Cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý vụ hàng trăm ha rừng phòng hộ bị đốn hạ ở Đồng Nai và xử phạt hành chính 975 triệu đồng do thi công xây dựng công trình không có phép xây dựng tại Hải Dương… cùng các sai phạm nổi cộm khác?
Theo đó ngày 17/4/2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL) trình hồ sơ “Dự án nuôi dưỡng rừng ngập mặn năm 2017” lên Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Đồng Nai. Theo dự án này, BQL sẽ cho tỉa thưa 335,43ha tại ba xã, trong đó có tiểu khu 216 thuộc xã Long Thọ, tiểu khu 222 (xã Phước An) và tiểu khu 217 (xã Long Phước). Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, lợi dụng việc tỉa thưa, một số đối tượng đã đốn hạ hàng loạt cây đước to cao hàng chục năm tuổi. Việc đốn hạ trơ gốc đã khiến toàn bộ cây bị chết khô.
Sau khi phát hiện sự việc, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đột xuất với việc chặt, tỉa cây rừng ở khu vực này. Qua kiểm tra thực tế, chỉ với diện tích tỉa thưa tại tiểu khu 216 và 222 là hơn 183ha, đơn vị thi công đã khai thác vượt khối lượng cho phép hơn 2.434 m3 gỗ đước các loại.
Trước những sai phạm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, vừa qua Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Cụ thể đã kỷ luật 7 cán bộ liên quan, trong đó có ông Vũ Thanh Bình, Phó giám đốc ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành
Dự án tỉa thưa hệ sinh thái rừng phòng hộ Long Thành được phê duyệt nhằm tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng nhằm mở rộng không gian dinh dưỡng, vệ sinh rừng, bảo đảm hệ sinh thái trong rừng sinh trưởng và phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu phòng hộ. Thế nhưng chỉ mới kiểm tra 183ha, phát hiện đơn vị thi công đã khai thác vượt khối lượng cho phép hơn 2.434m3. Hàng trăm ha rừng phòng hộ bị đốn hạ không chỉ gây ảnh hưởng đến môi trường mà còn khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mưu sinh tại khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sự việc có dấu hiệu hình sự, nhưng đơn vị sai phạm chỉ “tổ chức kiểm điểm trách nhiệm” thiếu tính răn đe khiến dư luận bức xúc cho rằng liệu có sự bao che tiếp tay của chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương. Qua đó, nhiều ý kiến đề nghị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim 975 triệu đồng?
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã ký quyết định 3961 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim do ông Dương Minh Tú làm Giám đốc (có địa chỉ tại phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, Hải Dương).
Theo quyết định xử lý vi phạm hành chính trên, Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP mà tái phạm.
Hiện công trình đang thi công hoàn thiện hạng mục phòng cháy, chữa cháy bên trong tòa nhà và cầu thang thoát hiểm phía sau công trình tại lô đất số 113.03- 01, tờ bản đồ quy hoạch Khu đô thị phía Tây, phường Tân Bình, TP Hải Dương).
Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái quyết định xử phạt Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim số tiền 975 triệu đồng.
Cùng với đó, yêu cầu Công ty Hoàng Kim thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Cổ phần giải trí Hoàng Kim phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
Hết thời hạn này, Công ty không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới được thi công xây dựng.
Trước đó, ngày 3/11/2020, Đội Kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố Hải Dương phối hợp với UBND phường Tân Bình lập biên bản vi phạm hành chính số 05 đối với công trình xây dựng không phép trên. Ngày 10/11, các đơn vị này tiếp tục lập biên bản xác minh vụ việc vi phạm hành chính này.
Ngày 2/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký quyết định số 3604/QĐ-GHRQĐXP về việc gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ngày 12/11, UBND TP Hải Dương đã có tờ trình số 2507, ngày 28/12, UBND TP Hải Dương tiếp tục có báo cáo 480 về vụ việc vi phạm hành chính trên.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Giải trí Hoàng Kim như trên.
Cùng một ngày UBND tỉnh Kon Tum chọn 5 chủ đầu tư thực hiện 5 dự án thủy điện
Cụ thể, UBND tỉnh Kon Tum thống nhất chủ trương cho 5 Công ty được khảo sát, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án thủy điện, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Pô Nê; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Kon Rẫy; Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Đăk Toa; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng Măng Đen và Công ty Cổ phần Đầu tư Thủy điện Tà Âu.
Các dự án thủy điện lần lượt là: Dự án Thủy điện Đăk Pô Nê 4, công suất lắp máy 6MW, xây dựng trên sông Đăk Pô Ne (thuộc hệ thống sông Đăk Bla), xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy; Dự án thủy điện Đăk Nghé 3, công suất lắp máy 17MW, xây dựng trên sông Đăk Snghé (nhánh cấp I sông Đăk Bla, thuộc hệ thống sông Sê San và suối Đăk Ke, nhánh cấp I sông Đăk Snghé). Địa bàn xây dựng thủy điện thuộc xã Đăk Kôi, thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy và xã Đăk Long, huyện Kon Plông; Dự án thủy điện Đăk Toa, công suất lắp máy 5MW, xây dựng trên sông Đăk A Kôi (nhánh cấp I của sông Đăk Bla, hệ thống sông Sê San), thuộc xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy; Dự án thủy điện Nước Đao, công suất lắp máy 20MW, xây dựng trên sông Đăk Ring (thuộc hệ thống sông Trà Khúc) và suối Măn Liu, suối Đăk Xao (nhánh cấp I của sông Đăk Ring), thuộc xã Đăk Rinh, huyện Kon Plông; Dự án thủy điện Tà Âu, thuộc địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Rinh, huyện Kon Plông.
Trong 5 văn bản chọn 5 chủ đẩu tư thực hiện 5 dự án thủy điện, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các chủ đầu tư triển khai hoàn thiện các thủ tục pháp lý để thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, chính quyền địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ và thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường- xã hội; không làm ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nước phía hạ lưu, các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện có trong khu vực dự án; đảm bảo quá trình thực hiện dự án không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác…
UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, làm rõ năng lực tài chính của các Công ty trước khi giao làm nhà đầu tư dự án; Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Kon Rẫy và các đơn vị liên quan, theo chức năng nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Công ty triển khai các thủ tục liên quan để thực hiện đầu tư dự án theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Kịp thời phối hợp để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện theo đúng thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.