tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tỉnh đã có bước bứt phá trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi.

Trong đó, việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là sự thay đổi tư duy quan trọng, cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Ấn tượng về thành công “đưa cây ăn quả lên sườn đất dốc”

Với nhiều ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La mang hương vị thơm ngon riêng và rất phong phú về chủng loại. Riêng mặt hàng trái cây đã có nhiều sản phẩm đặc sản như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn,… 

z3464867400887_120bb7f6f57db0053024c8590c193630.jpg
Thủ tướng đánh giá việc đưa cây ăn quả lên sườn dốc là tư duy đột phá, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân.

 

Năm 2021 sản lượng cà phê nhân của tỉnh đạt 30.000 tấn, đứng thứ 2 cả nước; sản phẩm sắn đạt 500.000 tấn và chè búp tươi đạt khoảng 50.000 tấn. Về sản lượng trái cây, mận và nhãn là hai nông sản đứng đầu cả nước với trên 180.000 tấn.

Năm 2022, dự kiến sản lượng nhãn của Sơn La đạt khoảng 100.880 tấn, sản lượng mận khoảng 81.000 tấn, chuối khoảng 58.040 tấn, cà phê nhân 32.000 tấn, chè khoảng 55.100 tấn… Riêng xoài, ước sản lượng khoảng 75.000 tấn, đứng thứ 2 toàn quốc. Hiện toàn tỉnh có 99 vùng trồng xoài được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Australia, Mỹ và New Zealand với diện tích trên 1.400ha.

Bà Vì Thị Phương, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Nà Hạ (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn - Sơn La) cho biết, hiện nay HTX có hơn 20 hộ dân tham gia mô hình trồng xoài hữu cơ, với diện tích hơn 70ha, thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng mỗi hecta, cao hơn khoảng 10 lần so với thu nhập từ trồng ngô, sắn, mía...

Bà Phương nói: “Trước kia trồng ngô thì “đá cứ cao” lên mãi, do đất bị cuốn trôi, xói mòn, còn từ khi trồng xoài thì đá không cao lên nữa. “Bí quyết” để cây xoài phát huy hiệu quả là nhờ người dân đã biết kỹ thuật ghép mắt”.

Theo đó, bà con sử dụng gốc cây xoài bản địa rất khỏe và thích ứng với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở đây, ghép với mắt của giống xoài mới cho quả to hơn, ngon hơn, đẹp hơn.

Đại diện Tỉnh ủy Sơn La cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục đạt kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng, an ninh được giữ vững. GRDP quý I tăng 5,02%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng gần 9%, xuất khẩu tăng hơn 3%, giải ngân thanh toán bằng 25% kế hoạch vốn giao...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ấn tượng đầu tiên với Sơn La là tỉnh có điều kiện thiên nhiên, con người, văn hóa - lịch sử tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn về đất đai với diện tích tự nhiên 14.000km2, lớn thứ 3 cả nước, dân số đứng thứ 31/63 tỉnh, thành phố; thiên nhiên hùng vĩ, xứ sở của núi rừng, thảo nguyên; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng hào hùng, nền văn hóa đậm đà bản sắc Tây Bắc, truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, người dân yêu nước.

Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sơn La đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, góp phần vào sự phát triển của cả nước. Với kết quả này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, tỉnh đã có bước bứt phá trong phát triển nông nghiệp, trọng tâm là cơ cấu lại cây trồng và vật nuôi. Trong đó, việc phát triển cây ăn quả, “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” là thay đổi tư duy quan trọng, cho thấy tư duy đột phá, để “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Thủ tướng biểu dương người dân nơi đây đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, khai thác tốt những điều kiện của quê hương, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình.

Việc “đưa cây ăn quả lên sườn dốc” cho thấy tư duy đột phá, đổi mới sẽ tạo nguồn lực, động lực mới cho phát triển, tạo sinh kế cho người dân, cải thiện đời sống người dân. Không chỉ giúp bà con khấm khá hơn, mô hình trồng cây ăn quả còn giúp hạn chế xói mòn đất, lũ lụt…

Để nông sản Sơn La cất cánh

Để đưa không chỉ riêng trái xoài mà nông sản Sơn La có thể cất cánh, theo Thủ tướng phải thực hiện đồng bộ 5 giải pháp. Đó là, xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, khoa học công nghệ, hỗ trợ của ngân hàng để vay vốn và thị trường tiêu thụ.

Thủ tướng đề nghị Sơn La cần tiếp tục ủng hộ xây dựng các nhà máy chế biến, không những một mà sẽ có nhiều nhà máy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân.

z3464866588166_26736d56d45b4b69654392a5c9d544a6.jpg
Các sản phẩm trái cây và sản phẩm OCOP trưng bày tại sự kiện Thủ tướng đối thoại nông dân thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu tham quan và tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm.

