Nằm liền kề khu vực nội đô, người dân xã Đại Áng (Thanh Trì - Hà Nội) đã có thời gian nỗ lực khá dài để hoàn thiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) nâng cao và đang cùng nhau hợp sức trong hành trình lên phường.
Sản phẩm làng nghề đến mọi miền đất nước
Ông Nguyễn Văn Thiêm, Phó Giám đốc HTX Thương mại và Dịch vụ Bách Thắng, cho biết: “HTX thành lập năm 2018, gồm 7 thành viên và 17 công nhân, vừa sản xuất, vừa tiêu thụ sản phẩm. Hiện, Bách Thắng có 10ha ao nuôi cá truyền thống như: rô phi, trôi, mè, trắm, chép và chim trắng. Bình quân mỗi năm thu 2 lứa, khoảng 100 tấn/lứa. Ngoài ra, Bách Thắng còn có 1 nhà xưởng chế biến, xây dựng năm 2021, đến tháng 3/2022 đi vào hoạt động. Sản phẩm gồm cá phile, cá cắt khúc (bỏ đầu) làm chả, cá sơ chế nguyên con và một khu ương nuôi cá giống.
Cá thành phẩm có nhiều loại, như: cá rô phi (phi lê) loại to 110.000 đồng/kg; loại trung bình 7 - 8 lạng, giá 100.000 đồng/kg; loại 4 - 6 lạng/con, giá 80.000 đồng/kg; loại 1 - 4 lạng/con, giá 70.000 đồng/kg. Hiện, tất cả đều không đủ hàng để bán. Bình quân mỗi ngày có 5 - 6 tạ phụ phẩm, phế phẩm từ cá, bán cho các hộ nông dân ngâm ủ, sản xuất phân bón hữu cơ với giá 2.000 đồng/kg tại xưởng”.
Đầu ra là các bếp ăn phục vụ du khách quốc tế, công ty phục vụ suất ăn trong các nhà máy, trường học… Bình quân tiêu thụ 5 tấn cá/ngày, 1 tháng cung cấp 25 - 26 ngày, tương đương 130 tấn/tháng. Lương thành viên HTX 7 - 8 triệu đồng/người/tháng (công ty lo ăn, ở, sinh hoạt, đi lại, khoảng 2 triệu đồng/người/tháng).
“Xa hơn nữa, dự kiến, cá sạch của HTX còn cung cấp cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp ở các tỉnh phía Bắc, hiện đã vào đến Ninh Bình, Thanh Hoá. Doanh thu bình quân 1,5 – 2 tỷ đồng/tháng”, ông Thiêm cho biết thêm.
Mặt khác, do nằm liền kề khu vực nội đô, nên Đại Áng còn tập trung phát triển nghề may mặc. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH May thời trang Lâm Anh (thành lập tháng 7/2019), cho biết: “Năm 2002, tôi làm Trưởng bộ phận sản xuất của Công ty May TNHH Hoàng Hải, do anh trai làm Giám đốc.
Năm 2018, tôi tách ra sản xuất riêng tại gia đình, buổi đầu, xưởng may chỉ có 7 công nhân, chủ yếu may thuê quần áo nội địa cho các hãng thời trang như: quần đùi, quần soóc nam, để họ phân phối cho các địa phương quanh khu vực miền Bắc”.
Thời gian ông Hoàng khởi nghiệp, gần như chưa có nguồn thu, do phải mua sắm máy móc, thuê nhà xưởng, công nhân. Năm 2019, ông thành lập Công ty TNHH May thời trang Lâm Anh, song lại gặp dịch Covid-19, vì vậy, 20 công nhân phải nghỉ việc do giãn cách xã hội. Từ tháng 10/2021 đến nay mới ổn định và thu lãi cao.
“Hàng tháng Lâm Anh có 30 công nhân (100% là người địa phương), chuyên may quần đùi nam, bình quân 3.000 - 4.000 sản phẩm/tháng. Trước, lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng, nay tăng lên 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc lương tăng từ 15 triệu đồng lên 20 triệu đồng/tháng”, ông Hoàng cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Đại Áng Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “Thực hiện Chương trình XDNTM kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, Đại Áng đã có những giải pháp phù hợp thực tiễn của địa phương. Ví như, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí cao trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 và cả giai đoạn 2022 - 2025.
Đó là, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội từng bước được hiện đại; xã hội ngày càng dân chủ, văn minh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt là hình thức tổ chức sản xuất, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Bảo vệ môi trường sinh thái, hệ thống chính trị được giữ vững, an ninh trật tự được tăng cường”.
Sát cánh cùng người dân
Trưởng phòng Kinh tế Thanh Trì - bà Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết: “Đại Áng cần tiếp tục duy trì, giữ vững 14 tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, và tiêu chí xã thành phường. Phấn đấu đến cuối năm 2022, giữ vững 15/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân trên 66 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ tham gia BHYT trên 95% và xoá hộ nghèo.
Đồng thời, phấn đấu đến cuối năm 2024, hoàn thành tiêu chí cuối cùng (giáo dục); và một số chỉ tiêu phấn đấu kiểu mẫu trong năm 2022 – 2023.
Đến cuối năm 2024, đạt chuẩn tiêu chí giáo dục: Tỷ lệ trường học các cấp, có cấp học cao nhất là THCS, đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1, và có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở.
“Giai đoạn 2022 – 2025, song song với việc tập trung chỉ đạo hoàn thiện nâng cao các tiêu chí NTM, Thanh Trì hiện đang thực hiện đánh giá xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, theo hướng phát triển đô thị; rà soát lại các tiêu chí theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, để tập trung chỉ đạo thực hiện. Phấn đấu đến hết năm 2022, huyện có thêm 2-3 xã hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao”, bà Tuyết Anh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng XDNTM Hà Nội, cho biết: “Đại Áng cần kêu gọi các tổ chức, cá nhân, quan tâm đầu tư, xã hội hóa vườn hoa, sân chơi công cộng, khu thể dục - thể thao. Phấn đấu đến hết năm 2022, hoàn thành 3 tiêu chí NTM kiểu mẫu theo dự kiến. Đôn đốc, hướng dẫn và có kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, để đảm bảo hoạt động linh hoạt, hiệu quả.
Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về những tiêu chí đã đạt được, các tiêu chí còn lại cần phải hoàn thành sớm, và có sự vào cuộc tích cực của toàn dân. Rà soát, lập báo cáo đề xuất UBND huyện, đầu tư các tuyến đường liên xã, liên thôn trên địa bàn. Tham mưu về tăng thu nhập, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững. Tăng cường các hoạt động trên trang thông tin điện tử của xã, để kịp thời đưa tin, bài, hình ảnh các hoạt động XDNTM của Đại Áng, để người dân biết và tích cực tham gia”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.