Nhà báo Patrick Cockburn có mặt tại Mosul (Iraq) sau khi thành phố được giải phóng. Tại đây nhà báo này phát hiện cảm xúc muốn trả thù rất mạnh ở những nạn nhân của các chiến binh thánh chiến cực đoan IS.
Các bé gái Iraq trở lại trường học ở tây Mosul sau khi chính phủ Iraq tuyên bố đã giải phóng hoàn toàn Mosul. Ảnh: Getty. |
Một đoạn bình luận cay nghiệt trên truyền thông xã hội Iraq: “Người dân Mosul sẽ nhận được lương của mình, còn người dân Basra sẽ nhận lại thi thể những người tử vì đạo của họ”.
“Gia đình IS thì béo tốt hơn”
Nhiều người dân Iraq coi các cư dân của thành phố Mosul (đông người Sunni sinh sống) như những kẻ hợp tác tự nguyện với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS trong thời kỳ chúng nắm quyền ở thành phố này trong 3 năm liền. Đặc biệt, đã có những lời kêu gọi trừng phạt “các gia đình Daesh (tức IS” – những gia đình này có các thành viên nam làm chiến binh hoặc “quan chức” trong chế độ IS.
Khát khao trả thù dâng cao trong các nạn nhân của IS sau khi thủ phủ Mosul của tổ chức này thất thủ trước các lực lượng chính phủ Iraq. Điều này không có gì lạ trong bối cảnh IS từng cai trị họ bằng vũ lực và sự bạo tàn.
Một tình nguyện viên y tế ở tây Mosul nói: “Tôi lúc nào cũng có thể chỉ ra các thành viên gia đình IS hễ khi nào họ đề nghị được điều trị y tế. Họ có gương mặt tròn trịa, trông béo tốt, trong khi mọi người khác ở Mosul thì gầy yếu, suy dinh dưỡng”.
Cơ sở để khẳng định người nào đó có mối liên hệ với IS có khi rất mờ nhạt, nhưng định kiến của người dân rất mạnh.
Belkis Wille, nghiên cứu viên cao cấp tại tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Khi phụ nữ và trẻ em xuất hiện mà không có các thành viên nam giới đi cùng, người ta mặc định rằng cánh đàn ông đi theo IS và đã bị giết, bắt giữ hoặc bỏ chạy... Họ có thể cứ nói đại rằng những nam giới đã bị chết khi đánh bom nhưng không ai biết đích xác sự thật là gì”.
Các nam thanh niên ở Mosul và tỉnh Nineveh (mà Mosul là thủ phủ) gặp khó khăn trong việc thuyết phục lực lượng vũ trang Iraq giành chiến thắng tin rằng họ sống vài năm dưới chế độ IS mà lại không tham gia một hình thức nghĩa vụ quân sự nào đó cho IS.
Các vụ trả thù bằng cách giết những người nghi là người của IS hoặc hợp tác với IS diễn ra với số lượng hạn chế ở những nơi không phải chiến trường trực tiếp, do ở đó có ít tù binh hơn.
Hồi tháng 6/2014, IS đã tiến hành thảm sát tới 1.700 học viên không quân Iraq, đa phần là người dòng Shiite. Năm 2016, chính phủ Iraq đã tiến hành tử hình 36 kẻ phạm tội.
Sự nghi kỵ trên mạng xã hội
Những người tộc Yazidi từng sống ở tây Mosul, cùng những người Kitô giáo tin rằng những người Sunni Arab láng giềng của họ là tòng phạm của IS trong việc sát hại, hãm hiếp và trộm cướp của cải dân lành. Họ nói rằng họ không thể quay lại xóm làng và thành phố nếu những kẻ hợp tác với IS được phép sống ở đó.
Đã vậy, chính quyền Iraq có đông người Shiite và giới chức người Kurd thường có xu hướng mở rộng lãnh thổ của các cộng đồng thuộc sắc tộc của họ với cái giá là thiệt hại cho các nhóm người Sunni có mối liên hệ với IS.
Các hình phạt tại cộng đồng dưới hình thức cưỡng ép đuổi “các gia đình Daesh (IS)” đang diễn ra ở nhiều khu vực miền bắc và trung Iraq. Sự trừng phạt này có thể nhằm vào toàn bộ dân làng trong một làng.
Bà Wille cho biết những người Arab Sunni tại các trại tị nạn nội địa ở Khazar và Hassan Shami có thể thấy làng cũ của họ nhưng không được quay trở về đó.