 

Hiện nay, tỉnh Sơn La đã có 560 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 17 nhà máy công suất lớn. Phải kể đến một số nhà máy chế biến như: Nhà máy tinh bột sắn Sơn La, nhà máy cà phê Phúc Sinh, nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH và Trung tâm chế biến rau quả Doveco...

Hiện nay, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn (Sơn La) có diện tích gần 9ha là tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất với nhà máy chế biến nước quả cô đặc, nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, nhà máy chế biến rau quả, đồ hộp công nghệ Italy, Nhật Bản, Đức, sử dụng nguồn nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Doveco cho biết, Trung tâm có vốn đầu tư 500 tỷ đồng; tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của nhà máy gồm: dứa, chanh leo, xoài, nhãn, chuối, mít, bơ, ngô ngọt... được chế biến sâu theo công nghệ của Nhật Bản, Italy, Đức và các nước Châu Âu... sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, EU...

“Sau khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động và kết nối các vùng nguyên liệu các tỉnh Tây Bắc với nhau”, Chủ tịch Đinh Cao Khuê nhấn mạnh.

Trung tâm chế biến rau quả Doveco sẽ tạo liên kết vùng nguyên liệu giữa Sơn La, Lào Cai, Lai Châu. Khi Doveco đầu tư vào Sơn La thì tỉnh sẽ đảm bảo với nguyên liệu đầu vào 389.000 tấn/năm.

Hiện nay, Sơn La có diện tích 80.000ha ngô ngọt, đảm bảo đủ đáp ứng cho nhà máy chế biến ngô ngọt của Doveco. Đối với cây ăn quả, Sơn La có 82.000ha, trong đó, xoài 19.900ha, nhãn 19.800, như vậy sản phẩm xoài đưa vào chế biến của Doveco với sản lượng 15.000 tấn/năm.

Đối với dứa, Sơn La đã huy động, thực hiện các giải pháp hỗ trợ để phát triển vùng nghiên liệu. Hiện nay, dứa của các huyện Sốp Cộp, Quỳnh Nhai, Sông Mã đã phát triển và cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Với những giải pháp này đã và đang tạo được vùng nguyên liệu tập trung rộng lớn để đảm bảo nguồn đầu vào cho các nhà máy chế biến trái cây lớn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Công ty Doveco đã đầu tư công nghệ vào khâu sau thu hoạch từ đó đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, góp phần đa dang hóa các kênh cung ứng, trong đó, cung ứng về rau củ, quả tươi, chế biến, đa dạng hóa về thị trường.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan tổng kết những bài học kinh nghiệm từ mô hình này. Theo đó, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu đi cùng việc cơ cấu lại cây trồng, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ nguồn vốn từ ngân hàng, phát triển thị trường, chú trọng công nghệ chế biến sau thu hoạch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề luôn phải đặt ra để hỗ trợ người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân triển khai các mô hình sản xuất, chế biến mới. Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.

Cần tiếp sức cho nông dân và doanh nghiệp tạo các sản phẩm hàng hóa

Tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam tại Sơn La vừa qua, Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập, chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH - cho rằng: Không ai giỏi bằng người nông dân khi làm nông nghiệp, nhưng để nông nghiệp trở thành hàng hóa, để tiếp sức cho sản phẩm của nông dân và doanh nghiệp đơm hoa kết trái; và để ứng dụng thành công các thành tựu khoa học công nghệ, khoa học quản trị của thế giới thì Chính phủ cần rà soát và bổ sung những bộ chính sách thích ứng cho từng ngành nghề và phù hợp với từng thời điểm.

z3464866612879_3c4c4e35e3ae510b205398f39cff3e85.jpg
Thủ tướng đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là mục tiêu nhiệm vụ nhằm hướng đến tri thức hoá nông dân.

 

Bà Thái Hương đề nghị cần có quy hoạch các vùng cây ăn trái hiệu quả. Chẳng hạn cây keo không còn hiệu quả nữa, cần khuyến khích bà con chuyển sang trồng cây ăn trái và khi chuyển đổi sang trồng cây ăn trái thì cần có mô hình điểm để hướng dẫn bà con.

Do đó, Chính phủ cần có chính sách đồng bộ về mô hình điểm, chính sách về chuyển đổi đất đai cho phù hợp để chuyển đổi đất trồng những cây lịch sử có tính chất xóa đói giảm nghèo sang trồng cây ăn trái hay thảo dược.

