Những năm gần đây, xã Chiêu Yên (Yên Sơn - Tuyên Quang) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo.
Theo thống kê, hiện xã Chiêu Yên có 4.455 con gia súc, gia cầm; trong đó, đàn trâu 454 con (có 5 trang trại chăn nuôi từ 10 con trở lên); đàn bò 233 con. Hiệu quả mang lại từ chăn nuôi trâu, bò thịt vỗ béo đã giúp nhiều hộ dân vừa tạo việc làm, vừa có nguồn thu nhập ổn định.
Chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại chăn nuôi trâu bò vỗ béo của gia đình anh Phạm Đức Mạnh, thành viên Hợp tác xã (HTX) Yên Vân, thôn Yên Vân xã Chiêu Yên (Yên Sơn). Khu chuồng nuôi rộng 120m2 được xây dựng thành 2 dãy chuồng thuận tiện cho việc chăn nuôi, chăm sóc vệ sinh. Đàn gia súc của gia đình anh, con nào cũng béo múp với chiếc bụng căng tròn.
Anh Mạnh chăm sóc đàn đàn trâu bò vỗ béo của gia đình.
Anh Mạnh cho biết, năm 2019, gia đình bắt đầu áp dụng hình thức chăn nuôi vỗ béo trâu, bò. Chăn nuôi theo hình thức này tốn ít thời gian, mỗi ngày anh chỉ mất vài tiếng cho trâu, bò ăn và vệ sinh chuồng trại. Thức ăn cho trâu, bò chủ yếu là cỏ voi, cây ngô, cám ngô, cám gạo nấu lên. Trung bình 1 ngày trâu, bò sẽ ăn khoảng 3 kg cám ngô, gạo. Riêng với cỏ tươi là 25 kg cho trâu và khoảng 15 kg cho bò. Ngoài ra, gia đình anh còn tận dụng rơm rạ, cỏ, thân cây ngô mà người dân xung quanh không sử dụng, để ủ làm nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò.
Hiện nay, gia đình anh có 30 con trâu, bò, trong đó nuôi vỗ béo 15 con, nuôi sinh sản 15 con. Trung bình mỗi lứa nuôi vỗ béo sẽ xuất bán từ 10 - 15 con. Cứ xuất hết lứa này gia đình anh lại mua gom lứa mới về chăn nuôi. Trừ chi phí, gia đình anh thu về khoảng 5-10 triệu đồng/con.
Cũng giống như anh Mạnh, gia đình anh Đinh Văn Dương, cùng là thành viên HTX Yên Vân đang áp dụng phương thức chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Quy mô chuồng nuôi 150m2, với 15 con bò 3B nuôi vỗ béo, 15 con nuôi sinh sản. Anh cho biết, so với việc chăn nuôi gà, lợn thì nuôi trâu, bò vỗ béo mang lại nguồn kinh tế ổn định hơn, quay vòng vốn nhanh hơn. Ngoài những con từ trâu, bò mẹ sinh sản ra và để nuôi vỗ béo, anh còn đến các xã lân cận tìm mua những con trâu, bò gày, bê con từ 9 -12 tháng tuổi về nuôi. Nuôi theo hướng này thực sự hiệu quả, có thể tận dụng nguồn thức ăn từ rơm, cây ngô, cám và kết hợp trồng cỏ voi, sau khoảng 3-5 tháng là trâu, bò có thể xuất chuồng. Đầu năm 2023, gia đình anh mua thêm 3 con bê lai 3B với giá 40 triệu đồng về vỗ béo, sau 6 tháng nuôi, gia đình bán 2 con với giá 80 triệu đồng. Trừ chi phí, bình quân mỗi con lãi 20 triệu đồng.
Với việc chăn nuôi theo mô hình này, trung bình mỗi năm gia đình anh Dương thu về khoảng 200 - 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn nuôi bò sinh sản, 1 năm được 1 con, con đực bán khoảng được 20 triệu đồng/con, con cái bán 15 triệu đồng/con.
Đến nay, gia đình anh đang nuôi 60 con bò thịt vỗ béo/lứa (giống bò lai Sind và bò 3B), trung bình mỗi năm nuôi 2 lứa, sau 5 tháng vỗ béo, trung bình đạt 150kg/con, giá bán bò hơi là 85.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên, cho biết, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Bởi thực tế cho thấy, số trâu, bò nhốt chuồng sẽ tăng nhanh về trọng lượng nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng... Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, định hướng người dân mở rộng mô hình; tận dụng nguồn vốn từ các chính sách, chương trình của Trung ương, tỉnh, Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ hộ dân vay vốn phát triển sản xuất.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.