Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 7 năm 2020 | 18:39

Chuyển nhượng đất nông nghiệp, phát sinh vi phạm TTXD: Bài học quản lý đất đai trên địa bàn huyện Quốc Oai

Hiện có không ít hộ gia đình ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) đua nhau san lấp đất nông nghiệp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mua bán, sang tên, chuyển nhượng phát sinh các vi phạm, trong đó có vi phạm về trật tự xây dựng.

Thế nhưng, không hiểu nguyên do gì, chính quyền sở tại vẫn chưa vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm.

qo1.jpg
Công trình của bà Nguyễn Thị Vân Thùy tại thửa đất số 1316 tờ bản đồ số 4, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai.

 

Đất nền nông nghiệp (chưa phải là đất thổ cư) vẫn thực sự là ẩn số bởi thủ tục pháp lý, chi phí, thuế đóng cho nhà nước, quy hoạch hạ tầng,… để biến những mảnh đất này trở thành đất ở có giá trị mua bán, chuyển nhượng không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đất nông nghiệp vùng ven Hà Nội bỗng dưng trở thành “cơn sốt”, kênh đầu tư, miếng bánh “béo bở” cho nhiều người.

Theo nhiều nguồn tin, đa số các nhà đầu tư có vốn khá hoặc nhỏ lẻ tìm đến những mảnh đất này nhằm đầu cơ kiếm lợi cao hoặc đơn giản là chỉ tìm chốn nghỉ ngơi dịp cuối tuần. 

Tại xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội), việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, kết hợp với nuôi trồng thủy sản diễn ra khá dễ dàng và được chính được quyền địa phương tạo điều kiện, hợp thức hóa thủ tục một cách nhanh chóng.

Cụ thể, vào tháng 12/2017, chỉ bằng một Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi từ đất trũng thấp trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản rất sơ sài, chỉ bằng 2 mặt giấy, hộ ông Dương Thanh Nghị (HKTT tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) đã UBND xã Cấn Hữu đồng ý.

Theo đó, tại Quyết định số 443/QĐ-UBND ngày 31/12/2017, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu khi đó là ông Vũ Văn Lợi đã cho phép hộ ông Dương Thanh Nghị được chuyển đổi 2.304,4m2 tại thửa số 1316 tờ bản đồ số 4, đất chuyên trồng lúa nước sang trồng cây ăn quả kết hợp nuôi trồng thủy sản với quy mô phân ra như sau: Diện tích đất làm nhà tạm để trông nom là 20m2; diện tích trồng cây ăn quả 1.577,68m2; diện tích đào ao nuôi trồng thủy sản 422,10m2; diện tích đường đi để trông nom 284,62m2. Cổng vào có chiều rộng 5m, chiều cao 3m (không xây bằng tường gạch, đổ bê tông). Bờ ngăn bảo vệ được làm bằng lưới thep B40, cột bê tông cao 1,5m.

Đáng nói thay, chỉ hơn 10 tháng sau khi được UBND xã Cấn Hữu cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ông Dương Thanh Nghị đã chuyển nhượng khu đất nông nghiệp nêu trên sang cho bà Nguyễn Thị Vân Thùy.

Về tay chủ mới, khu đất trên đã phát sinh vi phạm. Báo cáo số 04/BC-UBND ngày 14/01/2020 do Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải ký nêu rõ: “Ngày 25/12/2019, hộ bà Nguyễn Thị Vân Thùy đã xây dựng tường bao xung quanh khu đất có quy mô kết cấu như sau:

- Tường xây 110mm gạch chỉ đặc, có bổ trụ 220;

- Chiều dài cạnh 1: 46,2m; tường cao 1,95m; giằng móng 1,15m; tường 0,8m;

- Chiều dài cạnh 2: 12,8m, giằng móng 1,15m; tường cao 0,5m;

- Chiều dài cạnh 3: 39,7m; phần móng cao 1,15m, tường cao 0m;

- Chiều dài cạnh 4: 70,4m; phần móng tường cao: 1,15m; tường cao 1,85m;

- Chiều dài cạnh 5: 38,2m; phần móng tường cao: 1,15m; tường cao 0,5m”.

 

Để rộng đường dư luận, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ địa chính xã Cấn Hữu. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hiện khu đất do bà Nguyễn Thị Vân Thùy nhận chuyển nhượng không có sai phạm về đất đai vì đã được UBND xã cho phép chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng từ năm 2017. Ngoài ra, hộ bà Thùy cũng đã tự khắc phục các sai phạm về trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, khi được hỏi bà Thùy có phải người ở địa phương không? Hộ bà Thùy có trực tiếp canh tác, sản xuất nông nghiệp tại địa phương không? Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Quốc Oai có thông báo cho xã biết biến động về đất đai đối với thửa đất nhận chuyển nhượng không?

