Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:36

Củng cố, phát triển tổ chức Hội thích ứng với dịch Covid-19

Nhiều vấn đề nóng như phát triển kinh tế VAC thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

t7.jpg
Nhờ được hướng dẫn, tập huấn tiến bộ kỹ thuật mà giờ đây nhiều hội viên HLV được nâng cao tay nghề, giá trị sản xuất mang lại cũng cao hơn.

 

Nhiều vấn đề nóng như phát triển kinh tế VAC thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt là giải pháp thích ứng với dịch Covid-19, được nhiều uỷ viên Ban Chấp hành Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam khoá VII đưa ra phân tích.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Theo ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực HLV Việt Nam, thời gian qua, HLV tiếp tục phối hợp với  6 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc triển khai Dự án cải tạo vườn tạp như mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp. Dự án đã hoàn tất dự thảo cuốn Sổ tay hướng dẫn cải tạo vườn tạp để cung cấp cho người làm vườn trong thời gian tới.

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình vườn mẫu VAC tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc” thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, HLV nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với các đơn vị trong ngành nông nghiệp ở địa phương tổ chức tập huấn cho hàng ngàn hội viên và nông dân về cải tạo vườn tạp, sản xuất rau quả an toàn, rau quả hữu cơ, phát triển các mô hình VAC theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giới thiệu giống cây mới, các chế phẩm vi sinh, kỹ thuật quản lý dịch hại…, từ đó tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho hội viên và nông dân.

Đặc biệt, HLV các cấp đã có nhiều sáng kiến nâng cao hiệu quả tập huấn và phù hợp với điều kiện của địa phương như: thông qua sinh hoạt câu lạc bộ trang trại, hội quán, “nông dân dạy nông dân”, bước đầu mang lại hiệu quả cao. 

Điển hình như CLB trang trại cây có múi tỉnh Bắc Giang (HLV Bắc Giang). CLB có 59 thành viên, hàng tháng các tổ nhóm ở cấp huyện đều họp để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi khoa học kỹ thuật, cách phòng chống sâu bệnh, tìm cách liên kết  tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bình quân của thành viên đạt 200 triệu đồng/hộ/năm. Cá biệt có hội viên doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm.

Nhiều giải pháp phát triển

Trao đổi về định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Vững, Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, cho biết, không thể thiếu vắng các doanh nghiệp tham gia vào Hội. Do vậy, cần tăng cường vận động, thu hút các tổ chức kinh tế, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn lớn làm thành viên Hội. Khi doanh nghiệp tham gia, sẽ giúp Hội khâu liên kết, bao tiêu sản phẩm, đặc biệt, giúp hội viên sản xuất theo hướng hàng hoá, hiệu quả cũng cao hơn.

Theo ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV và sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp, Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, do đó, thời gian tới cần vận động hội viên tham gia vào phòng chống tình trạng này một cách hiệu quả nhất. Cùng với đó, cần ứng dụng kỹ thuật số vào trong sản xuất, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cần kết nối doanh nghiệp tham gia liên kết cùng hội viên tiêu thụ nông sản.

 

t7a.jpg

Nhiều sản phẩm của hội viên HLV, người dân được nâng cao chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, đưa các sản phẩm vào hàng Việt Nam chất lượng cao, được người Việt tin dùng.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch HLV tỉnh Bắc Giang, cho biết, mô hình tổ chức các Hội đang trong quá trình tổ chức lại. Do vậy, Hội cần chủ động thích ứng, nếu không, từ năm 2022 trở đi, sẽ rất khó khăn. HLV Bắc Giang đã làm được những việc cụ thể, sau Đại hội đã có chương trình hàng năm, chương trình 5 năm. Chúng ta phải đăng ký hoạt động của Hội để tỉnh giao nhiệm vụ, bố trí kinh phí. HLV là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nên cần tham gia các hoạt động của hai tổ chức này để nâng cao vị thế của mình.

Theo ông Võ Văn An, Chủ tịch Hội Ngành nghề Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Sơn La, cần đánh giá thêm vai trò của Hội tham gia vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Trên thực tế, nhiều hội viên HLV tích cực tham gia phòng chống dịch. Trong và sau dịch, cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hội viên như: hỗ trợ giống, kỹ thuật, hay kết nối tiêu thụ sản phẩm…, từ đó giúp họ tái sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.  

Phó chủ tịch Phan Huy Thông cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội, thu hút nhiều hội viên, nhất là các doanh nghiệp, gia nhập Hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên và nông dân nhân rộng mô hình vườn mẫu, góp phần xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng kết kinh nghiệm xây dựng, phát triển vườn mẫu giai đoạn 2015 - 2020 và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào làm vườn mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật phát triển kinh tế vườn theo hướng hàng hóa, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết giữa người làm vườn và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, thị trường trong nước, xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh: “Vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng trong phát triển kinh tế vườn. Do vậy, cần tăng cường thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, đây là việc làm rất khả thi.

Thời gian tới, bên cạnh phát triển công tác Hội, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, nhân rộng mô hình vườn mẫu mang lại hiệu quả, Hội cơ sở cần quan tâm tới công tác phòng dịch Covid-19, đặc biệt là triển khai ngay các giải pháp giúp hội viên tháo gỡ. Từ đó, góp phần xây dựng nền nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững”.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top