Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 2 tháng 5 năm 2016 | 5:14

Chia sẻ kinh nghiệm quản lí vịt chạy đồng giữa Việt Nam và Campuchia

Tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang), Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO) tổ chức diễn đàn chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm quản lý vịt chạy đồng tại các tỉnh biên giới  giữa Việt Nam và Campuchia..

Chăn nuôi vịt là nghề truyền thống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo số liệu của  FAO, tổng đàn vịt các tỉnh khu vực ĐBSCL năm 2015 có khoảng 26 triệu con, chiếm hơn 1/3 tổng số vịt cả nước. Chăn nuôi vịt ở ĐBSCL có ba phương thức chủ yếu là chăn nuôi vịt nhỏ, lẻ tại các hộ nông dân, chăn nuôi vịt chạy đồng và chăn nuôi vịt trang trại theo hình thức bán công nghiệp. Trong đó chăn nuôi vịt chạy đồng chiếm trên 52% tổng đàn. Phương thức chăn nuôi này là sinh kế của hàng chục ngàn hộ nông dân vì đem lại nguồn thực phẩm rẻ, sạch do tận dụng được lúa rơi vãi, thủy sinh và côn trùng trên đồng ruộng. Vịt còn ăn ốc bươu vàng, rầy nâu giúp giảm dịch hại cho lúa.

Toàn cảnh Hội thảo quản lý vịt chạy đồng giữa Việt Nam và Campuchia

Việt Nam có 5 tỉnh thuộc Tây Nam Bộ giáp nước bạn Campuchia có chăn nuôi vịt khá nhiều là: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Tây Ninh. Mùa lúa ở Campuchia sớm hơn Việt Nam khoảng một tháng, nông dân Campuchia thường trồng 2 vụ lúa nên vịt ăn đồng được lâu hơn, nhiều người chăn nuôi vịt chạy đồng Việt Nam cũng lùa vịt qua biên giới Campuchia chăn thả ở nước bạn.

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá, trong bối cảnh mới, bên cạnh những thuận lợi sẵn có, nghề chăn nuôi vịt chạy đồng qua biên giới ở ĐBSCL cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như: chế độ canh tác lúa tăng 2 -3 vụ/năm khiến cho thời gian trống để chăn thả vịt trở nên ít đi; việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác lúa, hoa màu dẫn đến nguồn thức ăn sinh học tự nhiên bị giảm, tình trạng hạn hán và xâm ngập mặn khốc liệt trong năm 2015 làm cho nguồn nước ngọt bị thiếu trong mùa khô, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đàn thủy cầm khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, phương thức chăn nuôi vịt chạy đồng qua biên giới còn mang tính tự phát, chưa có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý hai bên nên dễ tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như dịch cúm A/H5N1.

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu

Theo chuyên gia của FAO, từ năm 2010 tổ chức đã bắt đầu nghiên cứu các hoạt động phòng chống lây lan dịch bệnh xuyên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia và nhận thấy có sự lây truyền virus giữa khu vực giáp ranh hai nước. Khi tìm thấy một chủng, nhánh virus mới ở Việt Nam thì trong một thời gian rất ngắn sau đó sẽ tìm thấy virus này ở Campuchia và ngược lại. Một trong những yếu tố khiến mầm bệnh lây lan nhanh chóng giữa hai nước đó là sự di chuyển của đàn vịt. Vịt rất dễ nhiễm virus cúm gia cầm, do đặc tính chăn nuôi lưu động nên khi bị nhiễm nó sẽ lây mầm bệnh ra môi trường.

Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, cho biết, từ năm 2004 đến năm 2008, Kiên Giang xảy ra 23 ổ dịch lớn nhỏ ở 11/14 huyện thị, làm chết, thiệt hại trên 80.000 con gia cầm. Cũng từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 trường hợp nhiễm cúm gia cầm trong đó có 3 người tử vong. Từ năm 2009 đến 2012, tỉnh đã phối hợp với tổ chức USAID của Mỹ thực hiện dự án “Sáng kiến cúm gia cầm và đại dịch”, triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền thay đổi hành vi của người chăn nuôi, quản lý giết mổ, xây dựng chuỗi thực phẩm gia cầm. Nhờ đó, từ năm 2012 đến nay, Kiên Giang không phát sinh thêm dịch cúm gia cầm nào trên diện rộng.

Về phía Campuchia, ông BunChan, Phó viện trưởng Viện Thú y nước này cho biết, từ 2004 đến 2015, Campuchia xảy ra 37 ổ dịch trên gà và vịt, với tổng số trên 90.000 con bị tiêu hủy, ghi nhận 50 trường hợp bị nhiễm cúm gia cầm, trong đó có 44 trường hợp là trẻ em. Thời gian qua, Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia đã thực hiện quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của cúm gia cầm và hiện nay đã kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Chuyên gia tổ chức FAO chia sẻ các nghiên cứu tại Diễn đàn

Thông qua hội thảo, đại diện hai phía Việt Nam và Campuchia đã đề xuất nhiều kiến nghị tiến đến thống nhất cách quản lý vịt chạy đồng qua lại biên giới hai nước nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn. Cụ thể, hai bên cam kết sẽ tập huấn cho người chăn nuôi vịt về những quy định của nước bạn và kinh nghiệm nếu có tranh chấp cần giải quyết; đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ quản lý; xây dựng quy chế phối hợp, chế độ thông tin và báo cáo về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh giữa hai tỉnh biên giới; định kỳ hàng năm tổ chức các diễn đàn tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề xuất phương hướng cho những năm tiếp theo.

Thu Phương

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Kết nối chuỗi cung ứng tiến tới xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

    Chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường” là cầu nối giúp cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại Việt Nam có điều kiện kết nối với các đối tác Nhật Bản trong việc tham gia chuỗi cung ứng nông sản cho thị trường.

  • Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Sâm Ngọc Linh gặp khó khi trồng ngoài núi Ngọc Linh

    Những năm qua, việc thực hiện trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại các huyện Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Núi Thành và Tiên Phước, cây sâm Ngọc Linh đều không thích ứng, sinh trưởng và phát triển kém.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top