“Với Tập đoàn TH, chúng tôi cũng dẫn dắt doanh nghiệp chuyển đổi nhiều diện tích đất trồng cây keo sang trồng cây ăn trái và trồng xen nhiều loại để tăng tính hiệu quả. Chẳng hạn, ở một số vùng đất, tôi cho trồng cây đàn hương và cây mắc ca, bên dưới hai cây này chúng tôi còn trồng các loại thảo dược, cây lấy tinh dầu nữa” - bà Thái Hương chia sẻ.

Còn nông dân Nguyễn Thị Trâm (xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) hỏi Thủ tướng, Chính phủ có chính sách gì để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Đáp lại các kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay trong thời gian phòng chống dịch, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước...

Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước, chúng ta có nguồn lực và đã bố trí nguồn lực để làm, không phải “tính cua trong lỗ”.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu

Nữ doanh nhân Thái Hương - Tập đoàn TH, cũng nhấn mạnh việc cần phải có các chính sách về xây dựng thương hiệu: “Muốn làm được sản phẩm và bán được ra bên ngoài cần có thương hiệu. Hiện chúng tôi đồng hành với Bộ Công Thương trong Chương trình Thương hiệu quốc gia. Tôi mong muốn Thủ tướng có giải pháp hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu và tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới”.

Về việc xây dựng thương hiệu như chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH kiến nghị, Thủ tướng bày tỏ sự đồng tình. Chúng ta phải cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, giá trị của thương hiệu. Cùng một cái áo mà công nhân Việt Nam may, nhưng gắn mác của các thương hiệu quốc tế vào giá trị tăng gấp hàng chục lần.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Tôi đề xuất giải pháp chúng ta cùng nhau nhận thức rõ vai trò của thương hiệu. Mà muốn có thương hiệu, chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào cho đúng, phải dày công. Có thương hiệu rồi, sản phẩm cần đáp ứng được cả về chất lượng và số lượng, chứ không phải có thương hiệu rồi nhưng sản phẩm ít quá thì cũng không thể phát triển được thương hiệu. Đặc biệt, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường.

Muốn có thương hiệu chúng ta phải quy hoạch được nguồn nguyên liệu, vùng nguyên liệu, nguyên liệu đầu vào phải tự chủ. Chúng ta xây dựng thương hiệu nhưng nguyên liệu phụ thuộc thì không được, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế tự chủ là như vậy”.

Tập trung chuyển đổi số, hướng đến tri thức hoá nông dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp ban hành, tạo đà phát triển, đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thông qua cuộc đối thoại trực tiếp với nông dân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần tập trung khắc phục. Đơn cử như quy mô sản xuất nông nghiệp nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; công nghiệp chế biến chậm phát triển; chưa chủ động được nguyên liệu đầu vào; thị trường tiêu thụ vẫn bị phụ thuộc vào một số quốc gia. Thu nhập của bộ phận lớn người nông dân còn thấp, chênh lệch nhiều với cư dân đô thị…

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, liên kết chuỗi với sự tham gia của nhiều nhà là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, nhà doanh nghiệp thì không thể liên kết với từng nhà nông dân; do đó thời gian tới, Nhà nước cần thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển để làm cầu nối liên kết.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số, coi đây là mục tiêu nhiệm vụ nhằm hướng đến tri thức hoá nông dân. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cụ thể hoá chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời đề nghị mỗi người nông dân cũng cần chủ động trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Đối với vấn đề xuất khẩu nông sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phải bắt tay giải quyết triệt để tình thế trước mắt, nhưng có tính đến định hướng lâu dài. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế dịch bệnh, thiên tai và thị trường để điều tiết sản xuất nông nghiệp đi vào đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cao.

Để làm chủ nguồn giống, vật tư nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cho rằng cần có cơ chế phù hợp để chủ động được hoạt động sản xuất trong nước, trên cơ sở tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tài nguyên của đất nước; tiến tới bảo đảm nguồn cung giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp phục vụ nông dân.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành, mỗi địa phương cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn vai trò trụ đỡ của nông nghiệp, nông dân đối với sự phát triển của đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với đa dạng chuỗi cung ứng.

Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các nghị quyết hỗ trợ, khuyến khích dành cho nông dân; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, hiện đại hoá đất nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo thị trường để tránh tình trạng “được mùa mất giá” và gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp…

“Các bộ ngành, địa phương, nhất là Hội nông dân các cấp cần sâu sát với hội viên cơ sở, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất, kinh doanh, hướng tới phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững…” - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.

Thủ tướng khẳng định, trong giai đoạn tới, nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển. Thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn liền với sự phát triển khu vực nông thôn và nâng cao trình độ của người nông dân, gắn với mục tiêu “phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top