Trang trại chăn nuôi lợn, Dự án chăn nuôi bò thịt của Tập đoàn Hòa Phát gây ô nhiễm môi trường nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau xử phạt, Hòa Phát vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Xử phạt hơn 300 triệu đồng
Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang (Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang), ở xã Long Sơn, Huyện Sơn Động, Bắc Giang, thuộc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát), hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn.
Ngày 15/8/2018, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang.
Theo đó, trong quá trình hoạt động, Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,5 lần đến dưới 03 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100m3/ngày (24h) đến dưới 200m3/ngày (24h). Số tiền bị xử phạt cho hành vi này là 240 triệu đồng.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói rõ, nước thải chăn nuôi lấy tại điểm xả nước thải từ hồ chứa nước thải của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang ra sông Bè của hệ thống xử lý module 5, 6 có thông số BOD5 vượt 2.57 lần, thông số COD vượt 2.44 lần, so với giá trị cột B tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62 - MT:2016/BTNMT.
Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang còn bị phạt 75 triệu đồng về hành vi xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải đối với thông số COD vượt 2,44 lần.
Tổng số tiền Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phạt là 312 triệu đồng.
Ngoài việc áp dụng xử phạt hành chính, yêu cầu Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc Công ty phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm nêu trên: Thực hiện lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi đảm bảo nước thải được xử lý theo quy định, trước khi thải ra môi trường; Báo cáo bằng văn bản kết quả khắc phục vi phạm gửi về Sở TNMT tỉnh Bắc Giang, UBND huyện Sơn Động, UBND xã Long Sơn trước ngày 15/10/2018, để kiểm tra, giám sát theo quy định.
Vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường
Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đầu tư xây dựng hai khu chăn nuôi lợn tại các thôn: Điệu, Tảu, Hạ và Đồng Chòi của xã Long Sơn, trên tổng diện tích 110ha với số vốn hơn 422 tỷ đồng. Công suất thiết kế nuôi khoảng 18 nghìn con lợn thịt và 5 nghìn con lợn nái.
Cứ tưởng, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang sẽ khắc phục và không tái diễn tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ngược lại, công ty này vẫn tiếp tục xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh.
Người dân xã Long Sơn phản ánh, những ngày đầu tháng 4/2019, mùi hôi thối từ các trang trại nuôi lợn của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang bốc ra nồng nặc hơn, kết hợp với mưa to làm nước thải tràn ra sông suối khiến bà con bức xúc.
Sáng sớm 7/4/2019, hàng trăm người dân ở các thôn: Hạ, Bản Bầu, Đồng Chòi… kéo đến chặn đường, căng lều bạt, bao vây khu vực cổng Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, không cho người và phương tiện ra vào để phản đối và yêu cầu có biện pháp xử lý nước, phân thải và mùi hôi phát sinh trong quá trình chăn nuôi.
Trước sự việc trên, ngày 8/4, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang (TN&MT), UBND huyện Sơn Động, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), UBND xã Long Sơn và Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang đã tổ chức đối thoại với người dân tụ tập trên đường vào công ty.
Tại cuộc đối thoại, người dân bày tỏ sự bức xúc những ngày gần đây, tại các trang trại, mùi hôi thối bốc ra nồng nặc, nước thải màu đen đặc được xả ra suối Bài, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân xã Long Sơn và một phần xã Dương Hưu (Sơn Động).
Sau khi trao đổi, Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang thừa nhận những sai phạm dẫn đến tình trạng ô nhiễm trong thời gian qua, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người dân các xã Long Sơn, Dương Hưu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Phát triển Chăn nuôi Hòa Phát (Công ty mẹ của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang) cam kết không tiếp tục đưa lợn con vào chăn nuôi; xuất bán, di chuyển hết số lợn hiện có trong vòng 3 tháng; áp dụng các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Cải tạo hệ thống chuồng trại, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, phân thải, hạn chế mùi hôi.
Ngay sau đó, Sở TN&MT và Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường tỉnh Bắc Giang đã tiến hành lấy các mẫu tại Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang để xét nghiệm, làm căn cứ xử lý. Hiện, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý vi phạm trên của công ty.
