Những năm gần đây, người dân trên địa bàn xã Ea K’Pam, huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng năng suất và thu nhập. Trong đó, việc áp dụng mô hình trồng cây cà phê xen canh với các loại cây ăn trái đã giúp nhiều hộ cải thiện đời sống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu (SN 1980, ngụ tại thôn 8, xã Ea K’Pam, huyện Cư M’Gar) có 1,7ha diện tích đất trồng cây cà phê. Qua một thời gian khai thác, chị Thu nhận thấy mỗi năm trừ tất cả các chi phí, lãi từ cây cà phê đem lại không được bao nhiêu; trong khi những năm gần đây, hạn hán kéo dài, nước tưới thiếu nghiêm trọng nên năng suất cà phê ngày càng giảm. Do đó, chị Thu quyết định học hỏi kinh nghiệm của các nhà vườn để tìm mua giống bơ, sầu riêng các loại về trồng xen canh. Chị Thu cho biết: Hiện, gia đình chị trồng hơn 160 cây bơ các loại như bơ Booth, bơ sáp cơm vàng, bơ Cado... và 100 cây sầu riêng Dona. Sau nhiều nỗ lực, chịu khó tìm tòi học hỏi kỹ thuật, chị đã chăm sóc bơ trong vườn phát triển xanh tốt, đến nay, hơn 100 cây bơ cho thu hoạch năm thứ 3. Trung bình mỗi loại bơ bán ra với giá từ 18.000 đồng đến 30.000 đồng/kg.
Chị Thu bên vườn bơ sai trái trồng xen canh
Từ diện tích trồng xen canh 1,7ha, mỗi năm gia đình chị Thu thu trung bình 8 tấn cà phê và gần 300 triệu đồng từ cây ăn trái. Ngoài ra, chị còn có thu thêm1,5 tấn từ 100 gốc tiêu trồng xen ngoài rìa. Chị Thu chia sẻ: “Thế mạnh của cây bơ, sầu riêng là dễ trồng, thích hợp với đất Đắk Lắk trong khi công chăm sóc thì không nhiều. Đặc biệt là so với trồng thuần một loại cây thì trồng xen đem lại hiệu quả gấp nhiều lần nhờ tận dụng được các khoảng đất trống, tạo được nguồn thu trên cùng một đơn vị diện tích. Hơn hết là ngoài các lợi ích trên, việc xen canh còn góp phần tạo bóng mát và giữ độ ẩm cho cây cà phê giúp tiết kiệm được nhiều chi phí”.
“Bên cạnh tạo nguồn thu từ cây ăn trái xen canh, gia đình tôi còn tự ghép giống cây bơ con phân phối trên địa bàn xã và dần tạo được uy tín khi nhiều hộ dân tin tưởng đặt mua giống tại vườn. Việc làm này không chỉ giúp nhiều hộ dân tại địa phương phát triển kinh tế mà còn giảm được tình trạng bà con mua phải các giống cây kém chất lượng. Hơn 3 năm nay, mỗi năm gia đình tôi tự ghép hơn 1.000 cây bơ giống các loại bán với giá 30.000 nghìn đồng/cây,thu về hơn 30 triệu đồng mỗi năm”, chị Thu cho biết thêm.
Cây bơ con giống gia đình chị Thu tự ghép
Theo nhiều nông dân trên địa bàn Đắk Lắk, trồng cây cà phê lâu năm khiến cho đất dễ bị cằn cỗi. Vì thế, việc kết hợp trồng xen, bón các loại phân hữu cơ có tác dụng làm cho đất trở nên tơi xốp, đồng thời giúp cây trồng hấp thụ các chất dinh dưỡng được tốt hơn, tiết kiệm nước tưới và công lao động khi hạn chế được cỏ dại.
Ông Nguyễn Công Định, Phó Chủ tịch xã Ea K’Pam, huyện Cư M’Gar cho hay: “Toàn xã có gần 2.700ha đất nông nghiệp, trong đó cao su 18.000ha cây cà phê 1.700ha , tiêu 50ha và bơ 20ha chủ yếu được trồng xen canh với cà phê. Việc nhiều hộ chuyển đổi cây trồng phù hợp, như mô hình trồng cây ăn trái xen cà phê đã giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định. Qua đó giúp bà con tăng hiệu suất cũng như năng suất trong điều kiện giá cà phê giảm mạnh và biến đổi khí hậu. Đồng thời tạo cơ hội cho bà con học hỏi kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trên địa bàn”.
Quốc Hùng - Thu Sa
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.