Cơ sở sản xuất mạch nha có hành vi xả khí thải, nước thải độc hại ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân đội 1, xã Cát Quế (Hoài Đức - Hà Nội)...
“Gắng chịu” ô nhiễm
Hành vi xả thải của cơ sở sản xuất mạch nha đã nhiều lần được người dân đội 1, xã Cát Quế nhắc nhở chủ cơ sở cũng như phản ánh đến chính quyền địa phương, nhưng đến nay họ vẫn đang phải “gắng chịu”.
Được biết, cơ sở sản xuất trên của ông Lê Duy Sáng. Quan sát thấy cơ sở này nằm sát khu dân cư đang sinh sống và những làn khói đen kịt được thổi lên từ ống khói bắt nguồn từ cơ sở này. Đặc biệt, khi đến gần cơ sở này, phát hiện có mùi khét lẹt, rất khó chịu khi hít phải.
Quá trình tìm hiểu, người dân sinh sống ở gần cơ sở trên cho biết: “Từ khi xuất hiện cơ sở này, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải ô nhiễm, nhất là các cháu nhỏ, thường bị các bệnh về đường hô hấp. Nghĩ tình làng nghĩa xóm, chúng tôi đã góp ý nhiều nhưng dường như chủ cơ sở vẫn cứ “bình chân như vại”. Giờ chả biết kêu ai nên đành chấp nhận phải sống cùng với nước thải, khói bụi lâu nay…”
Không chỉ gây ô nhiễm không khí, cơ sở sản xuất mạch nha của ông Lê Duy Sáng còn xả nước thải chưa đảm bảo ra môi trường khiến nguồn nước xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề. Nước thải trong quá trình xử lý nguyên liệu, rửa dụng cụ được xử lý sơ sài rồi xả ra cống thoát nước chung của đội 1 có màu trắng đục, bốc mùi chua hôi nồng nặc.
Chính quyền “làm ngơ”?
Trong biên bản kiểm tra ngày 2/2/2018, đoàn kiểm tra UBND xã Cát Quế đã yêu cầu hộ ông Lê Duy Sáng trong quá trình hoạt động, sản xuất phải đảm bảo vệ sinh môi trường, khắc phục việc xả nước thải, khói thải ra môi trường và phải có biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất. Ông Sáng đã kí cam kết và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của đoàn kiểm tra đề ra.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, những cột khói đen và nước thải của cơ sở này vẫn không được xử lý. Hằng ngày, khói, nước thải vẫn được “tuồn” ra môi trường khiến người dân xung quanh khu vực vô cùng bức xúc.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trần Văn Long, Phó chủ tịch UBND xã Cát Quế, cho hay: “Cơ sở sản xuất mạch nha của ông Lê Duy Sáng hoạt động được khoảng 4 năm nay. Hằng năm, xã thường xuyên kiểm tra việc chấp hành về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường đối với hộ ông Sáng. Trong quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện cơ sở có những dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, như: không có kế hoạch bảo vệ môi trường, xả nước thải, khí thải chưa qua xử lý ra môi trường… Tuy nhiên, xã đã báo cáo lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức để có biện pháp xử lý, chứ xã chưa bao giờ xử phạt cơ sở này”.
Cũng theo ông Long, cơ sở xả khí thải có màu đen như vậy là do dùng củi để đốt lò, xã đã nhiều lần yêu cầu cơ sở dùng nguyên liệu khác thay thế để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nhưng họ không nghiêm túc chấp hành.
Dư luận hoài nghi: Có hay không chính quyền địa phương cố tình “làm ngơ” cho cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoạt động năm này qua năm khác mà chưa xử lý mặc dù người dân đã nhiều lần có kiến nghị?
Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.