Bà này cho biết thêm, giới chức bộ lạc Arab Sunni thường đi đầu trong việc xua đuổi các gia đình IS khỏi làng của mình và gửi họ tới các trại tị nạn nội địa bởi vì họ muốn trả thù. Giới chức bộ lạc nói rằng họ không thể bảo vệ các gia đình đó, họ coi các gia đình đó là vấy bẩn.
Bà Wille tin rằng một động cơ khác mà giới chức bộ lạc Sunni làm vậy là để “chứng tỏ với Baghdad và cả thế giới rằng không phải ai trong số họ cũng là IS”.
Việc thanh lọc giáo phái và sắc tộc do giới chức nhà nước và các nhóm dân quân tiến hành ở Iraq vừa có mục tiêu dài hạn, vừa là để đáp ứng các mong muốn trước mắt của dân chúng.
Chẳng hạn, sau khi Mosul được giải phóng vào ngày 10/7, hai hashtag bằng tiếng Arab xuất hiện rầm rộ trên các mạng xã hội Facebook, Twitter và Instagram. Hashtag thứ nhất là “Mosul là của chúng ta, và chúng ta đã giành lại được”. Hashtag thứ hai là “Người dân Mosul đáng bị vậy”, kèm với các bức ảnh cảnh hủy diệt ở Mosul.
Có hàng trăm tài khoản mạng xã hội, nhiều dấu hiệu thuộc người dòng Shiite, kết tội người dân Mosul ủng hộ IS.
Một đăng tải có hai bức ảnh, một bức ghi cảnh người dân ăn mừng trên đường phố khi IS chiếm được Mosul vào năm 2014 và bức kia ghi cảnh ăn mừng khi lực lượng vũ trang tái chiếm Mosul vào tháng 7 này. Người viết bình luận: “Thật là lố lăng”.
Cơ cấu nhân khẩu bị xáo trộn theo ý đồ chính trị
Kể từ khi Mỹ xâm lược Iraq vào năm 2003, quốc gia Trung Đông này đã chứng kiến một sự thay đổi nhân khẩu – sự thay đổi này đáng kể về mặt chính trị. Cuộc chiến giáo phái giữa dòng Shiite và Sunni bên trong và xung quanh Baghdad trong các năm 2006 và 2007 đã khiến người dòng Sunni co rút vào các vùng nhỏ hẹp. Các khu vực hỗn hợp trở thành nơi người Shiite chiếm số đông.
Kể từ khi cuộc phản công chống lại IS bắt đầu vào năm 2014, người Sunni Arab đã bị buộc phải rời bỏ xóm làng và các thị trấn nơi họ sống ở các khu vực chiến lược phía nam Baghdad và ở tỉnh Hilla. Họ ít khả năng được phép quay trở về quê hương do họ có thể tấn công các con đường giữa thủ đô và các thành phố thánh Najaf và Kerbala của người Shiite.
Cộng đồng Arab Sunni ở Iraq, với số lượng khoảng 6 triệu người, đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại lớn khi tất cả các thành phố lớn của họ cùng với Mosul đều bị hư hại nặng do chiến tranh. Các thành phố khác đông người Sunni là Ramadi, Fallujah, Baiji và Tikrit – nhiều cư dân ở đây đã bị buộc phải bỏ chạy vào nhiều thời điểm khác nhau theo các con đường không an toàn, qua các chốt kiểm soát do dân quân Shiite thù địch với họ kiểm soát.
Hiện vẫn có khoảng nửa triệu người Sunni Arab tị nạn ở tỉnh Kirkuk. Những người này được phép quay trở về những trung tâm chỉ toàn người Sunni sống, nhưng họ không được về những nơi mà có cả người Shiite sống.
Theo bà Wille, ở những khu vực do Iraq và người Kurd kiểm soát, có những trại chỉ khá khẩm hơn “các nhà tù công khai” một chút. Tại các trại này, người tị nạn không được phép đi lại thoải mái bên trong, không được tiếp khách hay sở hữu điện thoại di động.
Động cơ trong việc kiểm soát này có thể là để thay đổi nhân khẩu. Ngoài ra, còn có lý do là mối e sợ các “ổ IS nằm vùng”, đợi thời cơ thuận lợi để tấn công khủng bố.
Một vụ tấn công do IS tiến hành nhằm vào Kirkuk năm 2016 đã kéo theo hậu quả là các ngôi làng dùng làm nơi xuất phát tấn công đã bị hủy diệt./.
Theo Independent/VOV
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…