Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi...
Xin hỏi, trong trường hợp tổ chức tín dụng không có khả năng chi trả hay phá sản thì số tiền bảo hiểm được trả đối với trường hợp đồng sở hữu khoản tiền gửi được tính như thế nào?
Nguyễn Thị Thu Huyền (Mộc Châu, Sơn La)
Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định:
“- Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
- Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.”
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 21/2017/QĐ-TTG có hiệu lực thi hành từ ngày 05/8/2017 quy định: “Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.”
Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo hiểm tiền gửi về số tiền bảo hiểm được trả trong trường hợp nhiều người sở hữu chung tiền gửi được quy định như sau:
“a. Số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của nhiều người sở hữu chung tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi, tối đa bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm cho một người quy định tại Điều 24 của Luật này. Số tiền bảo hiểm được trả sẽ được chia theo thỏa thuận của các đồng chủ sở hữu; trường hợp giữa các đồng chủ sở hữu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì giải quyết theo quy định của pháp luật;
Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 75 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.
b. Trường hợp một trong các đồng chủ sở hữu có khoản tiền gửi khác được bảo hiểm tại cùng một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổng số tiền bảo hiểm được trả cho một đồng chủ sở hữu không vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm”.
Ví dụ: Hai người A và B có chung thẻ tiền gửi tại 1 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Khi phát sinh nghĩa vụ chi trả, số tiền bảo hiểm được trả cho cả 2 người tối đa là 75 triệu đồng và được phân chia theo thỏa thuận của 2 bên.
Ngoài thẻ tiết kiệm trên, nếu người A có một thẻ tiền gửi cá nhân khác tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó thì số tiền bảo hiểm được trả cho thẻ tiền gửi riêng của người A và số tiền được phân chia cho người A theo thoả thuận 2 bên không được vượt quá 75 triệu đồng.