Lúc này, ông Nguyễn Văn Tuấn tỏ ra ấp úng, trả lời rất dè dặt, nhát gừng. Theo ông Tuấn, do mới nhận công tác về xã Cấn Hữu từ cuối năm 2019 nên nhiều việc không nắm được. Việc giao dịch, chuyển nhượng đất nông nghiệp của bà Thùy không thông qua chính quyền xã. Việc thông báo biến động đất đai của Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Quốc Oai về xã cũng không thường xuyên.

“Việc bà Nguyễn Thị Vân Thùy có phải người địa phương phải sang Công an xã họ mới nắm được. Bà Vân Thùy có trực tiếp sản xuất nông nghiệp không thì xã không biết. Cuối năm ngoài, đầu năm nay xã có vào kiểm tra thì thấy có trồng cây quả, có ao thả cá. Chúng tôi cũng chỉ biết có đến vậy”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói. 

Còn theo ông Cấn Văn Luân, cán bộ Văn phòng - Thống kê xã Cấn Hữu, ông cũng chưa gặp trực tiếp bà Nguyễn Thị Vân Thùy, không phụ trách trực tiếp mảng này. Chỉ biết, bà Thùy có chồng là ông C., Trưởng một đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Quan sát tại thực địa tại thửa đất số 1316, tờ bản đồ số 4 mà bà Nguyễn Thị Vân Thùy nhận chuyển nhượng từ ông Dương Thanh Nghị cho thấy nhiều điểm bất thường xung quanh lời nói của ông Nguyễn Văn Tuấn - cán bộ địa chính xã Cấn Hữu.

Xung quanh khu đất của bà Nguyễn Thị Vân Thùy được bao quanh bởi lớp tường gạch và lớp hàng rào dây thép vượt quá đầu người. Bên trong khu đất, mật độ cây trồng ở mức rất thấp và có nhà lợp mái tôn, có diện tích khá lớn và được xây dựng khá kiên cố, đủ phục vụ việc sinh hoạt cho cả một gia đình.

Điều này làm dấy lên nghi vấn, khu đất bà Nguyễn Thị Thùy Vân nhận chuyển nhượng có thực sự phục vụ mục đích nông nghiệp hay phục vụ vào mục đích nghỉ dưỡng của gia đình? Bà Vân có thực sự trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp hay không? Có hay không việc bao che về trật tự xây dựng của chính quyền xã Cấn Hữu đối với công trình trên đất nông nghiệp của bà Nguyễn Thị Vân Thùy? Trách nhiệm của UBND xã đến đâu khi để người dân vô tư xây dựng các công trình kiên cố trên đất nông nghiệp?

Bởi lẽ, bờ ngăn bảo vệ công trình theo Quyết định của UBND xã Cấn Hữu chỉ được ngăn bằng lưới bê thép B40, cột bê tông có 1,5m, không hề được phép xây tường bao như thực trạng tại công trình.

Ngoài ra, theo Kế hoạch thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng tại thửa đất nêu trên đã UBND xã Cấn Hữu phê duyệt, đối với khu nhà tạm chỉ để làm chỗ nghỉ cho người lao động phục vụ sản xuất với diện tích 20m2, là loại nhà không đảm bảo mức độ sử dụng tiện nghi tối thiểu, thiếu các diện tích đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm. Thì đến nay, dù được lợp tôn, công trình nêu trên có diện tích khá lớn, được xây dựng khá kiên cố.

Ngoài ra, tại Khoản 3, Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định các trường hợp không được nhận chuyển quyền đất nông nghiệp: “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”.

Do vậy, với các dấu hiệu bất thường trong việc chuyển nhượng đất đai, trật tự xây dựng tại thửa số 1316 tờ bản đồ số 4 như đã nêu ở trên, đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND huyện Quốc Oai thanh tra, kiểm tra, làm rõ có hay không việc mua bán trái pháp luật, vi phạm trật tự xây dựng hay không?

Hai là, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị, đặc biệt, những nơi còn buông lỏng công tác quản lý đất đai; như tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển đất rừng nghèo sang trồng cao su, chuyển mục đích sử dụng đất có rừng, đất lúa sang trồng cây ăn quả, xây dựng nhà ở không theo quy định, thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không đăng ký với Nhà nước…

Để khắc phục tình trạng nêu trên, đề nghị Sở Tài nguyễn và Môi trường TP. Hà Nội tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra việc việc quản lý, sử dụng đất đai, việc chấp hành pháp luật về đất đai và việc tổ chức thi hành Luật Đất đai ở một số địa phương, trong đó có vụ việc nêu trên.

Ba là, rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng bổ sung và làm rõ thêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, quy định biện pháp khắc phục hậu quả để đảm bảo khả thi hơn, quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật đất đai.

Bốn là, tăng cường việc thanh tra, kiểm tra thông qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh về các vi phạm pháp luật về đất đai, để có biện pháp chấn chỉnh, răn đe kịp thời.

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.

 

 

Phan Anh
Ý kiến bạn đọc
Top