Đồng thời, Sở TN&MT Bắc Giang quyết định kiểm tra đột xuất việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường đối với Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang; thành lập đoàn kiểm tra; nội dung kiểm tra là tổ chức lấy mẫu tại khu trang trại của Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang, xã Long Sơn, huyện Sơn Động.
Yêu cầu Công ty Chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang cử người đại diện làm việc với đoàn kiểm tra, báo cáo bằng văn bản tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan đối với hoạt động cơ sở; cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan.
Dự án chăn nuôi bò quy mô lớn bị người dân tố cáo bón phân chưa hoai mục lên ruộng ngô, làm phát sinh ruồi nhặng. Ảnh: Xây dựng
Chăn nuôi bò công nghệ cao gây ô nhiễm môi trường
Dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình (ở thị trấn Nông trường Việt Trung, Bố Trạch, Quảng Bình) thuộc Tập đoàn Hòa Phát, tuy đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đã gây nhiều phiền toái cho người dân trong khu vực.
Cụ thể, trong các tháng đầu năm 2019, cuộc sống của người dân các tiểu khu Hữu Nghị, Quyết Thắng, Dũng Cảm thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung; thôn Sen Bàng, xã Hòa Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị đảo lộn, bức bí vì ruồi nhặng xuất hiện dày đặc trong nhà.
Người dân ở đây cho biết, ruồi xuất hiện nhiều là do nguồn phân của trang trại mang đi trồng ngô làm thức ăn cho bò tại các ruộng ngô lớn nằm xen trong khu dân cư nên trứng và ấu trùng ruồi sản sinh từ đây.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân khu vực này chịu ảnh hưởng của ruồi nhặng. Trước đó, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm dự án chăn nuôi của Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình cũng đã gây phiền toái cho người dân ở tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung vì ruồi xuất hiện dày đặc.
Trước phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã kiểm tra và xác định nguyên nhân ban đầu do Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình bón phân chưa hoai mục; phía doanh nghiệp thừa nhận và tìm biện pháp khắc phục.
Với những hành vi vi phạm, Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình đã bị xử phạt hành chính 2 lần với tổng số tiền hơn 100 triệu đồng.
Lần 1, vào cuối năm 2018, với số tiền 25 triệu đồng, do 02 chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải chăn nuôi gồm chỉ tiêu BOD5 vượt 1,52 lần (178/117mg/l) và Coliform vượt 1,9 lần (9.500/5.000 mg/l.
Lần 2, vào tháng 3/2019, bị phạt 80 triệu đồng, do tập kết ủ phân không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường. Quyết định cũng yêu cầu công ty Hòa Phát phải nhanh chóng di dời, thu dọn toàn bộ lượng phân tập kết không đúng nơi quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, phải hoàn thành trước ngày 30/3/2019.
Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến việc Công ty TNHH Chăn nuôi Hòa Phát Quảng Bình tiếp tục gây ô nhiễm môi trường mà người dân phản ánh mới đây, ông Trần Phong, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đơn vị đã nhận được thông tin vụ việc, đã cử cán bộ về kiểm tra hiện trạng. Bước đầu yêu cầu phía công ty trên triển khai các biện pháp diệt ruồi. Việc công ty này gây ô nhiễm môi trường nhiều lần qua các năm, gây bức xúc trong nhân dân, không thực hiện đúng yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Bình về tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại dự án chăn nuôi bò thịt áp dụng công nghệ cao. Nếu công ty không xử lý dứt điểm, chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp cứng rắn”.
Như vậy, tại trang trại chăn nuôi lợn, dự án chăn nuôi bò thịt của Tập Hòa Phát nhiều lần gây ô nhiễm môi trường đã bị cơ quan chức năng hai tỉnh Bắc Giang, Quảng Bình xử phạt hành chính. Tuy nhiên, sau xử phạt, Tập đoàn Hòa Phát vẫn tiếp tục gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc.
Gây ô nhiễm, xử phạt, gây ô nhiễm, tiếp tục bị xử phạt rồi lại gây ô nhiễm. Đây có phải là phương châm hoạt động của Tập đoàn Hòa Phát trong lĩnh vực chăn nuôi?
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.